Kỳ III
Mọi bi kịch đều không có chỗ cho sự lựa chọn. Trong bi luôn có hài. Lưu Chấn Vân
Khung cửa là mấy thanh gỗ được đóng đinh với nhau. Đoan Đoan lấy chìa khóa trong túi quần, lom khom mở cửa, rồi vào phòng, bật đèn. Thanh Diện Thú Dương Chí nhìn quanh, thấy trong hẻm không một bóng người, mới yên tâm. Gã bước nhanh vào phòng như chớp xẹt. Trương Đoan Đoan chốt cửa lại. Thanh Diện Thú Dương Chí ngó chiếc phòng, độ 7-8 mét vuông. Cạnh tường kê một chiếc giường. Nền nhà lỉnh kỉnh bát đĩa xoong chậu. Trương Đoan Đoan cất tiếng:
- Ông anh muốn bật hay tắt đèn?
Thanh Diện Thú Dương Chí nghĩ giây lát:
- Tắt đèn đi. Như thế an toàn hơn.
Đèn tắt. Hai người bắt đầu cởi quần áo. Lúc trên giường, Thanh Diện Thú Dương Chí mới tin Trương Đoan Đoan đã 23 tuổi thật. Tay, miệng có những tác dụng gì, cô ta biết tuốt. Lúc đầu, Thanh Diện Thú Dương Chí còn chủ động. Nhưng đến khi chính thức nhập cuộc, thì Trương Đoan Đoan lại bắt đầu điều khiển Thanh Diện Thú Dương Chí. Trông cô ta gầy gò, Thanh Diện Thú Dương Chí không dám làm bạo quá. Ngờ đâu, chỉ mới vài hiệp, Thanh Diện Thú Dương Chí đã bị cô Trương Đoan Đoan mảnh khảnh nằm dưới nhào vần như bi. Thanh Diện Thú Dương Chí lúc này mới ngộ ra, câu "trông mặt mà bắt hình dong" là sai bét. Thanh Diện Thú Dương Chí vốn chẳng hứng thú gì. Trong bụng mải nghĩ đến việc khác. Nhưng sau một hồi bị Trương Đoan Đoan mơn trớn, giờ nổi cơn hăng. Đang phê, bỗng "Rầm". Cửa bật mở. "Tách". Đèn trên trần bật sáng. Rầm rập. Ba gã đàn ông lao vào. Mồm miệng phả ra mùi hôi. Trong mùi hôi lại phả ra mùi rượu. Quá bất ngờ. Thanh Diện Thú Dương Chí sợ toát mồ hôi hột. Lúc đầu tưởng công an, nhưng tên nào tên nấy da xù xì, cổ to bè, trông chả giống. Khi định thần, Thanh Diện Thú Dương Chí vội vơ quần áo. Nhưng quần áo của gã, và cả chiếc túi, đã bị một tên ôm gọn trong bụng từ khi nào. Một tên khác chẳng nói chẳng rằng, giáng vào mặt Thanh Diện Thú Dương Chí một cái tát rõ nặng tay:
- Mẹ mày chứ, dám cưỡng bức vợ tao à!
Thanh Diện Thú Dương Chí đang trần như nhộng, không dám giơ tay che mặt, chỉ khư khư che chắn "thằng em" phía dưới:
- Ông anh, ông anh nhầm rồi.
Rồi nhìn sang Trương Đoan Đoan. Trương Đoan Đoan lúc này đã biến thành một người khác. Ả bưng mặt, rưng rức:
- Em đang nấu cơm trong nhà, thì nó lẻn vào, cầm dao bức em.
Rồi chỉ lên bệ cửa sổ. Thì ra, trên bệ cửa sổ có một con dao. Tên thứ ba giằng lấy con dao, chỉ vào mặt Dương Chí:
- Muốn xử theo phép công hay xử kín?
Lúc này, Thanh Diện Thú Dương Chí mới hiểu. Gã đã gặp phải một băng trấn lột. Trương Đoan Đoan chính là con mồi bọn chúng thả bên ngoài. Thanh Diện Thú Dương Chí chỉ vì một chút sơ sểnh đã cắn câu. Đến lúc này, Thanh Diện Thú Dương Chí mới hiểu, "trông mặt mà bắt hình dong" là sai bét. Tên giữ quần áo bắt đầu lục lọi quần áo của Thanh Diện Thú Dương Chí, lấy ra chiếc điện thoại di động và ví, lôi ra tiền và thẻ ngân hàng. Lại vơ chiếc túi du lịch đeo hông lên ngó nghiêng. Dây túi trước đây bị đứt, sau buộc lại. Mở túi, lấy ra một sấp tiền. Rồi một tấm chứng minh thư. Gã xem chứng minh thư và đọc:
- Lưu Nhảy Vọt.
Liền ngước mặt lên hỏi:
- Mày là Lưu Nhảy Vọt?
Thanh Diện Thú Dương Chí biết mình xúi quẩy, chẳng thèm để ý đến gã. Nhưng điều đó chẳng khiến ai bận tâm. Tên cướp cúi thấp đầu xem tấm ảnh trên thẻ chứng minh thư, rồi nhìn kỹ Dương Chí đang trần như nhộng:
- Chả giống.
Lúc này, Thanh Diện Thú Dương Chí mới hiểu. Tai họa bắt đầu từ "Hân Châu thực quán" của lão Cam. Tất cả đều tại cái túi này. Lúc ở "Hân Châu thực quán", Thanh Diện Thú Dương Chí đã mở túi lấy tiền. Và, Trương Đoan Đoan đã nhìn thấy.
Ở công trường, mọi người đều biết, Lưu Nhảy Vọt là một tên trộm. Trộm thường xoáy đồ ngoài đường, hoặc vào nhà khác khoắng đồ. Nhưng Lưu Nhảy Vọt không ra đường, cũng chẳng mò vào nhà dân. Gã ăn trộm ngay tại công trường. Ở công trường, gã cũng chẳng trộm thép cuốn, cáp điện, hay ống dàn giáo, mà trộm của bếp ăn công trường. Lưu Nhảy Vọt là một đầu bếp.
Tiếng là trộm của bếp ăn nhưng không phải "gây án" ở bếp ăn, mà là ở chợ rau. Sáng nào, Lưu Nhảy Vọt cũng dậy sớm đi chợ mua thực phẩm. Ở chợ rau, gã cũng chẳng ăn trộm. Rau hẹ, củ cải, bắp cải, khoai tây, hành tây, thịt... đều ghi giá rõ ràng. Nhưng một công trường có đến hàng trăm con người. Hành tây, khoai tây mua nhiều, tất có thể mặc cả. Nửa cân rẻ được năm xu.
Vài yến, cũng để ra được vài đồng. Chỉ mua cố định một quầy, có sàng lọc hẳn hoi, chứ không đổi liên xoành xoạch. Lại còn thịt. Thịt nạc, thịt ba chỉ, hoặc chỉ mua mỗi loại thịt cổ, giá cả khác biệt. Mọi người bảo, người của cả công trường này cổ ai cũng bạnh ra, chắc do hàng ngày phải ngốn thịt cổ của Lưu Nhảy Vọt. Nhưng trộm mà bị bắt quả tang mới gọi là trộm. Còn trộm như Lưu Nhảy Vọt thì chẳng khi nào bắt được quả tang, nên không thể gọi là trộm. Lúc này, cái làm mọi người tức giận không phải là có trộm, mà là không tài nào bắt được quả tang tên trộm. Cai thầu công trình là Nhiệm Bảo Lương nói:
- Vốn cứ tưởng trộm mà bị bắt quả tang mới gọi là trộm. Ngờ đâu, kẻ không bị bắt quả tang mới gọi là trộm.