Gửi bài:

Kỳ II

Trong lúc chờ món ăn, nhàn rỗi chẳng có việc gì làm, Tháp bèn lấy quyển sổ xuống. Vừa xem, vừa đọc to tên của những người ghi nợ cùng số tiền họ nợ.

Tháp đọc hứng lắm. Lão Cam thấy trong quán còn có những thực khách khác, sợ nếu để chuyện này lan ra ngoài, các con nợ sẽ phật ý, ảnh hưởng đến chuyện làm ăn của mình, bèn giằng lấy quyển sổ ghi nợ từ tay lão Tháp, rồi tiện tay nhét vào trong túi áo jacket. Vốn chỉ là một cái nhét tình cờ. Nhưng sau thành quen. Cứ ghi nợ xong là lão Cam liền đút ngay quyển sổ vào trong túi áo jacket. Nào ngờ, cuốn sổ này lại bị kẻ trộm cuỗm mất. Từng khoản nợ thì vụn vặt, nhưng cộng cả vào, dễ cũng đến hơn nghìn bạc. Thực ra, ai nợ của "Hân Châu thực quán", lão Cam đều nhớ rất rõ. Trong bụng lão cũng có một cuốn sổ nợ. Nhưng sổ nợ bị mất trộm, với dân làm ăn, đây rõ là xúi quẩy. Với lại, không có chứng từ sổ sách làm bằng, con nợ quỵt như bỡn. Thế nên lão Cam muốn tìm lại cuốn sổ nợ. Gã đồng hương Thanh Diện Thú Dương Chí thường đến "Hân Châu thực quán". Nghe giọng điệu nói năng, có vẻ như gã rất thông thuộc bọn người hạng này. Dương Chí rốt cuộc làm nghề gì, lão Cam chưa từng hỏi, bản thân gã cũng chưa từng nói tới. Nhưng dựa vào hành vi cử chỉ thì cũng có thể đoán biết được đại khái. Lão Cam bèn nhờ Dương Chí tìm hộ tên trộm. Lão Cam thủ thỉ:

- Tôi cũng đếch cần cái jacket da. Chỉ cần nó đem trả tôi cuốn sổ, tôi cho nó thêm hai mươi tệ.

Thanh Diện Thú Dương Chí nghe xong, nhổ một bãi nước miếng xuống đất:

- Vừa muốn tôi tìm người, vừa muốn thu tiền cơm của tôi. Chỉ bằng một bữa cơm, tôi cũng có thể nhìn thấu bụng dạ con người đấy.

Lão Cam tay nắm chặt tiền, nhưng miệng giả lả:

- Bác cứ nói thế. Hay, để tôi trả lại tiền bác vậy.

Thanh Diện Thú Dương Chí không thèm để ý đến lão Cam, xách túi đi. Trước khi ra khỏi cửa, gã lấy một tờ giấy ăn trên bàn lau miệng. Bỗng để ý thấy một cô gái gầy gò ngồi ở chiếc bàn cạnh cửa. Trước mặt là bát mì cừu tạp pí lù. Nhưng cô ta không ăn, mà thơ thẫn nhìn người qua lại bên ngoài cửa sổ. Ðèn đường trên phố đã sáng. Người đi lại có phần vội vã. Ra khỏi "Hân Châu thực quán", đi độ nửa chặng xe buýt, Thanh Diện Thú Dương Chí sờ túi lấy thuốc lá, mới ớ ra là đã để quên thuốc ở "Hân Châu thực quán". Muốn quay lại lấy, nhưng thấy chẳng đáng.

Bèn tạt qua quầy thuốc lá bên đường mua một bao, bóc vỏ, rút một điếu, châm lửa, rồi đi tiếp. Cô gái hồi nãy ăn mì trong quán đã bắt kịp Thanh Diện Thú Dương Chí, hỏi:

- Này ông anh, vui vẻ tí không?

Thanh Diện Thú Dương Chí lúc này mới biết, cô gái ăn mì khi nãy là "gà". Ðể ý, thấy cô ta mặt nhỏ xương, độ 17-18 tuổi gì đó. Quan sát một chút, thấy cô gái không giống gà đứng đường.

Gà đứng đường thường nhìn người ta với ánh mắt của mèo nhìn chuột, chẳng coi chuyện này là cái thá gì. Nhưng ánh mắt cô gái nhìn Thanh Diện Thú Dương Chí lại giống như chuột nhìn mèo. Nói câu đó xong, mặt đỏ lựng lên. Không phải vì cô ta là "gà", mà vì cái đỏ lựng ấy. Cũng chẳng phải vì cái đỏ lựng, mà vì cái sự xấu hổ của "gà" – ở vào thời buổi này thì rõ là của hiếm – làm Thanh Diện Thú Dương Chí xao lòng. Vốn chẳng muốn cũng muốn. Thanh Diện Thú Dương Chí gật đầu. Cô gái bèn dẫn gã đến nơi ở của cô ta. Thanh Diện Thú Dương Chí vừa đi vừa hỏi:

- Cô em người ở đâu?

- Cam Túc.

- Làm bao lâu rồi?

Cô gái liếc Thanh Diện Thú Dương Chí, rồi cúi đầu:

- Em nói hôm qua, ông anh cũng chẳng tin. Em đến Bắc Kinh tìm anh trai. Chẳng ngờ, anh ấy đã đổi chỗ. Gọi điện thì anh ấy tắt máy di động. Em làm cái này chẳng vì cái gì, chỉ là để kiếm tiền tàu xe. Ông anh nghĩ sao thì tùy.

Thanh Diện Thú Dương Chí bật cười khùng khục:

- Ðời anh và cô em ấy mà, có khi chỉ gặp nhau lần này thôi. Cô em có làm một năm thì anh đây cũng chẳng thua lỗ gì. Còn nếu hôm qua cô em mới làm thì anh cũng chẳng lời lãi gì.

Hai người đi tiếp. Thanh Diện Thú Dương Chí nói:

- Cô em bao nhiêu tuổi?

Cô gái ngước mặt lên:

- 23.

Thanh Diện Thú Dương Chí khá bất ngờ. Những cô làm nghề này thường nói ít tuổi đi. Cô gái này trông chỉ độ 17-18, nhưng lại bảo 23, rõ người thật thà. Thanh Diện Thú Dương Chí hỏi tiếp:

- Cô em tên gì?

- Em họ Trương. Ông anh cứ gọi em là Trương Ðoan Ðoan.

Thanh Diện Thú Dương Chí biết tỏng "Trương Ðoan Ðoan" là tên giả. Nhưng chỉ cần gióng tên, người ta trả lời, thế là tên thật. Một cái tên, thật hay giả, đếch quan trọng. Mới vài ba câu bắt chuyện mà đã đi qua hai bến xe buýt. Hình như vẫn chưa đến nơi cần tới. Thanh Diện Thú Dương Chí dừng lại:

- Còn bao xa?

Trương Ðoan Ðoan chỉ về phía trước:

- Không xa lắm đâu. Ngay trước thôi.

Hai người lại đi. Nhưng cái "ngay trước" này cũng phải cuốc bộ thêm hơn một chặng xe buýt nữa. Cuối cùng rẽ vào một con hẻm. Con hẻm có phần bẩn thỉu. Ba nhà vệ sinh công cộng nằm sát nhau. Nước trong nhà vệ sinh tràn ra hẻm. Ðèn đường bị hỏng. Phải căng mắt nhìn đường rồi mới dám đặt chân xuống. Ðến kịch con hẻm, rẽ, lại là một con hẻm khác. Thanh Diện Thú Dương Chí liếc nhìn xung quanh: - An toàn không?

- Ðể cho an toàn, em mới đưa ông anh đi xa thế.

Cuối cùng, cũng đến cuối hẻm. Cuối hẻm có một căn nhà. Cửa nhà mở ra hẻm. Vết rạn vôi trên tường chi chít như vân quả dưa Mỹ. Trông biết ngay, bức tường này trước đây không có cửa.

Cửa nhà là sau này cơi tạm. Cánh cửa là một tấm gỗ dán mỏng. Gió thổi nhẹ cũng lung lay.

Ngày đăng: 24/04/2013
Người đăng: Bùi Phương Linh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?