Gửi bài:

Dẫu sao cũng đừng sợ hãi con người

Em mười bảy tuổi, ngoan hiền và trong sáng. Đi học rồi về nhà. Không dùng điện thoại di động. Nhưng bỗng dưng em phải trải qua một tuần ác mộng...

***

Cửa sổ offline ở YM đầy ắp những lời cợt nhả, bạn cùng lớp xầm xì bàn tán, điện thoại nhà reo liên tục lúc mười một giờ rưỡi đêm những giọng đàn ông xin gặp em.

Khóc nức nở, em không biết chuyện gì xảy ra với mình. Ba mẹ em tức điên, định đổi số điện thoại...

Nhờ sự giúp đỡ của ông anh họ, cả nhà phát hiện ai đó đã đưa tên, nick và cả số điện thoại của em lên một diễn đàn với lời mời gọi ỡm ờ. Không dễ khẳng định nhưng em lờ mờ đoán ra, có thể đó là một người xưa đã từng là bạn.

em gái đáng thương

Rồi tất cả trôi qua, nhưng em đã khác. Em không cười nữa, em thu mình lại, sợ gặp gỡ, sợ kết bạn, sợ tổn thương. Em khắc lên bàn học của mình một câu khiến tôi giật mình khi đọc được: "Tôi sợ hãi con người!".

Tôi biết em sợ hãi thật sự, bởi vào tuổi mười bảy, những hiềm khích và sự đố kị không dừng lại ở việc "nghỉ chơi" hay những lời xầm xì "tin-hay-không-tùy-bạn" nữa, mà nó đột nhiên sắc nhọn, làm rỉ máu trái tim, tổn thương danh dự như vậy đó. Em chưa thể chấp nhận nó, em không thể tin... Thất vọng và đầy tổn thương, em tự hỏi: "Mình đã làm gì sai chăng?"

Hãy tin tôi, rằng không ai có cuộc đời tròn trịa đến mức chưa từng bị chơi xấu. Và "bị chơi xấu" không có nghĩa chắc chắn ta đã làm gì sai.

Có một câu nói mà tôi thấy rất lý thú: "Mong đợi cuộc đời đối xử tốt với bạn vì bạn là một người tốt cũng giống như mong rằng con bò đực đang nổi giận sẽ không tấn công bạn chỉ vì bạn là người ăn chay". Ta thức dậy mỗi ngày, bước ra khỏi nhà và đối diện với cả thế gian: người thân quen, kẻ xa lạ, người sẽ trở nên gần gũi, người mà ta vẫn nhớ và người ta đã lãng quên... "người tốt, kẻ xấu và tên vô lại" – như tựa đề một bộ phim cao bồi mà tôi rất thích. Ai dám chắc mình đủ tỉnh táo để phân biệt?

Có lẽ đã đến lúc em nhận ra rằng "người xấu" không chỉ có trên phim. Chưa kể xấu tốt đôi khi còn tuỳ thuộc vào góc nhìn. Và mọi thứ có thể bắt đầu chỉ vì sự khác biệt. Em có bao giờ nhận ra rằng bạn có những điểm khác mình không? Mười bảy tuổi. Có lẽ đã đến lúc em phải quan sát, lắng nghe, suy nghĩ, tìm hiểu về những người sống quanh em. Danh ngôn có câu "con người là một sinh vật viễn thị". Nghĩa là hãy lùi lại thì ta sẽ nhìn rõ hơn và xa hơn. Ta là ai? Bạn là ai? Tìm hiểu về bạn bè không phải là nghi kỵ, hay mất niềm tin. Tìm hiểu về người khác là để nhìn họ bằng con mắt, nói như Lâm Ngữ Đường, là "cận nhân tình" hơn. Để ứng xử với họ không phải như bạn bè (rất chung chung) mà như Phương, như Trâm, như Huy, như Ngọc...Tìm hiểu, để có trách nhiệm với niềm tin của mình.

Mỗi con người có một giá trị, hãy tìm giá trị đó. Mọi con người đều có ưu điểm và khuyết điểm, hãy tìm ra cả hai. Để nhìn nhận đúng thì đừng bị lệ thuộc vào thành kiến, cũng đừng bị che mắt bởi hào quang.

Mười bảy tuổi. Đã đến lúc em hiểu rằng trắng và đen là hai mặt của đời. Sẽ có khi em đứng giữa, nghe một người nói trắng và một người nói đen. Cả hai đều có vẻ thuyết phục. Em sẽ phải là người tự quyết định tin ai, tin cái gì. Không ai giúp em cả, ngoài bản thân mình.

mèo con đáng thương

Cuộc đời chúng ta là hệ quả của những lựa chọn. Tin là việc dễ. Hiểu là việc khó. Hiểu trước khi tin hay tin mà không cần hiểu: đó không phải là trò xúc xắc hay đơn giản là sự đảo lộn trật tự từ ngữ. Đó là điều sẽ tác động mạnh mẽ đến sự thành bại của em trên đường đời: trong sự nghiệp, tình yêu hay quan hệ con người.

Không ai thành công một mình, cũng không ai thất bại một mình. Kể cả ngôi sao sáng nhất mà em nhìn thấy cũng không thể tỏa sáng một cách đơn độc. Việc lựa chọn người đồng hành là yếu tố tiên quyết để thành công, hoặc quyết định rằng thành công sẽ lâu dài hay ngắn ngủi. Nhưng nếu em đã tìm hiểu mà vẫn bị lầm thì sao? Nhất là khi người ta cố tình khoác một chiếc mặt nạ thân thiết?

Có thể có một lúc nào đó trong đời, ta sẽ bị phản bội, bị chơi xấu bởi những người không ưa mình, hoặc bi thảm hơn, bởi những người mình tin yêu: người thân, bạn bè, đồng nghiệp, cộng sự...Voltaire chẳng phải đã từng kêu rằng "Hỡi Thượng-Đế! Hãy canh giữ giùm con những người bạn thân thiết, còn kẻ thù, con đảm đương được!" đó sao?. Chẳng có ai trong chúng ta là chưa từng nhìn lầm ai đó.

Vì vậy hãy tin rằng tôi hiểu được sự thất vọng và nỗi đau đớn của em.

Những vết thương nơi đầu gối suốt thời thơ dại thì dễ lành hơn những đổ vỡ trong trái tim vừa tròn mười bảy tuổi. Dù sao chúng ta cũng không thể ngăn mình lớn lên, và trưởng thành không có nghĩa sẽ ít bị tổn thương hơn, mà chính là biết chấp nhận sự thương tổn. Chấp nhận nó, không phải để gục ngã trong niềm đau mà để vượt qua nó và tiếp tục bước vào cuộc đời rộng lớn một cách an nhiên và chân thành như em từng sống.

Những người làm đau ta, nếu có, theo tôi luôn là thiểu số đối với những người yêu thương ta thật sự. Vì vậy đừng để thiểu số ấy che khuất phần tốt đẹp còn lại của thế giới. Cũng như những vết gai cào chảy máu không thể ngăn ta ngắm cảnh đẹp bên đường trong một chuyến du ngoạn rừng thú vị.

Và thật chẳng xứng đáng nếu chỉ vì một lần bị phản bội mà ta từ chối hết mọi cơ hội được yêu. Nếu em không thể "nhảy múa như không có ai nhìn ngó, yêu như chưa từng bị tổn thương" thì ít nhất, em cũng đừng khép cửa tim mình lại.

Và dẫu sao cũng đừng sợ hãi con người.

Phạm Lữ Ân

Ngày đăng: 30/11/-0001
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Stevejobs nói về cuộc sống
 

Không ai muốn chết cả. Ngay cả những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để được ở đó.

Cái chết là đích đến mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Chưa ai thoát được nó. Nhưng tự cái chết nó là như thế, bởi cái chết đơn giản là phát minh tuyệt vời nhất của 'Sự sống'. Nó là chất xúc tác thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ người già để tạo đường cho lớp trẻ. Bây giờ bạn có thể còn trẻ, nhưng ngày nào đó không lâu, tự bạn sẽ trở thành người già và bị loại bỏ.

Thật tiếc khi phải nói ra điều trớ trêu đó nhưng đó là sự thật".

Steve Jobs - Đại học Stanford, tháng 6 năm 2005

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage