Hạnh phúc nằm ở khúc nào?
Chung quy, hạnh phúc của hai kẻ yêu nhau nằm ở những tháng ngày tán tỉnh, vờn bắt, giận dỗi, bao dung, ghen tuông, tha thứ, chia tay rồi quay lại (1000 lần và lần nào cũng là thật)...chứ không phải ở một buổi lễ long trọng nào cả. Nếu thật sự yêu nhau, thậm chí, có khi chẳng cần đến đám cưới ầm ĩ chứng minh (và thế là tiết kiệm được ối tiền!).
***
Hồi 20 tuổi, bọn tôi kéo nhau đi leo Fan. Hành trang mang theo là vô vàn socola Kit Kat ăn cho đỡ tụt huyết áp, nước khoáng tăng lực, áo mưa, thuốc DEP bôi lên giày để chống vắt, và một tinh thần háo danh cực độ.
Bọn tôi tâm niệm: người háo danh có thể làm được tất cả. Bởi vì sao? Bởi vì chỉ khi nghĩ đến cảnh tượng cả lũ được chụp một cái ảnh theo đúng công thức leo Fan: cầm cờ Việt Nam đứng cạnh phiến đá tam giác khắc số 3.143m giữa trời mây lồng lộng, post lên Facebook câu Like với Comment, lũ thanh niên thành phố không có kinh nghiệm chạy bền và thường xuyên thi trượt 5 lần 7 lượt môn Thể dục này mới có đủ ý chí để không bỏ cuộc trước những đoạn đường lên cao vút xuống mất hút.
Có thể nói, mục đích của cả chuyến leo Fan nằm gọn trong bức ảnh háo danh đó, cùng 10 phút nghỉ ngơi đủ để ngắm nghía trọn cảnh vật từ nóc nhà Đông Dương, và cùng lắm, quay thêm một cái clip cũng thuộc dạng công thức leo Fan, ví dụ như là cả lũ ngồi hát Quốc ca chẳng hạn.
Ấy thế mà, leo đến nơi rồi mới thấy thật ra cảm giác lên đỉnh lại không quá sung sướng. Sau đúng 10 phút nghỉ ngơi, chụp ảnh và quay clip, anh dẫn đoàn ra lệnh tất cả phải leo xuống để kịp ra khỏi rừng trước lúc trời tối. Chưa kể rằng lúc chúng tôi lên đỉnh, trời mây hơi mù, đâm ra ảnh không được long lanh lắm nếu không dùng "sốp", và thú thật bọn tôi cũng chẳng nhìn thấy gì xung quanh.
Lúc đấy, không ai huých ai, nhưng tất cả đều âm thầm hiểu: điều thú vị nhất của chuyến đi không phải nằm ở cái đỉnh này, mà nằm ở chặng đường 2 ngày 1 đêm đã qua.
Bởi vậy tôi cũng không tâm niệm đám cưới là bến đỗ hạnh phúc cuối cùng của một cuộc tình.Nó có thể đáng nhớ bởi vì đó là ngày bạn được mặc một bộ quần áo mà thường ngày bạn không bao giờ mặc, là một dịp hiếm hoi để bạn gặp gỡ tất cả những người có liên quan đến cuộc sống của mình mà không phải delay 5 lần và cancel 3 lần, đó là ngày mà bạn và vị hôn phu của bạn trở thành tâm điểm của vũ trụ, là ngày bạn hả hê nghe tuyên bố người kia bị trói buộc vào cuộc đời mình, là ngày mà bạn chưa bao giờ được nhận nhiều phong bì hơn thế...
Nhưng giả dụ các bạn sống với nhau hạnh phúc thêm 60 năm cuộc đời nữa, cái điều mà hai bạn sẽ kể lại cho con cháu không phải là ngày cưới của mình như thế nào, mà là ngày xưa bố mẹ/ông bà đã cưa nhau ra sao. Chưa kể rằng nếu cuộc hôn nhân không êm đẹp được bao lâu, bạn lại càng không muốn nhớ lại cái ngày ấy.
Chung quy, hạnh phúc của hai kẻ yêu nhau nằm ở những tháng ngày tán tỉnh, vờn bắt, giận dỗi, bao dung, ghen tuông, tha thứ, chia tay rồi quay lại (1000 lần và lần nào cũng là thật)...chứ không phải ở một buổi lễ long trọng nào cả. Nếu thật sự yêu nhau, thậm chí, có khi chẳng cần đến đám cưới ầm ĩ chứng minh (và thế là tiết kiệm được ối tiền!).
Hạnh phúc nằm ở khúc giữa. Đó cũng có thể là lý do khiến Thân Ngọc Tĩnh – Á quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia 2012, người đang được cho là đáng ra đã giành ngôi Vô địch nếu như Ban tổ chức cuộc thi không nhầm lần trong việc ra đề – tỏ ra rất điềm tĩnh và chững chạc khi cho rằng không cần (không nên, không thể) thay đổi kết quả chung cuộc.
Nếu hạnh phúc của người chơi nằm ở giây phút đăng quang, thì dẫu sao giây phút ấy cũng đã qua rồi, có sắp xếp lại cũng không còn nguyên vẹn nữa.
Còn nếu hạnh phúc của người chơi nằm ở hành trình, như Ngọc Tĩnh đã nói: "Hơn cả chiến thắng là em được trải nghiệm, được chứng tỏ bản thân, được kiểm tra kiến thức toàn diện, có được những người bạn mới... và học được cách chấp nhận những thất bại để tiếp tục nỗ lực vươn lên hơn nữa"... thì tất thảy các thí sinh, ai cũng đã có được cho mình một phần thưởng đáng quý hơn cả ngôi vị.
Giống như là đến giờ phút này, tôi vẫn trân trọng khoảnh khắc lũ chúng tôi dùng cả tứ chi để bò lên những đoạn đường vừa dốc vừa bết dính như socola để quên trong túi quần 3 ngày, nhường nhau từng ngụm nước khoáng tăng lực, hết nước khoáng thì đi hớt nước suối bỏ vào chai, trân trọng giây phút được ăn bữa cơm nóng hổi với bắp cải xào và thịt lợn cắp nách mà các anh dân tộc phục vụ giữa cái lán 2.800m thắp đèn dầu tối mù, quờ quạng loạng choạng đứa này gắp vào tay đứa nọ. Tôi vẫn nhớ cái buổi tối cả lũ lục đục mặc 10 áo mùa đông với 2 cái áo mưa, uống một chén rượu rồi chui vào túi ngủ nằm cứng đờ từ 8 giờ tối để có sức hôm sau leo từ 5 giờ sáng, đêm nằm nghe tiếng gió núi quật phàm phạp như sắp sửa bốc tung cả lán, mắt đứa nào đứa nấy mở toang hoác vì lạ giường, lạ gió, lạ tất tần tật... Tôi vẫn nhớ cảm giác nóng lạnh thất thường thay đổi theo từng chặng đường, lúc nóng tưng bừng vì mệt, lúc lạnh toát người vì sương núi, nhớ cả các cậu bạn giai tỏ ra rất galant khi đeo balo hộ tôi, thậm chí ngỏ lời cõng tôi để tôi không trở thành vật cản làm cả đoàn không thể ra khỏi rừng trước khi trời tối...
Tất cả những khoảnh khắc và cảm xúc đó, tôi nhớ rõ hơn nhiều khoảnh khắc và cảm xúc khi tôi bò lên đến đỉnh.
Bởi vì thế, tôi vẫn cho rằng, hạnh phúc không nằm ở đích đến, mà nằm ở hành trình.
(Theo blog)