Gửi bài:

Bỗng nhớ "Tết trẻ con"

Một sáng, tôi tạm quên đi những gì mình muốn quên, ra đầu phố ghé vào quán café quen thuộc, một tờ báo, một tách café nóng, một bản nhạc nhẹ rồi ngắm dòng người đang qua lại . Phố đã chật chội, những hàng tạp hóa đã trưng những chiếc lồng đèn đủ màu sắc, kiểu dáng.

Thời gian thì cứ như vòng tuần hoàn, 1 năm có 12 tháng, có chừng ấy tuần, có chừng ấy ngày và chừng ấy giờ, phút, giây... Khác nhau chỉ ở những con số trong dãy số mà người ta gọi là năm. Thế mà, tôi thì mỗi năm lại khác. Số tuổi tăng lên, xanh cũng rụng dần dần.

Một ngày bắt đầu bằng cái mở mắt mỗi sáng vì tiếng chuông báo thức hay đôi khi là bất chợt do quen giấc. Kết thúc bằng ánh mắt nhắm nghiền, đêm đen dày kịt và mộng mị bắt đầu. Đôi khi những gì mình nghĩ đến trong một ngày lại hiện về trong giấc mơ đêm đêm.

Tôi thường hay có những giấc mơ về thủa nhỏ, những chuyện đã qua rồi. Những chuyện ta không bao giờ nhớ nhưng lại tin chắc rằng nó đã từng xảy ra. Những giấc mơ đó chỉ là các hình ảnh chắp nối, không lời thoại. Như một đoạn phim đang được tua và đến khoảng khắc đó nút pause ấn định cho nó dừng lại.

Như tối qua, giấc ngủ chập chờn những hình ảnh chắp nối, rời rạc xuất hiện. Có hình ảnh lúc tôi trong tà áo dài và đang đi học, hình ảnh ta đang ngồi trên cây me gần bờ ao nhà ngoại, rồi hình ảnh mẹ xuất hiện... rồi hình ảnh Tết Trung Thu đầu tiên của tôi khi còn là một con bé con... Trong mơ vẫn là chiếc lồng đèn ông sao to đùng màu sắc sặc sỡ ấy, vẫn chiếc mặt nạ Tôn Ngộ Không bằng giấy cứng ngộ nghĩnh, vẫn chiếc bánh nướng nhỏ bằng lòng bàn tay của tôi lúc đó... rồi tiếp đến là hình ảnh tôi hiện tại, đang lang thang qua những con đường đầy cây xanh, đi miết, đi miết không tới được cuối con đường...

Tôi vẫn thường nghe mọi người nói về giấc mơ như một điềm báo. Hay thỉnh thoảng mẹ vẫn gọi điện cho tôi với giọng hốt hoảng khi mơ  thấy  những điều không tốt đến cho tôi và gia đình. Việc của tôi chỉ là lắng nghe và trấn an mẹ rằng "Đó chỉ là một giấc mơ thôi, không có chuyện gì đâu mẹ ạ...". Mẹ tôi thường không thỏa mãn với câu trả lời có phần hời hợt của tôi, và mẹ bắt đầu giãi bày những cảm xúc lo lắng, ý nghĩa của giấc mơ đó rồi những vận hạn... Tôi kiên nhẫn lắng nghe và cố nén tiếng thở dài, tôi hiểu vì sao mẹ lo lắng. Nếu khi bằng mẹ, khi có những đứa con  và tôi gặp những mơ như thế về các con của tôi, tôi rồi cũng sẽ như mẹ.

Tạm gác lại chuyện giấc mơ vì thực ra tôi cũng không tin lắm vào thế giới tâm linh. Đối với tôi thì những câu chuyện thú vị đó chỉ đọc để cho biết, đọc để thư giãn và thêm một tí kiến thức vào cái đầu nhỏ bé của mình. Giấc mơ thì vẫn mãi chỉ là giấc mơ...

Buổi sáng đi ngang qua những gian hàng bánh Trung Thu đủ màu sắc thấy vui vui mắt. Lại nhớ đến hồi nhỏ, cái thủa lần đầu tiên thấy cái bánh nướng và chiếc lồng đèn ông sao năm màu rồi hỏi ngoại "Trung Thu là gì?". Thật khó để giải thích cho một đứa con nít biết Trung Thu là gì đúng không? Nếu đơn giản chỉ là nói với đứa con nít đó rằng "Trung Thu là ngày Tết của trẻ con..." như ngoại trả lời tôi thì có lẽ sẽ có hàng chục, hàng trăm những thắc mắc khác phát sinh ra từ cái đầu nhỏ bé tròn tròn , xinh xinh kia! Nào là vì sao có Trung Thu? Sao lại có Chị Hằng, chú Cuội? Chị Hằng, chú Cuội là ai? Sao họ lại ở trên cũng trăng...?

Lúc đó trẻ con sẽ dựa vào những gì nó nghe, nó thấy và nó cảm nhận và tạm đưa ra một khái niệm hết sức trẻ con là: "Trung thu là Tết của trẻ con là vì chỉ có mỗi trẻ con là được tặng quà, mua đèn lồng xanh đỏ, những cái mặt nạ ngộ nghĩnh và được chia phần bánh kẹo...".

Thủa nhỏ ở với ngoại qua mấy mùa Trung Thu, nhưng tôi không cảm nhận được cái không khí Trung Thu rõ rệt. Ngoài việc nhận được 1 cái lồng đèn, 1 cái mặt nạ, 1 cái bánh nướng và vài cái kẹo ra thì tôi không biết thế nào là phá cỗ, thế nào là rước đèn. Ngay cả múa lân, múa sư tử cũng chỉ được xem qua màn hình ti-vi. Tôi chưa một lần đón Trung Thu với những đứa trẻ đồng trang lứa để biết cái không khí xum tụ, rộn rã là như thế nào... Vì hồi nhỏ, lúc mà còn háo hức mong chờ ngày Tết trẻ con ấy, tôi toàn đón tết với nhà ngoại, cậu dì, với những người lớn chỉ xem trung thu như một ngày rằm bình thường. Nhiều khi nghĩ thấy cũng hơi đáng tiếc.

Sau này lớn lên rồi thì sức hút của Trung Thu đối với tôi cũng giảm dần. Cái giảm dần đó thể hiện rõ nét khi sự vui mừng , phấn khởi khi nhìn thấy chiếc lồng đèn xanh đỏ treo trong nhà mà tôi biết chắc là do cậu hay dì mua cho tôi không còn nhiệt. Đôi khi, đến Trung Thu, lúc ngồi quây quần cũng gia đình ngoại bên mâm chè, hộp bánh nướng, một vài gói kẹo nhỏ và gói bánh in tự làm... tôi bất chợt nghĩ "Nếu có ba mẹ, các em ở đây thì tốt quá..."

Nhà chỉ có một mình cậu có di động, nên tôi liên lạc với mẹ chủ yếu qua thư tay. Tôi vẫn thường hỏi thăm các em của mình năm nay Trung Thu có lồng đèn, có mặt nạ, có quần áo mới không? Rồi các em có nhận được nhiều quà bánh không...? Những kiểu quan tâm, so sánh của một bà chị trẻ con là thế. Khi tôi còn nhỏ, ba mẹ tôi rất khó khăn nên tôi cũng tự hiểu là các em tôi sẽ không được đầy đủ như tôi ở với ngoại. Nên không bao giờ tôi khoe những món quà, những đồ chơi cậu dì mua tặng cả.. Nhiều lần, nhận được những thứ đồ chơi ngộ nghĩnh ba mẹ gửi cho, tôi cũng tự hỏi liệu những đứa em tôi có những đồ chơi này không?

Đã lâu lắm rồi, những Tết Trung Thu trôi qua tôi mà không để lại trong tôi bất kỳ ấn tượng nào. Tôi cũng không thích món bánh nướng mà người ta hay gọi là bánh Trung Thu với nhân hột vịt muối, chỉ cần ăn ¼cái thôi là đã ngắc ngư. Tôi nhớ hương vị của những chiếc bánh nướng con con nhân dừa hoặc đậu xanh, những cái bánh chỉ có 500đ 1 cái hồi ấy khiến tôi mê mẩn mà lâu rồi tôi không được ăn lại.

Từ ngày vào Sài Gòn, tôi nhận biết sắp đến Trung Thu qua những gian hàng rực rỡ bánh trái, lồng đèn... qua những cuộc gọi mời chào của nhà phân phối bánh Trung Thu, qua những thông tin trên báo mạng, qua câu chuyện của những đồng nghiệp đã có gia đình...

Tôi, đôi khi còn không chú ý đến thời gian trôi qua trước mặt huống gì là một cái "Tết trẻ con". Cuộc sống như một guồng máy quay cuồng trong tất bật, vội vàng... và người ta vẫn cứ đi về phía trước, bỏ lại sau lưng những chuỗi kỉ niệm vui buồn và bỏ lại sau lưng cái "Tết trẻ con" đầy hạnh phúc, ấm áp ngày nào.

Tịnh Vân

Ngày đăng: 30/08/2012
Người đăng: Quản Phương Thanh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Đêm Tối và ánh sáng
 

Có thể phép màu kỳ diệu nhất trong sức mạnh tinh thần của con người là khả năng biết cười. Tự cười mình, cười nhau và cười trước những tình cảnh mà đôi khi là vô vọng. Tiếng cười làm cuộc sống của chúng ta cân bằng trở lại.

Đêm tối và ánh sáng – Torey Hayden

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage