Gửi bài:

Vẫn chết mỗi ngày

Vậy mà em đã bơi đi. Liệu em có biết rằng không bao giờ em có thể biến thành cá hay không? Em sẽ không thể bơi tới Ixxưc-kun, không thấy được con tàu trắng, và không thể nói với nó: "Chào ngươi, con tàu trắng, tao đây mà!"

***

Đó là một đoạn trong cuốn sách mà tôi rất thích. Tôi đọc cuốn sách ấy từ lâu lắm rồi, hồi tôi còn nhỏ tuổi. Cuốn sách ấy có một lão già bô bô, ta gọi là lão Mômun nhanh nhảu, với một con hươu to lớn quái dạng, ta gọi là Mẹ Hươu Sừng, và một con tàu chỉ nhìn thấy được ở phía xa xa nơi chân trời một cách đầy bất lực, ta gọi là Con Tàu Trắng. À và những con người man rợ nữa. Bọn người man rợ này mới chặt đầu con mẹ Hươu Sừng làm thịt ăn, cười hô hố, gào thét, uống rượu say bí tỉ. Còn thằng bé kia thì đau đớn, kinh hãi, tuyệt vọng, phát rồ phát dại, bước ra sông, nhảy tõm xuống, rồi bơi ra biển, ta gọi là chết trôi.

Nhưng tôi không định bàn dông dài về cái chuyện tình rau muống biển đậm chất Nga Xô ấy. Tôi chỉ là một sự liên hệ về những sự kiện gần đây thôi. Rồi nghĩ rằng ồ nếu mà ta viết lại cuốn Con Tàu Trắng ấy thì ta sẽ viết thế nào cho nó hợp thời.

Thế là em cũng ra đi. Người ta nói em tự sát...

van-chet-moi-ngay 

Nhưng nghĩ cũng lạ, chừng ấy tuổi mà đã biết thắt một sợi dây đúng cách để treo cổ rồi. Cái thời đại chúng ta đang sống đây, cái thời đại mà mọi và người vẫn hay bô bô là hạnh phúc nhất nhì thế giới này, nói về cái chết và tìm đến cái chết sao mà dễ dàng quá thế? Một đứa bé biết uống một lần mười mấy viên thuốc ngủ. Một đứa bé nhảy từ trên sân thượng. Hồi nhỏ tôi làm quái gì biết những thức ấy, tôi mặc quần mà còn quên kéo phẹc mơ tuya hoài hoài, thế còn bữa nào nhớ kéo thì kẹp ngay vào chim và gân cổ chửi thằng cha thợ may không tận tụy với nghề bên Phú Đa. Một đứa bé biết rạch tay... Tôi nhớ lần đầu tiên nghe nói có người bị đánh chết trong trụ sở công an phường, tôi và bạn bè tôi, chúng tôi đã ngơ ngác và căm giận như thế nào. Tôi nhớ lần đầu tiên đọc tin ông lão làm đắm đò, chết mười tám học sinh, bạn tôi đã khóc như thế nào. Nhưng rồi lại thêm một người chết, lại thêm một con đò đắm, một người nữa chết, một chiếc du thuyền đắm, một người nữa lại chết, cái dân tộc ngàn năm ngái ngủ của chúng ta chết nhiều hơn mức cần thiết, nhiều tới mức khiến cho cái chết trở nên một thứ gì đó rất bình thường. Đắm đò thì ăn thua gì, khi bây giờ đến cây cầu treo chuyên dùng để đưa ma cũng đòi sập, và người ta phải chui vào bao bố để qua sông? Cái chết có là gì, khi ngay đến cái sống cũng đã trở thành một sự rất vô lí? Một con người chết đi bây giờ cùng lắm cũng chỉ trở thành chủ đề bàn tán bên li cà phê được một chút, rồi thôi. Chú bé mười hai tuổi biết treo cổ của tôi, nếu có li cà phê ngon ngon thì người ta sẽ nhắc đến em một chút rồi thôi. Em đâu phải ca sĩ hát hay đến nỗi phát chứng tắc ống đái, cũng chẳng phải diễn viên đóng hay đến độ ung thư dái. Em đâu có một thời oai hùng để ria mép đóng phim đánh bạc và đến cuối đời nợ đầm đìa các khoản, ngồi ngoác mõm chửi con cháu vô ơn. Em không đi vòng quanh thế giới với bảy trăm đô và một cái ống đồng đúng thiệt là đồng. Em chưa có râu quai nón, hậu quả nhãn tiền là em kém đẹp trai. Xã hội không lên cơn nứng vì em. Nái xề không lên cơn nứng vì em. Em không phải giải phẫu cho cái mặt giống Lý Hùng, nhưng em cũng chẳng giúp tiệm sex toy Núi Lửa trước nhà tăng doanh số được bịch nào. Em chỉ là một người bình thường như bao nhiêu người khác. Chẳng ai buồn để tâm đến thời khắc em vùng vẫy ọ ọ dưới đầu sợi dây, hay lúc em đau đớn co giật trên giường, hay lúc em loi ngoi ục ục giữa dòng nước, hay lúc đầu em đập mạnh xuống nền đá, vỡ tóe ra bao nhiêu là óc và máu. Có chăng chẳng qua chỉ là một ý nghĩ vu vơ, rằng đúng lúc ấy không biết nó có tiếc nuối gì cuộc sống hay không nhỉ, người chết có linh hồn không nhỉ, bác ơi sống khôn thác thiêng hãy độ trì cho xã hội đi lên bác nhỉ. Tại vì chẳng ai biết trước khi chết người ta nghĩ gì, muốn nghe câu hò Nghệ Tĩnh hay câu hát khựa, nên chi việc ấy kể ra cũng đáng để cho báo Quân Đội Nhân Dân tò mò.

Có lần tôi nói rằng dân tộc ta là một thứ dân tộc mọi rợ. Bạn tôi, một người yêu nước có lí tưởng, không chịu, bảo như thế là vơ đũa cả nắm, độc đoán, là nâng cao quan điểm, và đủ thứ là hầm bà lằng khác. À vâng thì tất nhiên, không phải ai cũng mọi rợ. Bạn không mọi rợ, cha mẹ tôi không mọi rợ, chẳng có lí nào cả một dân tộc lại mọi rợ được. Mệnh đề sai logic từ mức độ căn bản. Đúng rồi, thưa bạn, có ai muốn nhận mình mọi rợ đâu? Nhưng mà, một dân tộc để một đứa bé chết tức tưởi chỉ vì bị nghi lấy cắp mấy triệu đồng, chẳng phải là một dân tộc mọi rợ sao? Một dân tộc có bao nhiêu trẻ sơ sinh chết oan uổng không biết vì lẽ gì, rồi một mụ đàn bà mặt mày ác nghiệt có cái nốt ruồi bên mép lên báo lên đài nói những điều phủi tay ghê tởm, nghe mà chỉ muốn mọc thêm một cái chân nữa để có thể vừa đá giò lái vừa song phi, chẳng phải là một dân tộc mọi rợ sao? Một dân tộc giấu giếm bao nhiêu là sự thật và hèn nhát không dám nói lên sự thật, để những người trẻ tuổi hết lớp này đến lớp khác trở thành đần độn, dốt nát, bị lừa dối, bị tẩy não, bị đầu độc, bị xỏ mũi dắt đi như một thứ trâu bò, trở thành bàng quan, ích kỉ, tàn ác, lại chẳng phải là một dân tộc mọi rợ ư? Bạn còn muốn mọi rợ như thế nào nữa? Tôi đọc báo, thấy bảo có một cô giáo tự sát ở Trà Vinh – người ta nói cô đốt ngón tay học trò, cô không biết làm thế nào để kêu oan, nên cô viết lá thư nói rằng "Cô yêu các em" rồi uống thuốc trừ sâu mà chết. Báo cũng nói có một vụ nổ ở Phú Thọ, nổ pháo hoa rợp trời – tức là cùng thứ pháo mà con rùa ghẻ vẫn thường ngoi lên vừa ăn xác mèo chết vừa vỗ tay mừng ngàn năm Thăng Long – người ta kinh hoảng quá, không biết nấp vào đâu cho phải phép, nên hai mươi mấy người chết. Lại có cả một đám tang, bà con họ hàng đang hăng hái đưa tang thì nghe tiếng nổ, quáng quàng bỏ chạy hết, vứt chiếc quan tài của người xấu số nằm chỏng chơ. Thế là quan tài thế hệ mới, quan tài nằm trên đất, lộ thiên, chứ không phải nằm dưới. Như lời bài hát Ngụ ngôn mùa đông từ mấy mươi năm về trước, khi còn chiến tranh ấy. Mà không, ngay cả trong chiến tranh hình như người ta cũng chết ít hơn bây giờ. Thế mà có ông bộ trưởng lên nói rằng chỉ cần cho ổng quyền tư lệnh. Một ông giọng vừa trầm vừa hùng nguyện rằng cả dân tộc sẽ noi gương đồng chí, vừa nói ổng vừa vuốt mái tóc bạc láng mướt như sợi cước. Ông nữa rằng nhờ huấn luyện tốt nên mới được như thế, rằng trận đánh trong đồn năm uýnh một dập cả vỏ não ấy đẹp tới mức có thể đưa vào sách giáo khoa. Bạn còn muốn mọi rợ như thế nào nữa?

Thì đây:

Người chết ở đây

Hai mươi sáu tuổi

Bị bắn

Đạn xuyên qua đầu

Họ và tên: Phan Văn Tế

Lý do: ăn cắp bỏ chạy

Kêu không đứng lại.

Mấy chục năm trước Trần Vàng Sao đã viết vậy. Mấy chục năm sau, họ vẫn còn đốt người vì tội ăn trộm chó. Tôi đã thấy hình chụp xác người chết cháy đen thui, co quắp, xung quanh là cả một làng đứng lao nhao, dưới bức ảnh cũng là một lũ lao nhao bảo "Đáng kiếp! Tệ hơn chó! Chết không ai tiếc! Thà tao ăn cứt chó! Thôi về ăn thịt chó!" Sự ngu xuẩn và dã man còn tệ hại hơn cảnh dân Trung Quốc chen chúc nhau xem một người Trung Quốc bị quân Nhật chặt đầu thị uy. Cả một làng giết người, mà không ai có tội, và không ai luận tội. Lỗ Tấn có sống dậy nhìn xuống đất An Nam chắc cũng bò ra cười mà rằng tao tưởng dân tao là vừa hèn vừa ác vừa ngu đệ nhất rồi.

Đây:

Nguyễn Thị Lùn

34 tuổi

Lê Văn E 13 tuổi

Lê Thị Muốn 10 tuổi

Lê Văn Thuộc 6 tuổi

Lê Thị Lý 2 tuổi

Uống thuốc tự tử ở trong bếp

Bên cạnh có mấy củ khoai cả hà còn nóng để trong cái rá không có vành

Trong giấy để lại có viết

Cực quá sống không nổi

Mẹ con tôi phải chết.

Thì hôm trước có ba mẹ con nhà kia buộc tay nhau nhảy xuống hồ Phú Ninh mà chết. Hôm trước nữa cũng có ba mẹ con nhà nọ tự quấn chăn, tẩm xăng đốt mà chết. Cực quá sống không nổi. Báo chí nói: "Đời sống khó khăn" và dẫn chứng bằng một con mụ cởi truồng bên con ngựa, đồng thời chú thích: "Ngựa ở bên tay trái các bạn," giống như thần Kim Quy bảo "Giặc ở sau mông ông thì có." Đời sống quả là khó khăn. Bạn nhớ chứ, năm trước ông Bộ trưởng bộ Tài chính phát biểu rằng "Vợ tôi đi chợ về cũng kêu lắm" và trên trang Lá Cải tôi có bình rằng "Vợ em cũng thế anh ạ! Thật là mệt mỏi với mấy mụ vợ! Cho nên ta nói, chuyện quốc gia đại sự mà dính tới vợ con là không xong rồi..." Thế và vợ ổng kêu gì đến giờ tôi vẫn chưa rõ, mà cũng chẳng biết đã ngừng kêu chưa, nhưng e rằng bả không kêu như một người sắp chết đâu. Những người như ổng với bà vợ ổng sống dai vô cùng, và sung sướng vô cùng bạn ơi. Chỉ có dân đen như bố của chúng ta là bị ung thư tử cung, hoặc được tiêm vắc xin co bóp tử cung cho đến chết mà thôi.

Thật ra thì ở khúc cuối Con Tàu Trắng, trong cơn manh động sùi bọt mép Aitmatov có đế thêm rằng: Giờ đây tôi chỉ có thể nói một điều: Em đã gạt bỏ cái mà tâm hồn trẻ thơ của em không chịu chấp nhận. Đấy là niềm an ủi của tôi. Em đã sống như một tia chớp, loé lên một lần rồi tắt lịm. Nhưng những tia chớp do bầu trời làm toé ra. Mà bầu trời thì vĩnh cửu. Đó cũng là niềm an ủi của tôi. Nghe mới ngầu làm sao. Bầu trời vĩnh cửu, thật an ủi làm sao. Tiếc là tôi chẳng có được niềm an ủi ấy. Quê tôi lại vừa có bão. Họ lại vừa xả lũ, lần này đúng quy trình, nên chi cuốn trôi nhiều trâu bò, nhà cửa, ruộng vườn. Chính quyền nhân dịp bão lụt, tăng ngay cước 3G, đồng thời tung quân ra diễu tập chống biểu tình, quân ấy mặc đồ đen thui, thét ái ố nhăng cuội, và diệu võ giương oai ném khí cụ lung tung beng. Cùng lúc đó tôi nhận được tin nhắn rằng ở đây, tức là ở Việt Nam, người ta vẫn chết mỗi ngày. Ở đây người vẫn chết mỗi ngày. Thế thì tôi lấy đếch đâu ra cái niềm an ủi cao siêu ấy.

Phan An

Ngày đăng: 20/03/2015
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
cảm ơn người thứ ba
 

Cảm ơn người thứ ba trong cuộc tình của hai chúng ta, để anh và em hiểu được rằng đã không còn khái niệm duy nhất trong nhau, đã không còn tin nhắn cuối cùng vỗ về riêng giấc ngủ hay nỗi nhớ chỉ dành cho một nơi chốn đi về quen thuộc

Đôi lúc phải cảm ơn người thứ 3 - Anh Khang

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage