Tại sao người Việt mãi nghèo?
"Trong sâu thẳm tâm thức (tài chính) của người Việt, trài qua nhiều thế kỷ của lịch sử dân tộc với chủ yếu là chiến tranh và loạn lạc, người Việt chúng ta căm ghét đồng tiền và tài sản, căm ghét và coi khinh người giàu và càng không biết cách làm giàu và không hề biết tích tụ tài sản."
- Phan Châu Thành -
***
Mỗi dân tộc, mỗi đất nước thường đều có những cá nhân, những dòng tộc giàu có nổi tiếng nhiều đời, truyền qua nhiều thế hệ, nhiều thế kỷ, của họ. Dân tộc Việt ta không thế. So với các nước và dân tộc khác trên thế giới (có lẽ trừ một số ở Châu Phi thôi), đất nước ta không chỉ luôn nghèo khó hơn mà còn luôn luôn không có những cá nhân, những dòng tộc giàu có và nổi tiếng truyền đời như thế - không một ai và không một dòng họ, suốt chiều dài hơn hai nghìn năm hay hơn bốn nghìn năm lịch sử!? Kể cả những dòng họ hoàng tộc Việt cũng không phải những dòng họ giàu có...
Tôi đã luôn đặt ra cho mình câu hỏi trên đầu bài đó và đi tìm câu trả lời cho nó hàng chục năm nay trong văn hóa, lịch sử dân tộc Việt. Và tôi biết sẽ có rất nhiều nguyên nhân như trăm ngàn mảnh của bức tranh ghép hình phức tạp, nên có thể sẽ mất rất nhiều thời gian, và có thể đến cuối đời tôi vẫn không tìm ra câu trả lời thỏa mãn cho mình.
Thế nhưng hôm nay, sau những cuộc gặp gỡ và nói chuyện với gia đình, bạn bè, học trò... đột nhiên những mảnh ghép chính của câu trả lời dường như đã bắt đầu hé lộ với tôi.
Câu trả lời đó là, từ trong văn hóa xã hội và trong sâu thẳm tâm thức (tài chính) của người Việt, trài qua nhiều thế kỷ của lịch sử dân tộc với chủ yếu là chiến tranh và loạn lạc, người Việt chúng ta căm ghét đồng tiền và tài sản, căm ghét và coi khinh người giàu và càng không biết cách làm giàu và không hề biết tích tụ tài sản.
Các bạn sẽ nói: Nói như thế ai cũng nói được, nhưng kết luận như thế cho cả một dân tộc thì chứng minh sao đây? Câu trả lời của tôi trên (những mảnh ghép chính đầu tiên của bức tranh) gồm hai phần: Bối cảnh, là một lịch sử cộng đồng Việt thăng trầm hàng nghìn năm với đặc thù chủ yếu là chiến tranh loạn lạc và kẻ ngoại xâm luôn đến từ phường Bắc, trừ khoảng một thế kỷ gần đây kẻ ngoại xâm đến từ phương Tây và dân ta cũng không coi là thù địch nữa; và Nội dung, là tâm thức ghét người giàu và không biết làm giàu của người Việt hôm nay.
Trước khi đi vào những cố gắng chứng minh cho kết luận trên, chúng ta hãy cùng xem xét một vài câu chuyện thực làm ví dụ cụ thể.
Câu chuyện thứ nhất. Một anh bạn tôi là con trưởng một dòng họ lớn ở Hà Tây nay "tự nhiên" đã thành Hà Nội. Các cụ nhà anh có một gia sản kha khá là bất động sản (nhà cửa rộng dài trong làng đã lên phố và ruộng đất thì lên "dự án"...) mà theo thời giá là hàng vài chục tỷ đồng, nay đến lúc gần lâm chung mới chịu đem chia cho các con thì người út nói cụ đã để lại (bằng miệng) hết cho mình rồi. Anh bạn tôi là cán bộ đã về hưu, không phải dạng tư bản đỏ nhưng cũng giàu có và có hai con đều đi học nước ngoài rồi, nên anh tuyên bố "không quan tâm", và "các cụ chia sao chấp nhận vậy". Nhưng các cụ không biết gì nữa rồi, nên đành chấp nhận mọi điều ông em út tài hèn đức mọn nhất nhà nhưng lại giỏi phá và vì thế phải ở lại quê với các cụ, nói sao nghe vậy. Tưởng chuyện chia chác tài sản dòng họ anh thế là xong, mấy chục tỷ đồng gia truyền mấy đời về tay ông em út với đám con cũng ít học và nghiện hút, chỉ giỏi phá như cha. Nhưng bất ngờ xuất hiện từ phía cậu con trai út của anh, nó mới tốt nghiệp thạc sĩ bên Mỹ về và đột nhiên đứng ra tuyên bố: "Nếu bố không nhận quyền lợi của bố thì đó không có nghĩa là con không đòi quyền lợi của con. Vậy bố hãy dẹp sĩ diện, đứng sang bên, ủy quyền cho con đòi quyền lợi chính đáng của bố và là cả của chị em con."
"Và thằng bé đã đòi được gần một phần tư tài sản dòng họ thuộc về quyền thừa kế của tôi, con trưởng, mà mình sĩ diện không "thèm" đòi, coi phận làm con là không bao giờ được đòi hỏi và tính đến tài sản của bố mẹ..." Anh bạn hồ hởi kết luận: "Với tài sản đó sẽ bán đi được hơn chục tỷ, gia đình tôi và gia đình hai cháu có chút vốn xoay sở rồi. Nếu cứ để theo ý tôi thì chúng tôi chả có gì, mà đám em tôi và các con chúng nó cũng sẽ nhanh chóng phá nát hết những gì các cụ để lại thôi, vì chúng nó có biết làm gì đâu, chỉ biết bám vào nhà nước và người khác..."
Câu chuyện thứ hai. Một cô bạn tôi, một dịch giả, một chuyên gia NLP, một trí thức khá uyên thâm, một người rất đàng hoàng, học nước ngoài về, hai vợ chồng đều làm nhà nước nuôi một con ăn học đầy đủ từ hai đồng lương, và tài sản hiện có là căn hộ chung cư cũ của cha mẹ cho trị giá khoảng 1 tỷ đồng ngay trung tâm thành phố. (Căn hộ cũ ở trung tâm Sài Gòn tôi cũng từng có và ở nên biết rõ: nó sẽ rất xập xệ và chật chội, chả thoái mái gì ngoài việc ở trung tâm). Nhưng cha mẹ cô khá giàu và có một căn nhà lớn hai mặt tiền cao tầng cũng trong trung tâm, trị giá lúc cao là ba bốn chục tỷ. Các cụ ở một tầng, hai câu con trai cuối (em bạn tôi), làm nhà nước (tức không biết kinh doanh gì) ở hai tầng với hai cô vợ không chịu làm gì, còn tầng trệt cho thuê kinh doanh được 1,5-2,0 nghìn đôla một tháng (khoảng 30-40 tr.đồng/tháng) từ nhiều năm nay. Từ hàng chục năm nay các cụ đã cho ở và phải nuôi ăn cả hai gia đình của hai cậu con trai út đó từ tiền cho thuê nhà và lương hưu của mình (hai cụ đều là cán bộ hưu trí), nhưng vấn đề nảy sinh gần đây khi hai cô con dâu út đòi ông bà làm giấy chia ba ngôi nhà và để họ tự kinh doanh hai phần ba "của họ", còn phần kia cho các cụ ở và giữ cho anh cả (đã rất giàu có nên không quan tâm). Theo các cụ và hai con dâu thì bạn tôi tuy là con gái thứ hai duy nhất nhưng là "nữ nhi ngoại tộc" nên sẽ không được chia chác gì nữa (ngoài căn hộ 1 tỷ đồng đã cho từ lâu).
Cô bạn tôi và chồng cô nói là cha mẹ cho gì thì nhận, sẽ không xin hay đòi hỏi gì, coi như bên ngoài đã thể hiện chấp nhận quyết định chia ba ngôi nhà lớn của ông bà. Nhưng ông bà còn khỏe nên chưa chịu làm giấy tờ sang nhượng cho các con nên bị hai con dâu và con trai hành tội khốn khổ. Hai vợ chồng cô bạn chỉ kể chuyện nhà mà không dám hỏi lời khuyên của tôi, vì không muốn tỏ ra mình còn ấm ức vì là "nữ nhi ngoại tộc" và muốn giữ đạo đức con ngoan là không bao giờ đòi hỏi gì, giống anh bạn tôi ở ví dụ trên.
Biết cái sĩ của các bạn mình, tôi chủ động đưa ra lời khuyên như sau: Theo Luật thừa kế thì một phần tư ngôi nhà đó, tức khoảng 5-10 tỷ đồng là của các bạn, không có khái niệm "nữ nhi ngoại tộc" ở đây, và nếu các bạn từ chối thì nó thuộc quyền thừa kế của con gái các bạn. Vậy nên trước khi chấp nhận giải pháp của các cụ và hai cô em dâu, các bạn nên hỏi con gái mình vì cháu cũng đã đi làm và sắp có gia đình rồi, cháu sẽ cần tiền mua nhà ra ở riêng, sẽ không muốn ở chung mãi trong căn chung cư 1 tỷ của các bạn nữa? Các bạn phải tự cân nhắc việc tôn trọng quyết định (sai luật thừa kế) của ông bà và được tiếng là "con người đoàng hoàng" không bao giờ đòi hỏi gì bố mẹ, với việc lên tiếng đòi phần chính đáng của mình theo luật pháp và bị mang tiếng là con hư, tham lam nhưng có thêm 5 căn hộ như các bạn đang có cho mình và cho con gái và các cháu ngoại tương lai? Các bạn phải tự quyết định chuyện đó và phải can thiệp vào chuyện đó trước khi quá muộn... nếu muốn thay đổi nó.
Câu chuyện thứ ba. Một cậu học trò của tôi, khoảng 24 tuổi, khá là ngoan, rất dẻo mồm, một mình xa nhà lêu têu ở Sài Gòn nhiều năm nay chưa học xong đại học. Cậu làm quen với một phụ nữ (sau biết là rất giàu có) trong công viên, và sau một thời gian cậu được bà nhận là con nuôi cho về ở chung căn nhà rộng nhiều phòng mà bà (khoảng gần 60) ở một mình. Cậu gọi bà là mẹ. Cậu kể quan hệ hai mẹ con rất trong sáng vì bà giận con cháu mình nên ở một mình. Bà cho nhiều tiền để cậu chơi chứng khoán, niềm đam mê của cậu, và hứa sẽ để lại tài sản cho cậu, chứ không phải các con cháu mình, đổi lại việc cậu ở đó và chăm sóc bà, nói chuyện với bà... Cuối năm ngoái, dường như bà đã thực hiện lời hứa để lại tài sản cho cậu con nuôi, vì cậu nói cậu đã được bà cho đứng tên rất nhiều tài sản. Đầu năm nay, cậu hỏi tôi làm sao rút khỏi cuộc sống bên cạnh bà để được tập trung chơi chứng khoán? Cậu gọi tôi là thầy vì tôi dạy cậu về tâm thức kinh doanh, nhưng thực sự tôi không biết cậu chơi chứng khoán có thành công không vì tôi không dạy cậu chơi chứng khoán. Tôi cũng không dạy cậu cách sống. Tôi chỉ biết cậu đang có một khối tài sản nhiều tỷ của bà già giận con cháu 60 tuổi kia để cậu chơi chứng khoán và tôi thấy cậu sẽ không có khả năng bảo vệ và phát triển số tài sản đó.
Câu chuyện thứ tư – chuyện gia đình tôi. Chúng tôi có sáu chị em, tất cả đều được cho ăn học hết đại học và phải tự lập nghiệp hoàn toàn dù cha mẹ là cán bộ có chút chức quyền và quan hệ. Nhưng chỉ có ba người lập nghiệp vững vàng và trở thành doanh nhân từ hai bàn tay trắng và sau rất nhiều chìm nổi, còn ba người "ổn định với nhà nước" thì vẫn phải nhờ vào hỗ trợ của gia đình – và chính xác là từ những anh chị em khác. Buồn cười là trong con mắt mẹ tôi, ba người khó khăn đó là ngoan nhất và luôn đáng thương và bà làm mọi thứ để san sẻ cho họ, khiến họ luôn ỉ lại sự cưu mang "bao cấp" đó. Mọi chuyện của họ bà bắt chúng tôi phải lo thay hết, từ mua nhà đến sắm đồ, đến cưới xin cho các cháu, đến gánh vác các chi tiêu lớn trong gia đình thay họ, trả tiền học đại học cho các con họ... vì chúng tôi có thu nhập cao, ổn định nhờ kinh doanh. Tôi gọi bà là Robin Hood vì luôn "điều tiết tài sản" giữa chúng tôi, "lấy của người giàu chia cho người nghèo", nhưng khiến những người nghèo càng ỉ lại và lười nhác hơn. Chúng tôi muốn giúp họ – các chị em mình, kinh doanh thì họ không muốn học, họ coi thường việc kinh doanh, họ chỉ muốn bám nhà nước và họ chỉ muốn nhận sự hỗ trợ lớn và vô điều kiện của chúng tôi bằng tiền, tốt nhất qua van điều tiết tên là Robin Hood. Chúng tôi đành phải chuyển sang giúp con cháu họ kinh doanh, cũng thất bại. Con cháu họ, là cháu chúng tôi, cũng như họ – không chịu học kinh doanh mà muốn tự kinh doanh ngay để giàu ngay, và luôn thất bại, rồi lại quay về đi làm thuê.
Một ngày đẹp trời mẹ tôi quyết định mang theo cô giúp việc của bà về ở với tôi, con trưởng – chuyện bình thường, vì ba tôi mất lâu rồi. Căn nhà tôi mua cho bà ở, bà tuyên bố cho cậu út, đứa ở với bà nhiều nhất và cũng là kẻ không làm ra đồng nào nhưng coi tiền như rác, hỗn nhất nhà. Với tôi và hai em làm kinh doanh thì ok, nhưng còn hai người kia lại không ok dù họ vẫn im lặng. Thế là căn nhà mấy tỷ đồng để hoang vì cậu út còn mải lêu têu và chỉ giỏi phá, sẽ phá sau. Lẽ ra chia ba thì bà chị và cậu em khác của tôi sẽ có thêm mỗi người trên 1 tỷ để xoay sở. Khi viết bài này tôi mới có quyết tâm sẽ đứng ra can thiệp quyết định của mẹ mình để dành lại phần cho hai người chị và em đang ấm ức kia – họ đang khổ vì cố phải làm con ngoan. Tôi sẽ làm thế.
Có thể thấy rất nhiều, vô số, những ví dụ như thế xung quanh bạn và trên báo chí, phim ảnh...
Từ tất cả các ví dụ đó chúng ta có thể rút ra mấy điểm chung về các xử lý tài sản và tiền bạc trong gia đình Việt như sau:
Là thế hệ trên, người Việt chúng ta thường:
- Làm Robin Hood, "lấy của đứa giàu chia cho đứa nghèo, bênh và ưu tiên đứa nghèo" (thường là những kẻ kém cỏi hơn, lười nhác hơn, và có thể gian và tham hơn...), khuyến khích cái nghèo cái xấu;
- Nếu có tài sản để lại, không chia đều chó các con cháu, mà chỉ chia cho những người ở gần mình nhiều hơn, những người khó khăn hơn, cũng lại là khuyến khích cái nghèo cái xấu;
- Nếu có tài sản để lại, thường để đến phút lâm chung mới chia, thường không còn tỉnh tảo và kiểm soát được việc chia tài sản đó nữa, biến việc chia tài sản vốn là niềm hạnh phúc của dòng họ hay gia đình thành những cuộc chiến gia đình nhiều khi dai dẳng nhiều năm nhiều thế hệ, và kẻ thắng thường là kẻ không xứng đáng về đạo đức và tài năng.
- Kinh thánh có câu: "God gives the one they have" tức là "Chúa cho những người có", tức là Chúa chỉ cho của cải cho những người đã có của cải, không phải người không có, không phải người nghèo, vì chỉ những người có của mới xứng đáng được có của và mới biết bảo vệ và làm sinh sôi của cải. Người Việt ta lại chỉ biết cho người nghèo và không cho người giàu, ghét và giết chết người giàu.
- Người nghèo trong tình huống chia tài sản trong các gia đình thường gian và tham hơn, không khảng khái "không quan tâm" như anh chị em họ là người giàu, như câu chuyện thứ nhất và thứ hai trên là ví dụ.
Điều nguy hiểm nhất là khi những cách xử lý trên thấm sâu vào văn hóa, phong cách sống Việt, thì nó làm người Việt tự triệt tiêu cơ hội tích tụ tài sản qua nhiều thế hệ và truyền tài sản đó cho thế hệ sau vào tay những người biết cách bảo vệ và nhân chúng lên...
Hành xử từ phía các thế hệ sau:
- Người Việt sĩ diện khi nói đến tài sản, luôn nói "Tôi không cần" dù rất cần và rất muốn, nhất là để thể hiện sự tuân thủ các bậc sinh thành hay chứng tổ mình là người đức hạnh...
- Người Việt không hiểu pháp luật và không biết các quyền của mình, từ quyền con người, quyền dân chủ đến các quyền tài sản.
- Người Việt thường xử lý các vấn đề tài sản theo cảm xúc chứ không theo ký trí (hai ví dụ sau trên), làm tài sản tích tụ được rồi lại bị dễ dàng triệt tiêu, hủy hoại trong tay những người kém cỏi...
- Thay vì tích tụ tài sản, người Việt lại có câu: "Không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời", tức là có tích tụ tài sản thì cũng chỉ được không quá ba đời thôi! Câu trên, thực ra người Việt dùng để khích lệ mình làm giàu: Không ai khó ba đời – cố chịu nghèo khó ba đời thôi, rồi sẽ giàu... nhưng tác dụng lại là ngược lại.
Quay lại với câu kết luận ngay đầu bài của tôi: trải qua nhiều thế kỷ của lịch sử dân tộc với chủ yếu là chiến tranh và loạn lạc, người Việt chúng ta căm ghét đồng tiền và tài sản, căm ghét và coi khinh người giàu và càng không biết cách làm giàu và tích tụ tài sản.
Nói "người Việt ghét người giàu, không biết làm giàu, không thể tịch tụ tài sản truyền đời" thì rõ rồi, chúng ta có thể thấy khắp nơi hay qua các ví dụ trên, nhưng tại sao nói người Việt căm ghét đồng tiền và tài sản? Là bởi vì Người Việt không biết cách phân chia hay tích tụ tài sản. Nên những cuộc phân chia tài sản trong gia đính, dòng họ hay xã hội thường sai, không công bằng và theo cảm xúc, luôn tạo ra ân oán làm tan vỡ gia đình và xã hội, thậm chí những oán thù xương máu. Mãi rồi cứ thấy tài sản là thấy gia đình đổ vỡ, dòng họ ly tán, người Việt đổ nó cho đồng tiền là nguyên nhân của mọi đau khổ có lẽ một phần vì thế?
Vì thế, dân ta sẽ chỉ có ngày càng nghèo hơn. Bởi vì, hầu như toàn bộ tài sản của dân tộc đang nằm trong tay, trong quyền hành của những kẻ nghèo hèn nhất về tâm thức kinh doanh, dù trong nhà họ có chất đầy bao nhiêu tài sản cướp được của xã hội đi chăng nữa.
- Phan Châu Thành -