Đàn ông và chuyện nhậu
Đàn ông có muôn vàn lý do để mọi người rủ nhau đi nhậu.
***
Nào là tiếp đối tác, sinh nhật, khao tăng lương, mừng thăng chức, tiễn sếp đi công tác, đón người mới, chia tay người cũ, đơn vị cơ sở mời, mừng con sếp đậu đại học, mừng sếp có cháu ngoại, mừng sếp có thư ký mới .... hay đơn giản chỉ hứng lên thì đi nhậu.
Thực tế, chúng ta thấy công việc nó thường liên quan đến ăn nhậu, năng lực không chỉ thể hiện trên bàn làm việc mà phải thể hiện cả trên bàn nhậu cũng như các khoản khó nói khác ở ngoài. Một nhân viên có tửu lượng tốt dễ được lòng sếp và hay được tháp tùng ngài đi quan hệ. Mối quan hệ cũng được mở rộng hơn. Ký hợp đồng đôi khi không chỉ diễn ra trong phòng làm việc mà có khi lại thích móc ngoéo nhau ngoài bàn nhậu. Sếp tửu lượng không tốt sẽ đùn cho nhân viên uống tiếp khách. Chính vì thế những người đàn ông làm các công việc liên quan đến kinh doanh, đến ngoại giao, giao tiếp…đều phải sành nhậu và phải mê nhậu.
Và đàn ông không phải không biết nghĩ tới vợ con, gia đình trước mỗi cuộc nhậu nhưng áp lực từ chính cấp trên, những người bạn, đồng nghiệp, đối tác trên bàn nhậu khiến người ta phải giả vờ quên hoặc không còn là chính mình khi bắt buộc phải thể hiện vì lòng sỹ diện.
Tôi còn nhớ ngày trước, khi mới ra trường và ngày đầu tiên chân ướt chân ráo đi làm, ngay lần đầu tiên gặp mặt Ông giám đốc thì Ông hỏi: Chú mi có biết uống không?. Tôi trả lời: Dạ cũng được vài ba ly ạ. Rồi ông nói: như rứa thì được.
Thế là từ đó về sau tôi cũng xoáy vào guồng quay của công việc, họp hành và nhậu nhẹt. Và trong một “bộ máy” ăn nhậu đó vì ai cũng ngồi nhiều, ít vận động, sáng say chiều xỉn nên sớm được đeo “ba lô” ngược - cái bụng ngày càng phình ra.
Nói đến chuyện bụng phệ thì tôi nghĩ nó cũng thay đổi quan điểm theo năm tháng, ngày trước những ai bụng phệ là người có cái dáng làm quan, bởi vậy mà ngày xưa mẹ tôi hay phàn nàn rằng: “Mẹ thấy thằng T con ông N nó học nông lâm ra, bây chừ làm cán bộ Huyện, mới có 2 năm mà phát tướng bụng phệ - dáng đi bệ vệ trông oai, chứ như con làm mấy năm nay chẳng phát tướng, hèn chi chẳng lên chức được”. Tôi nói với mẹ là vì tôi không muốn đeo “ ba lô” ngược.
Nhưng bây giờ hàng ngày qua theo dõi nhiều thông tin, báo đài về chuyện tác hại của bia rượu dẫn đến ung thư gan thì Mẹ tôi thay đổi quan điểm và luôn nhắc nhở rằng: “Con nhớ hạn chế ăn nhậu chứ đừng đeo “ba lô” ngược mà chết sớm nghe con”. Vì nghe lời Mẹ, hơn nữa dáng người của tôi lại thấp bé mà lỡ đeo “ba lô” ngược nữa sợ đi không nổi nên đành phải xin nghỉ việc, sớm giã từ làm cán bộ để về làm rẫy, nuôi heo, thả vịt, chăn bò. Qua gần 13 năm làm trong công ty nhà nước và cũng có tham gia họp hành, nhậu nhẹt, tôi nhận thấy nhiều thanh niên trẻ mới đi làm khi được đi nhậu với cấp trên thì tỏ rõ thói quen thích nhậu. Tại sao phải nhậu?.
Có khi vì là sức trẻ và như ngựa non háu đá, nên càng khen thì ta càng uống, cụng một lúc ba bốn ly liền, khi thấy trong người gần như tuôn trào là chạy vào toalet móc họng ọe ra hết, rồi ra ngồi nhậu tiếp. Có anh bạn tôi quen, không biết ngày trước anh ngành học gì mà cho dù ngồi 4 năm đại học, sờn rách bao nhiêu cái quần, nhưng khi đi làm mấy năm mà viết mỗi cái báo cáo theo mẫu có sẵn thì đành chịu. Nhưng khi có cơ hội được đi nhậu ra sức trổ tài uống. Tôi rất khâm phục là anh ta rất tài giỏi, vừa khéo mồm lại vừa dẻo miệng, uống bia thì không biết bao nhiêu “vại” mới say. Hôm rồi, bạn bè chúng tôi rủ nhau đi thăm anh ta vì anh ta bị ung gan giai đoạn cuối. Tôi chợt nghĩ, khi văn hóa thích nhậu vẫn còn tồn tại thì bệnh ung thư gan sẽ còn gia tăng.
Lê Quý Hoàng