Đàn ông và mưa
Cũng như đàn ông ít nghĩ về tình yêu. Đàn ông chỉ ghi nhận có tình yêu hay không. Đàn bà có trò bói tình yêu, cứ ngồi rứt từng cánh hoa ra và bói: "Yêu...Không yêu...Yêu". Đàn ông chẳng bao giờ bói vậy, chẳng bao giờ cần phải đoán có yêu hay không, chẳng cần phải đoán có mưa hay không chỉ cần nhắm mắt thò tay ra ngoài cửa sổ là biết. Nếu tay ướt là mưa mà nếu không ướt nghĩa là không mưa.
***
Mấy hôm mưa liên miên khiến đàn ông ngại đi ra đường. Đàn ông nằm ở nhà vắt chân lên trán ngẫm nghĩ về nhiều chuyện và có thể ngẫm nghĩ về mưa.
Mưa là đàn ông hay đàn bà? Theo quan niệm châu Á, hình như mưa là đàn ông. Trong các chuyện cổ tích châu Á có những ông thần ông thánh có tài "hô phong hoán vũ" nghĩa là có tài hô gió gọi mưa. Vũ thường là tên của đàn ông. Có những cơn mưa đực đầy cá tính, cứ rõ ràng, sầm sập. Nhưng cũng có những cơn mưa cái nhẹ nhàng, dai dẳng - như thể đàn bà.
Trong đàn ông cũng có những nét của đàn bà, có điều nét này mạnh hay yếu và người ta có bộc lộ nó hay không. Nhà văn Trung Quốc Trương Hiền Lương có tiểu thuyết "Một nửa đàn ông là đàn bà". Trong đàn ông có một nửa là đàn bà. Trong cơn mưa đàn ông có một nửa nữ tính. Đàn ông châu Á là thế.
Có bài hát "Thà như giọt mưa vỡ trên tượng đá...Có còn hơn không...Có còn hơn không...". Chỉ có đàn ông mới đại khái vậy. Chỉ có đàn ông mới ước thà như giọt mưa rớt trên tượng đá – đá lạnh và cứng như trái tim của một người đàn bà không yêu mình. Đâu có sao, dẫu là mình có ai đó để nghĩ về, có ai đó để yêu thương là được...
Đàn ông thực ra ít khi nghĩ về mưa. Đàn ông chỉ ghi nhận có mưa hay không thôi. Cũng như đàn ông ít nghĩ về tình yêu. Đàn ông chỉ ghi nhận có tình yêu hay không. Đàn bà có trò bói tình yêu, cứ ngồi rứt từng cánh hoa ra và bói: "Yêu...Không yêu...Yêu". Đàn ông chẳng bao giờ bói vậy, chẳng bao giờ cần phải đoán có yêu hay không, chẳng cần phải đoán có mưa hay không chỉ cần nhắm mắt thò tay ra ngoài cửa sổ là biết. Nếu tay ướt là mưa mà nếu không ướt nghĩa là không mưa.
Đàn bà cứ lãng mạn hóa mưa, chứ đàn ông biết thừa thực ra mưa được tạo ra khi các giọt nước khác nhau rơi xuống bề mặt Trái Đất từ các đám mây. Không phải toàn bộ các cơn mưa đều có thể rơi xuống đến mặt đất. Đất chắc chắn là đàn bà rồi. Mưa rơi xuống đất như thể là gieo hạt.
Các giọt mưa rơi thông thường được vẽ trong các tranh như là "giọt nước mắt", tròn ở phần đáy và nhỏ, nhọn ở phần đỉnh, nhưng điều này không đúng (chỉ có các giọt nước nhỏ ra từ một nguồn nào đó mới có dạng như vậy ở thời điểm hình thành ra giọt nước). Các giọt mưa nhỏ là có dạng gần như hình cầu. Các giọt lớn hơn thì bị bẹt dần đi, giống như bánh hamburger (một loại bánh mì dẹp như bánh bao); còn các giọt rất lớn thì có hình dạng giống như cái ô.
Ở châu Âu, mưa thường có ý nghĩa buồn và tiêu cực, trái ngược với nắng có ý nghĩa đẹp và hạnh phúc. Ở châu Á, mưa thường được chào đón với một sự vui mừng. Nhiều người cảm nhận thấy hương vị của mưa là dễ chịu. Nguồn gốc của hương vị này là do một loại tinh dầu được cây cối sản xuất, được hấp thụ bởi đất đá, sau đó được giải phóng trong không khí trong thời gian mưa.
Có bài hát: "Nếu yêu hãy yêu ngay bây giờ...Nếu bao dung hãy bao dung ngay bây giờ...". Đàn ông bảo: "Nếu mưa hãy mưa ngay bây giờ..."
Mấy hôm mưa liên miên...quen rồi, có khi lại thích mưa. Đàn ông vốn dễ quen.
Trời mưa đàn ông vẫn đi làm. Trời mưa đàn ông chỉ ít đi chơi. Trời mưa, đàn ông ngồi nói chuyện lơi khơi. Nói chung tháng Tám mùa Thu, ở Hà Nội hay ở Sài Gòn đàn ông đi đâu cứ mang sẵn cái áo mưa. Mưa Thu not war, but use áo mưa. Mưa Thu không phải là chiến tranh, nhưng hãy sử dụng áo mưa.
Phan An
Theo Tathy