Chong chóng, sự dịu dàng, và chuyến tàu đêm
"Khi em đã thành người lớn, trên bầu trời xanh kia, máy bay giấy trắng liệu vẫn còn chở những ước mơ?
Khi em đã thành người lớn, trên mặt đất, đoá hoa vô danh đã nở tàn héo liệu vẫn còn kể được câu chuyện của mình?"
***
Đó là lời bài hát của Kaguyahime, được viết năm 1978. Hơn ba chục năm sau, trên chuyến xe bus tới khu công nghiệp phía Tây Bắc thành phố để kí hợp đồng với một công ty bán ảnh kĩ thuật số qua mạng, những ô cửa kính bám đầy hơi sương do chênh lệch nhiệt độ lớn với bên ngoài, đột nhiên lời bài hát đó lại vang lên trong đầu tôi, rõ mồn một.
Tôi nhìn quanh, chỉ có mình tôi nghe thấy âm thanh đó, hay chỉ có đầu tôi tự chơi lại bài hát đó. Gạt nhẹ lớp sương mờ, xe bus đã đi vào khu Sangam, dãy toà nhà chung cư đã hơi ngả màu khắc từng nét lạnh trên bầu trời xám đặc. Tôi chợt nhìn thấy chạy dọc bức tường trắng xám là những chong chóng màu xanh lớn theo đường hoa văn đẹp mắt. Như một sự thoả thuận ngầm giữa tương đồng không gian và thói quen cố hữu, kí ức lại hiện ra rực rỡ mặc cho nỗi nhớ đã bị quên lãng từ lâu. Trong trí nhớ tôi là cánh chong chóng nhỏ buộc thân mảnh vào những thanh ban công sắt gỉ uốn lượn hình cong trang trí đường diềm cũ kiểu Pháp ấy. Ở nước ngoài đã lâu, vậy mà chỉ cần nhìn thấy đường quay vi mô quen thuộc của bốn cánh nhỏ nhọn, là hình ảnh đấy lại hiện ra như một thước phim xưa cũ được lắp vào máy chiếu mà chỉ chạy được đúng một cảnh, không gì khác. Những lúc như thế, tôi lại nghĩ đến Miên.
Miên trong kí ức của tôi là một cô gái nhỏ, tóc dài, mái hơi loà xoà, hay ngủ vùi trong những tiết học đáng chán, xương vai qua lớp áo sơ mi trắng mỏng vẫn hơi nhô lên gầy guộc. Miên ngồi cạnh tôi trong suốt thời gian học chung, nghĩ cho cùng cũng không hẳn là một hình ảnh có ấn tượng. Đôi khi tôi nghĩ đến cô, hình dung ra Miên bây giờ, và không thể tưởng tượng nổi. Đôi khi tôi nhìn xuống vị trí trống cạnh mình ở những nơi khác nhau, và góc nhìn từ người ngồi cạnh xuống cô gái nhỏ gục đầu xuống bàn trên quyển vở mở sẵn thường hiện ra, gây cho tôi một dư chấn mạnh hơn bao giờ hết. Có vẻ với tôi, Miên mãi không lớn lên như thế. Như một nhân vật cổ tích sẽ ở lại với đúng miền kí ức của nó, tôi chỉ có thể tìm lại khi lần theo chính mình.
Cậu lúc nào cũng thiếu ngủ à, tôi đã từng hỏi Miên như vậy. Dĩ nhiên, đặt câu hỏi cho người ngồi cạnh dù không nói chuyện nhiều, với một thằng nhóc cấp hai đầy tính tò mò là điều có thể hiểu được. Vậy mà Miên đã nhấc đầu dậy, dùng tay vớt nhẹ mái tóc suông ra đằng sau, mở to mắt và nhìn tôi. Trông tớ giống người thiếu ngủ? Khuôn mặt trắng nhợt nhạt, đôi mắt lấp lánh và khoé miệng linh hoạt. Không có vẻ gì là thế, nhưng tôi vẫn hơi mím môi lại, gật đầu. Tôi xoay xoay chiếc bút trong tay, rồi bấm lên bấm xuống. Thói quen gần đây khi không chắc chắn một điều gì đó. Tớ tên là gì?, cô bạn hướng đầu về phía tôi, áp gần. Miên, tôi trong phút chốc, nín thở, chờ đợi. Là thế đấy, Miên lùi lại, nhún vai, và lấy một quyển sách trong cặp, mở ra và đọc. Tôi ngẩn ra vài giây, rồi bấm bút, rồi quay về với quyển vở đầy chữ để ôn kiểm tra miệng cho tiết tới. Hơi chưng hửng cho một đoạn kết đối thoại, dù biết ừ thì Miên nghĩa là ngủ, nhưng thế thì sao. Trong đầu óc của thằng nhóc tôi ngày đó thi thoảng lại muốn được khuôn mặt nhỏ kia áp gần để có thể nhìn kĩ cô bạn hơn nữa.
Rồi cũng có người thích Miên.
Khi biết điều đó, tôi đã hơi ngạc nhiên. Không phải kiểu Miên không thuộc dạng con gái con trai dễ thích hay cảm tình, mà là tại sao và bằng cách nào. Cứ như cả đầu tôi đặc toàn dấu hỏi chấm nảy sinh không ngừng. Miên thì chỉ ngồi một chỗ, không đi đâu, không nói chuyện với ai, trả lời thì nhát gừng, điểm học thì cũng làng nhàng, lại càng không có vẻ gì của thiếu nữ đến tuổi dậy thì. Thế thì tại sao, và bằng cách nào hai thằng bạn cùng lớp lại gọi tôi ra, đưa tờ giấy viết thư được gấp làm ba rồi gấp làm ba tiếp, và bảo hãy nhét nó vào trong cặp Miên?
Tôi trở thành người trung chuyển bất đắc dĩ, chờ lúc mái tóc buông rủ xuống mặt vở, là nín thở bỏ những tờ giấy nhắn vào trong cặp cô bạn. Việc đó diễn ra trong vài tuần. Tôi không biết những thằng nhóc kia viết gì, càng không biết Miên phản ứng thế nào, và liệu có cuộc đi chơi riêng, gặp nhau sau giờ học, nói chuyện điện thoại, cười vui và hạnh phúc? Nhưng khi cậu bạn chuẩn bị mở miệng, tôi lại lảng sang chuyện khác. Tôi không muốn nghe về một mặt khác của Miên mà tôi không biết. Lúc nhận ra điều đó, tôi chợt thấy nỗi buồn xâm chiếm như đợt thuỷ triều kéo theo mỗi lần thả tay vào khe cặp màu xám tro của người ngồi cạnh.
Một ngày, Miên đột nhiên nắm lấy cổ tay tôi đúng giây khắc tay tôi vươn ra, tiếng giấy rơi xuống đất vang nhẹ rồi hoà nhanh chóng vào trong âm thanh ồn ào lớp học. Tại sao cậu lại thở dài? Miên nhìn tôi, mắt mở to, nửa như giận dữ nửa như thảng thốt. Tôi vùng tay lại, tớ đâu có thở dài, mặt nóng dần lên như bị bắt gặp lúc đang làm việc xấu. Nhưng sao cô lại hỏi vậy, tôi nhìn sang cô bạn, đang áp một bên má xuống mặt bàn, cũng nhìn tôi, vẫn là cái ánh nhìn không vui đó. Cậu không cần phải làm thế nữa đâu, giọng Miên vang đều đều đến tai tôi như sợi dây tĩnh lặng. Thảng như nỗi lòng của tôi Miên đã thấu hết, và nhẹ nhàng thả tôi trôi tự do. Tay tôi lại cầm bút, như một phương thức ngăn cản sự bất an. Thế rồi, một lần nữa, Miên lại đặt tay vào cổ tay tôi, lần này rất đỗi dịu dàng, khẽ vuốt nhẹ ngón tay trên chỗ mà cô đã nắm bất ngờ lúc nãy, rồi buông tay, rồi cô quay mặt sang hướng khác. Tôi nhìn mái tóc đen mềm ấy một lúc, mỉm cười lúc nào không hay.
Vào mùa đông, Miên rất hay bị ốm. Tay cô lạnh và hơi tái. Ngay cả bây giờ, khi những chạm va và tương tác với người đã trở thành một dạng kinh nghiệm, và không còn cảm giác bỡ ngỡ khi nắm tay ai đó, tôi vẫn nhớ y nguyên lúc Miên đặt tay nhỏ trong lòng bàn tay tôi, hơi run và lạnh ngắt. Chúng tôi không ôm nhau, tôi và cô chỉ ngồi cạnh, và nắm tay. Chỉ nắm tay cũng quá đủ hạnh phúc cho một thằng nhóc trung học như tôi thời ấy.
Miên vẫn gục đầu trong những tiết lơ đãng, và đọc những quyển sách có cái tựa lạ hoặc tên tác giả nước ngoài khó phát âm. Thi thoảng Miên bị cơn cảm sốt hành hạ, vang trong lớp tiếng ho khan kéo dài. Lúc như thế, Miên tìm đến tay tôi và xiết chặt lại. Nhưng rồi Miên cũng nghỉ học. Đã gần một tuần tôi không nhìn thấy cô. Đến lúc đó, tôi mới nhận ra ngoài những cái nắm tay trong lớp, tại đúng chỗ ngồi này, còn lại tôi không biết gì về cô cả. Những đoạn hội thoại ngắn ngủi và đứt quãng. Miên không phải là người nói nhiều, tôi càng không phải là người bắt chuyện giỏi. Giờ nghĩ lại, là tôi quá vô tâm hay tình cảm thời ngây dại thường nguyên sơ và nỗi nhớ để yên là nỗi nhớ như thế.
Buổi chiều tôi trốn lớp học thêm, đạp xe tìm đường đến nhà cô bạn với dòng địa chỉ ngắn ngủi trên danh bạ lớp. Miên ở trong khu tập thể cạnh đường ray xe lửa, và nhìn ra xa thấy con sông lớn trắng xám bao quanh thành phố. Nhà chỉ có một mình, Miên pha cho tôi một cốc trà nóng, giọng hơi lào khào lạc đi, khuôn mặt dù xanh nhưng vẫn sáng bừng rạng rỡ. Phòng cô là một tủ sách khổng lồ với những quyển bìa đã cũ, những sách ngoại văn, và một ngăn kín đầy những đĩa vinyl to bản. Bố mẹ tớ từng học ở Nhật, đây là những thứ họ quý nhất. Mỗi lần nghe nhạc, hay đọc những quyển sách này, tớ thường nghĩ mình đang sống trong tuổi trẻ của bố mẹ.
Miên lướt tay trên dãy bìa đĩa, và dừng lại, lấy một đĩa ra và đặt vào máy. Đoạn dạo đầu bằng nhạc khí có dây vang lên da diết. Đây là bài tớ thích nhất, Miên cười, và ngồi xuống bên khung cửa ban công, đã được mở rộng ra và xây lại như balcony kiểu Pháp.
Trời hiu hiu lạnh, mắt cô nhìn xa xăm về dòng sông xám, tôi đứng bên cạnh nhìn theo. Thoảng có tiếng tàu chạy qua, xình xịch bình bịch. Cũng không sao cả. Hình ảnh đó đã trở thành một phần trong thời niên thiếu của tôi. Hình ảnh đó in sâu và khắc nét đến mức, tôi không thể nhớ chính xác mình đã nghỉ bao nhiêu lớp học, đã bấm chuông nhà Miên buổi chiều bao nhiêu lần, đã uống bao nhiêu cốc trà nóng, hay nghe đi nghe lại những bản nhạc của Kaguyahime ấy. Chúng tôi vẫn không nói chuyện gì nhiều, nhưng tôi cảm thấy nói chuyện không phải là quan trọng nữa. Chỉ vài tiếng ngắn ngủi, tôi và Miên ngồi cùng đọc sách và nghe nhạc. Những tác giả người Nhật, những truyện ngắn nước Nga. Tôi không chỉ thích cá nhân Miên nữa, tôi thích cả không khí bao quanh cô.
Thời ấy còn trẻ, anh đã không sợ gì cả. Chỉ là, sự dịu dàng của em, đã khiến anh lo sợ. Gì đấy, tôi đặt quyển sách xuống đầu gối, ngước lên. Lời bài hát đang nghe này, bố tớ hôm qua dịch cho nghe. Miên lẩm nhẩm hát theo lần nữa, rồi ngồi xuống cạnh tôi. Cậu hiểu không, An? Ý cô là tôi có hiểu lời bài hát không. Tôi lắc đầu. Mấy thứ tình yêu vĩ đại hay đau đớn xót xa, làm sao hiểu được cơ chứ. Miên không nói gì thêm, cùng tôi nghe tiếng tàu chạy qua. Mùa đông kết thúc rồi, Miên giơ tay ra đón khung gió ấm rồi nhoẻn miệng cười. Làm sao có thể lo sợ về sự dịu dàng của người khác nhỉ?
Miên rất thích chong chóng. Bằng một chuỗi cảm xúc nhiều lần nhìn thấy, tôi chợt hiểu ra điều đó. Miên thích gió, và thích nhìn chong chóng quay trong gió. Tôi mượn quyển sách kĩ thuật của đứa em tiểu học, cặm cụi mua giấy bìa về làm, dính vào những cây đũa tre. Nói dối người lớn là làm trang trí văn nghệ cho lớp, tôi nhận ra lần đầu tiên mình tự làm một điều gì đó vì người khác. Miên nhìn tôi cầm túi to đùng vào, ngạc nhiên đến lặng người đến mỉm cười hạnh phúc, khi tôi buộc từng chong chóng vào thanh sắt cong cong bên ban công kia. Như thế này, tôi hít một hơi dài, tớ có thể nhìn thấy nhà cậu từ xa, và biết là có chong chóng quay chờ tớ. Miên bước đến gần, vòng tay ôm tôi. Cả người tôi nóng bừng lên, lần đầu tiên tôi gần sát một bạn gái đến thế. Tóc Miên thơm mềm, những sợi nhỏ như tan êm dưới ngón tay tôi. Lần đầu tiên dưới vòng tay của người con gái nhỏ ấy, tôi cảm thấy mọi nỗ lực của mình được yêu thương. Nhưng không còn lần sau nào ở nhà Miên nữa.
Bố mẹ biết được việc tôi trốn học quá nhiều, ép vào quản thúc và đưa đón tận nơi hàng ngày. Tôi không phải là đứa ngỗ ngược, hỗn láo hay ăn chơi bỏ bê học hành gì, nhưng tuyệt đối không thể nói tôi đã đi đâu trong những lần không đến lớp học thêm ấy. Miên biết được, cũng chỉ cười, và bảo không sao đâu. Tôi và cô chỉ còn gặp nhau trên lớp, nhưng khi Miên kể về chong chóng đã quay rực rỡ thế nào, tôi có thể nhắm mắt và hình dung chính xác được.
Thế rồi Miên cũng biến mất.
Thực ra nói biến mất cũng không phải, nhưng tôi đã không nhận thức được toàn bộ dấu hiệu đấy, không cảm được sự chia tay đến cận bên mình. Đến khi Miên đi rồi, tôi phải mất rất lâu mới nhận ra mọi thứ đã là sự từ biệt được thể hiện theo cách riêng của cô. Một buổi tối, Miên gọi điện, tôi nghe giọng Miên qua điện thoại hơi xa lạ, nhưng cô muốn gặp tôi ngay. Đi đâu, tôi thì thào, bố mẹ tôi đang ngồi xem tivi cách đấy không xa, theo dõi nhất cử nhất động của tôi. Đi xem tàu đêm, nhanh lên, nửa tiếng nữa, tớ chờ. Rồi dập máy. Tôi định gọi lại từ chối, nhưng Miên gọi điện cho tôi, hẳn có việc gì hơn là xem tàu đêm. Vẫn là ngày trong tuần, chẳng có lí do gì ra khỏi nhà sau bữa tối, tôi biết mở miệng xin bố mẹ sẽ chỉ nhận được cái lắc đầu. Lại còn xem tàu đêm nữa, bố mẹ sẽ nghĩ thằng con lại bày trò quỷ gì nữa đây. Thế là tôi lẳng lặng mở cửa sân, dắt xe ra ngoài và đạp thật nhanh trước khi bố mẹ kịp đứng dậy, lao ra và gọi lại.
Tôi đạp mải miết. Miên đã chờ ở ngoài cổng khu tập thể từ lúc nào, mặc một chiếc áo len màu xanh lá cây đậm và áo khoác dạ màu nâu sáng ấm áp. Miên ngồi sau xe tôi, chỉ đường và kể rất nhiều chuyện. Đủ mọi thứ. Từ những chuyện trong sách cô đọc đến những người trong lớp mà tôi nghĩ cô chẳng thân thiết bao giờ. Miên sao thế nhỉ, giọng cô cứ líu lo xen lẫn lo lắng hơi bất ngờ của tôi. Chúng tôi dừng xe ở một bãi hoang vắng, chỉ có dãy cột đèn trơ trọi rọi hai bên đường xe lửa. Miên vẫn nói không ngừng. Cô nói về cảm giác khi áp tai xuống mặt bàn và nghe thấy mọi âm thanh mà chỉ cần nhắm mắt cũng có thể nhìn thấy, nói về tiếng viết nhanh của tôi khi giải toán, viết chậm khi làm văn, và tiếng đánh bóng chì êm ru trong những bản vẽ kĩ thuật khó nhằng nhịt.
Tình cảm của tôi không là một chiều. Miên đã chăm chú lắng nghe, và mở cánh cửa của thế giới cô cho tôi. Nhưng tại sao lại là hôm nay, tại sao lại là buổi tối này, tại sao lại là chỗ lạ hoắc thế này. Tôi đặt tay mình áp má Miên, cậu sao thế, có chuyện gì phải không?
Miên không nói nữa, để ánh nhìn trượt dần khỏi khuôn mặt tôi, rơi xuống. Như thể câu hỏi tôi đã phá vỡ lớp bọc cô cố dựng lên, đẩy cô vào im lặng tột cùng. Rồi ngón tay của tôi cảm thấy hơi nóng bừng. Là giọt nước từ khoé mắt Miên rơi xuống. Miên bắt đầu khóc, và không ngừng lại được. Miên khóc trên vai tôi, khóc ngay khi đoàn tàu chạy qua. Đoàn tàu với ánh sáng lác đác ở những khoang hành khách. Tôi nhìn theo những điểm sáng mờ, những khuôn mặt lạ hoắc bơ phờ mệt mỏi vô cảm lãng đãng lướt qua rất nhanh, chỉ còn Miên khóc trên vai tôi. Cô nói gì đấy trong lúc khóc, trong lúc đoàn tàu cách khoảng chục mét chạy qua, và tôi không chắc là cô có nói không nữa. Miên không nói thêm gì, trước khi bước lên bậc tam cấp cô đặt vào tay tôi băng cassette, miết những ngón tay trên cổ tay tôi lần nữa, rồi chạy đi. Hình ảnh cuối cùng của Miên lưu trong trí nhớ tôi là như thế.
Ngày hôm sau, Miên không đến lớp. Cuối tuần, cô chủ nhiệm thông báo Miên đã chuyển nhà với bố mẹ đi nơi khác. Mọi người xì xào bất ngờ, nhìn tôi như thể là người duy nhất biết gì đó mà đã không nói gì cả, hoặc đơn giản là bàn tôi bị khuyết đi một người. Sau đó một thời gian, tôi chỉ nằm nhà nghe băng cassette là những bản nhạc của Kaguyahime thu lẫn với tiếng tàu xa xa, hoặc chạy đến khu tập thể Miên ở để nhìn lên ban công, thấy cánh của chong chóng duy nhất còn sót lại vẫn đang quay. Tôi không còn bấm bút khi lo lắng nữa, và hay áp mặt xuống bàn để nghe mọi âm thanh xung quanh.
Lớn lên, tôi có một vài người bạn gái, yêu và được yêu, chân thành và tin tưởng và vỡ tan và đau đớn. Như bất kì người trẻ nào đang và sẽ sống. Nhưng tôi biết dù tôi có thay đổi đến mức nào, dù mọi người có thay đổi đến mức nào, ai cũng sẽ giữ cho mình một sự dịu dàng cố hữu. Sự dịu dàng với bản thân đến từ một người khác. Sự dịu dàng ấm áp yêu thương chấp nhận và thấu hiểu khi tôi chỉ còn là một bản thể trong suốt. Đấy là thứ dịu dàng mà người lo sợ sẽ đánh mất. Đấy là thứ dịu dàng mà tôi lo sợ sẽ đánh mất.
Có lẽ tối nay tôi sẽ đi nhìn tàu đêm.
Zelda Gin