Tình khúc mùa hè
(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại")
Bạn là người vươn ra tìm tay ta và chạm đến trái tim ta. Bạn chính là cảm giác vĩnh hằng ở trong tim.
- Khuyết danh -
***
Chúng tôi gặp nhau lần đầu vào một ngày hè của năm 1998, một ngày hè nắng mới còn giòn tan trên các nếp nhà, trời trong xanh và bồng bềnh mây trắng, gió vi vu hát giữa những vòm cây. Hôm đó tôi và anh trai tôi đều tham dự buổi lễ gặp mặt động viên của ban lãnh đạo huyện với các bạn đỗ đại học, cao đẳng, đạt giải học sinh giỏi tỉnh. Khi buổi mít tinh kết thúc, tôi về cơ quan bố nghỉ ngơi. Mọi người trong phòng làm việc của bố đi vắng hết, chỉ còn lại mình tôi. Tôi mệt quá mà không dám nằm nghỉ. Tôi 14 tuổi, tôi đang lớn và tôi sẽ rất xấu hổ nếu ai đó lạ thấy tôi nằm. Tôi ngồi ở mép giường và cứ thế ngả lưng xuống, hai chân vẫn chạm đất để ai mở cửa là tôi vùng dậy được ngay. Tư thế ấy, tôi không hình dung nổi nó xấu đến mức nào nhưng chắc cậu ấy biết vì đúng lúc đó, cậu ấy mở cửa bước vào phòng. Tôi còn chưa hết ngại ngùng, lúng túng thì cậu ấy đã phản xạ rất nhanh, hỏi tôi như không thấy gì lạ:
- Anh Tú có ở phòng không ạ?
- Chị cho em gửi cái này cho anh.
Thế rồi cậu ấy biến mất không chờ tôi trả lời.
Tôi dụi mắt, tò mò mở xem đó là cái gì, hóa ra là một cái thiệp chúc mừng. Thiệp cũng đẹp đấy chứ, nhất là lại to nữa, chắc đắt tiền lắm. Ở quê, chúng tôi cũng có phong trào tặng quà trước khi nghỉ hè, nhưng quà thường là những tấm ảnh bé nhỏ, mỏng mảnh, in ảnh một diễn viên nào đó. Tùy vào sở thích của từng bạn mà chúng tôi lựa chọn những tấm hình phù hợp để trao tặng. Tôi chưa bao giờ được thấy tấm thiệp sang đến thế.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về cậu ấy là một sự thán phục như vậy.
Bố tôi về. Bố tìm khắp xem có gì cho tôi ăn không. Tôi nói tôi muốn uống cái thứ nước màu đỏ trong chai nhựa trên tủ kia. Bố bảo: "Ừ. Của thằng cu Triển đấy, nhưng chả sao. Bố pha cho con uống nhé." Cốc nước màu đỏ, khi uống có vị ngọt ngọt chua chua. Đó cũng là lần đầu tôi được biết sirô dâu là gì, thứ nước ngọt có cái tên nghe tây tây, lạ lạ vì cho tới lúc ấy tôi vẫn chưa từng học tiếng Anh.
Hết mùa hè đó, anh tôi lên Hà Nội, vào đại học, tôi chuyển tới học ở trường năng khiếu huyện và tiếp tục ở nhờ trong cơ quan bố nhưng không trọ tối mà theo bố đi về hằng ngày. Buổi học đầu tiên của tôi ở lớp mới, trường mới đầy lạ lẫm. May sao lớp tôi học có một bạn cùng đội tuyển thi học sinh giỏi tỉnh với tôi, vẫn còn nhớ tôi, và có cả cậu ấy nữa. Tôi ngồi đầu bàn ba, cậu ấy ngồi đầu bàn một. Có một bạn nữ ở góc trong, bên dưới bàn tôi, muốn lấy cái giẻ lau. Tôi định giúp bạn nhưng vì còn lạ lớp nên tôi ngại đứng lên đi lại. Không hiểu sao tôi lại gọi: "Triển ơi!". Có lẽ bởi đối với tôi, cậu ấy là một trong hai người thân thuộc nhất ở lớp học mới này. Giờ ra chơi ồn ào, ầm ĩ, tiếng đầu cậu ấy không nghe thấy. Tôi gọi tiếp hai ba lần, cuối cùng cậu ấy cũng quay lại, nghe rõ thông điệp và giúp đỡ ngay. Nhưng ánh mắt ngỡ ngàng xa lạ của cậu ấy nhìn tôi làm trái tim tôi thắt lại trong một giây. Ô kìa, tôi vô duyên chưa? Ai thèm quen với tôi chứ!
Khi tôi tới trường mới, tuần đầu tiên tôi học ở lớp 8A1, nhưng các bạn được học trước quá nhiều, tôi theo không kịp. Đến tuần thứ hai, tôi chuyển sang 8A2. Cậu ấy vốn học ở A2 từ lớp 7 nhưng đúng một ngày sau khi tôi về A2 thì cậu ấy lại sang A1. Ngày duy nhất chúng tôi học chung lớp trôi qua với sự kiện "cái giẻ lau" như vậy đó.
Trong suốt những ngày tiếp theo của năm học chúng tôi còn đụng độ nhiều lần. Một sáng ở hành lang lớp học, vào giờ ra chơi, cậu ấy sang địa phận của lớp tôi, là lớp cũ của cậu ấy, đùa nghịch với bọn con trai, và thấy tôi đi qua thì kêu: "Minh ơi, người yêu mày đây này" (Minh là một bạn nam đẹp trai, học giỏi, bị gán ghép với tôi). Giờ mỗi lần nhớ đến câu ấy tôi lại thấy buồn cười, còn khi ấy, không hiểu sao nỗi buồn bực đã thoảng qua tôi như một cơn gió lạnh.
Có hôm tôi vừa đạp xe về cơ quan bố vừa suy nghĩ miên man. Bỗng tôi thấy dáng cậu ấy đang đi bộ phía xa xa. Cứ mỗi lần gặp lại cậu ấy là tôi không sao quên được ánh mắt cậu ấy nhìn tôi hôm nào khi tôi nhờ cậu lấy giùm chiếc giẻ lau. Gần đến cổng Huyện ủy, lòng nặng trĩu, tôi cúi gằm mặt, lặng lẽ đạp xe qua. Cậu ấy gọi tôi: "Đi qua thấy bạn không chào à?". Lúc đó có lẽ mặt tôi cũng hơi đỏ nhưng cảm giác buồn thì chắc chắn là có. Bạn ư? Tôi từng muốn làm bạn với cậu ấy, một niềm an ủi mong manh giữa môi trường xa lạ, nhưng cậu ấy đã làm tổn thương tôi. Sao tôi còn dám mong kết bạn với cậu ấy.
Trong chương trình môn văn lớp 8, chúng tôi được học bài thơ Muốn làm thằng cuội của Tản Đà. Vì bài thơ này mà tôi bắt đầu bị gán ghép với một số đứa con trai ở lớp, điển hình là với Quốc, thằng bạn ngồi chung bàn với tôi (một bàn chỉ có hai học sinh). Vào một buổi trưa, khi tôi và Thùy - một bạn nữ cùng lớp với tôi, ở trong phòng bố thì có chuông điện thoại reo. Nghe máy, tôi thấy giọng nam giới ở đầu dây bên kia hỏi: "Quốc có ở đấy không cháu?". Một đứa nhà quê chưa bao giờ biết nói dối như tôi thì đâu biết xét đoán gì, cứ thật thà trả lời: "Dạ, không ạ". Tiếp tục là lời giới thiệu: "Bác là bố Quốc. Tan học lâu rồi không thấy nó về, bác tưởng nó ở chỗ cháu". Tôi ngạc nhiên quá liền thuật lại cho bạn tôi. Nó giằng lấy điện thoại hỏi: "Ai đấy?". Không biết đầu dây bên kia nói gì chỉ nghe bạn tôi chửi: "Đồ điên", rồi nó phá lên cười bảo tôi: "Chắc đứa nào trêu mày đấy. Không may cho chúng nó là tao lại ở đây". Lúc sau hai đứa bọn tôi chở nhau đi chơi bằng xe đạp, qua cổng cơ quan lại gặp ngay cậu ấy đang đi bộ với Hữu, bạn cùng lớp A2, cũng là con một bác trong cơ quan bố tôi, nhưng chẳng bao giờ tôi và bạn ấy nói chuyện với nhau. Tôi không ngờ cô bạn tôi ghê gớm trả đũa ngay: "Hì hì, không biết ban nãy hai thằng nào "sủa" trong điện thoại ấy mày nhỉ?" Tôi thấy hơi ngại nhưng ai bảo họ rỗi hơi đi trêu chọc người khác.
Sau chuyện đó chúng tôi còn chạm mặt thêm một vài lần, nhưng chỉ ngang qua nhau lặng lẽ, không còn thấy cậu ấy nói gì nữa. Một lần tôi vừa ở nhà tắm công cộng đi ra thì thấy cậu ấy cùng mấy anh lớp trên chỉ mặc mỗi quần đùi đứng cạnh bể, dội nước tắm ầm ầm. Choáng! Một đứa mới lớn như tôi thấy cảnh đó không xấu hổ mới là lạ. Lần khác, cậu ấy đi song song với tôi, nhưng cậu ấy thì thong dong trên hành lang tầng một, còn tôi ở dưới sân, đang phải vẹo hông xách nước từ nhà bếp về phòng. Có chị trông thấy trêu: "Triển để bạn gái phải xách nước thế kia à?". Tôi và cậu ấy chỉ cười ngượng, chẳng dám nói gì. Không biết lúc đó cậu ấy có chút nào ý muốn giúp tôi không?
Thời gian thấm thoắt trôi. Cái nắng nóng của mùa hạ ùa về vội vã, giục giã phượng bừng đỏ và bằng lăng tím ngắt trong sân trường, trên những con đường nữa. Trong Huyện ủy, sấu cũng vào mùa, còn hương ngọc lan thêm ngạt ngào hơn mỗi đêm. Thời gian này tôi ở lại cơ quan bố vào buổi tối chứ không về nhà như trước nữa. Chúng tôi hối hả thi cử, rồi lại bâng khuâng với những dòng lưu bút cuối năm. Nhưng kết thúc năm học chúng tôi chưa nghỉ hè ngay mà theo tiếp một tháng học nghề điện. Các anh chị lớp 12 ở cùng cơ quan đã thi tốt nghiệp xong. Người được vào thẳng đại học, người tiếp tục đi ôn thi ở các lò luyện cấp tốc để sau một tháng sẽ dự kì thi đại học của cả nước. Trước khi chia tay nhau các anh chị tổ chức một buổi liên hoan ngọt thật hoành tráng. Chị Lan, chị Hạnh dặn đi dặn lại tôi: "Em nhớ tham gia, không sau này ít có cơ hội được ở gần nhau nữa đấy".
Liên hoan diễn ra vào buổi tối, lúc đó các bác, các cô trong cơ quan về hết. Ông bảo vệ với vài người trực chỉ uống nước chè, đọc báo rồi đi ngủ từ rất sớm. Cả cơ quan sẽ là thế giới riêng của bọn trẻ chúng tôi. Chúng tôi có khoảng hơn chục người, là con của các cô bác trong cơ quan, đều đang đi học cấp 2 hoặc cấp 3, chỉ có duy nhất anh Hà con bác Thuận là đi làm rồi, làm ngay ở cơ quan này. Trong số các anh chị em có tôi và cậu ấy là nhỏ tuổi nhất. Tôi cũng không biết là sẽ gặp cậu ấy ở đây, mà gặp thì cũng chẳng sao, người dưng nước lã thôi. Nhưng suốt buổi liên hoan các anh chị cứ có dịp là lại gán ghép tôi với cậu ấy, làm tôi ngượng chết đi được, bao nhiêu đồ ngon mà chả dám ăn nhiều. Nào là "Hai đứa này, sao không ăn đi, ngại nhau à?", nào là "Sao hai đứa chẳng nói chuyện gì thế? Chúng mày học cùng nhau cơ mà. Phải như bọn anh, bọn chị đây này, nói chuyện cười vỡ quả đất luôn". Rồi nữa "Ha ha, trông cô cậu hợp nhau đấy!". Trời đất! Trêu chòng kiểu ấy ai mà ăn nổi, mấy anh chị chơi ác quá!
Ấy vậy mà sau buổi liên hoan đó, mối quan hệ của chúng tôi đã rẽ sang một bước ngoặt mới, nhanh như ngôi sao băng vụt bay trên bầu trời và mạnh mẽ hơn cả thủy triều lên.
Bắt đầu là một buổi chiều tối rảnh rỗi, khi cơ quan vắng bóng người dần, cậu ấy đến rủ tôi ra hành lang chơi. Không hiểu sao tôi nhận lời cậu ấy ngay mà chẳng có chút đắn đo gì. Chúng tôi bắt đầu nói những câu chuyện ngay trước cửa phòng bố tôi. Những câu chuyện không đầu không cuối cứ trải ra bất tận mà sao tôi không thấy chán.
- Cậu có mấy anh chị em thế ? - Tôi hỏi.
- Tớ chỉ có một em trai, kém tụi mình 8 tuổi.
- Thế à? Mẹ cậu làm gì? Mẹ tớ dạy cấp hai ở xã. Tớ học lớp 6, lớp 7 ở đó.
- Mẹ tớ thì dạy tiểu học. Lớp 7 tớ cũng mới chuyển đến trường chuyên mà.
- Lớp cậu có mấy bạn con trai hay nói bậy thế. Thật kinh khủng! Tớ hỏi thật, cậu có giống các bạn ấy không? Cậu phải nói thật đấy. Tớ sợ nhất là bị người ta nói dối.
- À, ừ, thì khi nói chuyện với chúng nó tớ cũng thế. Tớ chỉ không thế khi nói chuyện với cậu.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in vẻ lúng túng, ánh mắt trong trẻo của cậu ấy khi nói những lời này. Tôi liếc nhìn cậu ấy, im lặng, cúi đầu xuống đất một lát vì chưa nghĩ ra câu gì để hỏi tiếp.
- Mình lấy nước dội cho mấy cây lá bỏng, thài lài này đi. Dạo trước anh Tú ở đây, anh cũng hay tưới cây lắm.
Chúng tôi cùng nhau tưới cây, rồi cậu ấy đi lấy đồ chơi cho tôi xem. Đó là một cái ống nhỏ, bên trong có một cái kim vừa to vừa ngắn, đầu kim gắn với một túm dây tước nhỏ, mềm mại như lông vũ, Dùng lực của hơi để thổi, mũi tên ấy sẽ theo hướng đã định bay vù, cắm phập vào mục tiêu. Cậu ấy sử dụng món đồ chơi này thật thành thạo, lần nào thổi cũng trúng đích. Cậu ấy chỉ cho tôi cách chơi. Tôi thử vài lần rồi trả, không thấy hứng thú lắm. Tôi hỏi cậu ấy có biết thổi sáo không vì tôi nghĩ cậu ấy hay ở cùng anh Tú thế nào mà chẳng học anh vài bài. Cậu ấy bảo cũng biết sơ sơ thôi nhưng nếu tôi muốn cậu ấy sẽ học để thổi một khúc thật hay cho tôi nghe. Tôi vui lắm, dặn cậu ấy nhớ lời đã hứa nhé. Nhưng lời hứa ấy cho đến mãi sau này cũng chưa bao giờ được thực hiện!
Từ buổi chiều đó chúng tôi trở nên thân thiết đến mức cứ đi học về, có thời gian rảnh là chơi cùng nhau. Những thú chơi, trò chơi cực trẻ con, buồn cười mà sao chúng làm tôi vui đến thế. Tôi chưa từng đong đếm xem tôi quý cậu ấy ngần nào, chỉ biết chơi cùng cậu ấy tôi thấy rất vui, nói chuyện với cậu ấy tôi thấy rất hợp. Có thể nói tôi là một con bé ngốc nghếch, tính tình trẻ con. Vậy mà khi tôi hỏi những câu ngây ngô, rủ cậu ấy chơi những trò con nít, cậu ấy không bao giờ tỏ ra kinh ngạc hay đắn đo, luôn nhiệt tình chia sẻ với tôi, và tôi cũng không bao giờ từ chối các trò nghịch ngợm của cậu ấy. Chúng tôi hái quả cọ chơi đả thân cây vào những lúc trời nhá nhem tối. Chúng tôi thay đổi khoảng cách xa gần, đố nhau ném cành nhỏ, cành to, mỗi khi trúng vào đâu đó là lại vang lên những tiếng cười hồn nhiên đầy thích thú. Rồi trẻ con làm sao khi chúng tôi nghĩ ra trò ba ngày tôi làm con trai, ba ngày cậu ấy làm con gái, để cảm nhận niềm hạnh phúc hay nỗi thiệt thòi của nhau. Chúng tôi nô đùa suốt những lúc rảnh rỗi, không gian bên tôi không ngớt tiếng cười. Tôi cảm nhận được từng niềm vui trong ánh mắt long lanh, tươi sáng như nắng hạ của cậu ấy. Tôi ước sao có thể mang lại nhiều hạnh phúc hơn cho bạn mình.
Một chiều cậu ấy rủ tôi đi xem tổ ong được làm ở dưới nóc trần hành lang, nơi nối hai dãy nhà cơ quan. Đó là một tổ ong to, những con ong vàng bay ra bay vào vù vù, có con lượn lờ ngay trên đầu chúng tôi. Cậu ấy nói với tôi: "Ong vàng làm tổ trong nhà là điềm báo sự tốt lành, giàu sang, may mắn đấy, cậu có biết không?". Chúng tôi liền đi tìm khắp các ngõ ngách trong cơ quan xem còn tổ nào khác không và phát hiện ra có rất nhiều. Có tổ đông đúc, ong bám vàng trên mặt, có tổ đã bị bỏ không, các ô lưới trống rỗng. Kích thước các tổ ong cũng to nhỏ khác nhau, tôi đoán rằng nó tùy thuộc vào gia đình ong có đông thành viên hay không. Sau khi đi "thanh tra" sự sống của thế giới động vật, tôi rủ cậu ấy đến chỗ có bụi tre ngà. Tôi lấy những búp lá còn đang cuốn chặt, dạy cậu ấy rút cuống, xâu thành vòng và cậu ấy cũng chọn một búp thật mượt, thật dài làm thành chiếc vòng tay tặng tôi. Sau này những chiếc vòng lá đó đã được tôi ép khô trong trang vở, giữ gìn suốt mấy chục năm, và mỗi khi tôi giở lại bao kí ức tươi đẹp lại ùa về, khiến tôi không khỏi bâng khuâng xao xuyến.
Một hôm khi xách nước từ nhà bếp về phòng tôi bỗng trông thấy một chú chim non, chắc mới đang độ tập bay, nằm thiêm thiếp trên sân. Tôi vội vàng bế chú chim lên, chú vẫn còn ấm nhưng không thở nữa rồi. Lòng tôi đầy xót xa, thương cảm. Tôi bế chú chim tội nghiệp ra gốc cây hoa đại, lấy cành cây đào một cái hố, đặt chú ở đó trong những chiếc lá rồi mai táng cho chú. Tôi nhặt những bông hoa đại trắng muốt, còn tươi xếp lên xung quanh ngôi mộ, ngồi im lặng tưởng niệm vài phút. Ngày hôm sau, tôi kể cho cậu ấy và tôi không phải đơn độc khi thăm mộ chú chim non nữa. Chúng tôi nhặt những đóa đại tươi, thắp hương viếng chú và cầu chúc cho chú sớm được đầu thai một kiếp khác tốt đẹp hơn.
Vào những buổi tối tôi và cậu ấy thường học nhóm ở phòng tôi. Chúng tôi đang theo chương trình học nghề nhưng hình như trên lớp cậu ấy hay nói chuyện, chiều về lại đi đánh bi-a nên không nắm được bài. Tôi chỉ cho cậu ấy lí thuyết còn cậu ấy thực hành. Thường tôi sẽ ngồi làm các chi tiết, như cắt vỏ một đầu dây, cạo lớp cách điện, hay cắt chữ E... Còn cậu ấy xoáy xoáy lắp lắp các thiết bị lên bảng điện, ghép các chữ E lại, cuốn dây vòng quanh tạo thành một cuộn từ... Phần kiến thức nghề ít và đơn giản, chúng tôi học rất nhàn nên có nhiều thời gian rảnh. Thường chúng tôi mang bài tập hè môn Toán ra làm, rồi trao đổi những chỗ khó. Thi thoảng học xong, còn sớm, chúng tôi chơi cờ vua, bàn cờ vua mini có nam châm bố mua cho tôi từ đầu năm học. Hai đứa cứ nhường nhau mãi, cuối cùng tôi đành chịu đi trước. Tôi tưởng tôi là đối thủ của cậu ây vì ở nhà, tôi luôn đánh cờ thắng bố mà, thế nên tôi ra hẹn là phải chơi nghiêm túc, hết mình mới khí thế. Ai dè tôi mới đi được vài quân đã bị thua rồi. Cậu ấy lo tôi buồn nên quay sang chỉ cho tôi cách đánh. Sau này tôi đã áp dụng nó khi chơi với một vài người và thật lạ là ai cũng thua. Đó thực sự là một nước cờ thông minh, nhưng tôi thì không thông minh tí nào. Khi tôi bị mọi người phát hiện ra nước chơi đó thì tôi chả còn nghĩ thêm được cái gì hiểm hóc nữa, rốt cuộc lại bị đánh cho te tua.
Gần sát khu chúng tôi ở có một cây ngọc lan lớn. Những đêm hè trời lộng gió, không gian như được dệt bởi mùi hương thơm ngát, ngọt ngào của hoa ngọc lan. Trong phòng học vang lên giọng hát của ca sĩ Mỹ Linh "Góc phố nơi anh hẹn, cành ngọc lan xòa bóng mát, tỏa hương bát ngát...". Dưới ánh sáng mơ màng của ngọn đèn cao áp xa xa, cậu ấy trèo lên cây và hái những bông hoa chớm nở, trắng muốt, thơm ngào ngạt tặng cho tôi. Trong một lúc tôi cảm thấy đẹp biết bao hình ảnh dưới bầu trời lấp lánh ngàn sao, người bạn trai với những đóa lan thơm trên tay, ngồi tựa trên cây, cười hồn nhiên vui vẻ, vẫy gọi tôi đến gần.
Một tối chúng tôi lên hành lang tầng hai đứng hóng gió. Ngay sát bên cạnh chúng tôi tỏa ra một mùi hương, không ngạt ngào như hoa ngọc lan nhưng quyến rũ làm sao. Cậu ấy nhoài người cố vít một cành cây lại gần và hái cho tôi một chùm hoa sấu. Tôi từng ăn cả những quả sấu còn non, bé như cúc áo, đến những quả sấu già chín vàng, thậm chí tôi ăn cả lá sấu chấm với muối trắng nữa, nhưng đây là lần đầu tiên tôi được nhìn thấy hoa sấu. Hoa sấu có một mùi thơm chua dịu rất đặc biệt mà tôi không muốn dùng bất cứ từ gì để diễn tả, tôi sợ sự bất lực của ngôn ngữ. Chỉ biết rằng mỗi khi tôi để gần mũi, thở sâu một chút là mùi hoa ấy như ngấm vào từng mạch máu trong cơ thể tôi, làm trái tim tôi xao xuyến lạ lùng. Chùm hoa cậu ấy tặng, tôi cũng ép khô trong vở, như muốn những kỉ niệm không bao giờ phai.
Trong rất nhiều kỉ niệm của chúng tôi, tôi nhớ nhất một đêm tôi và cậu ấy ngồi bên nhau trên sân thượng dãy nhà hai tầng. Bầu trời mùa hạ thăm thẳm, trong veo với hàng ngàn vì sao lấp lánh. Gió vẫn thổi mát rượi mang hương ngọc lan bay khắp một khoảng trời. Chúng tôi kể cho nhau rất nhiều chuyện nhưng không ai nói gì về tình cảm của mình. Ánh mắt cậu ấy luôn nhìn thằng, hiền hòa, vui vẻ nhưng đôi khi tôi lại cảm thấy một chiều sâu không bờ bến, như cậu ấy định nói gì mà lại cố cất giữ trong lòng. Cậu ấy chỉ lên trời và bảo: "Ngôi sao sáng nhất trên trời kia là ngôi sao của tình bạn chúng mình. Chúng mình sẽ mãi mãi là đôi bạn thân nhất trong những đôi bạn sinh năm 1985, Thu nhé!". Tôi gật đầu mà lòng ngập tràn vui sướng. Đó như một lời nguyện ước cho tình bạn của hai đứa trẻ thơ. Tôi đã không hề nghĩ đến một cái gì xa xôi hơn. Tôi vui vì có một người bạn như cậu ấy và cảm thấy hạnh phúc khi ở bên cậu ấy, giản dị thế thôi. Đúng lúc ấy một ngôi sao băng vụt sáng trên bầu trời, tôi đã kịp ước cho tình bạn của chúng tôi mãi mãi bền lâu. Còn cậu ấy ước gì, tôi không biết, nhưng cậu ấy đã nắm lấy tay tôi trong khoảnh khắc đó, khi ánh mắt vẫn đang nhìn về vệt sáng vừa lóe lên.
Một tháng học nghề nhanh chóng kết thúc, chúng tôi giờ mới thực sự được nghỉ hè, trở về với mái nhà ở làng quê mình. Những tưởng năm học tới chúng tôi sẽ tiếp tục giúp nhau học tập, cùng nhau chia sẻ những trò chơi, những thức quà, đặc biệt là những vui buồn trong cuộc sống, nhưng thật trớ trêu khi một tháng sau đó có quyết định tách huyện. Bố cậu ấy chuyển công tác đến trụ sở huyện mới và cậu ấy phải đi theo bố, đến học trường chuyên ở đấy. Những ngày chúng tôi được lẽo đẽo cùng nhau đi chơi đi học chấm dứt nhưng tình bạn của chúng tôi thì không dừng lại. Thời gian về sau chúng tôi thường xuyên viết thư, gọi điện cho nhau, đôi khi chỉ để nói những điều vu vơ, chỉ để cho vơi đi nỗi nhớ. "Tớ nhớ cậu" là câu tôi thường viết và cũng thường thấy trong thư của cậu ấy. Chúng tôi chia sẻ với nhau mọi điều, như cảm xúc về một bộ phim hay, chuyện học hành sách vở, chuyện bạn bè gia đình và cả những rung động đầu đời chóng đến chóng đi nữa.
Tình bạn chúng tôi vẫn đi cùng năm tháng và rồi như sự sắp đặt của duyên số, định mệnh, chúng tôi lại có cơ hội ở gần nhau. Chúng tôi cùng vào đại học mà trường tôi với trường cậu ấy chỉ cách nhau có đôi cây số. Chúng tôi trở lại với những buổi đi chơi, đạp xe lòng vòng khắp Hà Nội, đếm những cây sấu ven đường Phạm Hùng, thưởng thức gói cốm làng Vòng ướp hương hoa sữa bên hồ Ngọc Khánh, ăn kem Tràng Tiền khi ngắm hoàng hôn trên Hồ Gươm,..
Đến giữa năm thứ hai Đại học, chúng tôi đã sống không chỉ trong ánh sáng của tình bạn mà còn trong tiếng nhạc của tình yêu. Tình yêu, theo một lẽ rất tự nhiên, đến âm thầm và nhẹ nhàng như thế. Năm năm sau đó chúng tôi kết hôn và giờ đây gia đình tôi đã được đón thêm hai cô công chúa bé nhỏ đáng yêu. Câu cửa miệng của chồng tôi lúc nào cũng là "Ba mẹ con là cả thế giới của bố!".
Tôi tin rằng nếu số phận không cho chúng tôi yêu nhau, nên duyên với nhau thì chắc chắn vẫn còn lại cho chúng tôi tình bạn, một tình bạn thật đặc biệt. Tình bạn ấy đâu chỉ sống dựa vào những vui vẻ, hạnh phúc của tuổi thơ hồn nhiên, mà cũng đã được thử thách qua những nỗi buồn, khổ đau của tuổi yêu mơ mộng. Tôi không biết trước con thuyền thời gian có thể đưa chúng tôi đến đâu trong tương lai, nhưng nếu chỉ có duy nhất một điều là mãi mãi cho hai chúng tôi thì tôi vẫn tin đó chính là TÌNH BẠN.
Tình bạn xuất phát từ trái tim không thể bị nghịch cảnh đóng băng, cũng như nước chảy từ con suối không thể bị đông lại trong mùa đông (James Fenimore Cooper).
Hằng Nguyễn