Gửi bài:

Những dòng đời ngược xuôi

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Chuyện đời sinh viên")

Dù sống trong hoàn cảnh không mấy sung sướng như người ta nhưng họ lại hạnh phúc rất nhiều khi họ luôn luôn bên cạnh nhau mỗi lúc khó khăn, chia sẻ buồn vui, nụ cười cũng như nước mắt. Liệu có đôi bạn nào như họ không?

***

Nắng chiều buông dần trên con phố nhỏ xóm Tuấn ở, vài cơn gió thoảng lướt qua mặt đất làm lớp bụi đường bay lên, tàn lá rụng dưới chân anh kêu xào xạc. Tuấn bước từng bước dài trên con đường dẫn về phòng trọ của anh. Phòng trọ nhỏ xíu, thấp lè tè nằm lọt thỏm giữa bao ngôi nhà khác, đó là một căn phòng xập xệ, cũ kĩ, mái nhà làm bằng những tấm tôn dở. Trời mùa hè, nằm trong phòng chẳng khác nào cái lò thiêu. Tuấn bước vào nhà vớ ngay một cốc nước đặt trên bàn uống một hơi để làm giảm đi cơn nóng đang đốt cháy cổ họng anh. Nhìn quanh nhà, chả thấy tăm hơi Mạnh đâu, Tuấn đinh ninh rằng nó đi làm chưa về. Bước ra ngoài hiên, anh ngồi bệt xuống nền xi măng, mắt nhìn vu vơ lên khoảng không trên cao mà trong đầu đầy những suy nghĩ.

- Đã hơn 3 năm rồi cơ đấy! - Tuấn nói thầm

nhung-dong-doi-nguoc-xuoi

Ba năm, quãng thời gian Tuấn bước chân từ một làng quê ven biển miền trung vô thành phố Sài Gòn hoa lệ này học tập và sinh sống. Những ngày đầu, chẳng có ai quen, chẳng một họ hàng thân thiết, Tuấn một mình bôn ba, vật lộn với cuộc sống khắc khổ tại nơi đây. Từ chuyện kiếm một phòng trọ với giá rẻ nhất rồi chuyện phải kiếm việc làm để nuôi sống bản thân, vì hằng tháng ba mẹ Tuấn chỉ gửi đủ tiền để trả tiền trọ, còn lại một mình anh phải thu xếp hết. Sau ba tháng bươn chải với cuộc sống, anh dần hoà nhập với đất Sài thành này. Nhưng đồng tiền cứ làm khổ Tuấn, chuyện tiền nong khiến anh phải đau đầu suy nghĩ, có những hôm cô chủ nhà đến lấy tiền nhà trọ mà anh không có đành phải khất sang tuần sau. Rồi Tuấn phải đi làm tăng ca, bớt phần ăn hằng ngày để tiết kiệm trả tiền trọ. Bất ngờ, Tuấn quen được Mạnh trong một lần lên thư viện trường mượn sách.  Mạnh- một thằng con trai quê miền Tây, mặt mày sáng sủa, nước da hơi ngăm đen và có một ánh mắt biết cười. Qua nói chuyện, Mạnh học chung ngành với Tuấn nhưng khác lớp. Mạnh tâm sự là anh đang tìm một phòng trọ gần trường với giá cả phải chăng, trước giờ Mạnh đang sống chung với người cậu nhưng vì hiện tại gia đình cậu của Mạnh đang gặp khó khăn nên Mạnh phải chuyển đi nơi khác. Cũng may là Tuấn cũng đang tìm người ở chung để bớt tiền nhà, Tuấn liền rủ Mạnh về phòng trọ Tuấn. Bắt đầu từ đấy Tuấn và Mạnh trở thành đôi bạn thân.

Hằng tháng, tiền trọ được chia đôi cho hai người, dù sao với giá một triệu một tháng cho hai người đã là quá rẻ. Cô chủ nhà cũng dễ tính nên việc trả tiền nhà trễ vài ngày cũng không sao. Còn về chuyện ăn uống, bữa nào gấp lắm thì mua cơm hộp, còn bữa nào thong thả có dư chút tiền thì ra chợ mua một ít đồ ăn về nấu rồi cùng ăn chung. Chỉ là bữa cơm đạm bạc mà khi ăn thấy ấm lòng đến lạ. Hai con người xa quê lên thành phố sinh sống, gặp nhau rồi sống chung với nhau mới thấy được tình người là như thế nào. Dù không được sung sướng như khi ở nhà nhưng khi lên đây có được một người bạn như Mạnh cũng an ủi được phần nào. Hai đứa thỉnh thoảng vẫn ngồi kể cho nhau nghe về làng quê, gia đình của mỗi đứa, xem ở đó có những gì thú vị rồi cùng xuýt xoa khi nói về món ngon nơi ấy.

Có lần, khi nhắc về gia đình mà mắt mỗi đứa cứ nhoè đi vì nhớ nhà. Mấy năm nay, họ chưa một lần về nhà thăm gia đình. Dù muốn lắm nhưng phải dặn lòng để tiền tiết kiệm cho sau này, mỗi lần về quê là mất một khoản tiền lớn. Mà Tuấn và Mạnh có phải là người dư dả gì đâu, gia đình hai đứa đều rất khó khăn nên mỗi dịp lễ hay Tết họ đều cắn răng mà nuốt nước mắt vào trong. Mỗi lần nhớ mẹ, Tuấn gọi điện về nhà nói vài ba câu thăm hỏi "Ba mẹ có khoẻ không ?"rồi vội cúp máy đi, vì Tuấn sợ nếu nói nữa Tuấn sẽ oà khóc mất. Còn Mạnh, gia đình cậu ấy còn khó khăn hơn Tuấn. Gia đình Mạnh làm nghề nông, mà cái nghề này khi trúng mùa thì bội thu, khi thời tiết xấu thì coi như trắng tay. Gia đình Mạnh còn thiếu nợ người ta một trăm triệu chưa trả nổi. Em kế của Mạnh phải nghỉ học từ lớp năm để phụ giúp gia đình kiếm sống, còn em gái út Mạnh thì đang học lớp hai.

Ngày trước khi Mạnh vừa đậu Đại học Bách Khoa, gia đình Mạnh mừng khôn xiết. Nhưng cái nghèo lại khiến cho đứa em của Mạnh phải nghỉ học để gia đình có đủ tiền nuôi Mạnh ăn học. Mạnh nghe vậy liền xin ba mẹ cho nghỉ học để phụ ba mẹ kiếm tiền chứ không muốn vì mình mà đứa em không được đến trường. Ba mẹ Mạnh nghe xong nhìn nhau rồi lau nước mắt mà nói:

- Ba mẹ rất thương tụi con, nhưng Mạnh à, con là anh lớn cũng thông minh hơn thằng Minh, ba mẹ nuôi con ăn học đến chừng này rồi ba mẹ không muốn con phải bỏ dở giữa chừng. Con ơi, con thương ba mẹ và mấy đứa em, ráng lên thành phố mà học cho tốt. Ba mẹ sẽ cố gắng nuôi con đến khi ra trường.

- Còn về thằng Minh thì sao hả ba mẹ?

- Ba mẹ sẽ cố gắng lo cho nó, nếu có thể sẽ cho nó học bổ túc ban đêm. Con đừng lo gì cả!

- Anh hai lên thành phố học đi. Em ở nhà sẽ phụ giúp ba mẹ. Khi nào anh ra trường nhớ mua quà về cho em là được rồi!

Nhìn ánh mắt tin tưởng của ba mẹ và nụ cười tươi của đứa em mà lòng anh quặn thắt. Anh quay mặt đi để giấu những giọt mắt mình rơi ra. Ngày anh lên đường nhập học, anh mang trong mình một quyết tâm học thật tốt để sớm ra trường kiếm tiền về trả nợ cho ba mẹ và nuôi sống cả gia đình.

Mạnh và Tuấn đã cùng nhau trải qua những tháng ngày gian khổ của đời sinh viên. Từ chuyện giặt giũ, nấu cơm, sinh hoạt cá nhân họ đều phải tự lo lấy. Đến chuyện bệnh tật, mỗi lần ai bệnh thì người kia đi mua thuốc rồi chăm sóc. Ở đây, thiếu vắng bàn tay của phụ nữ nên cả hai đều phải tự lập nhưng đâu thể bằng sự chăm sóc của mẹ. Mỗi lúc gặp khó khăn, cả hai giúp đỡ lẫn nhau, có khổ cùng khổ, có sướng cùng sướng. Họ dường như trở thành anh em tự khi nào. Sống trên cái đất Sài Gòn này, lúc nào cũng có thể quật ngã con người khiến con người ta phải buông xuôi và từ bỏ tất cả. Chỉ có lòng quyết tâm và ước mơ cao cả cho tương lai mới nâng con người lên bão táp của cuộc đời. Tình bạn giữa họ đã giúp hai người nâng đỡ, dìu dắt nhau qua những cơn bão táp đó để rồi họ mới có thể tồn tại đến ngày hôm nay. Có những lúc họ tìm thấy niềm vui trong bữa cơm chung hay cùng nhau hát vang "Cây đàn sinh viên" dưới ánh trăng của buổi đêm. Cuộc sống của họ cứ thế trôi qua một cách lặng lẽ.

***

Tuấn đang loay hoay trong bếp để nấu bữa ăn chiều thì Mạnh chạy xộc vào nhà rồi hớn hở reo lên:

-  Tuấn ơi!  Tao được học bổng rồi nè!!!

Tuấn giật mình quay phắt người lại rồi chạy vội lên nhà, mắt ngạc nhiên nhìn Mạnh. Trên tay Mạnh là bì thư tiền thưởng. Cả hai nhìn nhau mà không nói nên lời. Mạnh vội vã tháo cặp xách vứt đại trên giường rồi quay sang hỏi Tuấn:

- À, mày đã nấu gì chưa đấy?

- Rồi. Hôm nay tao nấu canh chua với cá chiên.

- Ừm, vậy mày đợi tao chút. Tao ra chợ mua chút đồ ăn để ăn mừng tao được học bổng.

Tuấn vội khoát tay:

-  Thôi, mày mua làm gì cho tốn tiền. Ở nhà còn nhiều đồ ăn mà. Với lại mày giữ tiền đó đi, rồi sau này còn có cái để dùng nữa!

Mạnh cười xoà rồi bảo:

- Có tốn bao nhiêu đâu. Lâu lâu tao với mày cũng phải có "tiệc" chứ!

Đôi mắt Mạnh ánh lên vẻ sung sướng, anh quay người bước đi ngoài. Còn Tuấn, anh cũng mừng thầm cho Mạnh, vì bao nhiêu nỗ lực của Mạnh cũng được đền đáp.

Tuấn ngồi ở nhà đợi Mạnh hơn nửa tiếng đồng hồ mà chưa thấy Mạnh về. Mọi khi, Mạnh ra chợ chỉ mất mười phút, sao hôm nay lại đi mãi mà không thấy về. Anh sốt ruột đi tới đi lui trong phòng, lâu lâu lại ra ngõ đứng ngóng. Anh cũng có gọi điện thoại nhưng không có tín hiệu. Khoảng mười lăm phút sau,  một cuộc gọi đến từ máy Mạnh:

- Alô, có phải anh Tuấn-bạn anh Mạnh không ạ?

- Ừ, là tôi đây. Thế Mạnh đâu rồi?

- Bạn anh bị tai nạn hiện đang nằm trên bệnh viện. Anh lên đây gấp nhé!

Tuấn nghe xong mà muốn buông rơi cái điện thoại trên tay. Anh dường như choáng váng và không tin nổi vào tai mình. Niềm vui của Mạnh cứ tưởng được nhân đôi ai ngờ đâu giờ lại hoá ra thế này. Cầm trên tay bìa thư tiền thưởng mà Tuấn không ngăn được sự xúc động. Sau một lúc rối bời, anh chợt tỉnh táo rồi vội thu xếp đồ đạc đem lên bệnh viện.

Tới nơi, được bác sĩ nói tình trạng của Mạnh hiện đã qua cơn nguy kịch nhưng phần đầu bị chấn thương nhẹ và chân trái của Mạnh bị nứt xương phải bó bột và tĩnh dưỡng trong một thời gian. Lí do Mạnh bị tai nạn là do một người đàn ông say rượu chạy xe máy tông vào Mạnh khi anh vừa đi qua đường. Tiền viện phí và thuốc men thân nhân của người ấy đã thanh toán hết, kèm lời xin lỗi đến Mạnh. Tuấn thở phào nhẹ nhõm như trút được gánh nặng trong lòng. Nhưng anh chợt nghĩ đến những ngày sắp tới, liệu cả hai sẽ sống ra sao đây. Mạnh cần phải tĩnh dưỡng ở nhà nên không thể đi làm được. Còn Tuấn, anh cũng phải ở nhà chăm sóc Mạnh một thời gian rồi mới đi làm được. Vậy thì tiền học, tiền ăn, tiền trọ, tiền thuốc men cho Mạnh lấy đâu ra tiền để chi trả đây? Câu hỏi ấy cứ đeo bám lấy Tuấn suốt ngày hôm ấy làm anh không sao thôi bình tĩnh được.

Mạnh trở về nhà sau một thời gian điều trị tại bệnh viện. Hầu như Mạnh không thể đi đâu xa vì chân còn yếu. Việc đến trường của Mạnh bị tạm hoãn lại. Trong suốt thời gian Mạnh ở nhà, Tuấn ra sức chăm sóc Mạnh cẩn thận và kĩ lưỡng như một người em của mình. Nhiều đêm đang ngủ, Tuấn chợt tỉnh giấc bởi tiếng rên của Mạnh bỗng nhức và đau dữ dội. Tuấn lại phải bóp chân và xoa thuốc cho Mạnh, như Tuấn chẳng hề kêu ca hay than phiền gì cả. Những hôm có tiết trên lớp của Mạnh, Tuấn đi học thế rồi về giảng lại cho Mạnh. Rồi những công việc ở phòng trọ một tay Tuấn phải lo hết. Công việc ấy cứ lặp đi lặp lại suốt một tháng trời. Tuấn không thể đi làm vào lúc này vì Mạnh còn rất yếu, nhỡ có chuyện gì không hay xảy ra thì không biết ai sẽ giúp Mạnh. Vì thế, anh xin nghỉ tại quán anh đang làm. Tiền lương không có nên cả hai bấu víu vào số tiền ít ỏi của ba mẹ gửi lên. Mạnh không cho Tuấn báo cho gia đình anh biết vì sợ ba mẹ lo lắng mà sinh bệnh. Tuấn lại rơi vào bi kịch khi nhu cầu cuộc sống ngày càng cao, cái gì cũng đắt đỏ nên dù cả hai đã cố dè xẻn đến mức tối đa nhưng vẫn không xoay xở được. Tiền ăn uống cộng vào tiền thuốc thang cho Mạnh mỗi lúc một tăng, Tuấn không biết đào đâu ra tiền. Đồng tiền ở đây không khó để kiếm ra nhưng quá nhiều thứ để chi khiến đồng tiền ấy trở nên bất lực.

Cuối tháng cô chủ nhà đến lấy tiền, lại thêm một khoản tiền đeo lấy Tuấn. Anh xót xa nhìn Mạnh nằm trên giường mà không nghĩ ra cách cứu mạng sống cho cả hai ngay lúc này. Anh bất lực nhìn vào khoảng không đen thẳm ngoài trời mà trách ông trời sao quá bất công. Đã có lúc, anh tuyệt vọng đến mức bật khóc. Gánh nặng đè lên đôi vai anh, giữa Sài Gòn rộng lớn này biết tìm ai để giúp đỡ mình đây.

Tuấn loay hoay trong sự rối trí, mỗi đêm anh nằm thao thức suy nghĩ ra cách giải quyết cho cả hai lúc này. Đã có lúc anh muốn buông xuôi, từ bỏ tất cả, anh định sẽ ra đi nhưng nghĩ về người bạn thân của mình mà anh không nỡ. Mạnh còn cả một quãng đường dài phía trước, cả những ước mơ và hoài bão của đời mình để cứu lấy gia đình mình. Tuấn không thể bỏ rơi Mạnh, anh còn phải giúp Mạnh thực hiện được ước mơ và cả tương lai của mình.

Cuối cùng, anh quyết định mượn tiền của những người bạn chung lớp, dù biết họ chẳng có nhiều tiền để giúp đỡ mình. Khi nghe anh kể rõ sự tình, bạn bè đều nhiệt tình giúp đỡ mỗi người một ít, số tiền không nhiều nhưng cũng đủ để mua thuốc cho Mạnh. Rồi anh lại chật vật chạy đi vay tiền của bà chủ nơi anh làm việc để có thể trả tiền nhà trọ. Cứ tưởng là bà chủ sẽ không cho nhưng ông trời có mắt, người lương thiện luôn được phù hộ. Anh được bà chủ cho mượn tiền mà không phải trả liền hay trả lãi gì cả. Bà chủ đưa xấp tiền cho anh bảo hãy về lo cho Mạnh, khi nào đi làm lại có tiền rồi trả lại cũng được. Anh cầm số tiền mà mắt nhoè đi, anh cảm ơn rối rít bà chủ mà trong lòng đầy những tia hi vọng.

***

Một tháng sau, Mạnh đã có thể đi lại được. Tuấn vui mừng lắm. Nhờ có số tiền của bạn bè và bà chủ anh mà có thể giúp họ vượt qua một quãng thời gian khắc nghiệt ấy. Tuấn đã xoay xở hết cách mới không để số tiền ấy trở nên vô ích được. Tuấn dự định sẽ đi làm lại nhưng anh vẫn lo lắng cho Mạnh. Dường như Mạnh cũng hiểu được tâm sự của Tuấn nên anh bảo:

-  Mày đã giúp tao quá nhiều rồi! Giờ tao cũng đỡ hơn, mày cứ đi làm đi, chuyện ở nhà tao có thể tự lo được mà.

Tuấn thoáng ngần ngừ rồi cũng gật đầu đồng ý. Vì sắp tới anh mà không đi làm thì sẽ không có tiền để lo trang trải cuộc sống. Cả hai lại phải chết đói một lần nữa. Anh tới quán cũ xin làm việc lại, bà chủ niềm nở đón anh vào làm mà không nề hà một chút nào. Mạnh thì ngoài lúc lên trường học, anh đều ở nhà lo thu xếp mọi thứ, dù không đi được xa nhưng anh vẫn có thể đi ra chợ gần nhà mua đồ về nấu cơm. Cả hai cứ thế mà sống qua những ngày kế tiếp...

***

Tháng sáu, những cánh phượng đã bắt đầu nở rộ nơi những con đường dọc nơi anh đi. Mùa hạ về đâu đây nơi đất Sài Gòn, làm lòng người cũng nôn nao. Những ngày này, mấy đứa học trò cứ náo nức tới ngày nghỉ học để vui chơi thoả thích. Những em học sinh cuối cấp thì vừa tiếc nuối cho những kỉ niệm ở lại nơi mái trường, thương nhớ bạn bè, thầy cô; lại vừa lo lắng cho những kì thi chuyển cấp hay quan trọng sắp tới. Riêng Tuấn và Mạnh, đã ba tháng trôi qua từ cái ngày không may ấy xảy ra, Mạnh đã đi lại bình thường và cả hai lại có những ngày tháng sống thoải mái và bình yên dưới căn phòng nhỏ bé đó. Họ sống bình lặng ngày qua ngày, hưởng thụ cái vui nhàn hạ trong cuộc sống: sáng đi học, chiều đi làm và tối về cùng nhau ca vang bài hát quen thuộc. Dù sống trong hoàn cảnh không mấy sung sướng như người ta nhưng họ lại hạnh phúc rất nhiều khi họ luôn luôn bên cạnh nhau mỗi lúc khó khăn, chia sẻ buồn vui, nụ cười cũng như nước mắt. Liệu có đôi bạn nào như họ không?

Chiều thứ bảy mùa hạ, Tuấn và Mạnh cùng nhau đạp xe trở về nhà sau giờ làm việc. Tuấn hân hoan khoe với Mạnh:

-  Này, tao mới được bà chủ thăng chức đấy!

Mạnh quay sang với vẻ mặt rạng rỡ, cười khoái chí:

- Chà chà, sướng nha. Thế mày chính thức trở thành ông chủ à?

- Làm gì có mày! Tao chỉ mới được làm Kế toán thôi. Nhưng thế là cũng ngon rồi!

- Hà hà, thế chúc mừng mày. Tao cũng có tin vui đây. Tao mới được bà chủ thưởng vì làm việc chăm chỉ. –Mạnh một tay cầm lái, một tay vỗ đôm đốp vào túi quần, mắt ánh lên sự vui sướng.

- Vậy tại sao tối nay tao với mày không ăn mừng nhỉ?!

- Ý kiến hay-Mạnh búng tay cái choách- Ghé vào quán nào mua vài thứ về nấu lên rồi "nhậu" chơi, mày hén.

Tuấn gật đầu đồng ý, nhấn mạnh pê-đan rồi nói trong làn gió lạnh vừa lướt qua:

- Ờ, đi lẹ mày ơi. Trời sắp mưa rồi đấy!

Cả hai đạp nhanh về phía trước, bóng họ đổ dài trên con đường ngập ánh đèn neon. Trăng bắt đầu lên cao...

An Phong 

Ngày đăng: 18/12/2014
Người đăng: đình phong
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Smart
 

Người khôn nghĩ trước khi nói

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage