Gửi bài:

Bạn một thời

Tiếng máy điện thoại tút tút báo hiệu cuộc gọi kết thúc. Lê đang ngồi trước bàn máy tính, miệng lảm bẩm: "Ôi thằng cha này đi đâu về nhỉ, đã mấy năm rồi không gặp lại, không biết dạo này hắn ra sao nữa?" Vừa nói vậy, Lê vừa tắt máy tính và đứng lên đi vào buồng thay quần áo ngồi chờ bạn.

***

ban-mot-thoi

Tháng ba, bầu trời âm u đã mấy ngày, sáng ra sương mù và mưa xuân lấp phất bay, tiết trời không mấy đẹp. Chiếc xe Crona đỗ trước cửa, đang lùi lại, từ trong nhà nhìn ra Lê đã nhận ra chiếc xe, đoán đúng là Du, anh chạy vội ra vẫy, lái xe liền cho xe lùi vào sân. Du dáng người cao to mở cửa xe vồn vã tiến lại ôm chầm lấy Lê miệng hỏi:

- Thế nào lâu nay ông vẫn khỏe chứ? Nhớ đúng nhà chỗ này nhưng nhìn thấy nhà xây to và mới quá lại tưởng mình nhầm! Tôi vừa đi Đà Nẵng hơn chục ngày, tối qua về đến Thái, nhưng sáng nay mới lên ông được. Ôi! Nhà mới quá!

Lê kéo Du cùng anh lái xe vào nhà, vừa rót nước cho bạn vừa nói:

- Ôi cả đời phấn đấu đấy ông ạ! Năm ngoái mới cố xây ngôi nhà này, các cháu giờ chúng cũng lớn cả rồi, ăn ở lụp sụp mãi chúng cũng tủi ông ạ!

- Thế bọn thằng Hoạt dạo này nó ra sao? Lâu quá tôi cũng không được tin gì về nó cả. Điện thoại thì mất số.

- Tôi cũng lâu rồi không gặp, nhà cửa của nó cũng bán hết rồi, chẳng còn gì cả, sau ngày vợ nó chết, mọi chuyện diễn ra không ai có thể ngờ được. Hoạt nổi tiếng giỏi buôn bán, làm ăn và giàu có nhất nhì thị trấn này vậy mà giờ không còn gì sất, nghe nói nó đã bỏ đi Tây Bắc làm vàng mấy năm nay rồi!

Nghe Lê kể, Du im lặng không nói gì, đôi mắt thoáng vẻ ngỡ ngàng. Rồi Du bảo tôi:

- Tôi cũng không hiểu ra sao cả, tưởng ông và nó ở gần nhau phải biết rõ về nhau chứ, trước học cùng nhau bọn mình thân thiết thế cơ mà. Tôi định hôm nay về đây sẽ gọi ông và nó đi đánh chén một bữa cho thỏa thích, rồi cùng nhau ôm chiếu trải ra nền nhà gác chân lên đùi nhau mà ngủ, và cùng ôn lại quãng đời sinh viên với nhau, vậy mà nó lại không có ở đây nữa! Đời người các cụ dạy: "Lên voi, xuống chó"không ai biết thế nào mà lường cả! Tiếc cho nó quá!

- Thì ông biết rồi đấy thời sinh viên, bốn thằng mình, Lê, Hoạt, Tường, Du chơi rất thân với nhau, đi đâu, làm gì chẳng có nhau. Sau khi ra trường mỗi thằng một ngả, tôi và Hoạt thì về công tác tại Phú Thái này, ông và Tường về Na Rì, Bắc Cạn. Trong 4 thằng thì duy nhất có thằng Hoạt là làm ăn giỏi dang, nhà hai tầng, có xe máy, có tiền nhiều... vợ đẹp, con ngoan, ai dám bì với nó, thời những năm 90 nó sống như ông hoàng. Trong khi đó bọn mình nghèo rớt mồng tơi, ăn còn không đủ, từ khi nó phất lên mình cũng ngại đi lại nhà nó. Vậy mà vợ chết chưa đầy 3 năm nó đã thành trắng tay! Thế mới biết người vợ quan trọng thế nào!?

Bữa tiệc sắp ra tưởng vui mà lại hóa buồn, bao đồ ăn Du gọi ra mà hai thằng cùng cậu lái xe chẳng ăn được mấy, ngoại trừ những chai rượu cạn đi rất nhanh. Ký ức những năm tháng đời sinh viên gian khổ họ chia nhau từng mẩu bột mì luộc ướt nhèm, chấm mắm tôm, hay hì hụp chung nhau bát cháo loãng nấu vội nơi đầu nhà ký túc mỗi sáng đi thể dục về! Mọi việc diễn ra đã trên 35 năm, vậy mà giờ đây ngồi bên nhau những hình ảnh ấy cứ ùa về hiện lên rõ mồn một thông qua ký ức của hai người...

- Ông còn nhớ lần bọn mình đi hỏa tuyến tháng 3 năm 1979 lên Bình Gia - Lạng Sơn không? – Du đặt chiếc chén xuống bàn, mắt ánh lên nhìn Lê.

- Ôi! Nhớ chứ quên làm sao được, hơn một tháng trời sống trên đất Bình Gia, ngày ngày trèo đèo, lội suối đào công sự chống "bành trướng", bữa ăn bánh bao luộc với rau cải héo chở lên từ Thái... Vậy mà đứa nào đứa nấy làm việc hăng hết sức. Tình yêu tổ quốc lúc đó sao mà thiêng liêng đến thế. Bọn mình được biên chế thành đại đội hẳn hoi, bọn con trai mỗi thằng được phát một khẩu K63 mới tinh rồi được học sử dụng và tháo lắp súng nữa bọn mình thằng nào cũng thích.

- Ừ thích và vui nữa, đêm đêm nằm trên nhà sàn của dân nghe tiếng súng nổ ì ùng từ biên giới vọng về, bọn mình chẳng thấy sợ mà chỉ mong được đi đánh trận thật, không hiểu sao lúc đó ai cũng hừng hực khí thế, không biết sợ là gì, ăn thì đói, ngủ thì rét chứ. Sáng sớm ra khe suối lấy nước, sương muối phủ trắng ngọn cỏ bên đường. Ngày đào hào, tối về tập trung trong nhà sàn sinh hoạt văn nghệ, các trung đội hát rung cả nhà. Ông còn nhớ bài hát "Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới" và bài "Chiều dài biên giới" không? Lúc đó bọn mình hát thấy khí thế, sục sôi thật sự. Đói, rét, vất vả mà vẫn lạc quan yêu đời hết biết luôn! – Du kể với giọng đầy hào hứng cứ như chuyện vừa xảy ra gần đây vậy.

- Phải nói là cái khóa học của mình ngày đó vất vả vô cùng, chiến tranh biên giới nổ ra, bọn mình học mà đâu có được yên, nhiều thằng phải nhập ngũ tại trường. Rồi cuối năm 1979 bọn mình lại phải tham gia 3 tháng quân dự nhiệm dưới Tân Yên, Hà Bắc nữa chứ. Ba tháng trong quân ngũ mới đầu thằng nào thằng ấy bã bời tưởng phải bỏ trốn về vì bị rèn đúng điều lệnh quân đội với 11 chế độ sinh hoạt hết sức nghiêm túc. Thời gian không có rảnh một chút nào, viết lá thư cũng phải tranh thủ. Nhưng ấn tượng nhất của ông về những ngày đi dự nhiệm đó là gì?

- Gì nữa! Đói! Đúng không? – Du trả lời ngay không cần suy nghĩ. – Bọn mình toàn tuổi 19 -20 đang tuổi "bẻ gẫy sừng trâu", luyện tập cả ngày vậy mà đến bữa mỗi thằng chỉ được 2 lưng cơm gạo mục, chan nước chấm chế từ gạo rang cháy thì bố thằng nào chịu được! Ông còn nhớ không? Đi tập chiến thuật ở những khu ruộng bà con trồng lạc, trồng khoai, họ đã thu hoạch, cứ nghe còi tuýt nghỉ giải lao 15 phút là thằng nào, thằng nấy lại dùng cuốc, dùng xẻng căng mắt đi tìm, đào bới, mót những mẩu khoai, củ lạc còn sót lại, được mẩu nào, củ nào là cạo, là bóc ăn liền, nhiều thằng đang ăn thì hết giờ giải lao vậy là đút ngay mẩu khoai đang ăn dở vào túi để khi về ăn tiếp!

- Ừ, ông nói không sai, giờ mình kể lại những chuyện như thế bọn trẻ cho mình là nói khoác, chúng không tin ông ạ! – Lê gật đầu xác nhận.

- Giờ chúng nó sướng vậy, nó thấy ai ăn uống thế bao giờ đâu mà nó tin, đi học tiền bố mẹ cho đâu phải lo, cứ hết tiền là điện về bảo bố mẹ gửi cho chứ chúng có như bọn mình trước đâu. Đúng là "đói ăn vụng, túng làm liều"! Bọn mình khi ấy cũng nghĩ ra đủ chiêu trò, thằng Hương khôn lỏi nhất trung đội, nó nghĩ ra trò xếp hàng ăn cơm mâm đầu tiên, sau chờ lúc nhập nhoạng tối ra ngoài rồi lộn lại xếp hàng vào ăn lần 2. Nó làm nhiều lần mà trực ban không phát hiện ra, chỉ đêm về nằm ngủ nó kể bọn mình mới biết, nhưng tôi với ông là hai thằng nhát gan không dám bắt chước nó, chỉ sợ bị bắt thì nguy! – Du nói rồi cười hề hề vẻ khoái trí. - Ấy thế mà Hương cũng mất được 5 năm rồi đấy, nó bị đột quỵ ! Đúng là "sinh có hạn, tử bất kỳ"!

Không khí bữa tiệc bỗng lặng xuống một lúc lâu, hẳn là hai người đang nhớ về những kỷ niệm xưa vơi Hương. Mãi sau Lê mới lên tiếng kể tiếp:

- Ấy thế mà rồi tôi cũng dám liều, tôi là thằng đầu tiên phát hiện ra toán chị nuôi thường lấy mì về để ở bếp từ tối hôm trước để sáng sớm dậy nấu ăn cho đại đội. Mà cửa kho nhà bếp làm bằng liếp nứa, then cửa thì hở hoác, khi đi gác tôi và thằng Tường soi đèn vào thấy thúng mì đầy tú lu, vậy là thằng Tường gác ngoài, còn tôi lách người vào qua khe cửa, đến nơi, tôi dùng mũ cát múc đầy hai mũ mì đưa ra. Hết phiên gác hai thằng ôm mũ mì trước bụng đi về. Bọn mình vì thế cũng được vài bữa no. Chết nỗi sau đó mình lại "truyền mẹo" ấy cho tay Thơ ở trung đội 3, nó gác sau ca mình, bọn mình gác khu vực bếp ăn, cũng lấy được ba bốn bận như vậy nữa, sau đó chị nuôi phát hiện ra mì bị mất trộm báo lên đại đội. Lần ấy tay Thơ vẫn quen như mọi bận, vào lấy mì, hết ca đem về, vì đói quá và lại háu ăn nên bọn hắn nổi lửa nấu ăn ngay lúc 3 giờ sáng. Tay trung đội trưởng vô tình đi kiểm tra, bắt được, vậy là họ truy ngay ra tay Thơ và quy cho cu cậu là người trộm mì lâu nay. Ngay tuần sau đại đội tiến hành kỷ luật, tay Thơ bị cảnh cáo toàn tiểu đoàn vì đã "ăn vào xương máu đồng đội" ! Tôi nhớ lúc ngồi nghe lão Soan đại đội trưởng đọc quyết định cảnh cáo nó tôi vừa run, lại vừa buồn cười. Run vì sợ tay Thơ khai ra mình, còn buồn cười là vì một đêm gác mà Thơ một mình ăn hết những 6 kg mì ! Sau vụ ấy bọn mình vừa buồn cười vừa thương cho tay Thơ bị oan và cũng thầm cảm ơn hắn đã dũng cảm "hy sinh" không khai ra đồng đội, vì thật ra số mì ấy là cả bọn mình cùng lấy. Nghĩ mà hú vía.

- Thì tất cả cũng chỉ vì đói quá nên lính làm bừa, chứ bản chất mình đâu có thế. Trò đó nó cũng mang đậm chất lính, bồng bột, hồn nhiên, vô tư và tếu táo nữa, thế mới là lính chứ, mỗi thằng, mỗi quê, mỗi tính...Giờ nhớ lại thấy thèm được như vậy ông ạ! – Du nói vậy rồi mặt bỗng ngẩn ra một lát vẻ tiếc nuối.

- Sau vụ ấy ông còn nhớ tôi với ông làm gì nữa không? – Lê hỏi và ra hiệu cho Du cùng uống cạn chén rượu do anh chàng lái xe rót mời.

- Ồ sao lại không? Đúng trước ngày hết hạn huấn luyện 2 hôm, sáng ấy đại đội khoán cho mỗi thằng sang tiểu đoàn đóng 20 viên gạch cay. Khi về đi qua cánh đồng đại đội trồng khoai tây, mấy thằng nhảy xuống bới thử thì thấy khoai có củ khá to. Mấy thằng bảo nhau: "Mẹ kiếp ! Khoai bọn mình trồng, củ to thế mà không được ăn, ngày kia về mất rồi, tiếc thật." Thế là tối về tôi và ông rủ thằng Hoạt, và thằng Tường chờ cho trời tối hẳn, bốn thằng đóng bộ gọn gàng, đội mũ cối đi ra ruộng khoai. Vừa đến nơi, tôi và hai thằng kia nhào ngay vào luống đào bới luôn chẳng hề để ý gì sất, trong khi ông đi sau vẫn cứ đứng trên bờ ngó xuống ruộng, thấy vậy tôi quát : "Xuống lấy mau rồi còn về, không tí nữa chúng nó đi gác thì toi". Ông vẫn đứng và ngó gì đó trên đám ruộng phía trên.Vừa lúc đó có tiếng quát: "Ai giơ tay lên!". Tôi ngồi ở dưới ruộng đang móc khoai nghe vậy run bắn người, trong đầu bỗng lóe lên ý nghĩ: "Thế là hết, chỉ 2 ngày nữa được về, giờ bị bắt, bị kỷ luật về trường không khéo bị đuổi học mất thôi !". Nhưng rồi ba bóng đen ở ruộng trên òa lên khi chúng nhận ra bọn mình. Thì ra bọn chúng ở trung đội 3 cũng đi lấy trộm khoai như chúng mình, đúng là " kẻ cắp, bà già gặp nhau". Sau phút bàng hoàng cả lũ lao xuống móc khoai, mỗi thằng làm một mũ cối đầy mang về luộc ăn cho đến khi có lệnh về trường. Ba tháng trời mà nhiều chuyện cười ra nước mắt, tôi nhớ mãi không quên.

- Thời gian trôi sao nhanh vậy, đã 35 năm rồi! Thôi chúng mình ăn đi nào. Thế thằng Tường dạo này làm ăn thế nào, đường hoan lộ của nó nghe nói cũng khá lắm hả kể từ khi chuyển lên Tỉnh?

- Thì cũng cán bộ thôi, có gì ghê đâu, nhưng có điều nó hơi khệnh khạng quan cách một chút, chính vì vậy mà tôi cũng không hợp với nó, làm việc gần nhau mà tôi cũng ít gặp nó.

- Kinh tế của vợ chồng nó ra sao?

- Kinh tế thì cũng khá, đất bố mẹ cho, nhà cửa xây xong rồi, vợ nó cũng làm giám đốc, nói tóm lại là cũng có máu mặt rồi, không còn hom hem như thời sinh viên nữa. Thế lâu nó có liên lạc với ông không?

- Lâu lắm rồi tôi cũng không có liên lạc gì. Tính cách nó cũng có nhiều điều khác trước, nó ngại giao tiếp với bạn bè cũ. Nó sợ mình nhờ vả gì chăng?

- Ôi giời! Ông cứ nghĩ thế, chứ nó cũng chỉ là công chức chứ ghê gớm gì, vài năm nữa cũng nghỉ hưu. Ngày còn sinh viên ông chẳng nuôi nó suốt đấy à? Hai thằng ngủ cùng giường, ăn cùng nồi, gạo nước toàn của ông đem ở nhà đi. Dạo ấy nó con nhà cơ quan, nghèo đói bỏ cha ra ấy chứ, mấy năm đi học ăn ở dưới này ông "bao" nó suốt, thế ông còn nhớ lần lên thăm bọn tôi không? Bữa ấy nó dẫn chúng mình đi ăn thịt chó. Khi về nó bảo tôi và nó chia đôi số tiền đi ăn hôm ấy. Mình nghe vậy hơi giật mình, và buồn cười nữa, sau lần ấy mình thấy nó nhỏ nhen quá, nhưng ngại không kể cho ông, sợ ông biết ông lại cười chúng tôi. Nhưng giờ kể để ông biết, nó sống quen lợi dụng người khác khi cần thiết, thích luồn cúi cấp trên, coi thường kẻ dưới nên mình cũng không thích tính nó. Thôi giờ ông kể về ông và thằng Hoạt đi nào.

- Tôi thì có gì đâu, tính tình thẳng băng, nói năng bỗ bã nên suốt đời chỉ là anh viên chức quèn, vợ cũng là viên chức ăn lương hành chính, vậy nên nghèo, tuy vậy được hai đứa con học hành cũng tốt, một đứa học Đại học văn hóa, ra trường vào làm tận thành phố Hồ Chí Minh, cô con gái út đang học năm thứ tư Đại học luật Hà Nội, chẳng biết ra trường có xin được việc làm không nữa! Lo mà chẳng giúp được gì cho con ông ạ!

- Thôi thì thân phận bọn mình nó thế biết làm sao. "Đời cua, cua máy, đời cáy, cáy đào". Lo làm gì hả ông thế là tốt rồi, tin mọi sự sẽ ổn ông ạ! Thế còn thằng Hoạt?

- Theo chỗ tôi được biết, sau khi vợ chết, nó lấy một đứa bạn cùng làm ăn với nó, cô bạn này cũng giàu có và cũng chết chồng. Khi đó bọn mình đều mừng cho nó. Được chừng 2 năm, nó lo dựng vợ gả chồng cho 3 đứa con xong thì hai đứa bỏ nhau. Nguyên nhân tôi cũng không rõ lắm nhưng nghe đồn là Hoạt chơi bạc nên mất hết vậy là cô bạn ấy cũng bỏ luôn. Đến căn nhà của nó cũng phải bán rồi. Gần đây thấy bảo nó dọn về ở với ông bố và đi làm vàng tận Tây Bắc cơ. Có lần tôi gặp thấy nó kể nó lại lấy cái Quy. Đứa học cùng lớp ngày xưa ấy. Thấy bảo Quy 3 lần lấy chồng thì cả ba đều chết, thế nào sau giờ chúng lại tìm về ở với nhau.

- Ừ chuyện này thì tôi cũng nghe kể rồi, nhưng mình không rõ cụ thể thế nào! Hoạt sống và làm ăn lọc lõi quá, không ngờ cuối đời lại khổ vậy?

Bóng chiều bảng lảng, câu chuyện của hai người bạn cứ kéo dài lan man từ chuyện này sang chuyện khác dường như không cạn. Lê cảm thấy buồn sau hơn 35 năm những người bạn thân thiết một thời giờ đây không mấy khi gặp được nhau mà có gặp cũng không thể đông đủ được. Trước mắt Lê, Hoạt hiện lên vừa khôn ngoan, rảo hoạt, vừa lọc lõi, tinh ranh, vừa gian rảo, xảo quyệt mà lại cũng rất đáng thương. Tường khôn khéo, nhẹ nhàng, thích nịnh bợ, nhiều khi sống không thật, tâm địa hẹp hòi. Du hồn nhiên, mộc mạc, chất phác, chân thành sẵn sàng hết mình vì bạn. Bốn người, bốn tính cách ấy vậy mà đã có một thời họ là những bạn bè thân thiết, gắn bó với nhau tưởng không có gì chia lia được họ.

Chiều tháng ba âm u, mưa xuân lắc rắc bay. Lê tiễn Du ra xe, hai người còn líu ríu mãi chưa muốn rời, mãi khi anh chàng lái xe thấy sốt ruột bấm còi Du mới chịu lên xe. Lê giơ tay vẫy bạn khi chiếc xe từ từ lăn bánh. Lê bỗng thấy lòng mình trống trải, cô đơn, nỗi nhớ cứ cồn cào... hình ảnh bạn bè ngày xưa cứ ùa về mỗi lúc một nhiều...Mưa rơi mỗi lúc mỗi nặng hạt.

Bùi Nhật Lai

Ngày đăng: 14/04/2016
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
I am sorry
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage