Gửi bài:

Nắng tháng sáu

Hôm nay là buổi học chính thức cuối cùng của tôi, cậu và ba mươi bảy con người mà tôi đã có gần ba năm gắn bó. Nhưng bạn đừng vội tưởng tượng ra cảnh tượng khóc lóc sướt mướt hay nước mắt sụt sùi, vì chúng tôi vẫn còn những một tháng ôn luyện hè trước khi thực sự chia tay nữa. Thế nhưng, không khí trong lớp vẫn không tránh khỏi có gì đó trầm lặng đến lạ.

***

Cậu không ghi bài, chỉ đưa ánh mắt nhìn bâng quơ ra tán cây xanh rờn phía ngoài cửa sổ, dường như cũng bị lạc vào một thoáng im lặng thật hiếm hoi. Tôi thì đang bất giác dừng lại ánh mắt trên gương mặt trông nghiêng của cậu, tự lục ra một thứ cảm xúc mà chính tôi cũng không sao diễn tả nên lời. Chỉ là, tôi và cậu hóa ra đã có tận ba năm ngồi cạnh bên nhau như thế! Ba năm, tôi không biết có những gì đã êm đềm nhẹ trôi theo cơn gió vẫn khẽ thổi ngoài kia, nhưng tôi có một người bạn thật đặc biệt – một tên con trai ngồi cùng bàn mà nếu mỗi ngày không chọc cho tôi cười, cậu ta nhất định cũng chọc tôi đến khóc. Ba năm, những cảm xúc khác nhau của tôi về cậu cũng thật nhiều, trong đó có nhiều điều tôi từng nói ra với cậu, nhưng lại có những điều mãi chỉ là thầm kín, giống như – tôi thích cậu...

nang-thang-sau

Ở lớp, quả thực rất hiếm khi có thể trông thấy dáng vẻ yên lặng, mà lại là yên lặng đến trầm mặc của một kẻ vốn nói rất nhiều, lại siêu nghịch ngợm như người bạn ngồi ngay cạnh bên tôi lúc này. Có lẽ chính bởi vậy mà tôi "không nỡ" xé bỏ bức tranh vẽ con đường đất nhỏ với hai bên là đôi hàng cây xanh mướt vô cùng an yên đó. Tôi thậm chí tưởng tượng mình cũng đứng vào con đường kia, rồi cứ thế bước thật bình lặng, nhẹ nhàng đi ngược dần về giữa chuỗi ngày mới bước vào trường với nhiều vô tư, mơ mộng.

Tôi nhớ lại lần đầu tiên tôi gặp cậu, giữa một cảnh tượng có lẽ chẳng thể nào thảm hại hơn. Đó là một buổi sáng thứ hai đầu thu có vương chút gió nhẹ, tôi diện trên mình chiếc sơ mi trắng mới được là phẳng phiu bước ra từ nhà để xe của ngôi trường cấp ba mà đối với tôi đã từng là niềm mơ ước. Đó không phải là lần đầu tiên tôi đặt chân đến ngôi trường này, vì trước đó tôi đã từng tới trường xem kết quả thi, trước đó nữa tôi đi thi, và trước khi thi là đến nộp hồ sơ đăng kí. Tôi tự cho mình là một đứa biết tự lập, bởi vậy những lần ấy tôi đều tự đi một mình, tức là không cần bố mẹ đưa đón. Ngày hôm đó cũng vậy, tôi vẫn một mình trên chiếc xe đạp điện không còn mới băng qua quãng đường gần chục cây số để đến với buổi tựu trường.

Phải, tôi đi tựu trường với tâm trạng thực sự háo hức, bởi tôi đã được vào ngôi trường mình thích, lại còn là lớp chọn. Thế nhưng, cái sự háo hức vốn có đã hoàn toàn tan biết kể từ khoảnh khắc cái chân bên phải của tôi dẫm phải một thứ vật thể hình cầu được gọi với cái tên thân mật là "bi ve", có lẽ là của một tên học sinh cấp ba nào đó thích trở về với trò chơi tuổi thơ vô tình để lại. Mọi chuyện sẽ không quá đáng kể nếu như tôi chỉ bị trượt chân và ngã uỵch cái xuống sân trường. Vậy nhưng cùng lúc với động tác "trượt bi nghệ thuật" đó, bàn tay trái của tôi cũng vẽ lên không trung một cung tròn bốn mươi lăm độ vô cùng hoàn hảo, rồi chiếc chìa khóa xe đạp điện của tôi cũng nhờ lực tác động từ cổ tay mà bay theo quy luật ném xiên tới hạ cánh an toàn giữa đống rác không hề nhỏ cách đó chẳng xa!

Tôi không nhớ ngày hôm đó tôi đã vật lộn như thế nào để tìm được chìa khóa giữa cái đống hỗn độn kia, chỉ biết là mùi Comfort một lần xả hương ban mai tôi mang theo từ sáng đã thay thế bằng một thứ mùi từng khiến tôi ám ảnh suốt cả một quãng thời gian không ngắn. Quan trọng hơn là chính vì sự kiện đó mà tôi đã "được" một kẻ vô tình chứng kiến gán cho biệt danh "chị dọn rác" suốt một thời gian dài, và kẻ đó chẳng phải ai khác – chính là tên Lâm Thiên Bảo đang ngồi cạnh tôi lúc này.

***

Chuyện đống rác sẽ chẳng đủ khiến tôi và cậu trở thành oan gia nếu như buổi học đầu tiên cô không xếp chỗ khiến chúng tôi ngồi cạnh nhau theo quy luật chỉ có cô chủ nhiệm lớp tôi mới nghĩ ra, đó là hai người tên có cùng vần thì ngồi cạnh nhau, và thêm một nếu như nữa là cô bạn tên Hảo cũng có vần "ảo" như hai chúng tôi không chuyển lớp. Vậy là Bảo và Thảo từ đó đã về chung một bàn!

"Hi, chị dọn rác!"

"Này, tớ có tên."

"À, tớ quên mất, cậu tên là Thảo nhỉ. Thảo tức là cỏ, vậy gọi là "cỏ rác" nhé, cái này có vẻ hợp lí hơn ha ha ha ha..."

Thực sự tôi không ngờ lại có một tên con trai có thể "đáng yêu, vô tư" quá mức với người khác ngay từ những lần gặp đầu tiên như tên Bảo này. Và tôi lại càng không ngờ mình có thể xử đẹp bằng cách huých thật đau vào bụng một người cũng ngay từ lần nói chuyện đầu tiên như thế.

Sự thật Bảo là một chàng trai khá ưa nhìn, mới đầu vô cùng thân thiện nếu không muốn nói cậu ta nói lắm, quá mức năng động nếu không muốn nói cậu ta siêu quậy. Tất nhiên tôi vốn cũng không hề rụt rè hay hiền lành gì, bởi vậy chưa đầy một tháng, chính xác là hai mươi tám ngày, cô giáo chủ nhiệm của chúng tôi đã nhận ra việc cô để tôi và Bảo ngồi cạnh nhau chính là một thảm họa. Trong buổi sinh hoạt tuần thứ tư, cô rốt cuộc cầm cuốn sổ đầu bài dày đặc "thành thích" mà nhìn chúng tôi với ánh mắt đầy "ngưỡng mộ":

"Thứ 2, Minh Thảo cười to trong giờ Địa lý" (Vì bị tên ngồi cạnh chọc cười)

"Thứ 3, Thiên Bảo đổi chỗ tự do trong giờ Lịch sử" (Vì bị đứa ngồi kế bên cầm thước kẻ uy hiếp)

"Thứ 4, Minh Thảo và Thiên Bảo tranh nhau bút chì trong giờ Công nghệ"

"Thứ 7, lớp không tập trung trong giờ Tiếng Anh (Lý do: Thiên Bảo giở trò lấy giấy nhớ của Minh Thảo ghi bậy rồi dán vào sau lưng các bạn.)

...

Minh Thảo và Thiên Bảo xếp loại hạnh kiểm tháng: Trung bình!

Thảm họa là vậy, nhưng cô chủ nhiệm lớp tôi luôn luôn có những phương pháp trị học trò chẳng giống ai. Lần này cô dùng cách lấy độc trị độc, đưa ra một tuyên bố đáng kinh ngạc: "Anh Bảo và chị Thảo ngồi nguyên vị trí này hết 3 năm trung học, đổi chỗ đừng – trách – tôi!!!

Kể từ ngày ấy, bàn đổi, người không đổi!

***

Bốn mươi lăm phút của tiết học thứ hai trong ngày sắp trôi qua, và Bảo vẫn đang rất yên lặng. Ba năm, tất cả chúng tôi đều chín chắn hơn. Cậu không còn nghịch ngợm nhiều như năm lớp 10, chính xác là biết nghịch đúng lúc đúng chỗ hơn. Cậu vẫn luôn nghĩ phóng khoáng về mọi thứ. Cậu vẫn lười chép bài và ngủ gục trong giờ các môn xã hội. Đôi lúc cậu cũng nói bậy và có những ý nghĩ "đen tối". Đôi khi cậu cũng thật cứng đầu và khó ưa, nhưng lắm lúc lại rất ga lăng và hiểu chuyện, và quan trọng là cậu lúc nào cũng hài hước và mang tiếng cười đến cho mọi người.

Thời học sinh bao giờ chả có trò gán ghép nam nữ, đặc biệt những đôi ngồi cạnh nhau như tôi và Bảo thì lại càng không thể có ngoại lệ. Thế rồi câu nói "lửa gần rơm lâu ngày cũng bén" hình như cũng đúng thật, vì sự thật là tôi đã thích Bảo, còn thích từ bao giờ thì tôi cũng không phân biệt được chính xác, chỉ biết là tôi dần thích quan sát theo cậu ấy nhiều hơn.

"Này, tớ có mắt đằng sau đấy."

Lời "nhắc nhở" của Bảo khiến tôi khẽ giật mình. Tôi không nhận ra mình đã nhìn chăm chú cậu lâu đến vậy. Tôi vội mặt vào trong giấu đi hai má đỏ lựng của mình, nhưng có vẻ Bảo vốn chẳng quan tâm đến biểu cảm của tôi ra sao, vì ánh mắt của cậu ấy vẫn hướng ra phía ngoài cửa sổ:

"Vậy là sắp phải xa cái cây của chúng ta rồi." - Cậu chống tay lên má, thở dài.

Tôi cũng theo ánh mắt ấy nhìn ra cái cây long não cổ thụ ở góc tường cạnh dãy nhà cũ sắp bị dỡ bỏ. Cậu ấy dùng từ "cái cây của chúng ta" thật dễ khiến người ta liên tưởng đến một chuyện tình lãng mạn như trong phim Hàn Quốc. Chúng tôi quả thật cũng có một câu chuyện gắn liền với cái cây kia, nhưng nó không phải là lãng mạn mà là lãng xẹt, và chẳng hề vẻ vang gì. Nữ chính trong câu chuyện đương nhiên là tôi, do một lần mạnh miệng cá cược mà trèo tót lên gần ngọn cây. Khi cô ấy đầy kiêu ngạo nhìn xuống dưới, thay vì thấy những ánh mắt kinh ngạc và khâm phục thì cô lại bắt gặp cặp kính huyền thoại của thầy hiệu phó, đáng nói là các nhân vật phụ ban nãy thì đã chuồn đâu hết, và chỉ còn lại duy nhất một nam chính ga lăng nguyện nhận tội cùng cô. Và phần thưởng cho trò chơi thú vị ấy là cặp vé quét lá cây long não cổ thụ ấy mỗi ngày, vé có hiệu lực đến hết đời học sinh!

Nghe thì có vẻ đơn giản vì chỉ quét lá mỗi 1 cái cây, nhưng đáng nói là cái cây ấy đã 50 năm, tán "có thể che trời", và nó lại là loài cây long não có sở thích rụng lá quanh năm ngày tháng, chưa kể mùa nở hoa thì rụng hoa, mùa quả chín thì rụng luôn quả, ngày nào mưa thì nó trút lá như cho cả một tháng tiếp sau. Không thể nói là không vất vả, nhưng sau một thời gian phải dậy sớm cả tiếng mỗi sáng, tôi lại thấy thích công việc bất đắc dĩ này của mình. Cảm giác đi học thật sớm giữa dòng người xe thưa thớt, bước nhè nhẹ trên lớp lá mới ngả vàng rải khắp sân trường, rồi ngẩng đầu nhìn tán cây lúc nào cũng xanh mướt đầy sức sống quả thật rất tuyệt. Đặc biệt, tuy đã bị phạt là thế, nhưng biết các thầy cô chẳng bao giờ tới trường sớm như vậy, chúng tôi vẫn ngang nhiên ngồi lên cành cây thấp như thể để bõ công lao động của mình. Không biết từ bao giờ, tôi yêu cái cảm giác ngồi cạnh Bảo trên cái cành cây lớn giáp bờ tường, nhìn cậu khẽ tựa lưng vào thân cây, bình lặng khép hờ đôi mắt. Tôi nhớ đến bộ phim Huyền thoại Ijimae từng khiến tôi mê đắm, nàng Eun Chae mỗi lần bên Ijimae đều qua chiếc mặt nạ, cho tới khi Ijimae hy sinh, chàng vẫn không cho nàng cơ hội biết mặt mình. Vậy nhưng cả đời Eun Chae vẫn dành trọn trái tim thương nhớ cho Ijimae, vẫn hướng lên gốc mai nơi hai người từng ngồi bên nhau, nhớ về câu chuyện loài chim sáo không xa rời hoa mai mà chàng từng kể. Chúng tôi giờ ngày nào cũng trông thấy nhau, nhưng đến khi ra trường, ra đời, liệu ai còn nhớ những tháng ngày vui tươi, mơ mộng này nữa? Có lẽ đó chính là lí do khiến tôi chưa đủ can đảm nói ra tình cảm của mình.

***

Có lẽ là buổi học cuối, các môn học đều đã dạy hết chương trình, các thầy cô cũng chỉ cho học sinh ngồi tự do tại chỗ. Trong tiết sinh hoạt cuối cùng của thời áo trắng, cô chủ nhiệm phát cho mỗi chúng tôi một mảnh giấy, bảo chúng tôi ghi cảm nhận cùng lời muốn nói của mình về bạn cùng bàn, gấp lại rồi đưa cho người đó đọc sau khi về nhà. Tôi đã viết kín mặt giấy của mình, gấp lại thật kĩ rồi đưa cho Bảo. Cậu cũng đưa mảnh giấy cùng ánh mắt khá lạ của mình cho tôi: "Hãy mở nó ra khi nào cậu muốn xem nhé!" Bên dưới còn kèm theo một mẩu giấy trắng với nét bút quá quen thuộc: "Lát nữa ở lại sau giờ học nhé!"

***

"Cậu nói ở lại làm gì thế?"

Bảo giơ lên trước mặt tôi một dải ruy băng màu xanh da trời thay cho câu trả lời. Đương nhiên tôi không hiểu ý của cậu, nhưng không để tôi kịp hiểu, cậu đã kéo tay tôi đi tới trước cái cây "của chúng tôi".

"Tớ không cam khi không làm gì với cái cây này. Mình đã chăm sóc cho nó hơn 2 năm trời thì phải đánh dấu dấu vết của mình ở lại đây chứ."

Tôi nhìn dải ruy băng trên tay Bảo, lại nhìn lên cái cây cao.

"Cậu định treo cái này lên cây kia ý hả?"

"Chuẩn đấy, mà phải treo ở ngọn cao nhất."

Thấy ánh mắt dè chừng ngó quanh của tôi, cậu cười lém: "Nay buổi cuối rồi lo gì, có bị bắt cũng không hạ hạnh kiểm được nữa!"

Trong đầu tôi bất giác lóe lên một ý tưởng. Tôi tháo chiếc ba lô của mình xuống, lấy ra chiếc khăn tay bữa trước dùng làm đạo cụ diễn văn nghệ cùng chiếc lọ chứa điều ước nhỏ vừa mua hôm trước. Tôi cuốn tròn mẩu giấy Bảo đưa cho mình vào giờ sinh hoạt, bỏ vào trong chiếc lọ.

"Tớ muốn cất thứ này ở đây. Cậu có muốn để chung không?"

Bảo có hơi ngạc nhiên: "Cậu không muốn xem tớ ghi gì về cậu trong đó sao?"

"Có chứ. Sau này về thăm trường, tớ sẽ xem, vì cho dù cậu có viết gì thì đó cũng chỉ là lời cậu muốn gói trong 1 tờ giấy thôi đúng không – một tờ giấy thì không làm được gì nhiều."

Cậu mỉm cười, lấy nốt mảnh giấy từ trong túi áo mình, cuộn tròn lại rồi bỏ vào lọ giống như tôi. Cái lọ nhỏ được gói vào trong chiếc khăn và buộc chặt bằng sợi ruy băng màu xanh da trời ban nãy.

Bảo thực sự treo nó ở ngọn cao nhất của cái cây, có lẽ ai đó phải thật tinh ý thì mới trông thấy được bí mật ấy. Phía ngoài tán cây xanh mướt, nắng vàng đã dâng ngập cả góc trời. Trong cái nắng tháng sáu nhè nhẹ có thứ gì đó mới mẻ - một bầu trời cao rộng, một chặng đường thênh thang đang dần mở ra trước mắt chúng tôi... 

Ngày đăng: 08/01/2017
Người đăng: Lâm Minh Phong
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Remote life
 

Giá như cuộc sống là một chiếc điều khiển từ xa....

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage