Gửi bài:

Luân - Quốc sư dạy bay ở vùng trời tự do

Thân gửi Luân.

Thân gửi chính tôi!

***

Tôi là học sinh mới. Ba đưa hai má con tôi ra Hà Nội sống. Vì ba phải chuyển công tác, gia đình tôi buộc lòng bán ngôi nhà trong Sài Gòn để định cư ngoài này. Không một người họ hàng, anh em hay bạn bè, chúng tôi thừa hiểu, cuộc sống mới sẽ cô độc lắm đây. Và nó cô độc thật, theo cả nghĩa đen hay nghĩa bóng.

luan-quoc-su-day-bay-o-vung-troi-tu-do

Ở trong lớp 11B3 này, mọi người nhìn tôi như một thứ gì đó thật kỳ dị. Chỉ vì tôi có giọng nói khác với bọn họ. Chính bởi thế, tôi không dám bắt chuyện với bất kỳ ai, sợ sẽ bị họ cười phá lên hay nhại lại cái "giọng trọ trẹ" để trêu chọc mình. Tôi không hiểu, như thế thì có gì xấu. Chỉ là một sự khác biệt về vùng miền thôi mà. Và cứ như thế, tôi vẫn phải cố chấp giữ lại cái tên "học sinh mới" dù đã bước qua được nửa học kỳ. Tôi muốn gần gũi với mọi người và làm cho mọi thứ trở nên thân thuộc hơn, nhưng tất cả đều luôn giữ khoảng cách và không muốn thừa nhận tôi là một thành viên của tập thể này. Tôi đã từng rất buồn, và sợ đi học. Những lúc như thế, tôi chỉ muốn trở lại Sài Gòn, gặp mấy đứa bạn thân đã chơi với nhau từ nhỏ. Nhưng tôi không thể ích kỷ như vậy. Tôi dần hiểu và ép mình hiểu rằng, trưởng thành là dùng nụ cười để đối diện với mọi thứ. Dù rất khó.

Ngày đầu đến lớp, thầy chủ nhiệm xếp tôi ngồi bàn đầu tiên cùng ba học sinh khác. Sau một ngày, tôi bị đuổi ra khỏi bàn với những lý do thật ngớ ngẩn. Ví dụ, tôi không làm bài tập về nhà cô giao từ tuần trước và không học bài cũ cũng chẳng chịu ôn bài mới. Họ đều quên rằng, tôi là học sinh mới. Và đây là buổi học đầu tiên của tôi. Mọi người lại được dịp lấy cớ đó để trêu chọc tôi. Họ thì thầm to nhỏ khi tôi đi ngang qua và cố tình làm rơi tập, vở của tôi. Họ cười tôi vì tôi không giống họ. Tôi cười họ vì họ quá giống nhau.

- Có ai đồng ý để Di ngồi vào vị trí của bàn mình không nhỉ?

Thầy hỏi khi mà tôi cúi gằm mặt xuống đất. Tôi đứng trước bốn mươi lăm cặp mắt và bốn mươi lăm cái miệng đang hùa nhau cười nói, trêu đùa, chế giễu. Tôi nhớ nhà, nhớ các bạn, nhớ Sài Gòn.

- Em ạ.

Cậu bạn bàn cuối đứng lên và cười với tôi. Tôi đã rất mừng, như người sắp chết đuối vớ được cọc. Bắt đầu từ đây, tôi đã có một người bạn.

Luân là người Sài Gòn. Giống tôi. Cậu ấy cũng phải chuyển nhà, và đến đây sớm hơn tôi một năm. Chúng tôi gặp gỡ nhau trong niềm hân hoan của những người đồng hương tìm thấy nhau nơi đất khách quê người. Trong chiếc bàn hai người duy nhất trong lớp học, tôi và Luân trở thành bạn thân.

Luân ít nói. Cậu ấy sống hướng nội. Và cũng sợ giao tiếp. Luân cũng đã từng trải qua những ngày nhập học đầu tiên giống như tôi. Những lời trêu chọc của đám con trai dù Luân có nghe, có hiểu nhưng đều bình thản cho qua, đôi khi hơi cáu lên thì nói:" Chỉ vì bọn nó không yêu Sài Gòn thôi." Luân nói đúng. Con người, họ chỉ luôn yêu những điều đã quá đỗi quen thuộc gần, gũi và trở thành một phần cuộc sống của họ. Dù thế, tôi hiểu, cả tôi và Luân, ít nhiều cũng cảm thấy bị tổn thương bởi những lời nói đó. Nhưng chúng tôi chọn im lặng. Im lặng không có nghĩa là sợ hãi, là khinh thường hay hàng ti tỉ thứ khác, im lặng chỉ có nghĩa là im lặng thôi. Vì chúng tôi mới chỉ mười sáu tuổi, chưa đủ sức để gánh vác cả thế giới trên vai mình, cũng chẳng tự đưa mình thoát khỏi những thương tổn, những nông sâu miệng lưỡi đời người. Và mỗi người có một lựa chọn. Yên thân là một lựa chọn. Sống bình an là một lựa chọn. Không nhìn ngó xung quanh, không cân đong đo đếm so bì, cũng là một lựa chọn.Lựa chọn nào cũng có cái giá của nó. Bình yên cũng có cái giá của nó.

Luân luôn thích làm việc riêng trong giờ học, và học bài vào giờ ra chơi. Cậu nói:" Tớ không thể tập trung làm những việc đó khi có quá nhiều ánh mắt dò xét mình." Hơn một năm. Luân đã trải qua hơn một năm như thế. Và rồi, tôi quen dần với việc gọt giúp Luân chiếc bút chì, giữ một đầu cây bút cho Luân, hay ngồi xem cậu khắc từng con chữ lên mẩu bút chì gỗ. Dường như, tôi đang đi vào thế giới của Luân. Tôi biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn về Luân qua những hành động vụn vặt, mơ hồ. Mà Luân thì ngầm cho phép tôi làm thế. Thế rồi, cả hai chúng tôi nhận ra, mình có quá nhiều điểm chung. Ví dụ, chúng tôi cùng thích nghe những bản hòa tấu của Yiruma, cùng thích làm những thứ đồ handmade nho nhỏ, cùng thích được ăn những trái cà chua do chính tay mình trồng và chăm bón, cùng thích ngửi mùi sách cũ và hơi đất sau cơn mưa... Cuộc sống cởi mở, hòa đồng trước đây của tôi dần bó hẹp lại. Và tôi chợt nhận ra mình chẳng còn dễ cười với ai nữa, trừ Luân.

Buổi sáng chào cờ đầu tuần, trong khi các bạn xếp hàng ngay ngắn dưới sân trường cho tiết sinh hoạt tập thể, tôi và Luân lại trốn trong lớp. Đó là khoảnh khắc duy nhất cả hai chúng tôi cảm nhận được không khí xung quanh là của riêng mình. Tôi thích những buổi sáng đầu tuần, thích những chiếc vòng tay luân làm tặng mình, thích cùng Luân khắc chữ lên cây bút chì gỗ và treo một sợi dây vào đầu bút để làm móc khóa. Cũng chỉ có những lúc như thế, tôi mới được thấy Luân cười. Tôi và Luân, chúng tôi đã bị cô lập trong chính lớp học của mình. Và với những lí do chúng tôi không thể nhìn ra mình có lỗi.

- Cậu có sợ bị cô lập không?

Tôi hỏi lúc Luân đang tỉ mẩn khắc tên tôi trên cây bút chì mới.

- Nếu sợ bị cô lập, tớ đã không sống đến ngày hôm nay.

- Thế cậu không sợ bị ghét à?

- Tại sao tớ phải quan tâm đến thái độ của người khác cơ chứ.

- Vậy nếu tớ nói tớ ghét cậu?

Luân chỉ ngước lên nhìn tôi một chốc, rồi lại tiếp tục mài mài, giũa giũa.

- Nhưng tớ không nhìn ra điều đó.

Về Luân, cậu ấy đã dạy tôi rất nhiều thứ. Luân dạy tôi cách sống là chính mình, dạy tôi yêu bản thân mình hơn tất cả những ánh mắt hay thái độ của người khác, dạy tôi làm sao để có thể bỏ ngoài mọi lời ác ý. Từ khi gặp được Luân, tôi mới biết sẽ luôn có một thế giới mà mình có thể đối mặt và không sợ hãi. Đó là thế giới của chính mình. Thế giới ấy, tôi là nhân vật chính, và có quyền mang một vài người thật sự quan trọng đặt trong thế giới riêng của mình.

Tình bạn của chúng tôi vẫn như thế. Không quá đặc biệt, nhưng không phải tầm thường. Luân cho tôi muợn những cuốn sách hay và chỉ tôi nghe những bài hát cả hai đứa đều thích. Tôi có thể chia sẻ với cậu ấy mọi chuyện, cũng chưa từng quên bất kỳ sở thích nào của cậu. Chúng tôi như những con chim sẻ không sợ cất cánh, không sợ mệt, không sợ cô độc. Chúng tôi bay đến những vùng trời không có con người, không có ồn ào, không có chế giễu, không có kỳ thị, và đặt tên là Tự Do. Nhưng có một chuyện, Luân đã giấu tôi rất lâu cho đến mãi sau này.

Giữa học kỳ một lớp mười hai, nhà trường tổ chức thi đấu bóng chuyền nam giữa các khối. Tất cả bọn con trai đều hào hứng đăng ký tham gia, trừ Luân. Tôi gặng hỏi Luân rất nhiều lần, vì ở Luân có đủ điều kiện để thi đấu. Nhưng Luân đều lắc đầu," Vì tớ không thích thôi". Suốt mấy ngày các đội bóng chuyền ở lại tập dượt, Luân luôn ở lại lớp muộn hơn. Và tôi thì luôn muốn cùng Luân đạp xe đến hết con ngõ dẫn vào nhà tôi cùng Luân, nên cũng ở lại. Thế là, khi mà dưới sân trường chỉ còn vọng lại tiếng cười nói, tiếng trái bóng đập xuống đất hay chuyền qua tay người này người nọ thì hai đứa mới lững thững đi dọc hành lang xuống dãy nhà xe phía sân bóng. Luân ngày nào cũng đều chú ý vào đám người tập luyện trong sân. Tôi nghĩ hẳn Luân thích bóng chuyền lắm, chỉ vì có lí do nào đó chăng.

Khi mà tôi đang loay hoay tìm chìa khóa để mở chiếc xích vòng qua bánh xe đạp, Luân bị bóng đập trúng. Duy chạy tới, cũng tôi đỡ Luân dậy. Luân không bực tức, cũng chẳng cáu gắt, chỉ đáp " Không sao đâu". Tôi đã thấy Duy lúng túng biết nhường nào.

Cả đoạn đường về, Luân không nói với tôi một lời, chỉ chăm chú nhìn xuống mặt đường kẻ vạch trắng.

- Tại sao cậu không đăng ký thi đấu?

- Vì tớ không thích thôi.

Đây là lần thứ sáu Luân nói như vậy. Dù tôi biết đó không phải là lý do. Tôi đã kiên nhẫn nhìn sáu cái lắc đầu của Luân, nghe sáu lần một cái lý do của Luân. Tôi buồn. Và cho rằng tôi không còn đáng tin để cậu ấy chia sẻ mọi thứ như trước nữa. Cứ như thế, chả mấy chốc, ngày diễn ra trận đấu cũng bắt đầu. Luân qua nhà tôi từ sớm và vội kéo tôi đến sân bóng sau trường ngay. Tôi nhìn thấy sự háo hức trong con mắt hấp háy cười của Luân. Đây là lần duy nhất tôi thấy Luân thực sự muốn tham gia vào một đám đông ồn ào và lộn xộn. Suốt buổi đấu, Luân chưa từng rời mắt khỏi từng ấy con người đang cố gắng thảy qua thảy lại một trái bóng. Điều đó đủ để cho tôi biết Luân thích bóng chuyền đến nhường nào.

Lần thứ bảy, một ngày sau khi trận đấu bóng chuyền kết thúc, tôi lại hỏi Luân, vì sao không tham gia đội bóng. Vẫn giống như tất thảy sáu lần trước, Luân cho tôi một cái lý do chẳng chút thuyết phục. Tôi gắt lên:

- Tại sao cậu không thể cho tớ biết cái thứ mà cậu đang cố che giấu tớ chứ?

Luân im lặng. Còn tôi không dám to tiếng trong tiết học. Tôi không nhìn Luân thêm một cái nào nữa. Chúng tôi không còn nói chuyện với nhau và tách về hai đầu dãy bàn học bốn chỗ ngồi. Tôi buồn khi cứ phải giận dỗi Luân. Nhưng bao nhiêu lần định mở miệng bắt chuyện là bấy nhiêu lần cho rằng, " Tại sao mình phải mở lời trước chứ, trong khi cậu ấy mới là người sai kia mà". Đến cuối cùng, chẳng ai nói với ai một lời. Luân không còn nhờ tôi gọt bút chỉ, cũng không đến nhà tôi chơi vào mỗi sáng chủ nhật. Dần như thế, một trong hai chúng tôi tự bay về thế riêng của mình lúc nào không hay. Đó là lần đầu tiên tôi cảm nhận được giữa mình và Luân tồn tại một khoảng cách.

Thời gian là một thứ thật đáng sợ, và là một gã ki bo. Nó chưa từng cho ai một phút, một giây, cũng chưa bao giờ dừng lại vì ai cả. Mà con người thì cần phải lớn lên. Khi tôi và Luân còn đang làm mặt lạnh với nhau thì góc bảng trên cùng bên phải chỉ còn lại ô viết số mười ba. Đúng, chỉ còn mười ba ngày nữa tất cả chúng tôi sẽ tốt nghiệp. Chúng tôi ở đây không chỉ còn là Luân và tôi nữa, chúng tôi là tất thảy bốn mười lăm con người tôi chưa biết hết tên, cũng chưa từng một lần nói chuyện. Những ngày cuối cùng của năm cuối cấp, tôi muốn làm gì đó để có thể nói chuyện lại với Luân. Nhưng không đủ can đảm nên lại thôi. Lúc bấy giờ tôi mới hiểu: tất cả các mối quan hệ, chỉ cần không phải ruột thịt, đều có thời gian nhất định. Và thời gian cho tình bạn giữa tôi và Luân là một năm ba tháng. Nó không quá nhiều nhưng đủ để tôi cả đời hoài niệm.

***

Tôi từ Sài Gòn ra thăm Hà Nội khi mà trời bắt đầu trở rét. Tất cả đều thay đổi, riêng có con ngõ từ nhà tôi đến nhà Luân là vẫn hệt như thế. Càng lớn lên, chúng ta lại càng khác đi. Và có đôi khi, chúng ta trở thành con người mà hồi bé đã từng nghĩ: "Mình sẽ không bao giờ như thế". Tôi mất liên lạc với Luân từ khi tốt nghiệp, hoặc là từ trước đó. Má tôi bảo:

- Thằng Luân nó không thi đại học, đi làm cái nghề nhiếp ảnh nay đây mai đó. Nhưng ba má và hai anh em nó vẫn sống ngoài này, không có ý định về trỏng. Nó thỉnh thoảng vẫn hay sang chơi với thằng ba, nhưng không nhắc gì tới mày. Má hỏi hai đứa có gặp được nhau không, nó chẳng trả lời, chỉ cười hoài. Thằng bé vẫn hệt như trước.

Vậy là tôi biết Luân vẫn ổn, và cuối cùng cậu vẫn chọn thực hiện ước mơ của mình. Ngày trước Luân bảo: "Sau này, tớ sẽ học nghề chụp ảnh, để chụp cho cậu một tấm thật xinh." Chẳng biết bây giờ, Luân có còn nhớ cái lời hứa ngày trẻ con ấy không nữa.

Tôi ở lại nhà với ba má được vài ngày thì nhận được cuộc gọi:

- Tớ là lớp trưởng 12C3 đây. Ngày 28/1 mọi người họp lớp ở địa điểm cũ nhé.

Tôi bây giờ đã tốt nghiệp đại học và bắt đầu thực tập ở một tòa soạn trong Sài Gòn. Tôi nhớ Sài Gòn, yêu Sài Gòn, nên muốn lưu luyến Sài Gòn. Má tôi bắt tôi về đây làm nhiều lần rồi nhưng tôi chỉ cười, Má có thằng ba rồi còn thương yêu con gái nữa đâu mà bắt con về ngoài này. Thật sự, tôi cũng muốn được thấy Luân ở mảnh đất mà chỉ nơi đó chúng tôi mới được chào đón. Nhưng Luân không đến, bốn năm rồi, Luân vẫn không quay về. Năm nào, điện thoại cũng nhận được thông báo về họp lại lớp cũ, nhưng tôi chưa bao giờ đến nơi gọi là "địa điểm cũ" ấy cả. Hai năm trung học ấy, tôi không thấy có nuối tiếc hay nhung nhớ gì cả. Vì tôi đã từng là một học sinh bị cô lập. Riêng Luân, tôi vẫn luôn băn khoăn về cậu ấy. Tôi lấy số điện thoại của Luân từ má và dùng hết can đảm để nói,

- Tớ đây. Là Di đây.

Luân im lặng một lúc. Tôi nghĩ cậu ấy đã thực sự quên mình. Cho đến khi giọng nói quen thuộc vang lại từ đầu dây bên kia khiến tôi xúc động.

- Ừ. Cậu có về Hà Nội không? Ba má nói cậu lâu rồi chẳng về thăm nhà.

- Tớ về rồi. Tớ vẫn đợi cậu đến thăm đấy.

Tôi khóc. Thứ cảm xúc nghẹn ngào chặn ngang ở cổ họng khiến lòng tôi chênh vênh. Thế mà Luân đến thật. Hôm nay là chủ nhật. Và tôi chợt nhớ da diết những buổi sáng cuối tuần của những năm mười sáu, mười bảy tuổi cùng Luân đạp xe loanh quanh khắp mấy con phố nhỏ hay cùng ăn một que kem ngày giữa đông. Hôm nay Hà Nội lạnh lắm. Và gió mùa mang những ký ức của tôi trở về, mang cả tôi trở về đây từ cái nắng gắt của Sài Gòn.

- Cậu có về họp lớp không?

- Cậu cũng nhận được thông báo rồi? Tớ thì không nghĩ là mình thích về đó.

Luân nói xong, liền chở tôi thẳng đến trường. Chúng tôi ngồi cùng trên một chiếc xe đạp, đi cùng trên một con đường, nhưng không hề biết liệu còn có thể cùng ở chung một thế giới như những tháng năm trước kia. Luân dẫn tôi đến hàng rào sau sân bóng để lẻn vào trường. Luân có thể mở cửa phòng học chỉ với một mẩu kim loại nhỏ. Cậu ấy vẫn thường dùng cách đó để phá khóa xe đạp giúp tôi mỗi lần tôi đánh rơi mất chìa khóa. Chúng tôi trở vào lớp cũ. Và dưới con mắt của hai con người vừa trở về tuổi mười sáu, mười bảy, lớp học chẳng có gì khác đi cả. Tất cả vẫn hệt như thế, giống như tất thảy những gì trong hồi ức của chúng tôi. Tôi kéo Luân ngồi xuống dãy bàn học cuối. Dường như thấy mình vừa kéo cậu ấy vào thế giới của mình. Tất cả đều trở lại, chỉ có thời gian là đi mãi không về.

- Tớ không thích bóng chuyền. Và tớ không hề nói dối cậu.

Tôi nhìn thấy tên của mình ở chiếc bàn học cũ. Dù đã quét lại mấy lớp sơn, nét chữ do con dao Luân hay dùng khắc bút chì vẫn hằn được cả lốt lên mặt bàn, hằn cả lên thời gian, cứa vào tương lai. Tớ xin lỗi- đây là dòng chữ mà năm năm sau tôi mới có thể đọc được. Tôi tin là của Luân. Nét chữ của cậu ấy chưa bao giờ tôi có thể quên. Giá mà tôi có thể nhận ra nó sớm hơn, có lẽ chúng tôi đã không phải hối tiếc nhiều như bây giờ.

- Nhưng tại sao cậu lại luôn cố ở lại muộn để xem các bạn tập luyện và không thể rời mắt khỏi trận đấu ngày hôm đó?

- Vì tớ thích Duy.

Duy là đội trưởng đội bóng chuyền nam khối mười hai chúng tôi lúc bấy giờ. Cũng chính là cái người đã từng chọi bóng vào Luân. Tôi ngẩn người, và trông thật ngu ngốc. Tôi không biết phải tin những lời Luân nói bằng cách nào.

- Đúng. Tớ là một thằng gay. Tớ rất kỳ dị, đúng không?

- Tại sao cậu lại giấu tớ?

- Bố mẹ cũng không biết chuyện của tớ. Tớ luôn cố gắng để mình trở thành một thằng con trai đúng nghĩa trong mắt mọi người. Tớ không dám nói ra. Tớ thấy nó thật khủng khiếp.

Luân cười, hệt như cái cười ngày đầu chúng tôi gặp gỡ. Tôi đã sai. Trước đây hay bây giờ đều sai. Tôi quá ích kỷ và chỉ mãi ru rú trong cái vỏ ốc của mình. Tôi đã bỏ mặc Luân. Tôi đã mải chạy theo những suy nghĩ của bản thân. Điều đó đã đánh đổi tình bạn của chúng tôi. Và nó làm tôi ray rứt, hối hận.

- Bây giờ, ngoài bản thân tớ, có nhiều người đã phát hiện ra tính cách thật sự của tớ. Tớ rất sợ bị kỳ thị. Di... Tớ xin lỗi. Thực sự tớ sợ bị cô lập đến nhường nào. Tớ cũng sợ những biểu hiện trên gương mặt của người khác biết bao. Giá như...

Tuổi trẻ thật ngắn ngủi, đúng không? Vì bạn sẽ không biết thời gian bất ngờ mang đến điều gì hay đột nhiên mang thứ gì đi mất. Tất cả những gì chúng ta có thể làm là trân trọng. Và cả chào đón nữa. Chào đón những gì sắp xảy ra. Tôi muốn Luân sống như Luân của ngày trước, dù như thế là ích kỷ. Nhưng tôi sợ Luân không còn dám đối mặt với cuộc sống nữa.

- Cậu đã gặp lại Duy lần nào chưa?

Luân im lặng. Khoảnh khắc ấy đủ để tôi hiểu một vài chuyện. Ngoài cửa sổ, mưa phùn về. Có con chim ướt cánh không thể bay lên. Nó chao đảo và lạc lõng. Nó không biết liệu nó có thể tồn tại dưới bão táp? Tôi chỉ ước, mình đưa tay ra và kéo Luân về với vùng trời Tự Do của riêng cậu ấy.

- Năm sau, cậu sẽ đi họp lớp chứ?

- Tớ không dám đến đó. Vì ở đó có Duy.

Tôi thương Luân. Thương cả cuộc đời mình. Dần dần, chúng tôi đã hiểu, bị cô lập là một thứ quá đáng sợ. Chúng tôi không thể ru rú mãi trong thế giới của riêng mình và đặt tên chúng là Tự Do nữa. Vì ngoài kia, có nhiều con chim đã chết khi bay ở những vùng trời không có nhà, không có người, không có đồng bọn, không có tình thương. Thay vì muốn mang một vài người vào thế giới của mình, giờ đây tôi lại ước có ai đó thật lòng muốn kéo tôi đến thế giới của họ, thế giới của những ồn ào, náo nhiệt. Luân cũng vậy!

- Năm sau, chúng mính đi họp lớp nhé Luân. Vì ở đó có Duy !

Reply.

Ngày đăng: 01/05/2018
Người đăng: Nguyễn Kiều Anh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Phớt lờ tất cả
 

Một Picasso luôn trông giống như Picasso họa sĩ. Hemingway luôn nói như Hemingway. Một bản giao hưởng của Beethoven luôn nghe giống như giao hưởng Beethoven. Một trong những yếu tố làm nên nghệ sĩ lớn chính là học cách hát mà không phải bằng giọng của bất kỳ ai khác mà bằng giọng của chính mình

Phớt lờ tất cả & Bơ đi mà sống - Hugh Macleod

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage