Gửi bài:

Hàng rào

Bố mẹ nó và bố mẹ cái P đều làm cùng trong nhà máy chè, mẹ nó làm ở phòng kế toán, còn mẹ cái P thì làm ở phòng tài vụ. Khi nhà nó chuyển về khu nhà tập thể dành cho cán bộ công nhân viên của nhà máy được gần một năm thì nhà cái P cũng chuyển đến. Tháng 9 mẹ nó đưa nó đi tựu trường, nó gặp cái P trong lớp 1, người bạn đầu tiên của nó. Nó với P lúc nào cũng kè kè bên nhau như hình với bóng, sáng rủ nhau đi học, nó thường đi sớm để sang nhà số 5 rủ cái P đi học. Sau khi ngủ trưa dậy lại mò sang nhà cái P cùng nó học bài, đến chiều về nhà tắm rửa, cơm nước xong xuôi đâu đấy lại chạy sang nhà cái P chơi.

Vì P có anh trai tên N, học trên hai đứa một lớp. Mẹ của P cùng mẹ của nó những lúc rảnh rỗi ngồi buôn chuyện thường vui cười mà gọi nhau là xui gia, mẹ P thường gọi nó là "con dâu" thay vì gọi tên của nó.

Khi nó lên lớp 5 thì bố mẹ xây nhà riêng ở lô đất mà nhà máy cắt cho cán bộ công nhân viên, nhà cái P cũng xây cùng đợt với nhà nó, nên tháng 9 thì cả hai nhà cùng chuyển về nhà mới.

***

hang-rao

Ngôi nhà xây ba gian, cổng vào nhà nó chính là ranh giới ngăn cách giữa nhà nó và nhà cái P, nghiễm nhiên nó với cái P càng gần nhau hơn, khi còn ở khu tập thể nhà cái P số 5, nhà nó số 9, phải đi qua 3 nhà mới đến, giờ thì chỉ ba bước chân đã xộc vào tận buồng nhà nhau. Anh N đã lên lớp 6, vào cấp hai rồi nên có chút ra dáng anh cả. Từ ngày ra nhà mới, phía trước nhà có cái sân vận động nên chiều nào cũng đi đá bóng với đám bạn, không có thời gian mà trêu chọc hai đứa nó như trước, không dấu búp bê, cũng không phá đồ hàng của hai đứa... Lâu lâu không gặp mặt nên nó cũng quên dần mối căm ghét ngày nào nó dành cho anh trai cái P.

Tháng 9, ngày tựu trường, nó diện áo trắng gọn gàng đóng thùng trong quần tây màu xanh đen, chỉnh trang lại chiếc mũ ca lô trên đầu cho ngay ngắn, nó chạy sang nhà rủ cái P đi khai giảng, năm nay chúng nó vào lớp 6 rồi, chuyển sang học cùng trường với a N, mẹ nó tối hôm qua đã sang nhà cái P chu đáo nói lời gửi gắm:

- Có gì giúp đỡ các em nhé N! Phải biết bảo vệ hai em không được để ai bắt nạt.

Buổi tối ngồi ăn cơm, nó thấy bố mẹ nói chuyện với nhau, nghe loáng thoáng được thông tin, bố cái P hình như được thăng chức lên làm Trưởng phòng nhân sự của nhà máy.

Mẹ cái P dựng một cái hàng rào bằng nứa để cho rau mồng tơi leo, nhưng vẫn chừa lại một lối đi từ cổng nhà nó sang sân sau nhà cái P. Bố cái P đặt báo thiếu niên nhi đồng, rồi cả truyện tranh cho nó, thế là các trò chơi xếp xó chẳng đứa nào thích chơi trò bán hàng, nấu nướng, may áo búp bê nữa, nó thích sang nhà cái P đọc báo lắm, cái P thì thích đọc truyện tranh hơn. Đứa nào cũng mong ngóng chờ số báo mới, tuần nào cũng hóng ngày đi mua truyện mới, đứa nào cũng muốn được đọc trước, dẫn đến xung đột. P tỏ rõ thái độ của một nữ chủ nhân, nó bảo:

- Đây là nhà tớ, báo của tớ, cậu về nhà bảo bố cậu đặt cho, như thế đỡ phải tranh với tớ.

Nó giận cái P, nó về mách lại với mẹ, mẹ nó bảo:

- Thôi không sang đó chơi nữa, ở nhà học bài, đợi hết học kì này con đạt học sinh giỏi thì mẹ sẽ đặt báo, thậm chí sẽ cho con đặt cả truyện.

Lời hứa hẹn của mẹ khiến nó vô cùng hào hứng, tâm tâm niệm niệm phải trở thành học sinh giỏi, nó không sang rủ cái P đi học nữa, cũng quên mất thói quen hàng ngày hay quen chân chạy qua nhà nó chơi.

Mẹ cái P thuê người đóng cho cái hàng rào bằng tre rất đẹp, những thanh tre to bản chừng 4 ngón tay của nó được vót nhọn phía trên đầu vẫn còn mùi thơm của tre tươi, mẹ nó còn dặn để chừa một chỗ trống là lối đi từ nhà nó sang nhà cái P, ở chỗ trống đó còn dựng cái cửa tre có thể mở ra khi muốn sang và sẽ đóng vào giống như hàng rào ngăn cách. Bên hàng rào không trồng rau mồng tơi nữa mà trồng hai cây hoa hồng leo.

Vào năm học mới nó được chuyển sang lớp 7A, lớp A thường là lớp chọn của khối, có lẽ do nó đã vươn lên từ học sinh tiên tiến trở thành học sinh giỏi, hoặc đợt thi khảo sát vừa rồi điểm của nó và cái P quá chênh lệch nên hai đứa không còn được chung lớp nữa. Việc thuyên chuyển sang lớp A khiến nó tự tin hơn vào chính mình, nó bắt đầu với các bạn mới, nên cũng không có thời gian để ý đến cái P.

Anh N đang đứng bên cạnh hàng rào giúp mẹ cuốn những cành hồng dài men theo hàng rào, nó vừa thò đầu ra hiên nhà tính trèo lên lan can hái mấy quả na già còn sót lại trên cây, bỗng nghe anh ta hỏi:

- Lâu rồi sao không sang chơi với cái P?

Nó đang bất ngờ chưa biết nên nói thế nào thì mẹ cái P lên tiếng nói luôn:

- E nó suốt ngày lo học, giờ em nó đã vào lớp chọn rồi nên không có thời gian đi chơi, ai như con chỉ nghĩ tụ tập chơi thôi à!

Nó không nói gì, lặng im lủi vội vào trong nhà.

Không biết mẹ cái P xin được ở đâu giống hoa hồng leo đẹp thế không biết! Hoa nở từng chùm từng chùm màu hồng phấn sai vô cùng, cứ nở hết đợt này đến đợt khác, dọc theo chiều dài hàng rào như được trải thảm hồng. Có lần nó đi về thấy một cành hồng vươn thõng sang phía cổng nhà nó, chùm hoa nở nặng trĩu đu đưa trong nắng rất bắt mắt, nó đưa tay ngắt mang về để ở chỗ bàn học. Mẹ nó thấy vậy thì nghiêm mặt lừ mắt lạnh lùng buông một câu:

- Không được hái hoa nhà người ta, mang ra ngoài vứt ngay đi.

Nó ngoan ngoãn mang chùm hoa ra phía cổng, cài lên rặng hoa hồng tựa như chưa từng bị ngắt đi vậy. Mẹ nó đi ra lựa những cành hồng đang chĩa về phía cổng nhà nó cuốn vào phía trong hàng rào.

Nó nghe thấy mẹ nói chuyện với bố rằng, bố cái P sắp được bổ nhiệm lên làm phó giám đốc nhà máy chè. Tiếng mẹ nó thì thầm, khiến nó không khỏi thắc mắc, đâu phải chuyện gì bí mật mà mẹ phải thì thào như sợ ai nghe thấy chứ. Nếu không muốn nó nghe thấy thì sao không đợi lúc nó không có mặt mà nói với bố, mẹ nó đúng là một người phụ nữ khó hiểu.

Hôm đó mẹ cái P tự dưng sang nhà nó, thường chỉ có dịp tết thì bố mẹ cái P mới sang chúc tết, chứ bình thường không bao giờ nó thấy cô chú ấy qua nhà chơi mặc dù là hàng xóm sát vách, bố mẹ nó cũng như vậy, có lẽ cả cô chú ấy và bố mẹ đều bận rộn, nhất là từ ngày mẹ nó lên làm kế toán trưởng, mẹ nó đi xem bói, tối về lại thì thào với bố bên mâm cơm:

- Thầy bảo là cái hàng rào ngăn vách kia phải kín, hai nhà cứ thông thống sẽ tán lộc.

Nói rồi mẹ cầm cái chân gà lên trước mặt bố tôi, một tay chỉ chỏ rồi phán như đang làm thầy:

- Đấy anh xem cái chân gà này này, thầy bảo mấy cái móng này đang chĩa vào nhà mình, đây là điềm dữ, thế nên người ta thì tiến, còn mình cứ dậm chận một chỗ thôi.

Bố từ xưa đến nay luôn là người sống dĩ hòa vi quý, tuy mẹ luôn thì thào đổ dầu vào lửa, bố vẫn giữ thái độ thản nhiên không có lời bình luận, thế nhưng lần này bố đã không ngồi yên ngó lơ lời mẹ nói:

- Em thôi ngay đi! Bói ra ma quét nhà ra rác! Bây giờ tự nhiên đi xây cái tường rào còn ra cái thể thống gì, hàng xóm láng giềng ra vào còn chạm mặt nhau nữa.

Mẹ nó và mẹ cái P đúng là có suy nghĩ tương thông, nó ngồi trong buồng học nghe rõ mồn một từng lời từng chữ, ý của mẹ cái P là muốn phá cái hàng rào tre kia rồi xây một bức tường ghạch, vì thầy phong thủy nào đó mà cô ấy đi xem bảo là làm như vậy sẽ tốt cho cả hai nhà. Mẹ nó quả nhiên được lời như cởi tấm lòng. Thế là cái tường rào bằng ghạch xỉ được dựng lên chỉ trong vòng 2 ngày.

Mẹ cất giọng thì thào nói với nó:

- Hai anh em nhà cái P chuyển về Hà Nội học rồi, học trường tư thục cũng có gì vênh vác.

Nó cảm thấy có chút hụt hẫng, buồn man mác, hẳn nào dạo gần đây tôi không gặp nó, cứ nghĩ nó cũng ru rú ở trong nhà như tôi.

Nó thích bê cái bàn nhựa ra ngoài hiên ngồi học, cảm thấy mỗi lần ngước mắt lên nhìn giàn hồng leo khiến tâm trạng hưng phấn lên rất nhiều. Nhà bên đó có dựng trên bờ tường rào dải dây thép hình mắt cáo để cho bụi hồng bám vào bên trên, thành ý rõ ràng là muốn nó mang lại vẻ đẹp cho cả hai bên nhà. Nếu như nó học giỏi môn văn hơn, nếu như có thể ngồi trước bàn học mơ mơ mộng mộng ngắm những chùm hồng leo đung đưa trong gió, đưa đưa đẩy đẩy học làm thi sĩ. Như vậy đỡ phải bon chen cùng điểm số. Nếu thế chắc mẹ nó sẽ đau lòng lắm, giá như nó có thêm em trai hoặc em gái thì tốt biết bao...

Nó được tuyển thẳng vào trường chuyên của tỉnh, mẹ nó vẫn muốn nó đăng kí thi chuyên ngữ ở dưới HN, bố nó không đồng ý vì dưới HN nhà nó không có người thân người quen nào, học chuyên tỉnh cũng tốt rồi, thế là bố mẹ cãi nhau, mẹ giận dỗi, lầm lì suốt một tuần, hạn chế nói chuyện với bố đến mức thấp nhất, cuối cùng bố đã thắng, nó học chuyên tỉnh, ở ký túc xá, đến cuối tuần lại bắt xe buýt về nhà.

Mẹ tối nào cũng gọi điện, chỉ lo một ngày mà không gọi được cuộc điện thoại nào cho con gái thì nó sẽ bị mai một đi ý chí tiến thủ vậy, suốt ba năm nó bị nhồi đến bội thực câu nói:

- Con nhất định không được để cái P qua mặt, nó học ở thủ đô mọi cái thuận lợi hơn con, thế nên con càng phải chăm chỉ học tập hơn. Bố nó bây giờ đã là phó tổng giám đốc rồi đấy.

Đang loay hoay tìm chỗ ngồi, thì anh thanh niên đứng lên gọi tên nó rõ như lòng bàn tay:

- Th ! Ngồi chỗ này đi! – Nói rồi anh ta đứng lên nhường ghế cho nó.

Nó lí nhí nói lời cảm ơn, hoài nghi không biết vì sao anh ta lại biết tên mình, nghĩ mãi cũng cảm thấy mình không hề quen biết ai cả.

Đến điểm xuống xe, lại thấy anh ta xuống theo mình, chưa kịp định thần thì anh ta nhoẻn miệng cười cười hỏi:

- Giờ đang học trường nào?

Nó đẩy cặp kính dịch lên trên một chút, mặt tỉnh queo đáp:

- À... ờ... anh có quen biết em không?

Nói rồi nó đi một mạch về nhà, không ngoái đầu nhìn lại.

Sắp tới cổng nhà, một chiếc xe ô tô màu đen bóng loáng đậu ở đó, đứa con gái trạc tuổi nó từ trong nhà bước ra xe, tuy nó không nhận ra đứa con gái kia là ai, nhưng nó có thể đoán được đó là cái P. Mẹ nó chạy theo ra sau nhìn thấy nó về thì dừng lại hỏi thăm:

- Sinh viên về nghỉ lễ hả? Càng lớn càng xinh? P nó về hôm qua, giờ lại đi luôn theo xe bố nó.

- Vâng, cháu chào cô ạ! – Thật sự nó cũng chẳng biết nói gì cả. Đã lâu rồi nó cũng chẳng quan tâm đến cái P, dường như cái tên ấy chưa từng đi qua cuộc đời nó, và nó biết chắc cái P cũng có ý nghĩ như nó.

- Ơ! Con trai không chịu về cùng xe với em, tự nhiên đi xe khách, có gì mờ ám hả?

Nó quay lại phía sau, bắt gặp anh thanh niên đang cười toe toét. Nó ba chân bốn cẳng đi như chạy về phía cổng nhà.

Ngày đăng: 21/08/2018
Người đăng: Hồng Hải Ngô
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Chúng em đều tưởng
 

Chúng em đều tưởng rằng sau khi trưởng thành là có thể mãi mãi được đồng hành với nhau, và thế là cố gắng trưởng thành, bất chấp mọi hậu quả, tuy nhiên khi đã đến độ tuổi phải nói lời tạm biệt với tuổi trẻ, mới chợt phát hiện ra rằng, hóa ra trưởng thành chỉ khiến chúng em phải xa nhau...

Năm tháng vội vã - Cửu Dạ Hồi

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage