Chiếc mũ ca rô
Hằng năm, cứ vào đầu tháng bảy, tôi lại bắt một chuyến tàu trở về quê hương. Trở về để tìm lại miền ký ức khó quên, một tuổi thơ với bao thăng trầm và viếng thăm mộ đứa bạn thân nhất của tôi trong cuộc đời.
"Mạnh, hôm nay tao lại về thăm mày." Tôi đặt một lẵng hoa thường xuân lên mộ và thắp nhang. Vòng khói lượn lờ, chợt một cơn gió lay động báo hiệu cho tôi biết Mạnh đến đón tôi. Ánh mắt tôi rưng rưng khi nhìn thấy ảnh một cậu bé có gương mặt sáng như vầng trăng, đôi mắt tinh anh đang nở nụ cười hạnh phúc. Đó là người bạn thời thơ ấu mà tôi không bao giờ quên được. Mỗi năm tôi lại về thăm mộ cậu ấy, ngồi bên mộ hằng giờ lặng lẽ cho Mạnh không còn cảm thấy cô đơn, hiu quạnh và những ký ức thời ấu thơ cứ chợt ùa về, sống động và làm tim tôi quặn thắt.
(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
***
10 năm trước...
Tôi đã từng là một đứa trẻ kém may mắn. Tôi sinh ra đã bị ruồng bỏ, bỏ vào trong thùng rác bẩn thỉu trước cửa bệnh viện. May mắn thay, tôi được một ông vé số tuổi ngoài bảy mươi đi ngang qua nhặt được mang về nhà nuôi nấng. Người cha ấy đã phải đi khắp nơi xin sữa cho tôi bú, chặt tre để làm cái nôi cho tôi những giấc ngủ yên bình. Ông đội mưa gió, rong ruổi khắp nơi để bán vé số, kiếm tiền mua thức ăn cho tôi. Ông sẵn sàng chịu đói, chịu lạnh để tôi có cuộc sống no đủ. Tôi thương ông lắm! Nhớ lại mái tóc bạc phết lưng còng lam lũ quanh năm của ông lo lắng cho tôi từng miếng ăn, giấc ngủ mắt tôi đỏ lệ. Lên bốn, tôi bắt đầu đi bán vé số dạo khắp nơi để đỡ đần cho ông. Có khi tôi bán hết, kiếm khá khẩm tiền, tôi mừng rỡ chạy về nhà với hai ổ bánh mì heo quay thơm phức, cùng ông vừa ăn vừa chuyện trò rôm rả. Người cha ấy có đôi mắt hiền từ, nụ cười thật ấm áp, nhân hậu xua tan đi bao nỗi mệt nhọc của tôi.
Nhưng khoảng thời gian yên bình, hạnh phúc ấy chóng qua đi.
Sau một trận sốt rét, ông rời xa tôi.Tôi còn nhớ cái ngày ấy. Ông nằm trên giường, bờ vai gầy run rẩy, rên hừ hừ. Ông khẽ kêu tôi lại, khoát tay vào mái tóc rối và nhẹ nhàng đặt một nụ hôn lên trán tôi. Đôi mắt ông đỏ ngầu, sẫm buồn, nụ cười của ông hôm ấy bi lụy nhưng vẫn ấm áp. Ông khẽ nói, hơi thở nặng nề: " Phong à, ông xin lỗi, ông không thể bên cạnh lo lắng, chăm sóc cho con nữa rồi. Con phải mạnh mẽ như cây tùng, tiếp tục sống không được gục ngã trước giông bão. Ông tin chắc sau này con sẽ tìm lại được gia đình của mình. Đứa con yêu của ta". Nói đến đây, hơi thở ông yếu dần rồi tắt lịm. Bàn tay ông đang nắm chặt tay tôi buông thõng xuống. Hàng lệ tuôn trào không nghớt từ đôi mắt đỏ hoe của tôi thấm ướt đẫm áo. Tôi bàng hoàng, đau đớn, chua xót. Tay tôi vẫn nắm chặt lấy ông, lay lay vai gầy ấy với hy vọng rằng ông chỉ ngủ một giấc thôi, nhưng ông vẫn nhắm nghiền mắt, không cử động. Tôi khóc thét lên nỗi đau đớn khôn cùng, tiếng thét xé toạt không gian, xuyên vào lòng người xung quanh nỗi cay đắng. Ông rời xa bỏ tôi lại bơ vơ giữa dòng đời nghiệt ngã. Một đứa trẻ cô độc, không có mái nhà chở che.
Kể từ ngày ông đi, tôi cứ trốn vào một góc khuất ngồi lặng lẽ. Đôi mắt tôi vô hồn, nhớ đến những tháng ngày hạnh phúc, nhớ đến lời nói của ông: " Phong à, hãy mạnh mẽ lên, không được gục ngã". Tôi gạt dòng lệ chợt lăn xuống má, hai nắm tay siết chặt, tự nhủ "mình phải mạnh mẽ, kiên cường sống tiếp, đừng khóc nữa Phong, phải mạnh mẽ như nhánh cây tùng không bị quật ngã trong giông bão". Tôi đứng dậy vươn vai, hít thở bầu không khí trong lành, tiếp tục rong ruổi khắp nơi bán vé số. Tôi tới những quán cơm, quán cà phê, mời mọc từng người. Họ nhìn tôi bằng ánh mắt ghẻ lạnh, đẩy tôi ra xa như sợ bị nhiễm vi rút. Có lúc may mắn tôi gặp được một người tử tế, thương xót cho một đứa trẻ đầu tóc rối bù, quần áo bẩn thỉu, đã mua hết tập vé số trên tay tôi. Bữa đó, tôi có tiền để mua cơm hộp, không phải nhịn đói, hay ăn cơm thừa người ta bỏ. Tôi vẫn sống dưới gian nhà tồi tàn ấy, một mình lặng lẽ cảm nhận cái lạnh lẽo mùa đông. Nếu là ngày xưa, ông đã xoay qua đắp chăn và vỗ về giấc ngủ cho tôi thật ấm áp, yên bình.
Buổi sáng hôm đó, tôi gặp Mạnh, hai con người xa lạ được số phận gắn kết nhau.
Tôi nốc một ngụm nước mát, lau giọt mồ hôi vương trên trán về đếm vé số trên tay. " Cả buổi sáng chỉ bán được 2 tờ, hôm nay lại bị mắng tiếp". Tôi thở dài não nề. Bà chủ vé số là người độc miệng, hễ tôi bán ế là bị bả chửi mắng, cay cú. Tôi cũng đã quen rồi. Tôi đứng dậy đi tiếp dưới ánh nắng chói chang, mệt nhọc. Đi được nửa đường, tôi nghe tiếng kêu cứu từ một bãi đất hoang. Tôi chạy tới, núp trong lùm cây, nhác thấy một đứa trẻ bị một đám trẻ khác cao to đánh đập. Chúng tát chan chát vào mặt đứa trẻ, đá thúc hùi hụi vào người nó như thể bao cát mặc cho nó kêu tha. Lòng thương người trỗi dậy, tôi hùng hổ xông tới:
- Tụi bây dừng tay ngay, một đám to xác đánh một đứa nhỏ không thấy nhục hả.
Bọn chúng nhếch môi cười đểu, nhìn tôi cay cú. Một tên ra lệnh:
- Đánh chết mẹ thằng chó đó đi.
Một đám điên cuồng lao vào đánh tôi tới tấp. Vì nhỏ yếu hơn, tôi không thể chống cự lại được. Một tên dùng gậy định đập vào đầu tôi nhưng tôi kịp thời tránh được, bị ngã ra sau đầu đập vào cạnh bàn. May là có người hô hoán, bọn chúng hoảng hồn tảng đi, nếu không chắc tụi tôi đi chầu ông bà. Tôi nằm bất động. Thằng bé chạy lại đỡ tôi dậy, đôi mắt hốt hoảng khi thấy trên trán một vệt máu tuôn ra không ngừng. Nó lúng túng hét toáng kêu gọi mọi người giúp đỡ. Một chị gần đó đưa tụi tôi vào nhà, xức thuốc và băng bó cho tôi và Mạnh. Đầu tôi đau điếng, toàn thân đau nhức dữ dội. Thằng Mạnh đưa tay sờ sờ trán tôi, ánh mắt rưng rưng, xúc động:
- Cám ơn anh
Tôi nhìn nó, một thằng bé khôi ngô, đôi mắt sáng, trên người đầy vết bầm tím, môi bị rách một đường nhỏ, thắc mắc hỏi:
- Mày làm gì để tụi nó đánh dữ vậy?
Hai hàng lông mày nó xô vào nhau:
- Hồi nãy em gặp một ông khách sộp, mua hết vé số còn bo cho em 100000. Tụi thằng Tiến nghĩ em cướp khách của nó, nó giở tay côn đồ.
- Mày tên gì?
- Em tên Mạnh. Hồi nãy, anh giống người hùng trong các câu truyện cổ hihi. Nó nhe răng sún cười. Chợt nghĩ ra điều gì, nó cầm tay tôi, đôi mắt long lanh sinh động:
- Anh cho em đi theo anh đuoc không.
Nghe thấy có đứa "hâm mộ" mình, tôi khoái chí:
- Mày muốn tao nhận làm đồ đệ đâu dễ. Mà mày cũng không có ba mẹ à?
Nghe 2 từ "ba mẹ", đôi mắt nó xao động, nó cúi đầu, nhỏ giọng:
- Em không có gia đình
Mạnh trạc nhỏ tuổi hơn tôi. Nét mặt nó hồn nhiên ẩn sau lớp bụi đời, đôi mắt sáng nhanh nhẹn, đầu tóc rối bù, quần áo dơ bẩn. Nhìn thấy những vết bầm tím trên người nó, tôi đâm thương xót:
- Ừ, tao nhận mày làm đồ đệ. Sau này mày phải ngoan ngoãn nghe lời tao đó.
Nó gật đầu, nhe răng cười tươi roi rói. Đôi mắt rưng rưng vì vui sướng. Từ giờ, nó không còn đơn côi, không ai bênh vực mỗi khi bị ăn hiếp nữa. Tôi cảm thấy may mắn khi đã tìm được người bạn đồng hành trên bước đường chông gai, mịt mù.
Chúng tôi lang thang khắp nơi bán từng tờ vé số. Bước chân tôi đỡ mệt nhọc hơn khi có thằng Mạnh đi cùng. Chúng tôi vừa rảo bước vừa nói chuyện rôm rả. Thằng Mạnh có cái miệng liến thoắng, đầu đội chiếc mũ ca rô, hay nhảy chân sáo như chú sóc con. Nó hiền lành, hay giúp đỡ mọi người. Nó bơi giỏi nên được xem là cái phao cứu hộ của mọi người. Ai ai cũng đều quý cái thằng nhóc nhanh nhẹn, miệng hay nở nụ cười đáng yêu. Từ khi có Mạnh, bóng dáng của tôi không còn đơn độc nữa. Nó chia sẻ cho tôi miếng bánh mì vụn, mà cái thằng tử tế hết sức, nó chia cho tôi miếng lớn, cắt nghĩa "em nhỏ, ăn miếng nhỏ". Tôi và Mạnh cùng đắp chung chăn bông, ngắm bầu trời sao đầy tâm sự. Đôi mắt nó sẫm lại, long lanh nước khi nhớ về gia đình.
Nó kể nó vốn dĩ là một đứa trẻ có gia đình. Mẹ nó xinh đẹp, dịu dàng, lo lắng, săn sóc cho nó chu đáo. Nó thích được nằm trong lòng mẹ, áp mặt vào lòng ngực ấm nóng, cảm nhận tình thương nồng ấm lan toả từ trái tim người mẹ. Nó thích nghe những câu chuyện cổ tích mẹ kể vào những buổi trưa hè. Nhưng số phận trớ trêu, căn bệnh ung thư vú quái ác đã cướp mất người mẹ yêu dấu, cướp mất tình thương của nó. Ngày hạ quan tài mẹ, nó gào thét, lao xuống huyệt mẹ nó. Tiếng thét ấy xé tâm can những người xung quanh. Suốt mấy tháng trời, nó lầm lũi, đôi mắt sưng húp và vệt áo đẫm nước mắt. Sau khi mẹ mất, ba nó đi bước nữa. Nó sống chung với mụ dì ghẻ độc miệng, ác tâm. Bà ta bắt Mạnh nghỉ học, ở nhà gánh nước, nấu cơm. Nó phải sống trong những chuỗi ngày bị đánh đập, ghẻ lạnh. Mỗi lần nhậu xỉn, ba lại dùng roi tre quất vun vút vào người Mạnh, những vết thương đau rát sâu hoắm. Nó nhớ như in cái ngày định mệnh đó. Hôm ấy, nó vô tình làm vỡ bình hoa quý của bà mẹ kế. Bà ta tức giận, chì chiết nó, tệ hơn nữa buông ra những lời xúc phạm mẹ nó. Đôi mắt nó đỏ ngầu, vằn lên những tia máu,không kiềm chế được, nó vung thanh sắt gần đó định lao tới người đàn bà đó. Bất chợt, ba nó giựt lấy, đánh liên tiếp vào người nó. Người đàn ông tàn nhẫn mất kiểm soát định giáng một đòn lên đầu nó, nhưng Mạnh kịp thời né kịp. Nó không la khóc đôi mắt tối sẫm, nét mặt phức tạp, vụt chạy ra khỏi căn nhà cay nghiệt đó, chạy xa, xa mãi.....
Tôi ôm nó, vỗ về đôi vai mỏng manh, xoá tan đi giấc mơ hãi hùng của Mạnh, đưa nó vào giấc ngủ bình yên. "Hãy để quá khứ ngủ yên, đứa em nhỏ của tôi"
Tôi nhớ mãi cái đêm giáng sinh ấy. Một đêm lạnh lẽo. Khắp chốn tràn ngập ánh đèn led lung linh sắc màu. Trước thềm nhà, người ta đặt cây thông nô en lớn được trang trí bằng sợi dây kim tuyến, dải đèn nêon nhấp nháy rực rỡ và những gói quà nhỏ xanh, bên cạnh đặt hang đá bạc huyền ảo dưới ánh đèn. Tôi và Mạnh đứng ngắm nghía, trong đôi mắt hiện lên hình ảnh ông già nô en cao lớn, chòm râu trắng với nụ cười hiền hậu đứng trước cửa tiệm bách hoá. Chúng tôi nở nụ cười hạnh phúc, tưởng tượng ông đang mỉm cười, trao cho chúng tôi những gói quà to. Người chủ tiệm nhác hai đứa trẻ quần áo bẩn thỉu, rách nát đứng trước cửa, sợ xui xẻo nên xua đuổi tụi tôi. Thằng Mạnh xụi mặt, tôi bèn rủ nó đến công viên chơi. Công viên tấp nập người, tiếng cười nói ríu rít, hát lên khúc ca mùa đông vui vẻ. Những đứa trẻ nô đùa cùng bố mẹ, nụ cười ngập tràn hạnh phúc. Người mẹ khoác chiếc khăn quàng cổ cho thằng bé, sự ấm áp dịu dàng lan toả từ đôi mắt ấy. Không ai quan tâm đến tôi và Mạnh, hai đứa trẻ bơ vơ, lạnh lẽo. Đối với tôi, một đứa trẻ mồ côi, tình thương gia đình xa xa lạ lắm. Giờ đây, tôi thèm khát được mẹ mặc áo ấm và nằm trong lòng mẹ, xua tan đi cái giá lạnh mùa đông.Thằng Mạnh nhớ quãng thời gian bên người mẹ hiền từ của mình da diết. Đôi mắt nó buồn bã, rươm rướm nước mắt:
- Lúc trước, mẹ em cũng dắt em đi chơi giáng sinh, mẹ đan áo ấm cho em mặc.
Những giọt lệ chực trào, nó lấy tay lau đi. Tôi xoa đầu nó để an ủi hai tâm hồn tương liên. " ục ục", cái bụng tôi lên tiếng, tôi gãi đầu dẫn Mạnh đi mua bánh mì thịt. Cô Chín tốt bụng cho tụi tôi nhiều thịt, cười hiền:
- Ăn nhiều vô hén.
Tụi tôi liếc mắt nhìn tiệm gà rán gần xe bánh mì của cô Chín. Hai đứa tôi mắt dán vào cái đùi gà giòn tan, thơm phức, nuốt nước miệng sắp rơi. Với bọn trẻ chúng tôi, hạnh phúc bình dị lắm, là khi được ngồi thưởng thức cái đùi gà rán hấp dẫn kia cùng với gia đình, bắt gặp ánh mắt dịu dàng ân cần của người mẹ để quên đi cái lạnh lẽo mùa đông.
Mưa rơi từng giọt thấm vào đất lạnh. Tụi tôi vội vã vào một ngôi nhà hoang gần đó để trú mưa. Quần áo, tóc tai của hai đứa tôi ướt sũng nước mưa. Tôi và nó run bần bật, tôi lấy tấm vải gần đó đắp lên đôi vai gầy run rẩy và lấy cái bánh mì lạnh tanh trong túi áo ra. Mưa vẫn rơi xối xả mang theo cái giá lạnh. Người người vội vã rảo bước quay trở về mái nhà ấm cúng, họ chỉ liếc nhìn dửng dưng hai đứa trẻ đáng thương đang rét lạnh, không có mái nhà để sưởi ấm. Thằng Mạnh ngậm bánh mì đẫm nước mưa, giọng nó run run vì lạnh:
- Anh hát em nghe đi
Tôi cố gắng giữ nhịp điệu bình thường, hát bài "ba ngọn nến lung linh". Tiếng ca trong trẻo mang người ta về với dòng ký ức hỗn loạn. Hát được nửa bài, tôi nghe tiếng khóc thút thít của nó. Nỗi thương nhớ tình cảm gia đình của Mạnh hoá thành những giọt nước mắt lăn dài. Tôi cũng sụt sùi, khóc vì đồng cảm, khóc cho nỗi tuổi thân. Tôi và Mạnh đã sống những chuỗi ngày vừa mệt nhọc vừa vui vẻ. Tụi tôi kết thân thêm những người bạn mới, cũng là những đứa trẻ mồ côi nghèo khó. Chúng tôi đi bán cùng nhau, cùng sẻ chia thức ăn và trò chuyện vui vẻ để quên đi khó nhọc. Có những lúc tôi lên cơn sốt, thằng Mạnh chạy đôn chạy đáo mua thuốc tôi uống và nấu cháo tôi ăn. Nó xoa đầu tôi dịu dàng như người mẹ dỗ dành con:
- Anh ăn uống thuốc rồi mau khoẻ lại nha.
Tôi thấy đôi mắt cay cay, nhớ trước đây ông cũng ân cần chăm sóc tôi như thế. Mạnh nở nụ cười ấm áp. Giây phút này, nó giống như thiên sứ ông mang hạnh phúc đến cho tôi. Thằng bé đáng yêu thật, tôi đã xem nó như người thân còn sót lại của mình. Ngày hôm đó, tôi đang dốc chai nước uống thì một người đàn bà trung niên hớn hở chạy lại gần tôi nói:
- Gia đình bác cám ơn cháu nhiều lắm. Hôm qua bác mua 2 tờ vé số của cháu may mắn trúng được 5 tỷ. Bác muốn hậu tạ cho cháu số tiền này.
Người đàn bà cười tươi tắn, lấy một túi lớn đưa cho tôi, trong đó đựng rất nhiều tiền. Tôi ngại ngùng không dám nhận, nhưng người đàn bà lắc đầu dúi vào tay tôi. Tôi mừng rỡ, mắt dán chặt vào cái túi đen trước mặt. Ông trời thương những đứa trẻ dãi nắng dầm mưa, đói khát nên đã ban phước lộc này cho chúng tôi. Tôi xúc động và bất ngờ lắm."Mạnh ơi, từ giờ trở đi anh em mình không còn phải chịu đói, chịu lạnh nữa rồi". Tôi ba chân bốn cẳng chạy đi tìm Mạnh, dường như nghe thấy tiếng chim hót ríu rít cho một khởi đầu mới. Đằng xa, một đám người bu đen nhốn nháo trên đoạn đường xe lửa chạy. Tôi tò mò, bước tới, nghe một chị nói rằng:
- Thằng bé tội nghiệp quá.
Tôi chen lên trước để xem hiện trường. Chả là ở đây vừa xảy ra một vụ tai nạn. Tôi nghe tiếng hét chói tai của một người đàn ông tóc tai rũ rượi, đôi mắt hoảng loạn. "Kìa, cái mũ ca rô kia, chả phải của nó sao". Tôi giật nảy mạnh, lay lay hỏi mọi người. Giữa trưa, họ nghe thấy tiếng hét thất thanh, chạy ra thấy một đứa bé mặt mũi biến dạng, nằm trong vũng máu. Vì cứu người đàn ông có ý định tự tử kia mà nó bị xe lửa cán. Tôi bàng hoàng, sửng sốt, đứng im bất động, thét ra âm thanh của sự đau đớn khôn cùng đang dằn xé tâm can. Tim tôi quặn thắt. Một nỗi đau thương tột cùng khi mất đi người thân không lời nào tả xiếc. Tôi quỳ xuống cầm cái mũ ca rô ấy, mắt nhoè đi, thốt nên những tiếng nấc nghẹn đau đớn. Nhờ sự giúp đỡ của báo chí, thân xác của Mạnh được trở về với gia đình.
Tôi nhớ ngày đám tang của Mạnh, trời đổ cơn mưa lớn dai dẳng như đang khóc thương cho đứa trẻ bất hạnh, luyến tiếc sự ra đi đột ngột của nó. Cha Mạnh quỳ trước linh cửu của nó, đôi mắt vô hồn trân trân nhìn bức ảnh một cậu bé có đôi mắt sáng ngời, đang nở nụ cười hiền lành, ấm áp. Ông cứ ngồi đó hàng giờ liền, không ăn, không nghỉ ngơi, cứ quỳ trước bàn thờ đứa con của mình cho đến khi ngã khụy. Nét mặt ông lộ vẻ đau khổ, buồn bã và day dứt. Thật ra, ông đã chạy đi tìm nó khắp nơi, sau khi ông nhận thức được hành động dại dột, mất kiểm soát của mình. Ông hối hận lắm, mong ngóng một ngày thằng con trai dễ thương ấy quay trở về tha thứ mọi lỗi lầm của ông, để ông được bù đắp tình yêu thương mất mát cho nó. Mạnh vốn dĩ là một đứa con rơi, là kết quả mối tình vụng trộm của mẹ nó. Vì thế, mỗi khi nhìn thấy nó, nỗi ghen tức của một người bị phản bội trào lên mãnh liệt khiến ông không kiềm chế được bản thân mà la mắng, đánh đập nó. Phải chăng thời gian quay ngược trở lại, ông sẽ lại dẫn nó đi công viên, cùng nó chơi bắn bi và che chở yêu thương nó.Tất cả đã quá muộn màng...
Vô tình tôi nhặt được bức tâm thư của Mạnh trong đống áo quần của nó, những con chữ thấm đẫm nước mắt. Tôi dúi lá thư ấy vào tay cha Mạnh. Ông đọc, một giây sau, dòng nước mắt tuôn trào như suối. "Ba ơi, con nhớ ba lắm. Con không biết vì sao ba lại thay đổi, hay la mắng, đánh đập Mạnh. Con thèm được ba dắt đi công viên, cùng ba chơi bắn súng và nằm trong vòng tay rộng lớn của ba. Ước gì có phép màu đưa người ba hiền hậu, yêu thương con và gia đình hạnh phúc ấy quay trở lại. Bây giờ, con không giận trách gì ba. Mong ngóng một ngày con khôn lớn đủ dũng cảm quay trở về nhà và được thấy nụ cười hiền hậu của ba. Con thương ba." Ông ngửa mặt, cười khùng khục, đôi mắt đỏ ngầu. Nỗi đau thương khôn xiết choáng ngợp.
Một thời gian sau, tôi may mắn được một gia đình khá giả tử tế nhận nuôi. Họ quan tâm, chăm sóc tôi chu đáo, trao cho tôi tình thương gia đình nồng ấm. Tôi lên thành phố, chăm chỉ học hành và trở thành thầy giáo dạy sử. Cứ mỗi năm tới tháng bảy, tôi lại bắt chuyến tàu trở về nơi đây, mảnh đất gắn liền với những ký ức sâu đậm, khó phai và tới thăm mộ đứa bạn thân thời thơ ấu. Ở bên kia thế giới, Mạnh không còn cô đơn, lạnh lẽo, khổ cực vì được ở bên cạnh người mẹ yêu dấu trên thiên đàng. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, đôi mắt tôi cay cay khi thấy ảo ảnh một đứa trẻ bán vé số đầu đội chiếc mũ ca rô, miệng huýt sáo, đôi mắt trong veo cùng với nụ cười hồn nhiên.
Trần Phan Thục Quyên