Đồng sàng dị mộng
(truyenngan.com.vn) Đã hơn một nghìn lần, Mai nghĩ đến chuyện ngoại tình. Chồng đã như thế, còn trông mong nỗi gì.
***
Mai dạo này thường hay về thăm quê. Mỗi lần về quê, Mai đều tìm đến vợ tôi. Mẹ vợ tôi mất sớm, vợ tôi là chị gái lớn trong nhà, ngoài trách nhiệm của người chị, cô ấy dường như đảm đương luôn vai trò của người mẹ. Vợ tôi là nơi để các em mình gởi gắm tâm tình, cởi mở tâm sự, giãi bày những uẩn khúc thầm kín... Lâu ngày thành nếp, cô ấy trở thành người đỡ đầu tinh thần cho họ trong suốt cả cuộc đời.
Tôi để ý thấy sau mỗi lần Mai và vợ tôi gặp nhau, Mai ra về rồi thì cô ấy thường hay thở dài, tâm tư dường như nặng trĩu. Lúc chỉ có riêng hai vợ chồng với nhau, vợ tôi than thở : "Đúng là mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhìn bề ngoài, cảnh vợ chồng con Mai thằng Hoàng như thế, ai chẳng cho là hạnh phúc. Chồng làm giám đốc một công ty của Nhà nước, vợ là trưởng phòng ở Ngân hàng, nhà cửa như biệt thự, đi lại luôn có xe đưa đón, con cái ngoan hiền, học giỏi. Nhưng sống trong chăn mới biết chăn có rận, ông Hoàng lại trở chứng, giở lối sống lập dị : đi tu, mà là tu tại gia, chẳng thà...".
Tôi chen ngang: " Anh nghĩ Hoàng mà đi tu thì lỗi phần lớn là tại Mai. Người dì ấy béo tròn béo trục, ăn nói bổng chảng, tính nết dữ như sư tử Hà Đông, lúc nào cũng muốn ăn tươi nuốt sống Hoàng. Làm chồng mà gặp phải người vợ như vậy, đi tu sướng đời hơn".
Vợ tôi gắt : "Đàn ông các anh xét đoán việc gì cũng cực đoan, phiến diện một bề. Làm đàn bà đã khổ, làm đàn bà mà có nhan sắc tầm thường lại càng khổ hơn. Mai tuy có những hành động hơi quá quắt, nhưng cũng có thể thông cảm vì chẳng qua chỉ cố níu giữ chân ông chồng mình. Mà để em kể anh nghe cho xong chuyện nhà Mai đã nào..."
Hoàng năm nay vừa tròn năm mươi tuổi, tuổi của tri thiên mệnh. Nhiều lúc ngẫm lại cuộc đời, anh thấy như đã trải qua một giấc mộng lớn. Đường đời Hoàng trải qua hoàn toàn suôn sẻ, quanh anh như luôn có quý nhân phù trợ.
Tốt nghiệp Đại học, Hoàng được ông bác đưa vào công tác ở một cơ quan Nhà nước. Sống lâu lên lão làng nhưng cũng nhờ vào vài sự giúp đỡ ngầm nào đấy, từng bước, từng bước Hoàng trở thành thủ trưởng của cơ quan. Tiền tài theo danh vọng như nước đổ vào nhà. Ngoài xã hội, Hoàng là một cán bộ gương mẫu, đầy năng lực. Về nhà, Hoàng là một người chồng tốt, một người cha đầy trách nhiệm. Cuộc sống đối với Hoàng coi như hoàn toàn mãn nguyện.
Khi xây dựng lại ngôi nhà ở, Hoàng thiết kế đến bốn phòng ngủ. Hoàng giải thích với vợ co : "Gia đình ta có bốn người, mỗi người một phòng ngủ riêng là đúng, là cần thiết, hợp với lời các cụ xưa đã dạy : Bậc thượng sĩ khi ngủ phải ở riêng phòng, bậc trung sĩ ở chung phòng nhưng riêng giường còn bậc hạ sĩ mới ngủ chung giường".
Đề xuất của Hoàng được các con nhiệt liệt hưởng ứng, chỉ có Mai tỏ ý hơi phản đối nhưng bản tính vốn chiều chồng nên lại thôi.
Từ khi ngủ riêng phòng, ngoại trừ lúc làm việc ở cơ quan, về đến nhà là Hoàng dính vào máy vi tính, truy cập vào trang web Phật giáo, tôn giáo mà Hoàng đã có tín ngưỡng từ lâu.
Hồi còn nhỏ, nhà Hoàng ở cạnh một ngôi chùa, những lúc rảnh rỗi, Hoàng thường đến chùa chơi. Chùa nhỏ, chỉ có một sư ông ở, hằng ngày, ngoài thắp hương niệm Phật, quét dọn, chăm sóc vài cây cảnh, thời gian còn lại,ông vùi đầu vào đống kinh Phật. Tính Hoàng ham sách vở, ưa những điều huyền bí, đến chùa là mượn kinh đọc. Sư ông cũng yêu mến Hoàng, có chút thời gian rảnh rỗi nào thì đem những lẽ cao thâm, những huyền vi của Phật pháp giảng giải cho Hoàng hiểu, gợi mở cho Hoàng hướng đến cảnh giới của sự thanh tịnh, cảnh giới của sự bất tử.
Hoàng khát khao học đạo, lúc ấy đã có ý muốn xuất gia đầu Phật. May mà cha mẹ Hoàng kịp thời biết được, tìm mọi cách ngăn cản.
Nay duyên cũ lại về, chiêm nghiệm lại cuộc đời mình, thấy mọi chua ngọt đắng cay của đời đều đã trải, tất cả đều là phù vân. "Xử thế nhược đại mộng. Hồ lao vi kỳ sinh": Đời là một giấc mộng lớn, hà tất phải lao nhọc làm gì. Hoàng siêng đi lễ chùa hơn, đến chùa thường cùng các bậc cao tăng luận đàm về Phật pháp.
Lúc trước, Hoàng ăn chay chỉ vào ngày rằm và mồng một, sau tăng thêm một tháng bốn ngày, ngoài ngày rằm và mồng một, hai ngày khác là mười bốn và ba mươi. Ăn chay một thời gian, đến những bữa phải ăn mặn, Hoàng cảm giác thức ăn vào miệng gây cảm giác ơn ớn. Nghĩ đến đạo lý: "Sự sống sống bằng cái chết", "Văn kỳ thanh bất nhẫn kiến kỳ thực. Kiến kỳ sinh bất nhẫn kiến kỳ tử", Hoàng quyết định ăn chay trường.
Sự thay đổi khẩu vị của Hoàng cũng chẳng làm xáo trộn gia đình mấy. Các con của Hoàng lúc đầu nếm thử món chay, thấy lạ miệng nên rối rít khen ngon. Ăn được vài bữa thì đâm chán, bỏ mâm của Hoàng qua ăn chung mâm với Mai. Còn Mai tuy khó chịu, nhưng tôn trọng ý muốn của chồng, thôi thì ổng muốn thế nào thì chiều cho ổng thế ấy.
Nhưng có một chuyện, Mai không thể chiều nổi. Là chuyện ấy.
Lúc đầu, tuy ngủ riêng nhưng Hoàng trả nợ bài đầy đủ. Sau đó, một tháng đôi ba lần rồi thưa thớt dần. Năm ngoái còn xuân thu nhị kỳ, đến năm nay thì quên hẳn.
Mai kém Hoàng tám tuổi, năm nay bước vào tuổi bốn hai, tuổi của người đàn bà đang vào độ hồi xuân. Thân hình Mai phốp pháp, đầy vẻ phồn thực.
Mai tự biết người mình ít có sức hấp dẫn, lôi cuốn đàn ông. Nhưng không có người phụ nữ xấu, chỉ có người phụ nữ không biết làm đẹp. Mai nhiều lần đến thẩm mỹ viện để sửa sang lại sắc đẹp. Mốt thời trang mới nào xuất hiện là Mai đi tìm mua, bổ sung vào bộ sưu tập của mình ngay. Những cố gắng của Mai cũng chỉ làm cho Hoàng đi ngang về tắt một vài lần rồi thôi.
Hoàng biết Mai cố lôi kéo anh trở lại với cõi đời đầy ngọt ngào nhưng vương đầy tục luỵ này. Nhưng chí anh đã định. Anh đã nhiều lần thổ lộ, bày tỏ với Mai lập trường, lý tưởng sống của mình. Đối với xã hội, anh vẫn chu toàn công tác; với gia đình, anh không xao lãng bổn phận làm chồng, trách nhiệm làm cha. Tuổi đời hai vợ chồng đều đã đến lúc xế chiều. Mùi vị cuộc đời đều đã nếm đủ. Đây là lúc hai vợ chồng nên hướng đến đời sống tâm linh, đi tìm hướng giải thoát, tìm sự an vui vĩnh hằng cho đời mình. Anh khéo léo đem lẽ đời là vô thường, thân cát bụi lại trở về cát bụi giảng cho Mai nghe.
"Em biết không, Đức Phật lúc còn là thái tử Siddhàrtha cùng vợ là nàng Yasodhara đang lúc còn thời son trẻ, Ngài nhận ra tất cả những gì trong thế gian đều biến đổi, hư hoại, đều là vô thường. Ngài bảo vợ: "Chúng ta sẽ già yếu và xấu xa. Thời gian sẽ phủ lên đầu chúng ta những lớp tro bạc. Ôi! Mắt trong của em rồi sẽ đục mờ! Môi đỏ của em rồi cũng úa màu! Ta nghe trong ta, trong em và trong cả mọi người, mỗi ngày mỗi đổ vỡ dưới sức tàn phá của búa thời gian. Tất cả những gì quý giá của đời người, chúng ta ôm giữ một cách tuyệt vọng, những bảo vật ở trong ta như cái bóng, như làn gió". Huống chi vợ chồng mình thân ô trọc lại ở giữa cõi đời ô trọc, đã nhận được giáo pháp của Ngài rồi mà sao còn không tin tưởng tuân theo".
Nhưng bao công sức Hoàng bỏ ra để thuyết phục Mai đều như nước chảy lá môn. Hoàng biết Mai ngã chấp quá nặng nhưng anh vẫn kiên trì, kiên trì...cho đến ngày Mai rời khỏi bến mê mới thôi.
Hoàng có biết đâu, đêm nào ngủ mà Mai không khóc ướt đầm áo gối.
Người ta nói: "Tuổi hồi xuân là tuổi rực rỡ nhất của người đàn bà". Ở tuổi này, người phụ nữ đã ổn định về mặt công danh, sự nghiệp. Lúc này, con cái cũng đã trưởng thành, ít phải lo toan đến. Người đàn bà ở giai đoạn này coi như rảnh rang nhất, trời lại ban cho cái tuổi xuân thì, họ mới biết sống vì mình, sống cho mình.
Mai cả đời tất bật vì chồng con, đến lúc cần được chồng yêu thì không được đoái hoài đến. Mai đâu cầu thành Phật, thành Tiên, Mai chỉ ước được sống sao cho trọn vẹn kiếp làm người này. Vui vầy bên chồng bên con, được thương, được yêu, lạc thú ấy, cõi trời nào có được.
Từ ngày Hoàng ngủ phòng riêng, sống bên chồng mà Mai có cảm giác như cô đơn, thui thủi một mình. Cảm giác cô đơn ấy càng ngày càng nặng nề hơn. Nhiều lúc nửa đêm mơ màng thức dậy, Mai quờ tay tìm, chợt bàng hoàng, tê tái cả người. Mai đến phòng Hoàng, tìm chồng để tâm sự thì Hoàng lải nhải mãi chuyện "quán bất tịnh", coi thân người như một cái túi da hôi thối ra huyên thuyên. Mai càng nghe càng ấm ức hơn.
Đã hơn một nghìn lần, Mai nghĩ đến chuyện ngoại tình. Chồng đã như thế, còn trông mong nỗi gì. Ban đầu, nghĩ đến chồng, đến con, đến danh dự, tiết hạnh, dư luận... Mai còn ngập ngừng, đắn đo. Nhưng cuộc sống thực tế xô bồ, trên ti vi hằng ngày luôn chiếu cảnh tình cảm lâm li, sướt mướt, vợ đổi chồng, chồng đổi vợ, thay nhau như cơm bữa.
Ở công sở, Mai để ý thấy sau giờ làm việc, một số đồng nghiệp đã có vợ, có chồng rồi mà vẫn lén lén, lút lút, móc điện thoại ra thì thầm to nhỏ, mắt cứ sáng ngời lên. Mai biết điểm hẹn gặp cuối cùng của các chàng, các nàng trong ngày là nhà nghỉ. Trên đường đi làm về, các biển quảng cáo "Nhà nghỉ" như đâm, như thọc vào mắt Mai. Mai bắt đầu có những tính toán cho riêng mình.
Mai hay vơ vẩn nghĩ đến Danh, bạn học cũ và hiện cũng là đồng nghiệp. Lúc trước, Danh thỉnh thoảng tìm đến Mai nói chuyện chơi. Danh thường hay nhắc đến kỷ niệm hai người lúc còn là học sinh, chuyện Danh đã một thời từng yêu, từng theo đuổi Mai nhưng vì duyên số, hai người không đến với nhau được. Mai lục tìm trong danh bạ điện thoại số của Danh rồi gọi đến...
Chuyện đi sớm về khuya của Mai rồi cũng lọt vào trong mắt Hoàng. Anh không nói gì với Mai, không trách gì Mai mà chỉ thẫn thờ buồn cho duyên kiếp tình đời, miệng vẫn luôn niệm câu "A Di Đà Phật".
Bi kịch gia đình Hoàng Mai không biết rồi sẽ dừng lại ở đâu? Hoàng tu hành đã tạo ra được công đức gì? Sự bại hoại, lăng loàn của Mai đã tổn hại âm đức nào? Cha mẹ ở đời để đức cho con. Các con của Hoàng Mai thừa hưởng những đức nào từ cha mẹ chúng để làm hành trang bước vào đời đây?
Phú Dương