Làm anh
Thậm chí khi Brian 17, còn tôi 16, tôi vẫn phải để mắt trông nom anh ấy.
***
Bạn có thể nghĩ rằng anh tôi có bất ổn gì đó về tâm lý hay thể chất – không, anh ấy chẳng làm sao cả. Chỉ là do khi sinh anh ấy, mẹ sinh khó. Cái dây rốn đã quấn quanh cổ Brian đáng thương và anh ấy suýt chết ngạt nếu bác sỹ không kịp thời mổ tử cung. Đã thế Brian ra đời, dù đủ tháng nhưng bé tí tẹo.
Một năm sau, tôi ra đời, theo lời mẹ thì "đô vật vã". Nếu cứ căn cứ theo lời mẹ thì tôi phải tự đi bộ từ bệnh viện về nhà, ăn thức ăn đặc khi một tháng tuổi, và không khéo nhai được cả bít tết nếu mẹ để tôi ăn.
Mẹ tôi căn cứ vào "kích cỡ" khổng lồ của tôi để khẳng định rằng Chúa gửi tôi tới để làm thiên thần hộ mệnh cho ông anh trai yếu đuối. Trong gia đình, chẳng có gì là kỳ quặc khi tôi nhắc Brian buộc dây giày, hay yêu cầu người hầu bàn mang thêm một ly nước cho anh ấy. Mà người ngoài cũng chẳng thấy ngược đời, bởi từ lúc năm tuổi, tôi vẫn luôn cao hơn anh tôi một cái đầu.
Có một ông anh như vậy cũng thật phiền. Tôi không bao giờ có thể rời khỏi nhà mà không "mang" Brian đi theo. Rồi những món ngon lành mà mẹ mua về chỉ để "vỗ béo" anh ấy. Tôi chỉ được phép nhìn Brian thong thả nhấm nháp món sữa lắc sôcôla, và "tẩn" những chiếc bánh pho mát mà tôi sẽ xơi tái không kịp thở nếu có lấy một nửa cơ hội. Và nếu thấy tôi "mon men" thì mẹ sẽ nhẹ nhàng: "Đấy là cho Brian mà, con!"
***
Một lần, trường chúng tôi thi khắc bí ngô. Giải nhất là 100 đôla, và tôi đã tính trước là tôi sẽ dùng 100 đôla đó vào việc gì. Vừa có một trò game mới cực hay – Rồng và ngục tối. Khi cả sinh nhật lẫn Giáng sinh đều xa tít mù khơi, thì món tiền đó là hy vọng cuối cùng của tôi.
Tôi chạy quắn ra chợ và chọn quả bí ngô đẹp nhất. Sau đó, tôi tính xem là sẽ khắc gì. Tôi đã vẽ ra giấy một gương mặt, mà với một cậu nhóc học lớp ba như tôi lúc ấy, là cực kỳ kinh dị. Nhưng rồi tôi chợt nhận ra một điều: Với những ngón tay lóng ngóng của mình, tôi chắc chắn sẽ khắc được một quả bí... vỡ. Tôi nghĩ tới Brian khéo léo, và hiểu rằng ông anh tôi là người thích hợp với công việc này nhất.
Nhưng nhà doanh nhân thông minh học lớp bốn đó đòi... chia phần.
- Anh nghĩ tỷ lệ 80-20 có được không, Bri?
- Ý em là 80 cho em và 20 cho anh? Quên đi. Hoặc là 50-50, hoặc là chẳng gì hết.
Tôi tính nhẩm cực nhanh ra rằng, thậm chí nếu tôi ăn chia với ông anh 50-50 cái giải nhất thì tôi vẫn đủ tiền cho Rồng và Ngục tối. Và tôi đoan chắc là quả bí của "chúng tôi" sẽ đoạt giải nhất vì nó quá khủng khiếp.
Thế mà chúng tôi lại chỉ đoạt giải nhì, nghĩa là... 50 đô la, vừa xoẳn cho để mua "Rồng và Ngục tối".
Vào ngày trao giải, khi thầy hiệu trưởng trao 50 đô la cho tôi thì Brian ở nhà vì bị cảm cúm. Tôi nghĩ, nếu Brian thực sự muốn chiến thắng, thì ông anh đã phải ở đây hôm nay rồi, mà tôi thì cần tất cả chỗ tiền này để đi mua Rồng và Ngục tối. Tôi đã tự bào chữa cho mình như vậy về việc cuỗm luôn toàn bộ số tiền ngay dưới cái mũi đang chảy tong tỏng của Brian để đi mua trò game ao ước.
Tối hôm đó khi tôi về nhà, Brian đang nằm trên đi-văng xem TV.
- Bọn mình thắng không? - Anh ấy hỏi.
Tôi nhìn bộ mặt đang phùng lên sữa lắc của anh ấy, trả lời: "Không". Tôi dấu bộ trò chơi ở nhà bạn và không bao giờ nói với bất kỳ ai trong nhà về nó.
***
Sau đó vài năm, Brian bắt đầu phổng phao ra, dù tôi vẫn cao hơn anh ấy nửa cái đầu. Có lẽ bọn bánh phomat và sữa lắc cuối cùng cũng hiểu ra mẹ bỏ tiền ra mua chúng với mục đích gì.
Với thể lực tráng kiện và sự nì nèo kiên trì của Brian, mẹ thậm chí đồng ý cho ông anh tôi đi học Đại học xa nhà. Tôi đóng vai trò thường lệ của mình, giúp Brian đóng va li.
Khi tôi giúp anh ấy vơ vét các ngăn kéo tủ, thì một tấm ảnh của quả bí kinh khiếp của chúng tôi rơi xuống sàn. Cả hai chúng tôi cùng bật cười khi nhìn vào bộ mặt lố bịch của quả bí mà chúng tôi từng cùng nghĩ là nó thật đáng sợ. Sau đó Brian nói:
- Thế mà chúng mình từng nghĩ rằng quả bí này sẽ làm chúng mình giàu sụ. Và chúng mình thậm chí chẳng đoạt nổi cái giải ba!
Họng tôi như bị mắc xương gà, và tôi cảm thấy mình cần phải thú tội:
- Brian này, em phải thú nhận với anh rằng, hồi đó chúng ta đã đoạt giải nhì."
- Thật à? – Brian kêu lên và gãi đầu sột soạt, sau đó lục lọi ngăn kéo một lần nữa và lôi một cái ảnh nữa cũng chụp quả bí của chúng tôi, nhưng có "đeo" thêm một giải ruy băng màu xanh ghi rõ chữ giải nhì.
- Anh đã chụp tấm ảnh này hôm sau cuộc thi. Anh là phóng viên ảnh của báo trường mà!
- Cái gì? Sao anh biết mà chẳng nói gì?
Brian nhìn tôi:
- Em nghĩ là anh không biết mẹ đã luôn bắt em phải nhường nhịn và chăm sóc anh sao? Điều đó làm chính anh rất tủi thân. Anh luôn nghĩ rằng anh là anh trai em, và phải là anh trai em, ngốc ạ! Anh muốn, một lần thôi, được nhường nhịn em, một lần thôi, được làm người lớn đối với em!"
- Còn em thì lại luôn muốn được yếu ớt như anh, một người được mọi người quan tâm săn sóc - Tôi rụt rè thú nhận.
- Em ngốc thật! - Brian lắc đầu - Em không biết bị mọi người coi là yếu ớt, thậm chí chẳng chăm sóc nổi bản thân tệ như thế nào đâu!
Chúng tôi ngồi im lặng nhìn nhau. Thật là kỳ quặc. Mỗi chúng tôi sống cuộc sống của mình và bí mật mơ về cuộc sống của người kia.
- Em xin lỗi, Bri! - Tôi ấp úng
- Về cái gì? Về quả bí á? Thôi, quên đi!
Tôi muốn nói với Brian là tôi yêu quý anh ấy đến mức nào, và anh ấy thật sự rất đáng yêu ra sao. Nhưng nói những điều ấy thành lời thì thật sến. Rồi Brian quăng cho tôi quả bóng bầu dục của anh ấy và tôi đỡ lấy. Và đó là cách chúng tôi nói với nhau rằng chúng tôi đã hiểu nhau, rất hiểu.