Tết, anh lại không về
Cho đến bây giờ cứ mỗi dịp tết đến nhìn các anh trong xóm đi học hay làm về trên đường làng nước mắt mẹ lại lăn dài. ..
***
Lững thững từ thư viện vô phòng trọ, tôi thấy bé Kim đang khệ nệ bưng mâm ra giữa nền nhà. Tôi vội vàng cất cặp sách, rửa mặt ra ăn cơm. Bữa cơm sinh viên cũng như mọi ngày. Vẫn canh rau, vài con cá kho nhỏ và mấy lát đậu phụ chiên. Vớ tay cầm thìa canh thì nhỏ Trọng mới nói:
- Em trông còn chưa đến một tháng nữa là tết rồi. Thích quá mấy chị nhỉ ! tết tha hồ đi chơi.
- Kim tiếp lời: Tụi mình lớn rồi không mong được lì xì mừng tuổi như mấy em nhỏ nhưng cũng được dịp khoe bộ cánh mới. Nhà em ăn tết lớn lắm chị Huê à. Tết nào cũng phải mổ heo nhà.
Thấy hai chị em Trọng, Kim hớn hở kể chuyển nhà chúng ăn tết mà trông tôi lại lãnh đạm ăn cơm không nói năng gì chúng thắc mắc.
- Sao chị không nói gì cả vậy. Nhà chị ăn tết có lớn không. Chắc năm này tụi em phải ra nhà chị chơi mới được. Trọng nói
- Tôi khẽ khàng: Ừ ! Tết mấy em cứ ra chơi cho vui. Nhà chị ăn tết cũng thường à.
Câu chuyện trong bữa cơm trưa như thêm một cái hậu cho chuyện mừng ngày tết sắp đến của những nhóm bạn tụm năm tụm bảy trên lớp học mấy bữa nay. Lọt tai những câu chuyện hào hứng ấy là lòng tôi lại chùng xuống mơ màng về ngày tết đã qua của gia đình mình. Với Trọng , Kim hay ai đó nữa thì ngày tết là dịp để gia đình sum họp vui vầy. Còn nhà tôi lại một điệp khúc khác hẳn. Điệp khúc buồn mà chỉ nghĩ tới đã thấy ớn lạnh cả người không muốn đối mặt. Nếu cho quyền lựa chọn thì tôi muốn từ nay về sau không có ngày tết nguyên đán nào diễn ra nữa. Không biết nỗi sợ cố hữu này bắt đầu từ đâu nữa. Từ cái vất vả của công việc dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa đồ đạc gần tết hay nỗi sợ bắt gặp những giọt nước mắt lăn dài trên mắt mẹ tôi. Tính tới tết này nữa là chín năm trôi qua rồi mà tôi vẫn còn nhớ như in hình ảnh của cái tết âm lịch 2004 ấy.
Nhà tôi có ba chị em cả thảy. Chị hai với anh ba sinh cách nhau một năm, còn tôi là út ráng sinh cách anh ba những bảy năm. Là út trong nhà nên tôi được cưng chiều và bảo bọc nhiều đâm ra nhiễu sự cái gì cũng tranh phần hơn với anh chị mỗi khi được quà gì. Còn bao nặng nhọc thì anh chị gánh vác. Ấy vậy mà nhiều lúc tôi còn gây chuyện để ba mẹ trách mắng anh và chị. Sau này nghĩ lại tôi thấy hối hận sao những lúc ấy mình ích kỉ quá. Mãi lạc trong hoài niệm tôi thấy những kỉ niệm ấu thơ ùa về mới ngọt ngào làm sao. Đó là những ngày tôi cùng anh ba chăn giữ mấy con bò trên những gò đất cao của làng. Nhiều lúc hai anh em ham chơi với mấy đứa trẻ trong làng đến độ để bò ăn lúa và rau màu bị nhà chủ lúa trách mắng. Về nhà lại bị ba mẹ phạt đồn. Vui nhất là khi mấy con bò ăn no căng bụng như những cái trống trở về thì anh nhấc bổng tôi ngồi trên lưng bò. Anh bảo: Phải cho bé biết ngồi cưỡi lưng bò cũng khoái chẳng thua gì lưng trâu. Anh tôi có một niềm đam mê nhất hạn đó là môn bóng đá. Mặc dù bị ba tôi cấm đoán vì ông cho rằng môn thể thao này dễ gây chấn thương nguy hiểm. Nhưng cứ vào khoảng năm giờ chiều mẹ thấy không có đôi giày thể thao ở góc tủ nữa là biết anh đã lén đi nhập cuộc trên sân cỏ rồi.
Thế rồi thời gian thoi đưa chị em chúng tôi lớn lên. Chị hai sau khi tốt nghiệp mười hai lên thành phố theo học nghề may. Còn anh ba thì đỗ vào một trường cao đẳng cũng trên phố. Nhà chỉ còn mình tôi. Theo đó tôi cũng quen với sự vắng mặt anh chị ở nhà. Tôi nhớ mỗi bận anh chị nghỉ chủ nhật về thì mẹ tôi bắt vịt ăn bồi dưỡng cho anh chị. Dạo ấy anh ba cao lớn lắm. Mẹ tôi hay cầm tay anh âu yếm: ba mụn con mà chỉ thằng cu là cao ráo còn hai chị em gái là lùn đủm. Mẹ còn bảo nhỏ với ba rằng tính tình anh càng lớn càng đổi ra ngoan hiền thêm hơn trái với lúc nhỏ hay nghịch ngợm. Anh tôi vừa đi học vừa làm thêm công việc trông coi quán bida cho nhà chủ trọ được nhà chủ rất yêu quý.
Dịp nghỉ tết năm ấy anh được nghỉ học sớm về giúp đỡ ba mẹ dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị đón tết. Chị hai cũng được nhận lương sớm về quê ăn tết, gia đình tôi lại sum họp đông đủ. Sẵn dịp nhà đông đủ anh tôi vội vã đi thay bộ cánh mới mà anh đã sắm bằng tiền làm thêm cho nhà xem. Anh còn bảo: Hết năm học này con tốt nghiệp xong sẽ đem về ba cái bằng nữa mà con đã tranh thủ học được ngoài tấm bằng cao đẳng nhưng bây giờ con xin giữ bí mật.
Những ngày giáp tết mới vui vẻ và ấm áp làm sao. Trong lịch sử ăn tết của gia đình tôi chưa thấy năm nào mà nhà lại chuẩn bị ăn tết lớn đến vậy. Tôi được phân công quét dọn vườn tượt nhà cửa. Còn anh với ba thì quét vôi lại nhà và đánh vecni bàn ghế. Thấy anh làm việc với ba thành thạo và ăn ý như vậy tôi chắc mẩm trong lòng ba sẽ vui lắm đây, vì ba đã có một người đàn ông nữa để san sẽ nặng nhọc trong nhà. Còn mẹ và chị tôi thì đi chợ để sắm sửa đồ cúng, bánh mức và thức ăn ngày tết. Tết là dịp mà các bà các chị đi chợ mãi nhưng vẫn thấy chưa đủ. Ngoài những hộp bánh mức, nước ngọt đồ hiệu mà chỗ làm thêm của anh và chị được chủ biếu về cho ba mẹ tôi ăn tết, mẹ tôi còn làm thêm đủ các loại bánh mức dân dã truyền thống ở quê như bánh con sâu, bánh in, mức dừa, mức gừng.... Còn ba tôi thì hì hục gói đòn trũi treo giàn bếp để làm thức nhắm cho bình rượu thuốc quý đãi mấy cô chú đến chơi nhà. Công việc dọn dẹp nhà cửa ngày tết vất vả bận rộn là thế mà trong lòng tôi vẫn thấy vui sao khi thấy mọi người trong nhà ai cũng quây quần háo hức cả. Ngoài vườn những luống rau tần ô, ngò, xà lách cũng đua nhau phát triển xanh mơn mởn để kịp độ với những quả dưa leo, giàn khổ qua đang tua tủa sai quả bóng lộn. Tôi thích nhất mỗi độ xuân về là được ngắm vườn cây cảnh nhà lại thi nhau khoe sắc hương với đủ màu vàng của hoa vạn thọ, hoa mai, màu tím hồng của hoa giấy, màu đỏ của những cành hoa hường, hoa thượt dượt....
Ấy còn gì hạnh phúc, ấm áp bằng vậy nhưng trớ trêu thay bi kịch thường ẩn nấp rình rập ở đâu đó để chờ có cơ hội sà vào cướp mất, phá tan đi tất cả những gì ngọt ngào nhất. Nó như một cái gì ám ảnh tôi sau này, mãi sợ những gì vui tươi nhất của mình cũng sớm bị tan biến đi, bị cướp mất.
Chuẩn bị mãi, dọn dẹp mãi cuối cùng cũng bước qua ngày mồng một của năm mới trong không khí thiêng liêng và phấn khởi. Theo tục lệ của gia đình thì ngày mồng một cả nhà tôi ai cũng đi thắp hương nghĩa trang cho ông bà và cúng bữa cơm chay cho ông bà tổ tiên. Chỉ có một chuyện sơ suất nhỏ đó là mẹ tôi phát hiện ra bình hoa lay ơn Đà Lạt màu vàng quý mà tết ba mươi anh và chị tôi đã cất công lặn lội trong chợ hoa tết mua về chưng ở giữa nhà có vẻ hơi heo héo do thiếu nước nên mẹ trách nhẹ chúng tôi sơ suất. Mẹ còn lẩm nhẩm hoa chưng tết mà héo là điềm báo không lành nhưng cả nhà lại lờ đi. Sáng ngày mồng hai ba tôi nhận được tin có người bà con xa trong họ bị mất do tuổi già. Ba tính sẽ đi đám một mình.
- Anh tôi bảo: Mẹ đi với ba tiện thể về thăm ông bà nội, ngoại chơi cho khuây khỏa. Anh thêm: cứ yên tâm chuyện ở nhà đã có mấy chị em con trông coi.
- Nghe vậy mẹ tôi đang loay hoay trong bếp lo bữa sáng với chị nói với ra: Con trai đã trưởng thành nên tính toán có vẻ chu đáo quá.
- Anh tôi lại đùa: Mai mốt con sẽ đưa bạn gái về nhà cho ba mẹ xem mắt nữa đấy.
Tối, ba mẹ về, anh tôi xin phép đến nhà bạn chơi để tính chuyện họp lớp phổ thông cũ vào sáng mai. Vốn bản tính hiền lành, cẩn thận anh đã nhận ra sự nguy hiểm của một đoàn xe mô tô thi nhau loạn lách đua lên phía trước, nên đưa xe chạy chầm chậm vào lề đường. Vậy mà trong chớp mắt quanh nơi anh dừng xe để tránh đoàn đua đã tụ tập đám đông hỗn loạn chỉ sau vài giây nghe tiếng va chạm mạnh. Cú va chạm ấy đã cướp mất anh đi mãi mãi. Tin dữ báo về ba tôi vội vã cùng các chú tôi đến bệnh viện. Mẹ tôi sau vài phút vật vã hoảng loạn thì ngất đi. Tôi hoang mang nghe những lời xầm sì to nhỏ của những người bà con trong nhà tôi rằng tin tai nạn lớn lắm e rằng anh tôi khó qua nổi nhưng họ dặn tôi không nên nói cho mẹ tôi biết vì mẹ có tiền sử bệnh cao huyết áp. Tôi thấy đầu óc mình bấn loạn điên cuồng không biết phải giúp anh mình bằng cách nào. Trong giây phút ấu trĩ của đứa con gái mười lăm tuổi tôi nghĩ mình sẽ vào mẹ nói sự thật rằng anh đang gặp nguy hiểm để mẹ tìm cách cứu anh nhưng khi chạy vào bên giường mẹ đang bất tỉnh thì miệng tôi cứng đơ ra.
Tôi tự nhủ sẽ không bao giờ quên được khoảnh khắc trong buổi sáng sớm ấy. Trên con đường mà mới chỉ cách đó mấy ngày anh tôi cùng chị hai mang hành lí về thì giờ người ta đang khiêng bâng ca đậy khăn cả người anh lại. Theo sau là các chú đang dìu ba tôi đang thất thần dịu quặt. Kinh hoàng khiếp đảm tôi chạy vào nhà tìm mẹ và chị đang ngất trong giàn dụa nước mắt. Khắp ngõ ngách nhà tôi vỡ òa trong tiếng khóc. Tôi chỉ kịp thét lên một tiếng rồi trước mắt mọi vật xoay tròn..... Đến khi tỉnh lại trước mắt tôi là một cô y tá hỏi thấy trong người như thế nào chứ không phải trong cơn mê tôi thấy anh về cùng nhà tôi vui vẻ.... .
Mấy năm sau mẹ tôi buồn nản cứ nằm mãi không buồn nhúc nhích. Chị hai lại lên phố tiếp tục ông việc nhưng năng về nhà hơn trước kia. Ba tôi thì làm việc này việc nọ để lo sinh nhai cho nhà và thay đổi không khí ảm đảm trong nhà. Tôi thi đỗ vào trường chuyên phổ thông nhưng trong mấy năm học khoác lên mặt tôi là một vẻ âu sầu khó hiểu trong mắt bạn bè.
Cho đến bây giờ cứ mỗi dịp tết đến nhìn các anh trong xóm đi học hay làm về trên đường làng nước mắt mẹ lại lăn dài. Tết nay anh lại không về!