Gửi bài:

Ơ, hóa ra đều là người quen cả!

Chỉ khổ cho ông bà Hòa, cuối năm cuối tháng mà hai đứa con đã ỳ èo chuyện cưới hỏi. Ông bà suốt ngày phải đi nhờ thầy này, thầy nọ xem đứa nào được cưới trước.

***

Ngày Quốc khánh, Thảo mới về. Vừa đặt chân vào nhà, Thảo nói ngay với bố mẹ: "Đợt lễ này anh Tiệp không về". Nghe con gái nói thế, ông Hòa hỏi luôn: "Sao nó không về?". Thảo đáp: "Anh ấy nói chưa tìm được bạn gái thì chưa đặt chân về nhà. Anh không chịu nổi cảnh bố mẹ họp toàn gia tộc để nói chuyện vợ con của anh ấy!".

hoa-ra-deu-la-nguoi-quen

Ông Hòa đã ra lệnh cho Tiệp trong cuối năm nay phải có bạn gái, phải cưới vợ. Chắc ông bà dồn quá, nó sợ. Nhưng nghe Thảo nói thế, ông tức lắm: "Thế còn mày? Rể của tao đâu? Mày không ở lại với anh mày luôn đi? Cũng hai sáu rồi đấy con ạ!".

Thảo chẳng trả lời, xách đồ đạc đi vào phòng. Ông bà Hòa ngồi nhìn nhau mà lòng nặng trĩu. Nhà có ba đứa con, toàn là "trai lớn, gái lớn" mà chưa đứa nào có người yêu, chứ chưa nói gì đến chuyện cưới hỏi. Con nhà người ta, bằng tuổi cái Hà, đứa con út của ông bà, nếu chưa tay bế tay bồng thì cũng đã rậm rịch đám cưới. Thế mà nhà ông, thằng Tiệp đã ba mươi tư, lại còn cái Thảo.

Bà Hòa mặt buồn rười rượi: "Biết thế hồi trước chẳng phải học hành gì, ở nhà lấy chồng lấy vợ còn hơn. Mà chỉ con mình thế, chứ thiên hạ học xong một hai năm là cưới đấy thôi!". Ông Hòa tiếp lời: "Hay là đời cha ăn mặn...

Tôi với bà mới năm chục mà con cái... đã già. Tôi với bà vi phạm Luật Hôn nhân nên giời "đày" con mình đấy!". Bà Hòa gật đầu đồng tình với chồng: "Hóa ra là tại mình, thôi đừng thúc bách nó nữa, đâu rồi có đó".

Rồi bà Hòa nhẹ nhàng nói với Thảo: "Mày gọi điện nói anh Tiệp về, bố mẹ không có hé nửa lời về chuyện tuổi tác, vợ con của nó nữa. Ai đời, ngày lễ gia đình sum vầy lại chui lủi một mình ở thành phố như thế". Thảo lắc đầu: "Anh ấy không chịu đâu, lại bảo là con lừa để anh về. Chỉ đích thân bố mẹ gọi thì may ra...". Thế là bà Hòa phải ra gọi điện cho con trai, "mời" nó về với lời hứa: "Ừ, thì chưa lấy vợ. Lúc nào thích thì con lấy, bố mẹ không có giục".

Mẹ đã hứa thế, nhưng đến tận chiều thứ bảy, Tiệp mới về. Đúng là bố mẹ anh không nhắc gì đến chuyện vợ con như những năm trước. Nhưng không khí gia đình thì nặng nề kinh khủng. Tiệp ngượng với bố mẹ, còn ông bà cũng chẳng thoải mái được. Tiệp lại ước, giá như ông bà cứ mắng xa xả như mọi năm còn hơn là nín nhịn như thế này.

Tiệp tính, cùng lắm chỉ sang ngày thứ 2 anh sẽ đi. Nhưng sáng thứ hai, ông Hòa thông báo: "Hôm nay, kỷ niệm mười năm làng văn hóa, làng ta tổ chức vui chơi hội hè long trọng. Bố đăng ký cho con trong đội quân cờ tướng rồi". Thế là Tiệp phải đi cùng bố đến trụ sở văn hóa, nơi mọi người đang tấp nập chuẩn bị chơi các trò chơi của làng.

Tiệp chẳng hào hứng gì với các trò chơi làng xã, anh đứng xếp hàng trong đội cờ tướng chỉ để khỏi tranh cãi với bố. Suốt cả buổi sáng hội làng, chỉ có màn biểu diễn tuồng là khiến anh để ý hơn tí chút. Cụ Thà trong ban quản lý phát biểu đầy tự hào: "Năm nay kỉ niệm ngày lễ cả nước làng ta long trọng mời đội văn nghệ cấp tỉnh về biểu diễn chào mừng Quốc Khánh, chào mừng làng văn hóa".

Rồi cụ nói thêm: "Bên làng Hòe, họ Phạm đông đúc như thế cũng chỉ dám mời đội văn nghệ huyện". Tiệp bật cười vì lời phát biểu của cụ. Tiệp gọi là cụ vì cụ là con ông cả trong họ, phải gọi thế cho uy nghiêm chứ cụ cũng chỉ hơn bố anh vài ba tuổi.

Buổi chiều, cụ Thà sang nhà Tiệp. Đi cùng cụ là một người con gái lạ hoắc. Cụ nói với bố anh, cho cô gái ở nhờ mấy hôm. Tiệp nhận ra ngay cô gái trong đội diễn tuồng.

Cụ Thà trình bày: "Đây là cô Nguyệt, trong đội văn nghệ tỉnh. Nhờ cô Nguyệt mà làng mình mới mời được đội văn nghệ về biểu diễn. Ngày tới, cô ấy biểu diễn ở huyện bên nên muốn ở lại cho tiện. Mà nhà tôi thì chật chội quá!". Bố Tiệp vui vẻ mời cô Nguyệt ở lại nhà.

Nhà có khách, Thảo thấy điều gì đó lạ lạ, kéo anh trai ra một góc, thì thầm: "Biểu diễn gì mà mỗi mình cô ấy ở lại, còn cả đội thì về hết. Cô này cũng phải bằng tuổi em rồi đấy. Xinh thế, phải có chồng rồi, sao không về với chồng con...". Tiệp ghét nhất là kiểu tò mò của em gái, anh xẵng giọng: "Kệ người ta, liên quan gì đến nhà cô".

Buổi tối, ăn cơm xong, ông bà Hòa đi ngủ sớm như thường lệ, còn cái Hà cũng chạy đi chơi với bạn. Còn ba người, anh em Tiệp và cô Nguyệt trèo lên sân thượng trò chuyện. Lúc này cô Nguyệt mới nói cho họ biết, thật ra cô chẳng đi biểu diễn ở đâu cả mà là vì cô không muốn về nhà. "Bố mẹ giục em chuyện chồng con nên em ngại, nói là mình đi biểu diễn để khỏi về nhà".

Hóa ra là Nguyệt chưa chồng con như Thảo nghĩ. Cả ba người ngồi đây đều cùng cảnh ngộ. Ngồi nói chuyện một lát, Thảo lấy cớ sang nhà đứa bạn hồi nhỏ, thật ra cô cố tình để hai anh chị ngồi lại với nhau.

Sáng hôm sau, thấy vẻ mặt anh Tiệp, chị Nguyệt có vẻ khang khác, Thảo đã thấy vui trong lòng. Cô hỏi Tiệp, anh chỉ mắng: "Có gì đâu, mày chỉ lắm chuyện, tưởng người ta là mớ rau muống, mình cần là mua được đấy chắc". Thảo trêu: "Chưa gì đã bênh người ta chằm chằm rồi nhé!" Lẽ ra Tiệp đi sớm, nhưng có Nguyệt, anh gác kế hoạch lại luôn.

Hai hôm sau, Nguyệt nói với Tiệp: "Chắc em phải về rồi, bố mẹ em nói đằng nào cũng phải về". Tiệp nói: "Xe đâu mà về?". "Đứa em họ em nó đi xe máy lên đón". Tiệp chỉ biết ậm ừ, trong lòng buồn rười rượi.

Buổi chiều, cậu em họ của Nguyệt đến. Cậu vừa bước vào nhà, Thảo đã hét lên: "Anh Hải, sao lại là anh?". Hải ngạc nhiên nhìn Thảo, người học cùng lớp tại chức buổi tối với anh. Hải lúng túng, bởi anh đã để ý đến Thảo từ lâu mà chưa một lần dám nói chuyện cùng cô. Thảo cũng đỏ bừng mặt vì đời nào cô không chú ý đến người bạn cùng lớp bảnh bao, hiền lành như Hải nhưng đâu có cơ hội để tiếp xúc, Nguyệt nhìn thấy sự lúng túng của hai người, cười vang: "Hóa ra đều là người quen".

Tối ấy, cả gia đình Nguyệt có bữa cơm đông đúc, đầm ấm. Thấy mấy đứa thân thiết với nhau, ông bà Hòa vui lắm. Sáng hôm sau, khi Nguyệt và Hải chuẩn bị lên đường thì Tiệp có ý kiến: "Tôi với em Thảo mai cũng xuống thành phố rồi. Hay bây giờ, tôi với em Thảo cùng đi, ghé qua nhà cô Nguyệt, cậu Hải chơi cho biết nhà. Sau đó chúng ta xuống thành phố luôn". Mọi người đều đồng tình với ý kiến của Tiệp và rậm rịch chuẩn bị đồ đạc lên đường.

Ông bà Hòa căn dặn hai con: "Đến nhà người ta phải chững chạc nha. Nhất là thằng Tiệp, đừng có rụt rè, bẽn lẽn đấy". Thảo mỉa mai: "Anh ấy hết rụt rè rồi bố mẹ ơi, vừa gặp người ta mấy ngày mà công khai đòi đi theo đấy thôi!". Tiệp "chọi" lại em gái: "Còn cô, gặp chưa được một ngày đấy". Cả mấy cha con mẹ con cùng cười.

Chỉ khổ cho ông bà Hòa, cuối năm cuối tháng mà hai đứa con đã ỳ èo chuyện cưới hỏi. Ông bà suốt ngày phải đi nhờ thầy này, thầy nọ xem đứa nào được cưới trước. Cái Thảo thì đòi anh trai phải nhường em gái, còn Tiệp kêu mình già rồi, phải cưới trước...

Nguyễn Nhật Hoàng

Ngày đăng: 06/02/2014
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Anh có thích nước mỹ không
 

Có lẽ đây mới là tình cảm của người lớn, đặt lên cân tính toán cẩn thận, anh cho em mấy phần, em trả lại anh bao nhiêu, những cái chúng ta bỏ ra thật hữu hạn biết bao, không thể hoang phí và vung tay quá trán.

Cái con người thời trẻ hết lòng vì tình yêu mà không quan tâm đến cái giá phải trả đã trốn đâu mất rồi?

Anh có thích nước Mỹ không - Tân Di Ổ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage