Gửi bài:

Con gái

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại")

Con gái đứng ngoài sân, lặng nhìn bóng mẹ đang xê xếp mọi thứ trong căn nhà nhỏ.

***

Ngày hai mươi ba âm lịch, tết ông công ông táo.

Con gái nghe lời mẹ, cũng lặn lội ra chợ từ sớm mua chút đồ cúng lễ rồi đặt lên chiếc ban thờ con con đặt ở góc phòng trọ. Các bạn con gái đã về quê hết, con gái còn bận làm thêm nên chưa về được. Đêm qua con gái nằm nhớ, thương mẹ lại khóc thút thít. Mẹ gọi điện, con gái nhấc máy ngay:

- Ngày mai tế Táo, nhớ mua chút đồ thắp hương rồi thả cá phóng sinh nghe con! - Tiếng ho của mẹ không kìm được, khù khụ vang trong điện thoại, con gái ứa nước mắt:

- Dạ!

- Khóc cái gì, trẻ con nữa đâu - mẹ vẫn tiếp tục ho - năm nay gắng thu xếp về sớm phụ mẹ cho vui - giọng mẹ buồn hẳn đi - nhà có một mình chẳng thiết lo tết nhất.

- Dạ! - Con gái nghẹn lời.

Giờ nay ở quê chắc mẹ cũng chưa chuẩn bị gì. Năm ngoái con gái bận tối mắt, tưởng không về được. Mãi đến ngày ba mươi mới bắt kịp chuyến xe cuối cùng. Con gái về, nhà cửa đã gọn gàng nhưng lạnh lẽo, trống trải. Lúc ấy con gái mới biết mẹ đã ốm mấy ngày, chỉ nằm một chỗ nhưng cũng cố dậy quét tước cửa nhà, đặt đĩa hoa quả thắp hương an ủi linh hồn người đã khuất. Thấy con gái về, chưa kịp ôm con gái vào lòng, mẹ đã tràn nước mắt:

- Mẹ tưởng mày không về!

Con gái nghĩ lại cảnh giao thừa năm ngoái mà nước mắt cứ trào ra, ân hận. Năm nay con gái quyết tâm xin nghỉ trước mấy ngày để về với mẹ, mất việc cũng về, con gái vốn bướng bỉnh như thế.

con-gai

Đêm hai mươi ba tết, con gái nằm một mình trong phòng trọ vắng, gió bấc cào cuột lên cánh cửa gỗ cũ kĩ, con gái co ro vì lạnh. Nghe gió đập cửa, chán, con gái thiếp đi, mộng...

"Ngày, tháng, năm....

Đêm ba mươi tết, mẹ chuyển dạ sinh em bé, sinh non, còn những hai tháng nữa. Con gái nép chặt vào lòng ba bên ngoài phòng cấp cứu, ánh mắt thất thần.

Một tiếng...

Hai tiếng...

Bác sĩ bước ra, xác mặt phờ phạc và mỏi mệt, nhẹ lắc đầu lúc ba định hỏi:

- Xin lỗi anh, không cứu được rồi!

Con gái òa khóc, giọng ba nghẹn lại:

- Cả hai sao?

- Không, vợ anh còn chưa tỉnh!

Năm ấy, con gái sáu tuổi, chỉ ngây ngô mỉm cười khi thấy mẹ tỉnh dậy trong phòng bệnh đầy mùi thuốc sát trùng. Mẹ khóc nấc lên, câu hỏi của con gái làm mẹ đau nhói:

- Mẹ ơi, mẹ sao thế?

Ba đứng cạnh, giọt nước mắt cũng lăn dài, lặng lẽ ghé sát mẹ và con gái. Mẹ dang tay ôm hai ba con vào lòng. Con gái không hiểu vì sao, chỉ biết lúc ấy mình quan trọng, với mẹ, với ba. Và cũng từ ngày ấy, mẹ giữ con gái chặt hơn trong những khoảng lặng chơi vơi."

"Ngày, tháng, năm.

Lại là bệnh viện đêm ba mươi tết. Là mẹ ôm chặt con gái bên ngoài phòng cấp cứu. Chuyến thực tế vùng cao ba cho con gái đi theo coi như quà mừng tuổi mười tám còn chưa trọn vẹn. Ba bị xảy chân khi đỡ con gái trèo qua vách núi, ngã từ trên cao, chấn thương nặng. Mấy chú đồng nghiệp đưa ba tới luôn chỗ này, mẹ cũng đến, con gái òa lên nức nở. Cấp cứu đã lâu lắm, cửa phòng bật mở, cô y tá chạy ra, hớt hải:

- Mọi người vào đi, nhanh còn kịp!

Con gái và mẹ ríu chân lại đến nỗi mấy chú đồng nghiệp của ba phải đỡ vào. Mẹ nấc không thành tiếng cạnh giường bệnh của ba, ba thều thào trong chút hơi tàn còn sót lại:

- Anh đưa con gái về an toàn như lời đã hứa đây! - ba cầm tay con gái đặt vào tay mẹ - chăm sóc mẹ, ba không làm thay con được rồi. Sau này phải gần mẹ, đừng tối ngày xa mẹ như ba.

Tiếng pháo đêm giao thừa cất lên từng tràng dài vang rộn, pháo hoa cũng sáng gầm một góc trời đêm, ba quàng tay ôm lấy mẹ và con gái:

- Kìa, pháo hoa ba hứa với con đó!

Ba cười yếu ớt rồi vòng tay dang rộng cũng buông lơi, hơi thở tắt dần, tắt dần. Mẹ khóc ngất đi, con gái chỉ biết níu tay ba, nước mắt ướt nhòe thấm cả vào tay áo:

- Ba, ba ơi!..."

Con gái sực tỉnh, trời còn chưa sáng hẳn. Con gái thấy mắt vẫn còn hơi ướt đỏ. Bật công tắc đèn, con gái lôi từ trong ngăn tủ một chiếc hòm đựng toàn những bài báo cũ và ảnh gia đình. Ba mất, một nhà báo nổi tiếng không có gì để lại cho vợ con ngoài những bài báo của ba được tập hợp, cất giữ, chiếc máy ảnh và những cuốn sổ đã ngả màu thời gian mà con gái quý nhất đời.

cfon-gai-1

Bức ảnh lúc năm tuổi, chuyến đi chơi đầu tiên trên đất thủ đô của mẹ và con gái. Vườn bách thảo ba đến nhiều rồi nhưng lần đầu tiên đi cùng mẹ và con gái , ba bảo thế.

Bức ảnh năm tám tuổi, con gái đen nhẻm, lọt thỏm trong chiếc áo phao cồng kềnh, tạo dáng rất oách cạnh ba mẹ. Chuyến đi biển lần thứ hai.

Bức ảnh năm mười tám tuổi, bức ảnh cuối cùng có ba. Con gái ra dáng một cô thiếu nữ, đôi mắt lộ nét lém lỉnh được ba cõng trên lưng cạnh cành ban rừng đã nở trắng xóa.

Ánh mắt con gái chợt buồn. Lúc này thì con gái hiểu mẹ đã mạnh mẽ nhường nào để vượt qua ngần ấy những nỗi đau liên tiếp. Ba mất, một mình mẹ loay hoay, chật vật, gánh vác cái gia đình không chỉ có một mình con gái trên đôi vai trước giờ chỉ quen nhận sự chở che. Bữa cơm của gia đình đã không còn những món con gái thích nhưng con gái biết thương mẹ nhiều hơn. Khoảng thời gian đó sau này nhớ lại con gái vẫn gọi đó là mảng kí ức mang hai màu vàng - đỏ. Dễ hiểu lắm, màu vàng của đậu rán, đỏ của nước cà chua con gái vẫn làm cho mẹ sau những chuyến chợ xa.

Con gái sắp máy ảnh, laptop vào ba lô rồi bước nhanh ra phố, vẫn còn bài viết cần hoàn thành trước khi con gái muốn về quê sớm với mẹ. Con gái lang thang qua những con phố nhộn nhịp, ống kính máy ảnh bất chợt lia qua, một cô bé chừng ba, bốn tuổi đang được bố dắt qua dòng người đông đúc, con gái cười buồn, lại nhớ...

"Ngày, tháng, năm.

Ba dắt con gái đi men theo bờ sông gần nhà. Chân ba dài còn chân con lại ngắn thành ra ba bước chậm, con gái bước nhanh vẫn không theo kịp. Được một lát, con gái thở mệt nên dùng dằng đứng lại. Ba ngồi hẳn xuống, ôm con gái vào lòng, đưa con gái hai chú cá vàng mẹ đựng sẵn trong túi bóng:

- Thả đi con!

Con gái nhìn cá bơi ra xa, cười tít mắt, ba lại âu yếm:

- Sau này con gái muốn làm gì?

Con gái nhìn ba, ánh mắt trong trẻo và tươi tắn:

- Con thích bơi như cá kìa. À, thích đi theo ba nữa vì ở nhà mãi mà ba không về, chán lắm!

- Ừ được. Vậy sau này làm nhà báo, sẽ được theo ba.

Con gái lại cười, đưa đôi tay bé con lên xoa xoa mái tóc ba rồi mừng rỡ chỉ tay về phía mẹ đang chạy lại. Ba quay ra kịp lúc mẹ tiến lại gần:

- Làm nhà báo làm gì? Một mình anh tối ngày xa gia đình chưa đủ sao?

Con gái cười vang, dang vòng tay nhỏ ôm hai mái đầu thân thương chụm lại.

Năm đó, con gái mới năm tuổi..."

Con gái vốn hiếu động như thế, từ nhỏ đã muốn nối nghiệp ba chính là vì câu nói ấy. Con gái tuổi ngựa, ba cũng tuổi ngựa, chân ngựa là chân chạy, ba bảo thế. Phiêu bạt đã thành cái thú, thế nên ba mới chọn nghề báo. Từ ngày ba mất, con gái đã ngấm ngầm nghĩ lại về quyết định mà trước giờ con gái vẫn xem là cái mệnh của mình: Thi chuyên ngành báo chí, rồi thành một nhà báo tâm huyết, tận tụy như ba, suốt ngày chu du đó đây, tự do là trên hết. Vì ba không còn, mẹ lúc này quan trọng hơn hết thảy, con gái đã băn khoăn nhiều.

"Ngày, tháng, năm."

Mẹ lật tìm bộ hồ sơ thi đại học con gái dấu kín dưới ngăn tủ, vội giở ra xem. Mẹ ngạc nhiên lúc thấy con gái đăng kí thi vào một trường đại học của tỉnh chỉ cách nhà có vào cây số. Con gái về, hớt hải chạy vào. Thấy mẹ cầm bộ hồ sơ, con gái vờ vui vẻ:

- Không có gì đâu mẹ.

Mẹ giằng lại bộ hồ sơ từ tay con gái:

- Sao lại thế này? Con nói đi!

Con gái không cười được nữa, ngồi thụp xuống ghế:

- Mẹ không muốn vậy. Với cả Ba...

- Thôi ngay, mẹ không bảo con từ bỏ lúc gặp trở ngại, nghe chưa! - giọng mẹ run rẩy, rồi mẹ xé tan tờ đăng kí - Đi làm một bộ khác đi!

Con gái òa khóc nhào vào lòng mẹ, hai mẹ con ôm nhau trong căn phòng nhỏ:

- Nhớ, dù có thế nào cũng không được từ bỏ ước mơ. Ba con sẽ trách mẹ. Mẹ không có gì cho con ngoài việc ủng hộ con hết mình..."

Con gái nghe lời mẹ, đăng kí thi rồi đỗ vào trường báo. Hôm nhập học, nhìn nước mắt mẹ lăn dài làm nụ cười méo mó, con gái vừa ân hận vừa hi vọng. Vì mẹ, con gái sẽ thành công còn rực rỡ hơn ba nữa kìa. Con gái vốn kiên cường và con gái làm được, từng chút một, con gái dần lo đủ cho bản thân mình và cả cái gia đình nhỏ đã không còn ai, ngoài mẹ. Cứ thế, con gái thành công hơn trên con đường mình chọn, chẳng phải vì may mắn mà con gái đã thất bại ngấm ngầm, loay hoay đứng dậy để giũ sạch bụi vương, lại bước, bước về phía mẹ. Đâu phải mẹ không biết, chỉ là mẹ không nói mà thôi.

***

Đêm ba mươi tết, lòng con gái chẳng bao giờ vui vẻ. Ngày giỗ của ba năm nào hai mẹ con cũng lặng lẽ, khóc, nhớ mọi thứ đã qua.Cuối năm nào về, con gái cũng thấy mẹ cười nhưng lúc con gái không ở đó, mẹ lại khóc. Thương mẹ, con gái giục mẹ tìm người sẻ chia. Mẹ cười:

- Ngần này tuổi còn nghĩ gì chuyện đó!

Con gái biết mẹ không quên, nhắc đến ba cho căn bếp bớt trống trải:

- Mẹ à, mẹ kể chuyện ngày xưa ba "cưa" mẹ đi!

Mẹ cười, rồi yên lặng. Con gái biết mẹ nghĩ gì, chờ trực cất lời thì mẹ nói:

- Chuyện đôi đũa lệch có gì mà nghe!

Sau câu nói ấy, hai mẹ con cùng yên lặng. Bao nhiêu là kí ức lại chợt dội về...

"Ngày, tháng, năm.

Con gái chạy vào níu lấy tay mẹ trong căn bếp nhỏ. Con gái biết mẹ buồn vì mấy cái tin nhắn của một người nào nó đang theo đuổi ba. Con gái nói, giọng như gieo hò:

- Mẹ, mẹ kể chuyện ba mẹ yêu nhau hồi xưa đi.

- Chuyện tình đôi đũa lệch có gì mà nghe! - giọng mẹ dằn dỗi.

- Sao lại thế mẹ? - giọng con gái cứ nhắng nhít lên.

- Thì đó, ba con đẹp trai lại có trình độ, sớm tối đó đây hiểu biết nhiều còn mẹ không xinh, bằng cấp không có, quanh năm chỉ quấn lấy gian bếp với mấy món hàng vặt, đâu như ai đó...

- Đâu phải, mẹ xinh nhất nhà, đảm đang nhất nhà, ba nhỉ? - Con gái kéo tay ba lại gần. Ba nhanh chóng đỡ lời con gái :

- Con gái nói chí phải. Không có mẹ lấy đâu ra cơm ngon, canh ngọt và cô công chúa xinh thế này.

Mẹ làm bộ giận ba mà không được, phải phì cười trước cô con gái lém lỉnh. Mẹ quay ra, chỉnh lại chiếc cà vạt đã lệch đi của ba:

- Tết đến nơi rồi, anh còn đi nữa.

- Anh sẽ về kịp mà! - Ba cười, mẹ cười, con gái cũng cười. Con gái lúc ấy mười lăm tuổi, đã cao hơn mẹ nửa cái đầu, dang tay ôm ba mẹ lại trong căn bếp nhỏ ấm cúng."

Con gái lặng thinh nhìn mẹ. Mẹ cũng ngừng tay, nước mắt đã vòng quanh chờ trực. Con gái cố lấy giọng vui vẻ:

- Vậy ba con đã bao giờ làm thơ tặng mẹ chưa? Ba con làm thơ hay lắm mà.

- Chưa con.

- Thế đã bao giờ ba tỏ tình với mẹ chưa?

- Chưa... - mặt mẹ méo xệch đi rồi ôm chầm lấy con gái. Nước mắt mẹ rơi, ướt một mảng vai áo mỏng, mắt con gái cũng nhòe nhoẹt nước, thoảng nghe giọng ba vang vọng đâu đó trong căn bếp nhỏ.

***

Ngày hai mươi sáu tết.

Chuyến xe cuối năm đông nghẹt người. Con gái say lên say xuống theo nhịp xe lắc lư, lại nôn thốc tháo. Cuối cùng cũng được về với mẹ.

Con gái đứng ngoài sân, lặng nhìn bóng mẹ đang xê xếp mọi thứ trong căn nhà nhỏ. Mới một thời gian không về được mà mẹ gầy đi nhiều quá. Con gái chợt để ý tấm lưng mẹ đã hơi còng xuống, chứng nhức xương chắc vẫn hằng đêm hành hạ mẹ. Giá giờ này ba còn chắc đã nhào ra mà nhấc bổng con gái như ngày thơ bé, căn nhà nhỏ sẽ lại vang tiếng cười vui. Con gái cười buồn, giật mình vì tiếng đồ đạc rơi trong nhà. Chạy ào vào bên mẹ, con gái khẽ thì thầm:

- Mẹ, mẹ để đó con làm cho...

Đêm ba mươi tết năm ấy, mẹ ôm con gái vào lòng trên chiếc giường đã ọp ẹp vì thời gian, thủ thỉ:

- Này cô, lấy chồng đi cho mẹ còn bế cháu!

Con gái lại cười, ánh nhìn lém lỉnh rồi dụi đầu vào ngực mẹ, ngủ thiếp. Đêm, mẹ khẽ vuốt ve chòm tóc xòa xuống trên vầng trán cô con gái bướng bỉnh, mỉm cười nhìn con gái nói mê:

- Ba mẹ, con dẫn cháu về thăm ba mẹ này...

Di An

Ngày đăng: 12/02/2014
Người đăng: Phương Vũ
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Tôi là Beto
 

Các bậc cao tuổi thường nghĩ chán rồi mới làm. Cũng có thể nghĩ chán rồi chả thèm làm gì hết. Còn ở tuổi của hắn, và của tôi nữa, muốn làm gì là làm ngay. Rồi sau đó mới ngồi ngẫm nghĩ tại sao mình lại làm thế, thường là trong đớn đau và dằn vặt. Để rồi lại quên rất nhanh, thiệt là may. Vì đó là tính bồng bột, người ta nói thế và tôi cũng tin như thế. Cũng như tôi tin rằng đó không chỉ là tính cách của tuổi trẻ, mà còn là phẩm chất của các nhà thơ và các nhà cách mạng

Tôi là Bêtô (Nguyễn Nhật Ánh)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage