Gửi bài:

Ba, liệu có quá muộn cho một lời xin lỗi?

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại")

"Dòng chảy của thời gian bao giờ cũng khắc nghiệt và tiềm ẩn đầy nỗi đau đớn dằn xé đến tận tâm can. Một đời người ngắn ngủi, chớp mắt chỉ là phù du..."

***

1. Hạnh phúc – Hư danh – Sự kiêu ngạo.

Tôi là con út trong nhà, trên còn có một chị gái nữa. Trước khi xảy ra chuyện, gia đình tôi khá hạnh phúc và đầm ấm. Có thể nói rằng, gia đình tôi khá dư dả, chẳng thiếu thốn bất cứ thứ gì. Ba tôi là Trưởng phòng kinh doanh của một công ty sản xuất xi măng cát sạn gì đấy, má tôi chỉ là một người phụ nữ mềm yếu, ở nhà nội trợ và chăm sóc con cái. Mọi việc lớn nhỏ trong gia đình hầu như đều do một tay ba lo liệu và quán xuyến.

Vì là con trai duy nhất trong dòng họ vốn độc đinh nhiều đời, nên tôi nhận được hầu hết mọi yêu thương và nuông chiều từ mọi phía, từ cô dì chú bác, từ ngoại nội rồi tới tận mấy nhân viên cấp dưới của ba. Ba mẹ và chị gái chiều tôi hết mực, cho dù tôi có phạm phải sai lầm gì đi nữa, họ cũng chẳng dám nặng nhẹ lấy một lời, mắt nhắm mắt mở cho qua. Suy cho cùng, dù có quậy phá và hỗn hào đến cỡ nào đi chăng nữa, thành tích học tập trong suốt những năm qua của tôi luôn thuộc top của lớp, của trường. Tôi luôn kiêu ngạo về điều đó, luôn lấy đó làm lợi thế để trở thành Ông trời con trong nhà.

Lòng ham hư vinh không cho phép tôi đứng lùi sau lưng người khác!

ba-lieu-co-qua-muon-cho-mot-loi-xin-loi

Trong trí nhớ của tôi, mỗi bận lễ lạc, Tết đến Xuân về, y như rằng trong nhà chỗ nào cũng nhìn thấy quà cáp tứ phía, thậm chí là phong bì xanh đỏ tím vàng. Dĩ nhiên, chúng không thể ngang nhiên nằm tràn lan trên bàn trà giữa phòng khách, hoặc được dúi thẳng vào tay ba má tôi được. Chúng im lặng và ẩn mình trong những thùng quà, thùng bia, giỏ hoa quả hoặc chỉ đơn giản là một lẵng hoa. Khi ấy tôi vừa tròn mười lăm tuổi, chuẩn bị bước vào ngưỡng cửa cấp ba, đối với những sự việc cứ lặp đi lặp lại, trở nên rất đỗi bình thường ấy, tôi đã quá quen mắt và coi như đó là chuyện hiển nhiên rồi.

Năm tôi đỗ vào trường cấp ba của thành phố, ba má tôi vô cùng hãnh diện, quyết phải tổ chức một buổi tiệc chúc mừng thật lớn, thật hoành tráng để khoe với tất cả họ hàng, tất cả mọi người về đứa con trai tuyệt vời của họ. Đương nhiên, một đứa từ nhỏ đến lớn đều sống trong những lời tung hô chúc tụng của mọi người xung quanh như tôi, điều đó hiển nhiên phải được thực hiện, và đó còn là nghĩa vụ của ba má dành cho công sức khổ luyện suốt mấy tháng qua của tôi.

"Thịnh, con muốn ba tặng quà gì cho con nào?" – Ba nhìn tôi với ánh mắt đầy hãnh diện, rực sáng một niềm tự hào không hề giấu diếm.

Nằm yên lặng trên giường, chân gác lên chiếc bàn vi tính trước mặt, tôi suy nghĩ thật kĩ về lời đề nghị của ba. Thứ gì mà tôi còn chưa có nhỉ? Nhìn quanh quất toàn căn phòng, hầu như chẳng thiếu cái gì cả... Đột nhiên, tôi nghĩ ngay đến một thứ tuyệt vời khác!

"Ba, mua cho con một chiếc xe máy đi!" – Tôi bật dậy.

"Gì? Con đã đủ tuổi điều khiển xe máy đâu?" – Ba phản đối ngay tắp lự.

"Nhưng con muốn!" – Tôi xụ mặt xuống, cau có nhìn ba đầy bất mãn, " Nếu ba không mua thì thôi, tôi tự tìm cách đến trường!"

"Con..." – Ba uất nghẹn nhìn tôi, những lời sau cùng bị nghẹn trong cuống họng.

Nhưng chỉ một lát sau, tôi nghe tiếng thở dài thật khẽ của ba.

"Được rồi, nhưng phải hứa với ba, không được gây chuyện gì quá đáng, nhất là, không được tụ tập đua xe! Nếu không, ba cũng không thể giải quyết giúp con đâu!"

Tôi ngẩng đầu nhìn trần nhà, miệng khe khẽ huýt sáo một điệu nhạc quen thuộc...

"Thank daddy!"

2. Biến cố - Bất hạnh.

Tôi đã từng nghĩ rằng, cuộc sống của tôi sau này vẫn cứ mãi êm đẹp như vậy mà trôi qua. Vật chất – ba lo. Gây chuyện – ba giải quyết. Tương lai – ba ắt có dự liệu. Tôi còn lo lắng làm gì cho mệt?

Chỉ là, người tính không bằng trời tính, đời người bánh sau chần bánh trước, kẻ sau lướt kẻ trước mà qua. Chẳng ai giàu ba họ, chẳng ai khó ba đời, chẳng ai chỉ mãi cười mà không khóc.

Tôi cứ mãi ngông nghênh kiêu ngạo, nhìn những kẻ đang giang tay đói khổ ngoài kia bằng ánh mắt kỳ thị và đầy khinh miệt. Tôi chê một chiếc áo cũ đã mặc qua dăm ba lần, chê một chiếc quần đã lõi mốt không còn hợp thời trang, chê một món ăn đã ăn đến phát ngán vì sĩ diện, sẵn sàng vứt đi những đồ dùng đã không còn cần thiết...

Giá mà, tôi có thể nhìn thấy tương lai sau này của mình. Giá mà tôi có thể học được cách quý trọng những đồng tiền cha mẹ mình làm ra. Giá mà lòng ham hư vinh và sĩ diện hảo giảm đi một chút thì giờ đây tôi đã không phải hối hận đến dường này...

Biến cố đột ngột kéo đến khiến tôi trở tay không kịp.

ba-lieu-co-qua-muon-cho-loi-xin-loi-1

Năm học lớp mười hai, khi đang ở trong nhà thằng bạn chí cốt đấu game, tôi nhận được điện thoại của chị hai.

"Thịnh, mau quay về nhà đi... Thịnh..." – giọng chị đứt quãng vì nước mắt khiến tôi nghe không rõ, " Thịnh, về với má nhanh lên... Ba, ba, ba xảy ra chuyện rồi!"

"Cái quái gì thế? Chị nói gì tôi nghe chả hiểu gì cả!" – Chết tiệt, lượng máu trên màn hình bị tụt xuống nghiêm trọng, con quái thú sắp sửa bị giết chết đột nhiên hồi sinh vì cú điện thoại chết tiệt này!

"Em nhanh lên, Thịnh, chị đang ở bệnh viện..."

Tôi sựng lại. Bàn tay đang thao tác cực nhanh trên bàn phím cứng đơ tức khắc.

"Chị đang ở đâu? Chị nói chị đang ở đâu?" – Tôi gần như phải hét lên. Thằng Duy đang nằm bên cạnh ngẩng cao đầu nhìn tôi, nhíu mày đầy khó chịu.

"Ra ngoài nói chuyện đi mày, tao đang nói chuyện với gấu hai tao!"

Tôi giật phăng tai nghe ra khỏi điện thoại, đứng dậy đá ghế bỏ ra ngoài.

"Chị đứng yên ở đó, tôi tới ngay thôi!"

"Không, má ngất xỉu ở nhà rồi, em về nhà ngay đi, giúp chị ngăn mấy người kia đến quấy rối!" – giọng chị khàn đặc, "Ba được đưa vào cấp cứu rồi, có gì em đưa má vào sau, trong này còn có cô ba nữa!"

...

Không lâu sau đó, rốt cuộc tôi cũng biết được điều kinh khủng gì đang xảy ra đối với gia đình mình.

Trong suốt mười năm công tác, bốn năm ngồi trên cương vị Trưởng phòng kinh doanh của tập đoàn sản xuất xi măng – vật liệu xây dựng lớn, mới đây ba tôi bị dính vào đường dây tham ô, nhận hối lộ và trốn thuế. Sự việc đã được điều tra âm thầm trong suốt một năm qua, dưới số chứng cứ và tư liệu nhận hối lộ quá rõ ràng ấy, ba tôi và một số cán bộ cấp cao của công ty không thể không bị truy tố. Chỉ là, sáng hôm ấy, trên đường chạy từ cơ quan về nhà, ba tôi đã gặp phải tai nạn trên đường. Vụ tai nạn ấy gây tổn hại nghiêm trọng đến phần đầu, suốt một năm trời ba phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, não được đưa ra ngoài để nuôi cấy hoàn toàn, sinh mạng đang treo lơ lửng ấy có thể bỏ ba má con tôi ra đi bất cứ lúc nào... Vụ án ấy cũng được thụ lý xử lý về sau, bởi người chấp hành án đang trong trạng thái mất đi ý thức và hôn mê sâu. Gia đình tôi từ trên xuống dưới vốc toàn bộ sức lực và tài lực chạy chữa cho ba, căn nhà khang trang trước kia nhanh chóng bị bán đi. Ngày ấy, tôi trơ mắt đứng nhìn những vật dụng yêu thích thuộc sở hữu của mình trước kia bị người ta mang đi, từng-cái-một. Cảm giác khi ấy hoàn toàn không có chút xót xa, lo lắng, nuối tiếc. Ý nghĩ tồn tại duy nhất trong đầu tôi lúc đó là phẫn nộ và oán hận!

Tôi oán hận người cha tham lam của mình, oán hận ông tại sao lại mang đến cảnh tượng tan nhà nát cửa như ngày hôm nay. Oán hận ông đã hủy đi toàn bộ tương lai tươi đẹp vốn có của tôi, cướp đi căn nhà xinh đẹp và căn phòng đầy tiện nghi của tôi. Oán hận ông tại sao không chịu tỉnh lại để tự mình đón nhận hậu quả mà mình gây ra, tại sao lại bắt má con tôi chịu đựng cảnh chen chúc khốn khổ trong một căn phòng chưa đầy 50 mét vuông đầy chật hẹp ấy. Tôi chán ghét cảnh tượng mỗi ngày đều phải vào bệnh viện, sau đó lại chạy chọt bác sĩ năn nỉ, đút túi trước rồi lại túi sau, hy vọng bọn họ sẽ không bỏ mặc ông khi tiền chữa trị ngày càng kiệt quệ thiếu thốn. Có lúc cảm thấy thương, có lúc cảm thấy đau lòng khi nhìn thấy cảnh tượng má khóc thầm mỗi đêm, cảnh tượng má gồng lưng làm mướn cho người ta kiếm tiền lo ngày ba bữa...

Tôi không có lý do gì để không oán hận ông cả!

3. Tình người nhạt – tình đời lạt lẽo!

Sau khi xảy ra chuyện, thái độ của họ hàng và những người xung quanh liền thay đổi 360 độ. Họ quay ngoắt đi khi nhìn thấy má con tôi, sự niềm nở và tươi cười trước kia biến mất, tựa như chưa từng quen biết nhau. Ngay cả thằng bạn thân chí cốt nhất của tôi cũng trở nên xa lánh ra mặt. Hơn nữa, những khi tôi vừa khuất bóng lưng, tiếng xì xầm bàn tán lại vang lên. Họ khinh bỉ gia đình tôi, khinh bỉ người cha đang sống dở chết dở trong bệnh viện kia của tôi, khinh bỉ sự xa hoa và khoe khoang lố bịch trước kia của ba má tôi, mỉa mai người má ốm yếu của tôi ngay cả mười bó rau bé tí cũng gánh không nổi. Thậm chí, họ còn xỉa xói vào công việc hiện tại của chị tôi tại nhà hàng, xỉa xói vào ngôi trường đại học mà tôi đã đỗ vào.

Tôi cười nhạt, chẳng qua chỉ là miệng mồm thế gian!

Ngày tôi nhận được giấy báo nhập học là ngày ba tôi tỉnh lại trong bệnh viện. Đáng tiếc, người ba hoàn hảo và chiều chuộng tôi hết mực trước kia lại trở thành bộ dạng ngây dại, cười cười một cách ngốc nghếch và hầu như chẳng nhận ra ai, trừ tôi!

Ba hồi phục rất nhanh sau chuỗi ngày dài bất tỉnh ấy. Không lâu sau thì được xuất viện và về nhà. Ba má con tôi đều thở phào nhẹ nhõm!

Má có ý muốn tôi nghỉ học, đi làm để phụ giúp gia đình. Má bảo, gia đình đang khó khăn vô cùng, những tài sản trước kia đứng tên ba nay đều đã bị tịch thu, những thứ khác đứng tên má toàn bộ đã dồn vào việc chạy chữa suốt một năm qua, nếu còn gánh thêm khoản học phí cảu tôi, e rằng sẽ quá sức má và chị. Gia đình tôi hoàn toàn không thể nhờ cậy được ai cả, họ hàng hai bên đều dè biễu khinh thường, coi như đó là cái giá thích đáng cho những kẻ tham ô trắng trợn như ba. Tình thân máu mủ ruột rà, tôi nhận ra rằng, chẳng đáng một đồng xu!

"Má Thịnh ơi, đừng bắt con nghỉ học!"

Đó là câu đầu tiên khi ba nửa tỉnh nửa mê nhổm dậy từ trên giường khi nghe cuộc đối thoại của tôi và má. Tôi giật mình ngước mắt nhìn ba, có chút xúc động và vui sướng lạ kỳ. Người đầu tiên ông nhắc đến quả nhiên là tôi. Thế nên, tôi vẫn còn cơ hội học đại học! Dĩ nhiên, sĩ diện không cho phép tôi ra đời bon chen kiếm một công việc tầm thường để làm, trong khi bạn bè đồng trang lứa lại tự do hưởng thụ quãng đời sinh viên tươi đẹp kia!

"Đừng bắt con nghỉ học, anh có thể đi làm kiếm tiền nuôi con!"

Má tôi bật khóc, ôm ba thật chặt, đầu không ngừng lắc nguầy nguậy trên vai ông.

"Anh ơi, rốt cuộc anh cũng nhận ra em rồi!" – má nghẹn ngào, "Anh ơi, em xin lỗi, đều là do lỗi của em... Nếu em không... nếu em không bị người ta lừa gạt, thì... thì anh cũng không vì em mà xảy ra ngần ấy chuyện... Anh ơi, em xin lỗi!"

Ba tôi cười hề hề vỗ lưng má.

Mặc dù không hiểu đầu đuôi câu chuyện ra sao, nhưng nhìn cảnh tượng thấm đượm thâm tình ấy, tôi vẫn không ngăn được nỗi xúc động trong lòng.

Khóe mắt tôi cay cay, mũi xộc lên một mùi vị chua xót nồng nồng. Lúc đó, tôi không hề nhận ra đó là mùi vị của Tình Thân...

Tôi bước đến ôm ba thật chặt – cái ôm đầu tiên trong suốt gần hai mươi năm qua của tôi. Ba ngây ngốc cười nhìn tôi, gật gật đầu đầy khích lệ. Đôi mắt ông đỏ hoe hoe, tôi nhìn thấy trong đó có thứ ánh sáng đầy tự hào như trước kia...

"Con cảm ơn ba!" – Đó là lời cảm ơn chân thành và thật tâm nhất của tôi!

---

Bắt đầu từ hôm đó, ba tôi hành nghề bán báo dạo trên đường.

Bắt đầu từ hôm đó, tôi chuyển vào ký túc xá trường nội trú. Suốt năm đầu tiên, tôi lao đầu vào làm việc để kiếm tiền. Nói, tôi muốn đỡ đần cho ba má – không sai, nhưng mục đích chính vẫn là để dành sự ngưỡng mộ và thán phục của các giảng viên, của các sinh viên khác trong trường. Vừa có thành tích tốt, vừa giỏi giang và trưởng thành, đương nhiên đó là lợi thế trong việc chiếm được tình cảm và sự mến mộ của người ta!

Chuyện gặp lại ba là chuyện thuộc về gần một năm sau.

Ông sắm một chiếc xe đạp cũ kĩ mua lại từ cửa hàng phế liệu gần nhà, đến cửa hàng nhận báo để đi bán vào mỗi ngày. Ban đầu khi nghe má nói đến, tôi những tưởng đầu óc ông vẫn còn minh mẫn và tỉnh táo như lúc trước. Đến khi tận mắt nhìn thấy người ba bệ vệ trước kia của mình với một chồng báo phía sau yên xe đạp, niềm tin của tôi đã sụp đổ hoàn toàn.

Một chiếc xe đạp được gắn biển số xe máy, phía sau là lớp bọc ni lông, bên trên là chồng báo được quấn bằng dây chun rồi phủ một lớp áo mưa trên ấy. Quái dị hơn nữa là, ba tôi mặc một chiếc áo bộ đội cũ kĩ đã sờn vai, quần tây vô thùng, trên đầu đội mũ bảo hiểm, còn phủ thêm một chiếc mũ lát chống nắng, đeo kính râm và một chiếc còi tuýt trên cổ. Tôi đã phải nín thở khi nhìn thấy ba đạp xe ngang qua quán cà phê trước cổng trường đại học. Dưới cái nắng gắt của thành phố biển này, ông cất giọng rao khản đặc, lâu lâu lại có tiếng còi tuýt vang lên khiến mấy cô sinh viên nữ giật mình...

"Ê, Thịnh, nhìn lão già bán báo hài không chịu nổi... Ha ha!" – Tiếng cười của gã lớp trưởng vang lên như từng mũi kim châm sâu vào lòng tôi. Một nỗi xấu hổ tràn ngập, dần dần lan ra và xâm chiếm toàn bộ đầu óc.

"Gớm, nhìn như bệnh nhân tâm thần trốn viện! Không biết ai thả rông ra ngoài cho bán mấy thứ báo tạp nham đó nữa không biết!" – giọng Ni Na – người đẹp tôi đang theo đuổi vang lên. Cô ta yểu điệu xoay xoay ly nước trong tay, nhếch đôi môi đỏ mọng của mình lên mà đánh giá.

"Thịnh, sao im re vậy hả? Em nói không đúng sao?" – Ni Na hất hàm nhìn tôi. Đơn giản, mỗi lần cô ta đưa ra ý kiến, tôi luôn là người phụ họa theo.

"Ừm, đúng là một gã điên!" – Tôi bưng ly cà phê đen uống cạn một hơi, lòng trào dâng nỗi xấu hổ và tự trách. Mùi vị cà phê đắng chát tựa như cơn đắng của cuộc đời mà tôi sớm phải nếm trải.

"Ngoan quá!" – Ni Na hôn chụt lên má tôi, ánh mắt sắc bén đầy vẻ cợt nhả liếc về hướng gã điên bán báo ấy.

"Thịnh, kiếm chút việc gì đó chơi đi!" – Gã Lâm ngồi bên cạnh huých cùi chỏ vào hông tôi, nháy mắt nhìn về phía Ni Na, "Tạo ấn tượng với người đẹp đi mày!" – Gã thì thầm vào tai tôi.

"Việc gì?" – tôi khó hiểu nhìn gã, lại nhìn sang hai kẻ bên cạnh. Một linh cảm chẳng lành ập tới.

Ni Na mở túi xách, lấy ví móc ra hai tờ tiền xanh lè mệnh giá 100 ngàn ném lên bàn, phất tay ra lệnh.

"Ra mua hai tờ báo, kiếm chuyện chọc ông già chơi!" – Cô ta hất đầu về hướng ba tôi đang đứng, đẩy tiền đến trước mặt tôi, "Anh chơi đi!"

Tôi nhìn sững vào gương mặt xinh đẹp được trang điểm một cách tinh tế của cô ta, cảm tưởng muốn đưa tay lột chiếc mặt nạ ấy xuống, để xem phía sau gương mặt ấy có còn là khuôn mặt của con người hay không? Tại sao từ lúc quen biết đến giờ, tôi chưa bao giờ nhận ra bản chất xấu xa đến mức kinh tởm này?

"Em đùa à?" – Tôi nuốt khan nước bọt, gằn ba tiếng khô khốc.

"Anh sợ?" – Ni Na nhướng mày tỏ vẻ không vui.

Tôi vốn biết bản tính công chúa kiêu ngạo, thích gì làm nấy, trước nay đều không xem ai ra gì của cô ta. Nhưng tôi luôn tự nhủ rằng, con gái sinh ra là để được nuông chiều, giống như ba tôi đã nuông chiều má và chị hai tôi vậy. Tôi vẫn luôn xem Ni Na như một cô gái bồng bột mới lớn, luôn chiều chuộng và làm theo mọi điều cô ta yêu cầu – thậm chí là vô lý nhất. Nhưng vô lý đến đâu cũng phải có mức độ nhất định, nhất là chuyện này!

"Anh không sợ, nhưng..." – tôi đen mặt nhìn cô ta, hai tai bất giác nóng rực lên. Tôi ghét nhất là nghe ai đó nói tôi sợ điều gì.

"Vậy làm đi, let's go!" – Ni Na cướp ngang lời tôi, đẩy ghế kéo tôi đứng dậy. Xung quanh vang lên tiếng cười, tiếng huýt sáo và những lời bàn tán.

Tôi chậm rãi đứng dậy, nhìn về phía cổng trường đối diện – nơi có một gã điên bán báo đã nuôi tôi ăn học thành người suốt hơn hai mươi năm qua. Nếu tôi xông qua đó, dùng hai tờ tiền này mua lấy hai tờ báo giúp ông, có phải ông sẽ đỡ bán số còn lại trong chiều nay? Nhưng nếu vậy, tất cả mọi người đều sẽ biết ba tôi là ông, là gã điên bán báo luôn bị cười cợt và khinh bỉ! Còn nếu như tôi không qua đó, vậy sau này làm sao có thể nhìn mặt bọn nó mà sống tiếp ở đây? Nhưng nếu gây chuyện tội lỗi đối với ba, sao tôi còn đáng làm con người?

Sự do dự, sự chần chừ không ngăn được bước chân hỗn loạn đang băng qua đường của tôi. Hai tờ giấy bạc nhẵn thín bỗng trở nên ướt đẫm mồ hôi, nặng nề đến khó thở. Mỗi bước đi tiến đến gần ba như từng tảng đá níu lấy bước chân tôi. Sai? Đúng? Đúng? Sai?...

Phía đối diện, ba hồn nhiên tuýt còi, bàn tay cầm báo vẫy vẫy, mỉm cười tít mắt mời chào đám sinh viên đang vội vã lẩn tránh cái nắng gắt gao của chớm hạ. Đột nhiên, bàn tay ấy đứng sựng giữa không trung. Ba nhìn thấy tôi, đáy mắt ông xoẹt qua một tia mừng rỡ, ông vội vàng thu mấy tờ báo trong tay, nhả cái còi đang ngậm chặt trong miệng, hớn hở chạy đến chỗ tôi đang đứng.

Theo bản năng, tôi lùi lại phía sau một bước, bóng hình ba đột nhiên chao đảo, nghiêng ngả và vô định. Phía sau lưng vang lên tiếng hét kinh hoàng của Ni Na. Một cơn gió cực mạnh xoẹt qua lưng tôi, rát rạt!

"Thịnh, con ơi!"

"Á!!!"

"Trời ơi!!!"

Từng tiếng la hét rót vào tai tôi rõ mồn một, cảm giác có một vật nặng đang đè lên người khiến đầu óc tôi phút chốc thanh tỉnh lại. Tôi nhanh chóng gượng người ngồi dậy, kéo người đang nằm trên người mình nghiêng sang một bên.

"Thịnh, có... sao không... con?" – ba thều thào gọi tôi, gương mặt tái nhợt.

"Ba, ba ơi... Ba ơi..." – tôi hoảng hốt gọi ba, cuống họng khô rát không nói thêm được từ nào, đờ đẫng nhìn bàn chân đang máu me đầm đìa của ba, ray rứt nhìn gương mặt tái nhợt mà vẫn đang lo lắng cho tôi. Lòng tôi thắt lại từng cơn, sự hối hận, sự xấu hổ, sự áy náy, dằn vặt và tự trách dâng lên như sóng trào mạnh mẽ. Nước mắt không kìm chế được dâng lên đầy hốc mắt, từng giọt rơi xuống ướt đẫm bờ vai đã bạc màu ấy.

"Ba ơi, ba ơi, con xin lỗi, ba ơi, con xin lỗi..." – tôi vội vã bế bổng ba lên, mặc kệ tất cả mọi tiếng lào xào xung quanh, tôi muốn ôm ông chạy đến bệnh viện đa khoa thành phố cách đây hơn năm cây số, chẳng màng gì trước mắt nữa, chẳng màng đến gì nữa cả!

"Bắt gã lái taxi lại, chụp lại hiện trường tí nữa cảnh sát giao thông đến kiểm tra để còn làm bằng chứng!"

Gã lái taxi mặt xám ngắt bị đám sinh viên xung quanh đập kính xe, lôi vô lề đường giữ chặt.

Tôi mặc kệ, nếu ba tôi có mệnh hệ gì, bắt gã cũng có trả lại ba cho tôi được không?

Ni Na hoảng sợ chạy theo bám lấy tay tôi, thở hổn hển nói.

"Anh, anh đưa bác lên xe đi, anh như vậy bác làm sao cầm máu được? Đưa bác lên xe nhanh lên!" – Mặt cô ta tái nhợt, xanh xao tựa ma quỷ.

Tôi ngoái đầu nhìn theo hướng cô ta kéo, một chiếc taxi dừng ngay lề đường, tài xế đã bước xuống mở sẵn cửa sau. Tôi cắn chặt răng ôm ba chạy thật nhanh về phía xe đậu, nhẹ nhàng đặt ông vào chiếc ghế dài phía sau.

"Ba, ba phải ráng lên!" – Tôi run run cởi chiếc áo thun đang mặc trên người, buộc chặt vào phiá trên bắp chân ông, ngăn máu chảy càng lúc càng nhiều.

"Ba không có sao... đâu..." – Ba mỉm cười nhìn tôi, hai mắt chỉ còn lại một màu đục ngầu xám xịt.

"Ba nghỉ đi, ba đừng nói nữa!"

Tôi chưa từng tưởng tượng ra một ngày không còn ba bên cạnh, mất đi người ba luôn yêu thương tôi hơn cả mạng sống của chính mình. Cho dù là lúc mất đi ý thức nhận diện mọi người xung quanh, ông vẫn luôn nhớ đến tôi, vẫn luôn yêu tôi hơn bất kỳ ai khác. Tại sao chưa bao giờ tôi nhìn ra sự cố gắng của ba luôn là vì tương lai của chúng tôi? Tại sao tôi chỉ biết oán trách khi ông mắc phải lỗi lầm bị người đời chê trách? Tại sao tôi không biết quý từng giọt mồ hôi ông đã đổ xuống trong những ngày dầm dề nắng mưa, bán từng tờ báo gom góp vì tôi ăn học? Tại sao chỉ vì sự xấu hổ và lòng ham hư vinh tôi không dám nhận ông chính là ba ruột mình? Tại sao? Tại sao?...

Con người sống trên đời này, không có ai là không phạm phải lỗi lầm – dù lớn dù nhỏ. Có những người cha, có những người mẹ sẵn sàng phạm lỗi vì tương lai sau này của các con, sẵn sàng chịu mọi lời đắng cay trong cuộc sống chỉ thầm mong nhận được những lời yêu thương từ con cái. Trăm ngàn đắng cay ngoài đời không đau bằng một câu dứt ruột nặng nhẹ!

Dù cha mẹ bạn là người tài giỏi, người nổi tiếng, người bình thường hay thậm chí là kẻ tội phạm giết người đi chăng nữa, thì họ mãi mãi vẫn là đấng sinh thành tạo hình ra bạn. Không có họ trên cõi đời này, bạn cũng chỉ là một hạt bụi hư vô trôi lững thững chưa được đầu thai vào kiếp này. Thay vì oán trách, thay vì hận đời mình đen bạc, thay vì hỏi tại sao cha mẹ mình không tài giỏi, không giàu sang phú quý như người ta, không chức cao vọng trọng, không là ông này, không là bà kia, không tạo cho bạn cơ hội được làm một con người hoàn hảo, bạn hãy tự mình đứng dậy bằng chính đôi chân mình, đôi tay mình, tự đi xây dựng phần cuộc đời mà bạn cho là đáng nhất. Như thế còn đáng quý hơn là than thân trách phận, đổ lỗi cho hoàn cảnh và số phận đưa đẩy ta đến bước này.

Đến bây giờ tôi mới hiểu được điều quý giá ấy. Đến bây giờ tôi mới nhận ra điều gì là quan trọng nhất trong cuộc đời mình, điều gì là đáng trân trọng nhất, đáng phải hy sinh nhất trong cuộc đời làm người.

Ba ơi! Lời xin lỗi, phải chăng đã quá muộn để nói?

---

Tôi cúi đầu, quỳ gối bên cạnh giường bệnh của ba. Sau khi ông tỉnh lại, tôi nhất định sẽ nói lời xin lỗi, nhất ddingj tôi sẽ cho ông biết rằng, cuộc đời này có ba là điều hạnh phúc nhất!

Mai Thảo Nguyên

 

Ngày đăng: 25/02/2014
Người đăng: Đimột Mình
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
To-get-her
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage