Gửi bài:

Ông nội

(truyenngan. com. vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Tháng năm không ở lại")

Mẹ bảo: "Được nghe ông mắng còn là vui đấy con ạ, lỡ mai này muốn nghe cũng chẳng được đâu".

***

Ông nội tôi có hai con trai là bác Quang và bố tôi. Bác Quang thì đã mất cách đây mấy chục năm rồi, chỉ còn bố tôi là con trai duy nhất. Ông bà sinh thưa, bố tôi lại là con út, ông có nhiều cháu ngoại mà đợi mãi vẫn chưa được bồng bế cháu nội nào. Tôi sinh ra đời là niềm vui lớn không tả xiết của ông. Bà nội tôi ngày ấy vẫn còn mang trong mình nhiều "tàn dư" tư tưởng phong kiến, có cháu gái, bà cũng quan tâm bình thường nhưng với ông, thì tôi giống như một viên ngọc vậy.

ong-noi

Mẹ kể, khi mẹ mang thai, ông đã chuẩn bị tên tuổi cho tôi đầy đủ:"con gái thì đặt là Hiền, con trai thì đặt là bác (bác trong uyên bác đấy ạ)". Vậy là tôi ra đời mang cái tên Hiền trong giấy khai sinh.

Mẹ sinh tôi mùa đông, thứ thời tiết lạnh giá chưa kể cho những ngày ẩm ướt. Ông nội chẳng ngạị ngần gì, thường thay mẹ tôi giặt đồ cho cháu gái yêu. Mẹ bảo, nhiều lúc đồ cháu chưa kịp khô, ông ngồi bên bếp than hàng giờ để hong cho hết ẩm.

Hơn một năm, tôi bắt đầu tách mẹ, theo ông cả ngày. Ban ngày ông bế tôi vào ghế ngồi sau xe đạp, chở tôi đến " đàm đạo" với các cụ trong làng bàn chuyện cây cảnh, thơ phú. Có lẽ vì thế mà cái máu nghệ sỹ của tôi cũng từ đó mà ra, cái tính suy nghĩ già trước tuổi cũng từ đây mà có. Tối tối, hai ông cháu đi "hóng mát" dọc con đường làng, bóng ông đi trước, bóng cháu theo sau, suốt tuổi thơ tôi là như thế. Tối, ông rửa chân rồi bế tôi đặt vào giường đi ngủ. Có những đêm, bố mẹ nhớ con xin phép ông bế cháu về giường ngủ, nửa đêm con bé tỉnh giấc, thấy không phải "giường mình" lại lần mò tìm về phòng ông để ngủ. Nhiều đêm con bé vô thức "dấm đài" ướt hết cả giường ông, sáng hôm sau ông lột chiếu đem giặt, phải nói khéo là "Hôm qua mưa dột" vì sợ con bé khóc.

Lên mẫu giáo, ba mươi ngày thì hai mươi sáu ngày ông chở cháu đi học còn lại là ngày nghỉ. Cháu gái ông nũng nịu:"Ông phải bảo cô giáo là ở nhà cháu ngủ rồi nhé", thế mà ông cũng "bao che", ngày nào ông cũng làm như lời cháu dặn, để nó thỏa sức chơi trong khi các bạn phải nằm im để ngủ.

Chiều chiều, cứ tan giờ học, dù sớm hay muộn, chẳng bao giờ cháu phải lo đợi người đến đón. Ông đứng đó, sẵn sàng như chờ cháu suốt giờ cháu học. Nhiều hôm nhớ ông, cháu gái cứ ngó ra ngoài cổng lớp, thỉnh thoảng thấy ông vẫn tay qua khe cổng nhoẻn miệng cười, làm cháu rất yên tâm.

Có một lần , trường tổ chức cuộc thi " ông bà và cháu". Cặp ông cháu tôi được đánh giá khá cao, bởi vì ông là một người nổi tiếng nói hay, còn cháu vốn dĩ "thông minh từ trước khi đi học"(lời cô hiệu trưởng). Hôm ấy, cháu trả lời trôi chảy chỉ đợi ông toàn thắng. Ấy vậy mà...ông không chuẩn bị tốt, cháu khóc hết cả nước mắt vì không được thi trên huyện...

Một lần khác, đang biểu diễn văn nghệ thì cháu bỏ đi chơi, cô giáo và mọi người nháo nhác đi tìm vì sợ cháu mất tích. Mỗi mình ông biết chỗ cháu có mặt, cháu sợ run người, vậy mà ông chẳng mắng cháu lấy một câu.

Cháu lên lớp một, ông nhường cho cháu hẳn cái bàn làm việc to bằng cả cái dường cho cháu ngồi học, ông bảo "ngồi cho thoải mái". Sách vở cháu để trên bàn phải trèo hẳn lên mới lấy được, ông chê cháu bừa bộn, nhưng rồi lại tự tay thu dọn gọn gàng cho cháu ngồi ngoan.

Đi học cấp một, ông nhận thêm chức "hội trưởng hội phụ huynh" lớp cháu. Lúc nào cháu cũng tự hào, mỗi khi thấy ông đứng lên phát biểu, mọi người chú ý lắng nghe và vỗ tay rào rào.

Ông và cháu gắn bó với nhau còn hơn là cháu với bố mẹ. Ông bảo cháu giống bác cả, người con gái ông hết mực yêu thương nhưng đoản mệnh. Có lẽ vì thế mà ông thương cháu như con. Cháu cứ cần gì là có, chưa có đèn học, ông đạp xa mấy cây số liền mua cho. Chưa có giày, ông chở cháu đi mua đến đôi nào cháu ưng nhất.

Bố mẹ cũng chẳng hứa là học giỏi mua cho gì, còn ông thì"Học giỏi ông mua mũ bò cho, học giỏi ông đưa đi nghỉ mát" nghĩ đến thế cũng chỉ muốn học giỏi để có được những thứ mình mơ.

Cháu càng lớn, tuổi ông càng cao, và những cơn mê ngủ do bênh tim càng khiến ông khó kiểm soát được hành vi của mình. Lúc thì ông ngủ đạp bay cả cửa sổ, lúc thì ông hét đến mức hàng xóm cũng giật mình. Có lần cháu ngủ, ông tưởng cháu là "quái vật" cào cổ cháu rách cả da. Có lần ông tưởng cháu là trộm, ông vặn cổ tay cháu suýt gẫy, nhưng đau lắm cháu mới dám khóc vì sợ bố mẹ bắt tách ông. Những lúc như thế, ông biết làm cháu đau ông lại an ủi: "mai thích gì ông mua cho nhé", mà ông mua là ông phải mua bằng được thứ tôi thích chứ chẳng nói bâng quơ.
Thế rồi, tôi cũng phải chuyển sang ngủ với bà để tránh ông mê ngủ, những ngày đầu nhớ ông kinh khủng, và rồi cũng được hai năm, khi đã xây xong nhà, tôi lại mắc màn nằm ngủ cạnh ông. Có lẽ hai ông cháu khó lòng xa nhau được.

Mùa đông năm ấy, trời lạnh, ông có một khoản tiền tiết kiệm nho nhỏ, ông gửi bố mẹ đi mua đệm cho ông nằm, bà đã có đệm rồi, còn cháu gái mắc màn nằm cạnh ông chưa có. Bố mẹ bảo số tiền đó, bố mẹ sẽ mua đệm đẹp cho ông nằm, còn tôi nằm với bà cũng được. Ông không nghe, ông cứ đòi chia đôi, cháu một chiếc, ông một chiếc "vì nó toàn nằm ở phòng này". Đến khi tôi bảo:"thôi cháu ngủ với bà, ông mua đệm đẹp đi, rồi lúc nào thích ông cho cháu nằm ké cũng được", thế ông mới chấp nhận mua đệm đẹp cho mình. Đấy, ông tôi là thế đấy, không yêu ông, kính ông thì còn ai trên đời này xứng đáng hơn.

***

Năm tôi học lớp 6, bà nội mất, năm tôi học lớp 7 bác hai qua đời, cú sốc tinh thần lớn ập xuống cuộc đời ông cụ ở cái tuổi "xưa nay hiếm". Một hôm, ông leo lên cầu thang, tìm đường ra ban công chắc để khuây khỏa nỗi buồn, không may, ông bước hẫng đập đầu vào cửa sổ. Máu và toàn là máu thấm đầy cái áo trắng của tôi, dính cả trên đôi tay của mẹ. Hôm ấy cứ ngỡ là ông sẽ ra đi mất, vậy mà ông kiên trì, ông bám trụ thật tài. Mọi người đưa ông đi cấp cứu, hôm sau ông đã kip ngồi xe mãy từ thành phố để trở về với tôi.

Sức khỏe ông cũng từ đó thất thường, ông vẫn đạp xe khắp đường làng, ngõ xóm, vẫn chủ hôn cho những đám cưới của người nhà. Nhưng thay bằng việc ông tự đi chơi thoải mái thì bây giờ giống như là "báo cáo" vậy. Ông đi trước, mẹ, tôi, em tôi hoặc ai đó phải âm thầm theo sau vì sợ ông bỗng dưng ngất lịm. Chẳng ai dám để ông ở nhà một mình, mà ông cũng chẳng bao giờ muốn một mình, tuổi già cùng những nỗi đau thương kiến ông lúc nào cũng cần có người tâm sự.

Cứ đến mùa hè, khi bạn bè nghỉ học đi chơi, còn tôi thì nghỉ học vào bệnh viện. Ông toàn ốm vào mùa hè, nhưng với tôi việc chăm ông trong bệnh viện chưa bao giờ là nghĩa vụ, đó là niềm vui, là nụ cười nhìn ông khi thấy ông khỏe mạnh. Lớp 7, tôi bé tẹo, xách hộp thức ăn đi mua phở cho ông, đến cửa hàng, tôi bị đuổi vì họ tưởng tôi vào xin đồ nhà họ. Về kể với ông, từ hôm sau, sáng ông đi mua đồ ăn sáng, trưa ông mua đồ ăn trưa, tối thì anh lên thay cho tôi nghỉ. Nhiều lúc tự hỏi mình đi chăm ông hay ông đi chăm mình?. Mỗi lần ông đi đâu, tôi vẫn phải đi sau theo dõi sợ ông ngã, nhưng phải vờ như không có mặt. Nhìn dáng người ông liêu xiêu trong buổi chiều tà, chiếc áo bệnh nhân xanh bay bay , cô đơn và đau khổ. Ông chắp tay ra sau, lững thững đi chầm chậm, phía trước, tôi hình dung một vẻ mặt dúm dó khắc khổ của một kiếp người sống chính tâm mà bất hạnh. Có lúc chân ông đứng không vững, ông phải bám vào xe chở rác bên đường, nó khiến tôi muốn chạy ngay đến bên ông , ôm lấy ông mà khóc.

Ông tôi yếu đi nhiều, những năm về sau, ông không còn đủ sức để đạp xe đi đâu nữa, xe đạp của ông nhường cho tôi đi học xa, thay vào đó tôi thành "cái gậy" mỗi khi ông muốn đi đâu đó. Mắt ông kém, thức ăn cứ phải gắp cho ông, nhiều khi không để ý, ông phải lần từng miếng cá, có lúc ông gắp phải chỗ toàn xương, nhìn ông gỡ mà thương không chịu nổi.

Lại mùa hè năm ấy, ông chưa bệnh tật gì, tôi cũng bắt đầu ôn thi đại học, tôi ở lại trên nhà bác, cứ cuối tuần mới được về với ông. Ông mờ mắt, chẳng nhìn ra cháu gái, tôi đứng xa nhìn, ông nhoẻn miệng cười đếm từng thúng thóc trên sân mỗi khi mẹ chuyển vào nhà, có vẻ ông vui vì mùa màng thắng lợi. Có lúc ông xắn quần, cũng chạy vào gạt thóc giúp mẹ, gạt thì gạt thôi, sức ông đâu có khỏe, thấy con vất vả ông cũng muốn giúp phần nào.

Chân ông sưng to quá, đôi dép không còn đủ sức chứa cho đôi chân khổng lồ. Tôi lo lắng , tôi sợ ông giống bà, ngày bà đổ bệnh, chân cũng to như thế. Mấy hôm sau, ông đi viện thật, nghe tin mà tôi muốn rụng rời, tôi lo lắm, tôi sợ mất ông. Vào bệnh viện, nhìn đôi chân tím ngắt, tôi chỉ có thể quay đi, chạy thẳng ra cửa và cứ thế khóc như mưa như gió. Mọi người có thể nghĩ tôi vô tâm, tôi không nói gì, mà lừ lừ đi thẳng, nhưng ông, ông gọi tôi vào và bảo: "ông không sao, con cứ yên tâm". Thế mà ông khỏi thật.

Thế là bỏ hết lại, cả những cuộc chạy đua ồn ào và nóng nực kia, tôi ở bên ông. Đại học trượt, có thể thi lại, chứ ông mất không thể sống lại được. Thế là lại mùa hè, lại những ngày trông ông trong viện.

Ông đổi tính sau trận ốm lần đó, ông hay cáu gắt, mà cáu gắt nhiều nhất lại là đứa cháu mà ông yêu quý nhất từ trước đến nay. Nhiều khi tôi bức xúc, rồi cãi lại ông. Mẹ bảo: "Được nghe ông mắng còn là vui đấy con ạ, lỡ mai này muốn nghe cũng chẳng được đâu". Từ đó, tôi quen, quen nghe ông mắng như một thứ thanh âm trong trẻo, không nghe thì nhớ. Hồi tôi chuẩn bị đi thi đại học, ông còn đe đốt hết sách vở, nếu như tôi không gọn gàng, ấy thế mà sau này tôi gọn gàng hẳn.

Mắng thì mắng vậy, nhưng mà tâm lý thì cũng phải gọi là vô cùng. Ông bắt mua quần áo đẹp mà mặc, lớn rồi phải biến điệu, "như bác Thanh ấy, đi làm trang điểm nó thành thói quen", "hết tiền, bảo ông, ông cho". Và không biết năm lớp 12 ấy tôi đã tiêu hết bao nhiêu tiền, từ những lần ông cho "tiêu vặt".

Rồi tôi cũng bước chân vào đại học, xa gia đình, xa ông. Ông nhớ lắm, cho nên cứ hai tuần tôi lại xách ba lô lên và...về. Bố mẹ bảo: "về ít thôi" - tự ái, con về nhà mà bố mẹ cứ "đuổi". Ông bảo: "cuối tuần về, rỗi là phải về", phải nghe ông nói vui ơi là vui, mà không về ai thay cháu nhổ lông quặm mắt cho ông được.

Tôi đi học được hai tháng, thì biên cố lớn xảy ra. Người chị tôi yêu thương vô cùng, đã vô tình bỏ rơi tôi, hôm ấy, tôi về nhà trong tình trạng đờ đẫn như không còn ý thức. Chỉ có ông ngồi đó, trong căn nhà thênh thang đợi cháu. Tôi ngồi bệt trước hiên nhà, lại bàn tay ông dang ra vỗ về an ủi:" sống chết có số con ạ, chị tận mạng rồi, đừng buồn, để hồn chị siêu thoát". Bao nhiêu lần rồi, bao nhiêu nỗi đau thương đi qua cuộc đời, đôi bàn tay ấy vẫn dang ra vỗ về đứa cháu nội yêu thương.

Nhưng 49 ngày sau, mới là cái tin sét đánh, mẹ báo cho tôi rằng ông đã qua đời. Tôi không kịp bên ông lúc ông trở bệnh, tôi không kịp nghe tiếng ông dặn dò, mọi thứ diễn ra quá nhanh, một sự thanh thản đến day dứt. Đôi bàn tay ấy không còn nắm tay tôi, nụ cười ấy không còn ở bên tôi từ đó.

Ba năm rồi, căn nhà trở nên vắng vẻ vì thiếu bong dáng ông, còn bao điều cháu muốn dành tặng ông mà chưa được. Ông vẫn sống trong tôi, mãi mãi trong đời này ông bất tử: Ông nội

Nguyễn Thu Hiền

Ngày đăng: 04/03/2014
Người đăng: Phương Vũ
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

  • Bánh giò Bánh giò Bánh giò sẽ mãi là người bạn đồng hành cùng con cho tới cuối đời. *** Lê đôi chân mệt rã vì chạy đốn chạy đáo cả ngày, tôi lặng lẽ...
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Những người không có kỷ luật là nô lệ của cảm xúc, dục vọng và đam mê
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage