Gửi bài:

Dòng chảy

(truyenngan.com.vn) Rồi thì cũng đến lúc con nhỏ cần phải biết tất cả mọi thứ bất kể sẽ ra sao đi nữa. 

***

Quầng mặt trời hiếm hoi còn sót lại của một ngày đầu đông, đỏ ngầu phía cuối dòng chảy. Con bé vẫn đều đặn kiên nhẫn khuấy sâu từng mái dầm lẽ lọt xuống mặt nước nhờ nhợ màu chiều. Chẳng biết vô tình hay hữu ý, từ khuôn miệng non tơ con bé đánh rơi theo dòng chảy mấy câu hát ru buồn não nuột "Chiều chiều con quạ nó đứng bên sông, nó kêu chớ bớ mẹ đừng lấy chồng mà bỏ con..."

dong-chay

Bất chợt tiếng hát ngưng bặt, tiếng dầm va vào be ghe nghe đánh cạch, lạt thếch. Chẳng ai biết con nhỏ nghĩ gì, chỉ thấy nó táp ghe vô bụi lát, khom lưng kéo mạnh cái ghe vô đó rồi buông dầm, phóng thẳng lên mé đê chẳng chút ngần ngừ như con mèo đang cố vồ món chuột đồng béo ngậy sau cả buổi suy tính, rình mò. Con nhỏ đứng thẳng lưng nhìn chiếc ghe đang xụ xị trong đám lát, giọng tỉnh queo, rãnh rọt: "tao đi nhé, mày ở lại nhớ ngoan, tao đi tìm má vài bữa tao mang cả má về thăm mày!" Nói dứt lời, nó xăm xăm bước nhanh trên đê hướng thẳng ra phía chợ. Nhưng chừng chỉ được mươi bước, con nhỏ ỉu xìu quay lại mé lát vừa hì hụi đẩy ghe vừa thở dài đánh thượt "nhưng tao chẳng biết má ở đâu hết, với lại tao chẳng có tiền. Ba tao mà biết được, ổng đánh cho nhừ xương".

Màn đêm bắt đầu nhòe nhoẹt trải đều trên sông, con nhỏ lại lầm lũi cất những mái dầm chừng vô định. Đây không biết đã là lần thứ bao nhiêu nó dám đưa ra quyết định đi tìm mẹ táo bạo, mạnh mẽ đến thế. Nhưng rồi, lần nào cũng vậy, con bé đành bỏ dở ý định trong bộ dạng tiu nghỉu như con mèo già vừa vuột mất miếng mồi ngon.

Biết sao được khi ngần ấy năm sống trên đời, nó chưa một lần hình dung ra nỗi đâu mới là mái tóc, nụ cười, ánh nhìn của mẹ trong hàng bao nhiêu người đàn bà mà nó quen, biết hay vô tình nhìn thấy ở bất cứ đâu. Chẳng có ai nói cho nó nghe về mẹ. Ba nó, lão Tám Đụng (từ thuở nào thằng chả có cái tên đó thì chẳng ai biết, chỉ biết thằng chả đụng thứ gì làm thứ đó, đụng đâu ngủ đó, thậm chí đụng cái gì hơi hơi tý cũng giận mà đã giận thì đụng ai cũng chửi nên thành ra người ta chấp luôn cái tên Tám Đụng là vậy), chừng hận lắm, cay lắm người đàn bà mà ông từng chung chăn gối. Hàng xóm láng giềng, hễ nhìn thấy nó lại chép miệng lắc đầu. Dăm bữa cũng có người tỏ ra cố quên cái chuyện mà chỉ khi nhìn thấy nó họ mới nhớ. Thế đấy, và nó mù tịt tất cả mọi thứ liên quan đến mẹ.

Nhưng nỗi oán hận của ba nó thì không. Nỗi oán hận hiện rõ trên khuôn mặt, trong điệu cười chua chát, và cả những đêm trăng sáng vằng vặc trên sông để ông ngồi chuốt lại ống sáo đến bóng loáng mà chẳng bao giờ đưa lên môi thổi chơi lấy dăm điệu. Và nỗi oán hận đó chừng như sâu thêm từng ngày theo thể xác đang dần đẩy đà bước sang thì con gái của nó.

Người ta bảo nó giống mẹ lắm lắm. Giống từ khuôn miệng lúc nào cũng chỉ chực cười tươi roi rói, nước da nõn nà và mái tóc ngang lưng đen tuyền, bóng mượt. Kể cũng lạ, cái miệng giống đã đành, nhưng đến như nước da vẫn cứ trắng nõn bất kể tối ngày con nhỏ theo cha dầm mình trên sông cắm nò, thả lưới. Ngay cả mái tóc, từ thưở lọt lòng đến giờ, con nhỏ toàn gội chay với nước sông nhiễm mặn chua lè lè, chả mấy khi có được tý dầu gội cho ra hồn bệt lên đầu, vậy mà mái tóc vẫn cứ đen tuyền, bóng mượt như nhung. Lắm lúc, gặp phải cơn tức giận của cha, nó cứ ngờ ngợ cái cảm giác ông già sẽ túm cổ nó giật phăng mớ tóc ra khỏi đầu ném xuống sông cho khuất mắt. Hoặc cũng có khi, nó tin rằng cha sẽ đêm mình vùi trong đống tro, nhấn chìm trong đám bùn lầy trước nhà để xóa sạch dấu vết của làn da mà mẹ để lại trên thân thể mình. Nhưng nó chẳng bao giờ đủ can đảm để đứng đó nhìn cha, hay nhìn cơn giận dữ của cha chuyển thành hành động. Cũng có thể, chưa một lần ông già nỡ để những hằn học, đau đớn trong mình in hằn trên thân xác non nớt ấy nên mặc con nhỏ chạy sang nhà bà Năm già lọm khọm như tìm nơi ẩn nấu cho nỗi đau riêng từ hai tâm hồn cha, con.

Rồi thì cũng đến lúc con nhỏ cần phải biết tất cả mọi thứ bất kể sẽ ra sao đi nữa. Chí ít là cha nó, lão Tám Đụng, đang nghĩ thế. Ngay cái bữa ánh trăng yếu ớt ngai ngái rớt ngoài bến, ông già kêu con nhỏ mang ống sáo ra ghe cho mình. Cái việc hiếm hoi lăm lắm mới xãy ra này khiến con bé nghe tim đánh thịch lập cập đưa cây sáo đến trước mặt cha.

- Ngồi xuống! Giọng Tám Đụng gọn lỏn, không vui, không buồn, không lớn, không bé cứ như ông chủ tịch xã đang đọc tuyên thệ nhậm chức trước dân. Con bé ngoan ngoãn ngồi xuống ngay cái then đối diện cha, hai chân khép nép bám chặt nơi con lương chính giữa bụng ghe.

Chờ cho con nhỏ yên vị, không nói không rằng, ông già kéo vạt áo lau ống sáo tỉ mẫn đến từng milimet rồi khẽ khàng đưa lên miệng thổi. Tiếng sáo ngọt lịm vi vút trong đêm thanh lúc trầm lúc bỗng chừng như muốn hút hồn người nghe. Con nhỏ ngồi nhìn cha ngơ ngẫn đến như có thể há hốc được tất cả các cơ quan, giác quan mà nó có. Nó mơ hồ mường tượng hình như cha mình đang ở tuổi hai mươi mạnh mẽ, rắn rỏi và đẹp lắm. Đẹp hơn bất kỳ chàng trai hai mươi nào trong làng. Rồi nó ngờ ngợ nhận ra tóc cha đang dần bạc theo từng nốt trầm lặng buồn te đầy nuối tiếc.

- Con có biết đây là bài chi không? Vẫn với giọng đều đều vô hồn, ông già kéo con nhỏ trở về thực tại. Ồ không, nó nhận ra một kết thúc vô tình sau bao nhiêu ngọt ngào mà tiếng sáo mang lại, cha vẫn là cha, người đàn ông bốn mươi nhưng mái tóc đã ngã màu muối tiêu, làn da chai sần, rám nắng và bản tính cộc lốc, khô cằn đến khó ưa.

- Dạ, con...

- Đó là bài Người phương xa. Hồi nớ má bây mê cái bài ni lắm, mà cũng vì cái bài ni nên mới có bây rồi bây mới thành ra côi cút khổ như ri đây.

Giọng lão Tám Đụng bắt đầu chùng xuống. Một phút, hai phút, ba phút... tĩnh lặng cho dòng suy nghĩ rấm rức chảy riêng trong lòng hai cha con. Trong con, ký ức của mười lăm năm chưa một lần được nhìn mặt mẹ. Ký ức của bao buổi chiều nhớ mẹ ngồi khóc một mình bên chái bếp ám tro. Ký ức của bao cơn giận không nói nên lời mà cha trút lên đầu con nhỏ chỉ vì nó trót giống ai đó đến khiến cho người ta phải mủi lòng. Và hàng bao nhiêu câu hỏi về mẹ. Liệu mẹ có như nó đã tưởng tượng ra từ hàng vạn hàng trăm lần trước đó. Ừ! Có thể lắm chứ, có thể mẹ bị bệnh mà mất, cũng có thể mẹ bị ngoại bắt về để lấy chồng nhà giàu như trong phim, hay mẹ đi xuất khẩu lao động để nhanh có nhiều tiền như mấy người bên xóm Lá rồi bị mắt kẹt luôn ở nước ngoài,...

Trong người đàn ông bốn mươi đã trở nên già cỗi ấy, lại chua chát giằng vặt giữa đúng sai, vui buồn, nhưng hơn hết vẫn là yêu và hận. Ông vẫn còn yêu, yêu nhiều lắm cái khuôn mặt đó, đôi mắt đó, nụ cười đó, mái tóc đó, làn da đó và ông cũng hận tất thãy chúng bằng đúng bao nhiêu tình yêu ông dành cho chúng. Nỗi hận khiến người ta chỉ muốn xỉa xói hay oạch toẹt ra tất cả những sự thật phũ phàng nhất mà họ nhìn thấy bằng chính đôi mắt đau khổ của mình. Nhưng tình yêu lại có đủ sức mạnh níu kéo che chắn cho tất cả. Tám Đụng đau lắm nhưng cũng yêu lắm, yêu con người đã làm ông đau khổ, yêu con người đã dứt áo ra đi mà còn đành đoạn để lại trước mặt ông một sinh linh cũng tươi, cũng hiền, cũng đẹp như chính mình vậy. Bấy nhiêu đó thôi cũng khiến lý trí ông phải bảo rằng: "Tại tao nghèo nên không giữ được chân má bây, má bây không có tội chi hết, tại bả là con nhà giàu quên sống nơi phố thị lại được tưng tiu về đây chịu khổ mần răng chịu nỗi,... Tao chỉ thương bây bấy nhiêu năm không có má, tội nghiệp!"

- Tất cả chỉ có thế thôi sao ba? Con nhỏ bật mình khỏi ghe mà chẳng cần biết ông già đang cố cúi gằm mặt để che nỗi đau đang thành hình nhòe nhoẹt nơi khóe mắt. Chỉ vì điệu sáo trúc mà người ta tìm đến nhau để yêu, để kết thành một sinh linh trong veo là nó. Nhưng khi chợt tỉnh, điệu sáo trúc không còn du dương như thực tại, như ánh hào quang mà chỉ có đồng tiền mới mang lại được để rồi người ta khuấy tan ánh trăng đêm thanh bình trên dòng chảy ngọt ngào. Mẹ đã bỏ nó lại mà ra đi chỉ đơn giản như thế thôi ư. Đơn giản là thế và cha chẳng có lời nào để nói với nó hơn nữa. Nhưng còn nó thì sao, chả lẽ ngay cả với khúc ruột mình banh da xẻ thịt đẻ ra cũng chẳng thể níu chân nỗi một người mẹ. Không! Nó không tin, không đời nào tin cái sự thật ấy, cái sự thật mẹ nó chỉ vì không chịu nỗi những vất vả tầm thường mà bỏ đứa con chưa tròn tháng còn đỏ hỏn ra đi như thế. Chắc chắn là ba đã nhầm hay muốn gạt nó thôi, mà cũng có khi do ba hận mẹ nên mới thế.

Mất một tuần mà cũng có khi là một tháng, con nhỏ chỉ có ăn rồi thu mình trong xó bếp nhóm thứ bẹ dừa ướt cho khói xông lên khóe mắt cay xè. Lão Tám Đụng chốc chốc lại rón rén lén đưa mắt nhìn con "Thôi đi bé nờ! tao còn không buồn thì bây buồn mần chi? Cứ coi như tao đùa bây đi rứa, tại mẹ bây không biết bơi nên rớt xuống sông chết nghẽo rồi, nước cuốn trôi ra tận mô mô làm tao tìm miết mà không thấy đó chớ".

Có khi người ta nói chuyện chết chóc mà nhẹ tưng như không vậy đó. Bằng thứ giọng pha chút mỉa mai của lứa tuổi chưa kịp lớn, nó chua chát trả lời cha "thà tin như rứa, ba hèo!" Liền đó, một tiếng xoẹt ngọt lịm lướt qua tai, lão Tám Đụng đứng chết trân nhìn lọn tác dài như nhung đã bị đón lìa khỏi gốc oằn oại trên tay con bé "con ghét để tóc dài rồi, mất công gội với chải chuốt đến phiền" vừa phân trần, nó vừa ném toẹt lọn tóc vào bếp cho cháy khét lẹt.

Nó òa khóc, khóc thật sau ngần ấy năm dồn nén và ngần ấy ngày cố xóa tan đi tất cả mọi thứ "Con chỉ có thể làm được như rứa thôi, con không muốn giống má nữa, ba ơi, con không muốn giống má!"

Một đêm mưa rả rích, dòng sông lạnh như chẳng buồn trôi, nó ngồi bó gối trong bếp để nghe tiếng người ta xì xầm bàn tán ngoài thềm:

- Tội nghiệp, không biết liệu ông Tám có tìm được mộ vợ mình không nữa?

- Ừa! nhưng người ta báo đến như rứa là chắc chắn rồi chứ còn chi.

- Thì nói rứa chứ ai biết, mà không biết tự dưng đêm hôm mụ ra sông mần chi cho đến nỗi rớt sông chết đuối rứa chứ?

- Chắc tại ngóng ông Tám chứ răng!

- Mà cũng hay thiệt hè, trôi mô ra tận ngoài cửa rồi mới có người vớt được, may chút nữa trôi ra biển cá ăn thịt mất còn mô nợ!

...

Đêm tàn, con nhỏ lại thầm ước ngày mai nó sẽ được tự hào nuôi mái tóc dài bóng mượt như nhung để mỗi đêm trăng sáng trên sông, ông Tám ngồi vuốt tóc con mà rằng "giống hệt tóc má bây hồi trẻ". Rồi nó lại được nghe điệu sáo trúc du dương của cha. Điệu sáo trúc trôi dài theo dòng chảy. Nhưng nó cũng biết, nỗi đau trong lòng cha cứ hoài còn đó. Bởi lắm lúc người ta cố tạo ra một cái chết hay xây nên một nấm mồ vô định nào đó chỉ cốt để xóa đi một nỗi đau hay che chở cho bao yêu thương ngọt ngào lắng đọng trong sâu thẳm lòng mình mà chẳng có gì có thể xóa nhòa đi được

 

Ngày đăng: 15/05/2014
Người đăng: vu thinh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Chúng em đều tưởng
 

Chúng em đều tưởng rằng sau khi trưởng thành là có thể mãi mãi được đồng hành với nhau, và thế là cố gắng trưởng thành, bất chấp mọi hậu quả, tuy nhiên khi đã đến độ tuổi phải nói lời tạm biệt với tuổi trẻ, mới chợt phát hiện ra rằng, hóa ra trưởng thành chỉ khiến chúng em phải xa nhau...

Năm tháng vội vã - Cửu Dạ Hồi

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage