Gửi bài:

Yêu thương không lời

Hôm nay là ngày họp phụ huynh cho Tí, mẹ tất tưởi chạy sang nhà hàng xóm mượn đôi dép lành lặn để mang, tự nhiên Tí thấy xấu hổ quá. Dép mẹ cũ lắm rồi, đứt cả rồi , thế mà chẳng bao giờ mẹ nghĩ đến việc sẽ mua một đôi dép mới, thời buổi này còn đi mượn dép, Tí thấy nhà mình nghèo đến thế là cùng.

***

người mẹ nghèo

Tí học lớp tám, cái tuổi bắt đầu cảm thấy ngượng ngùng với chúng bạn. Biết nhà mình nghèo, Tí cũng giản dị lắm, đâu có đua đòi gì. Tí chỉ sợ bọn bạn nhìn thấy mẹ, mẹ chẳng bao giờ biết chăm chút cho bản thân, tối ngày đầu tắt mặt tối. Mẹ đạp chiếc xe đạp cà tàng đến trường, chiếc xe lạc lõng giữa những hàng xe máy sang trọng. Mẹ cũng lạc lõng giữa các bà mẹ khác của các bạn cùng lớp, mẹ không tô son, mẹ mặc chiếc áo sơ mi cũ bạc màu, và mẹ đi đôi dép mượn...Giữa muôn cái tên đẹp đẽ mĩ miều, nào Thanh Hương, nào Mĩ Ly, Lệ Hằng...tên Tí quê mùa đến vô cùng, Nguyễn Thị Tí, mẹ nghĩ làm sao mà đặt tên xấu đến thế, bà ngoại bảo lúc nhỏ Tí ốm yếu, nghe người ta bảo đặt tên xấu sẽ dễ nuôi nên mẹ mới đặt như vậy để hi vọng Tí mạnh khỏe hơn, thế nhưng Tí vẫn không chấp nhận vì cái tên nghe xấu quá. Là con gái, tên đẹp cũng quan trọng lắm chứ, mẹ thật chẳng biết gì cả. Cô giáo nói về công nghệ thông tin mà mẹ cũng chẳng biết là gì, mẹ lạc hậu dữ! Tí xấu hổ, rồi đâm ra trách mẹ,Tí chán mẹ lắm, Tí ước ao có một người mẹ khác trí thức, giàu có và sang trọng.

Tí ngã xe đạp bị trầy xước tay chân, mẹ nhìn thấy liền bật khóc, mẹ chỉ hỏi bị làm sao rồi nước mắt ngắn dài, mẹ không nói được một câu an ủi, Tí cáu với mẹ

- Con bị đau không khóc thì thôi, mẹ có đau đâu mà khóc dữ rứa, mẹ nín đi, khóc lóc thấy mệt!

Mẹ không nói, cái tính ít nói của mẹ cứ làm Tí thấy bực, mẹ lẳng lặng đi lấy dầu xoa cho Tí.

Tí thầm trách ông trời thật bất công, Tí cũng xinh xắn dễ thương đó chứ, học hành thì có thua ai đâu, vậy mà sinh ra nhằm gia đình nghèo rớt mồng tơi, mẹ thì lem lút , lam lũ, chẳng bao giờ nói được một lời ngọt ngào rằng " mẹ yêu con" hay biết con đạt học sinh giỏi cũng không khen một tiếng, chỉ dặn thằng út noi gương chị mà học thôi. Mẹ con Na thưởng ngay cho nó một chuyến đi biển, Tí thấy mà thèm. Tại nhà Tí nghèo, Tí cũng biết thế, nhưng vẫn buồn và trách mẹ , ước gì mẹ giàu hơn thì Tí cũng sướng hơn rồi, thế là với Tí, nghèo là cái sai của mẹ.

Trưa, gà le te gáy, Tí cuộn mình trong chiếc chăn mỏng nghĩ ngợi, Tí chẳng thích ngủ trưa, thế mà ngày nào mẹ cũng bắt phải ngủ cho được ba mươi phút, Tí chui vào mền, bật đèn pin đọc truyện, mãi rồi mẹ đưa đi khám, mắt Tí cận đến một độ rưỡi, phải đeo đôi kính chần ngần. Phải chi nghe lời mẹ ngủ đi thì đâu ra nông nỗi này, Tí thấy mình cũng lì lợm quá, gà lại gáy le te, Tí ngủ thiếp đi...

Xình ...xịch...chiếc ô tô trắng bóng loáng dừng nơi cổng làng, người đàn bà bước xuống, đôi giày cao gót màu đen, đôi chân trắng ngà thon thả trong chiếc váy bó màu đen, áo vest cũng màu đen và mái tóc búi cao gọn gàng sang trọng. Bà mang cái tuí xách cùng tông với màu xe, cũng láng bóng. Bà bước đi, mùi giàu sang thoảng trong làn gió. Cả làng nhìn theo, bà đi đâu thế? Bà qua bờ kênh, vào nhà Tí, ai đấy nhỉ? Mắt thằng út tròn xoe, mắt Tí cũng tròn xoe.

- Đây có phải nhà bà Hoa không?

Mẹ đang làm bếp liền vội vả chạy ra đón khách, mẹ mang đôi dép nhựa cột đầy dây thép, quần mẹ vẫn còn xăn tới gối, áo cánh mẹ mặc thấm mùi mồ hôi mặn chát, tóc mẹ đầy tro bếp. Một khoảng sân, hai con người đối lập nhau đến đau lòng! Tí thấy thương mẹ quá, cả đời mẹ chưa bao giờ được mặc vest, chưa bao giờ mẹ có giày cao gót để đi...

Mẹ mời khách vô nhà, bà khách giàu nói gì đó với mẹ rất nhỏ, rồi mẹ gọi

- Tí! Ra đồng cắt cho mẹ mấy gùi rau lang!

Tự nhiên mẹ sai đi cắt rau lang, Tí chẳng thích, Tí còn chưa biết bà nhà giàu là ai, đến nhà Tí làm gì cơ mà, mẹ lại dục:

- Tí! Nhanh đi con!

Tí ngúc ngoắc mang giỏ ra ruộng, hình ảnh bà khách giàu vẫn mông lung trong đầu

Thoắt cái, Tí quay về với một giỏ rau đầy, chiếc ô tô trắng vẫn còn trước cổng làng, Tí đặt giỏ rau xuống, lại sờ soạn, ngắm nghía chiếc xe, từ nhỏ đến giờ Tí chưa được đi ô tô, chắc là sướng lắm, ghế kia chắc là êm lắm, bao giờ nhà Tí mới có một chiếc như thế? Chắc chẳng bao giờ, Tí nghĩ ngợi, Chắc ông Ba Bành giàu nhất làng còn chưa đủ tiền mua nỗi, huống chi nhà Tí ăn ba bữa cũng chẳng đủ no.

- Chị Tiiii..í! chị Tí ơi!

Thằng cu út chạy như ma đuổi ra đồng, giọng như năn nỉ

- Chị Tí đừng đi, ở lại với út, với má nghe chị!

- Ơ cái thằng ni, hâm vừa thôi, đi mô mà đi?

Tí chẳng hiểu gì cả, cũng chẳng nghĩ ra điều gì,

- Về thôi! Khiêng rau giúp Tí !

Hai chị em khiêng giỏ rau qua bờ kênh trước nhà, thằng út thút thít, méo oẹt

- Bà kia, hức...bà kia nói đem chị ..hức.. đi ...hức...!

Tí không đáp, kéo em đi thật nhanh, về nhà để xem chuyện gì đang xảy ra. Tí vừa về thì mẹ gọi vào, Tí vòng tay lễ phép đứng bên mẹ, mẹ nghẹn ngào:

- Tí! Đây là mẹ ruột của con!

Tí ngẫn người, như chưa nghe rõ những điều mẹ nói, bà nhà giàu mắt đỏ hoe nhìn Tí làm thân, Tí nhìn bà rồi nhìn mẹ, mẹ không nhìn Tí, mẹ vẫn lau nước mắt, bà khách ngọt ngào:

- Ta về đây xin mẹ con cho ta đón con đi, về phố với ta con sẽ có điều kiện học hành hơn, ta sinh ra con mà chưa nuôi con được lấy một ngày, ta muốn bù đắp...

Mắt Tí hiện ra một khung cảnh thành phố phồn hoa, Tí được ở trong một ngôi nhà cao tầng sang trọng, có đầy đủ mọi thứ, Tí được đưa đến trường bằng chiếc ô tô trắng , Tí có một người mẹ giàu sang...rồi Tí nhìn lại ngôi nhà mình đang ở, mái tôn đã rỉ rét lợp trên giàn cột kèo sắp mục, mưa thì dột mà nắng thì nóng bức, vách gỗ mối mọt lỗ chỗ trông đến thảm. Chiếc xe đạp cà tàng mẹ thường đi bán rau lang nằm bên góc, chiếc xe ấy Tí cũng dùng để đi học...Nơi Tí đến sẽ làm thay đổi cuộc đời Tí, người phụ nữ xưng là mẹ ruột kia sẽ làm thay đổi cuộc đời Tí. Tí tự hỏi rằng mình có tham không? Có tham phú phụ bần? Rồi tự trấn an mình, bà kia là mẹ ruột Tí cơ mà, đó là những gì đúng ra Tí được hưởng, và chẳng phải đó là điều Tí mơ ước từ lâu sao? Nhưng mà sao Tí lại đau thế này? Nước mắt Tí chảy xuống, Tí không khóc nấc lên như mọi khi, Tí thấy nghẹn cứng nơi cuốn cổ, rồi Tí nói với bà khách:

- Giá mà mẹ con và cu út cũng được đi!

Bà khách sững sờ, mẹ cũng sững sờ, thằng cu út đứng nép bên vách nảy giờ cũng hiểu rằng chị Tí của nó không hề muốn xa mẹ và nó, không hề muốn hưởng hạnh phúc một mình. Chiều buồn như chưa bao giờ buồn như thế.

- Hãy đi với mẹ của con, bà ấy là người sinh ra con, bà ấy có quyền mang con đi, và bà ấy sẽ cho con một cuộc sống tốt đẹp – mẹ sụt sùi.

- Không! Mẹ là người nuôi con lớn, mẹ mới có quyền quyết định cuộc đời con – tí cứng đầu cãi lại.

- Mẹ chỉ nuôi giúp mẹ con thôi, vốn dĩ con không thuộc về nơi này!con đi đi!

- Mẹ đuổi con đó sao?

- Ừ, mẹ không cần con nữa!

Mẹ quay mặt đi, không dám nhìn vào mắt Tí, vì mẹ đang nói dối, Tí biết mẹ rất đau đớn trong lòng, như cái ngày cha đi, mẹ đã cứng rắn, dứt khoác để cha đi theo người đàn bà khác mà không hề níu kéo, để rồi sau đó mẹ bị sốc và ốm, phải nằm viện gần một tháng trời, rồi mỗi lần nhớ cha, mẹ lại đóng cửa khóc một mình, Tí biết hết, biết tất cả.

Mẹ tự tay xếp áo quần cho Tí rồi lôi Tí ra đầu làng, chiếc ô tô trắng và người đàn bà giàu có đã đợi ở đấy, chiếc xe nổ máy xình xịch, thằng út chạy theo khóc thảm thiết, Tí khóc đến nỗi không còn sức để kháng cự, tay mẹ mạnh đến vô cùng. Mẹ đẩy Tí vào xe, xe đóng cửa rồi chuyển bánh, nhìn lui, Tí thấy mẹ ngồi ôm mặt khóc giữa đường, mẹ gầy hanh hao, tóc mẹ búi rối, mẹ mang đôi dép nhựa cột đầy dây thép.

Tí hét toán lên, đập vào cửa xe ầm ầm:

- Không! Con không muốn! Mẹ ơi!

Tất cả những gì giàu sang chỉ là xa hoa vô nghĩa, Tí chẳng còn mơ đến nữa, Tí chỉ muốn mẹ, người đã nhịn ăn để Tí được ăn no, nhịn mặc để Tí có quần áo mới đi học, người đã khóc nức nở khi Tí bị ngã trầy hết tay chân, người đã lam lụng quên cả bản thân mình vì chị em Tí. Tí thương mẹ, Tí chỉ muốn mẹ thôi!

- Mẹ ! mẹ ơi!con không muốn một người mẹ nào khác nữa! Cho con về với mẹ! Mẹ ơi!

Tí hét thất thanh khi chiếc ô tô xa dần con đường làng đầy sỏi đá, bóng mẹ nhỏ dần giữa bóng chiều mênh mông đổ.

Chị Tí! Chị Tí ơi! Thằng út nắm tay Tí lay lay, Tí choàng tỉnh giấc, vẻ sợ hãi vẫn còn trên mặt. Mồ hôi rịn ra trên tráng, tóc rối lơ thơ, Tí nhảy khỏi giường chạy đi tìm mẹ.

- Mẹ ơi! Mẹ đâu rồi?

Mẹ đang nhổ cỏ cho vườn cải, mẹ ngẫn lên đáp lại

- Đây! Chuyện chi mà oang oang lên rứa nà?

Tí cười ngượng ngịu, buộc lại mái tóc còn rối tung

- Không có chi mô mẹ, để con nhổ cỏ với!

Mẹ mắng:

- Con gái con lứa, ngủ chừ mới chịu dậy, lười đến thế là cùng!

Mẹ mắng sao mà yêu đến thế, bây giờ Tí chỉ sợ không được nghe mẹ mắng nữa, ở bên mẹ ấm áp và hạnh phúc quá mà sao giờ Tí mới nhận ra. Tí lén nhìn mẹ, mắt mẹ sâu trũng, nhăn nheo in hằng bao lo toan vất vả, dáng mẹ gầy, tóc mẹ búi rối...mà sao Tí thấy mẹ đẹp vô cùng, đẹp hơn cả người đàn bà giàu sang lúc nảy. Tí muốn ôm chầm lấy mẹ, hôn lên má rồi thì thầm với mẹ rằng " con thật mang tội lỗi vì đã từng ao ước có một người mẹ khác, con đã không biết rằng mẹ đã yêu thương con đến nhường nào, con xin lỗi, thật lòng xin lỗi mẹ, con không bao giờ muốn đổi mẹ để lấy bất kì một ai khác trên cõi đời này, con yêu mẹ nhiều lắm!"

- Mẹ!

Tí bất giác kêu lên, muốn nói mà chẳng thốt nên những lời yêu thương từ sâu trái tim mình.

- Chi nữa hử?- Mẹ đáp như mọi khi vẫn đáp.

Tí sợ một cái gì đó mơ hồ, hỏi như để dò la:

- Hồi mẹ sinh con, đau lắm phải không mẹ?

- Ừ! Khi mô sinh con rồi cô sẽ biết!

Tí thấy trong lòng vui quá! Mây chiều sà sà ôm lấy núi, vườn hoa cải vàng ươm, mấy chú gà con quấn quanh chân gà mẹ, Tí ước mình lớn thật nhanh để đỡ đần cho mẹ, ước mẹ cũng được mặc áo vest, được ở nhà xây, và được đi giày cao gót. Tí thì thầm:

- Con đã mơ, một cơn ác mộng, mẹ ạ!

............

Thùy Dương

 

Ngày đăng: 21/05/2014
Người đăng: Thuy Duong Nguyen
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Stevejobs nói về cuộc sống
 

Không ai muốn chết cả. Ngay cả những người muốn lên thiên đường cũng không muốn chết để được ở đó.

Cái chết là đích đến mà tất cả chúng ta đều phải trải qua. Chưa ai thoát được nó. Nhưng tự cái chết nó là như thế, bởi cái chết đơn giản là phát minh tuyệt vời nhất của 'Sự sống'. Nó là chất xúc tác thay đổi cuộc sống. Nó loại bỏ người già để tạo đường cho lớp trẻ. Bây giờ bạn có thể còn trẻ, nhưng ngày nào đó không lâu, tự bạn sẽ trở thành người già và bị loại bỏ.

Thật tiếc khi phải nói ra điều trớ trêu đó nhưng đó là sự thật".

Steve Jobs - Đại học Stanford, tháng 6 năm 2005

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage