Gửi bài:

Thư gửi mẹ

Nhiều lúc tôi cũng thấy mình sướng thật, chẳng phải làm gì, ở nhà thì có máy tính để học, có xe đạp điện để đi, sách vở bao nhiêu cũng mua mới. Nhưng rồi tôi lại thấy bọn bạn mình đứa nào chẳng vậy.

***

Thời gian như thoi đưa, chỉ còn hơn một tháng nữa tôi sẽ lên Hà Nội dự kì thi tuyển sinh vào đại học. Tôi không còn nhớ nổi suốt một năm qua tôi đã làm được những gì, giờ đây, đầu óc tôi chỉ toàn những công thức và dạng toán.

thu-gui-me

Hơn một tuần trước, vào sáng thứ hai, trong tiết chào cờ đầu tuần, tôi uể oải đưa tay che những tia nắng mới đang chiếu thẳng vào mắt. Xung quanh tôi có mấy đứa mang sách ra, đặt lên đùi, cố gắng nhai lại từng dòng mực tím ngệch ngoạc trên những trang vở cũ. Dường như với chúng ngoài những gì liên quan đến kì thi tốt nghiệp hay đại học ra thì chẳng còn gì đáng quan tâm nữa, chứ nói gì đến những lời thầy phó hiệu trưởng đang thông báo. Thầy ấy báo tuần tới trong lễ tổng kết năm học sẽ lồng vào đó lễ tri ân và trưởng thành cho học sinh lớp 12. Nhiệm vụ của mỗi học sinh cuối cấp là viết một bài cảm nhận dưới dạng một bức thư về thầy, cô, cha hay mẹ mình. Vào lớp, đám bạn tôi xôn xao, và ý tưởng chung mà chúng đưa ra là lên google copy mỗi đứa một bài vì nếu lớp không có đủ số bài sẽ bị phê bình.

Đặt chiếc bút bi trên tờ giấy trắng tinh, tôi chẳng biết mình sẽ viết gì, viết về ai, hay lên google search như chúng nó. Giống như những đứa bạn khác, thời điểm này tôi cũng đang tối mặt vào ôn tập, làm gì còn thời gian để sáng tác một bức thư hàng trang giấy, mà có phải cứ đặt bút xuống là viết được ngay đâu. Vậy là tôi tìm đến chiếc điện thoại đã hơn hai tháng bị bỏ rơi nơi góc tủ. Nhưng kết quả google tìm được toàn là những bài theo khuôn mẫu giống nhau.

Bỗng "choang", tôi giật mình khi nghe tiếng bát rơi. Kẹp tờ giấy vào quyển vở bên cạnh rồi chạy xuống, tôi thấy những mảnh bát vỡ đang lăn lóc trên nền gạch hoa có một vệt máu nhỏ. Vào trong phòng, tôi thấy tay phải mẹ đang nắm chặt cái vạt áo cũ.

- Mẹ làm sao thế?

- Lấy cho mẹ ít bông trong hộp với!

Tôi mở chiếc hộp sắt xanh mang cho mẹ một dúm bông trắng tinh. Mẹ lấy bông lau vết máu trên tay và xung quanh vết rách dưới ngón cái. Tôi nhỏ vài giọt cồn y tế vào đó, mẹ khẽ rên lên khi cồn vừa chạm vào da thịt. Băng cho mẹ xong xuôi, tôi ra ngoài thu dọn bát đũa mang rửa. Lẽ ra người rửa bát là tôi nhưng hai kì thi quan trọng đang tới thật gần nên mẹ không để tôi phải đụng tay vào bất cứ một việc gì. Tôi thấy mình đã quá vô tâm, mười lăm phút rửa bát đâu phải là quá nhiều để tôi thiếu thời gian ôn tập mà thi rớt. Phải chăng tôi đã lạm dụng sự quan tâm và yêu thương của mẹ?

Tôi nhớ giờ này năm ngoái, tôi còn đang ngồi tán dóc với mẹ, lúc đó tôi không tỏ ra quá bận bịu như bây giờ. Tôi vẫn viết truyện đăng báo, vẫn xuống luồn kim cho mẹ và đưa mẹ xem tập truyện ngắn đã đăng. Để rồi khi xem xong...

- Sao toàn những chuyện viết về bố vậy con?

Gấp tờ báo đặt sang bên cạnh, mẹ tôi hỏi.

- Vì bố có nhiều chuyện để viết mà mẹ, hơn nữa nếu viết những gì mình thấy, viết bằng cảm nhận của mình thì truyện mới hay mẹ ạ.

Mẹ nhìn tôi khẽ cười, những chấm tàn nhang lớn nhỏ dãn ra làm đôi gò má gầy gầy lại cao thêm một chút. Mẹ quay lại với những hình vẽ trên tấm vải hồng được căng bởi chiếc khung thêu đã phủ đầy gỉ sét. Mẹ khẽ trách:

- Người suốt ngày phục vụ cô đây thì chẳng thấy viết gì cả?

- Mẹ không biết chứ, chỉ những gì thật đặc biệt mới chuyển thể được. Vả lại, công lao mẹ lớn như vậy làm sao diễn tả thành lời được.

- Gớm, cô chỉ khéo nịnh thôi. Luồn kim cho tôi đi, đọc một truyện của cô là tôi mất một khung thêu rồi đấy.

Tôi đón lấy lọ kim và túi chỉ rồi tỉ mỉ luồn từng chiếc một. Tôi không viết nhiều về mẹ vì mẹ tôi cả đời chìm trong những nỗi lo toan vụn vặt, mẹ cũng không làm gì vất vả quá đáng cả, chẳng qua chỉ ở nhà thêu thùa hay trông nom ruộng lúa, mẹ còn phải quản lí việc học của chị em tôi vì bố lo chúng tôi hư hỏng. Những thứ ấy thì bình thường quá, đơn giản quá. Gần một tiếng đồng hồ, tôi mới thoát được công việc luồn chỉ nhàm chán kia để leo lên phòng. Không biết có phải học sinh bây giờ bố mẹ đều ưu tiên cho học hay chỉ mình tôi mới được đặc cách thế. Cả ngày trời, ngoài ăn, học và ngủ cùng lắm tôi chỉ phải rửa cái bát hay tự giặt quần áo là cùng. Tuy là con nhà nông nhưng chưa một lần nào tôi phải đặt chân xuống ruộng, mà bố mẹ tôi cũng cấy gần một mẫu chẳng thuê mượn ai bao giờ. Nhiều lúc tôi cũng thấy mình sướng thật, chẳng phải làm gì, ở nhà thì có máy tính để học, có xe đạp điện để đi, sách vở bao nhiêu cũng mua mới. Nhưng rồi tôi lại thấy bọn bạn mình đứa nào chẳng vậy.

Sau khi lên phòng, học được gần hai tiếng, lưng đã mỏi nhừ, tôi lại lon ton chạy xuống với mẹ. Mân mê lại gần mẹ, tôi thủ thỉ:

- Bao giờ mẹ trả hàng vậy ạ?

Mẹ không quay lại, tay vẫn thoăn thoắt từng đường chỉ, mẹ hỏi:

- Con muốn mua gì à?

Thì ra người hiểu con nhất luôn luôn là mẹ.

- Mẹ ơi, sắp nghỉ hè rồi, mẹ mua cho con cái áo phông con mặc đi học thêm cho mát mẹ nhé!

- Đấy, cứ ngồi luồn kim đi, nếu mai mà xong thì ngày kia đi chợ mua luôn.

- Con còn phải học mà mẹ. – Tôi nũng nịu – Hè năm nay là thời điểm quan trọng nhất đấy mẹ ạ. Bây giờ vất vả để sang năm lên lớp 12 yên tâm hơn.

- Cô chỉ được cái thế là nhanh, tôi thêu mờ mắt cả ngày mới được bốn mươi ngàn đấy cô ạ. Cái gì cũng muốn mua.

Tôi cười hì hì, rồi với tay lấy lọ kim với túi chỉ. Tôi biết số tiền từ những tấm hàng thêu ấy mẹ chỉ dùng để mua quần áo, giày dép cho hai chị em thôi. Một mình bố bươn trải ngoài xã hội, kiếm tiền để chi tiêu cho sinh hoạt trong gia đình, trả học phí cho hai chị em tôi. Còn tiền bán thóc cũng để tiết kiệm mà lo cho tương lai chúng tôi sau này. Nếu mẹ không kiếm mấy đồng lẻ ấy thì chị em tôi làm gì có quần áo mới.

Sau lễ tổng kết, chúng tôi mang về cho mẹ xem những giấy khen và sách thưởng. Mẹ vui lắm, nụ cười hiền trên đôi môi khô làm đuôi mắt mẹ nhăn nhăn lại. Mẹ mang giấy khen ra phòng khách, đặt vào tủ kính để tối bố đi làm về, xem xong rồi còn cất vào chiếc hòm tôn, nơi chứa bao giấy khen lớn bé của chúng tôi cả một thời đi học. Và phần quà mẹ thưởng cho tôi là một chiếc áo phông trắng cách điệu với vạt áo trước dài ra để buộc lại cho cá tính. Ngay buổi học thêm đầu tiên tôi đã diện luôn nó.

Thế rồi suốt cả một mùa hè, tôi vùi đầu vào sách vở mặc cho bố mẹ cấy gặt tự bao giờ. Tôi có cảm giác mình đã nhìn thấy cánh cổng trường đại học mà mình mơ ước. Và có lẽ chính nó đã tạo ra cái vòng xoáy cuốn tôi và biết bao đứa học trò vào cái guồng quay chóng mặt. Cái guồng quay ấy khiến tôi đánh rơi biết bao nhiêu là thứ quý giá, nhưng đổi lại, tôi sẽ được thật nhiều.

Ngồi một mình trước tờ giấy trắng, tôi tự hỏi liệu những gì tôi được từ cái guồng quay kia có bù đắp hết những thứ tôi đã đánh rơi? Con đường đến vinh quang là một cuộc đua không hơn không kém. Mà trong một cuộc đua nếu tôi chấp nhận dừng lại sẽ có rất nhiều người vượt qua tôi. Nhưng như thế không có nghĩa là tôi sẽ thất bại. Dừng lại một chút, đi chậm một chút nhưng tôi sẽ thấy mình khỏe hơn thật nhiều để rồi trong cuộc chạy đua kia, tôi lại là người mạnh mẽ nhất.

Nghĩ thế và tôi làm đúng như thế. Đặt chiếc điện thoại vào nơi góc tủ, tôi cầm chiếc bút nắn nót từng nét chữ. Tôi viết lên trang giấy những gì tôi thấy, tôi cảm nhận được về mẹ tôi, người phụ nữ cả đời chìm trong những lo toan vụn vặt, người phụ nữ bên chiếc khung thêu cũ kiếm những đồng lẻ mua áo mới cho tôi. Vì nó là một bức thư nên tôi cũng không mang đến lớp để nộp như kế hoạch. Tôi mang nó đặt trên đầu giường mẹ nằm.

Sáng nay, tôi đi sớm hơn mọi ngày. Tôi muốn mẹ đọc bức thư ấy một mình. Những dòng chữ đầu tiên của đứa con viết về mẹ. Khi lớp trưởng hỏi đến, tôi chỉ trả lời rằng: "Bức thư tôi viết đã đến đúng tay người nhận." Đám bạn tôi chỉ coi đó là một lời nói đùa của những kẻ lười nhác mà chúng không biết rằng chính chúng là những kẻ chưa biết cách dừng lại giữa đường.

Phạm Vũ

 

Ngày đăng: 22/06/2014
Người đăng: phạm thị huế
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Dừng xe đái bậy like a boss
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage