Gửi bài:

Mẹ kế

(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?")

Sao tôi thấy mình yếu đuối thế này, cái cảm giác đau lòng và ân hận cứ ùa vây lấy tôi...

***

me-ke

Vào một ngày cuối thu, lúc đó tôi khoảng sáu bảy tuổi, tôi ngồi ở bậc thềm trước hiên nhà để chơi đồ hàng, thi thoảng lại ngước lên nheo nheo đôi mắt nhìn những đám mây cứ đỏng đảnh giấu mình đi đâu chỉ còn khoảng trời u ám sám sịt bao trùm hết cả khiến lòng người cũng hao hao buồn. Bỗng tôi nghe thấy tiếng nói lớn từ trong nhà.

- Anh bỏ ra cho tôi đi, tôi không thể chịu nổi nữa rồi. - Giọng của mẹ. Mẹ tôi đang cố kéo chiếc túi từ tay bố, còn bố thì giữ chặt chiếc túi và miệng không ngừng nói.

- Anh xin em, em phải nghĩ đến con chứ?

Nghe bố nhắc đến con mẹ sững lại nhìn tôi mắt đỏ hoe, tôi không biết bố mẹ đang xảy ra chuyện gì nhưng hình như không hề đơn giản. Cái cảnh này tôi đã chứng kiến vài lần rồi nên đã quen và cũng biết trước được kết quả là mẹ sẽ ở lại nhà. Nhưng lần này dự cảm của tôi đã sai, sau một chút do dự mẹ giật mạnh chiếc túi khỏi tay của bố rồi chạy ra ngoài. Mẹ đến ôm chặt lấy tôi và khóc.

- Mẹ xin lỗi. - Nước mắt mẹ chảy dài trên hai gò má đang ở tuổi thanh xuân của mẹ. Rồi mẹ gỡ tay tôi ra khỏi người mình và đi, tôi khóc, bố cũng khóc. Đó là lần cuối tôi nhìn thấy mẹ. Mãi về sau này tôi mới biết mẹ bỏ đi vì không chịu được cuộc sống thiếu thốn đủ thứ mà bố chẳng thể chu cấp được với đồng lương công nhân quèn ít ỏi. Hơn nữa, mẹ lại phải lòng một người đàn ông khác rất giàu có. Tôi chẳng dám trách hay hận gì mẹ, chỉ vì vật chất nên mới khiến con người ta bỏ lại mọi thứ, mà mẹ tôi lại còn rất trẻ, việc mắc sai lầm cũng là trong lúc mờ mắt vì đồng tiền. Tôi chỉ mong mẹ không phải ân hận và sống yên vui như những gì mẹ hằng ước ao...

Từ hôm mẹ bỏ đi bố mặt mũi bơ phờ như người mất hồn. Ngày nào bố cũng đi lang thang khắp nơi để tìm mẹ từ sáng đến tối muộn, bố về nhà đờ đẫn như cái xác không hồn. Cứ thế ngày qua ngày nhưng đều vô ích. Rồi trong một lần đi tìm mẹ bố nhìn thấy có một người phụ nữ trông rất giống mẹ tôi đang đứng ở bên kia đường.

- Lan!. - Tên mẹ tôi, bố vội chạy tới nhưng lúc băng qua đường do không để ý nên đã bị một chiếc xe máy đụng phải.

- Rầm!. - Bố tôi ngã lăn ra đường, mắt nhắm nghiền, máu chảy ra rất nhiều, người đi đường nhốn nhào xúm lại xem rồi gọi xe cấp cứu cho bố đi bệnh viện.

Lúc này ở nhà bà nội tôi mắt cứ nháy liên hồi, ruột gan nóng như lửa đốt. Bà ngồi nhặt sạn từ gạo ra nhưng tâm trí cứ để đâu. Đột nhiên cô Tư nhà hàng xóm hớt hơ hớt hải chạy sang lắp bắp như hụt hơi.

- Bác ơi, chú Hải bị tai nạn đang cấp cứu ở bệnh viện.

Chiếc giá trên tay bà rơi xuống, những hạt gạo vương vãi ra một bạt rộng quanh nhà. Bà hoảng thốt dắt tôi theo tới bệnh viện. Nhìn bố nằm trên giường bất động, thật may là bố đã qua cơn nguy hiểm nhưng bố vẫn chưa tỉnh. Khoảng vài giờ sau bố tôi tỉnh dậy, trên đầu còn băng vết thương.

- Con có sao không?. - Bà tôi lo lắng hỏi. Hai mắt bố đờ đẫn nhìn bà và tôi chẳng nói gì trông cứ ngây ngây lạ lắm, bác sĩ nói do di chứng nên bộ não bị ảnh hưởng. Nằm viện hơn chục ngày rồi về, sau vụ tai nạn giao thông nên bố không được khôn ngoan như trước. Công việc bố đang làm trước kia giờ phải nghỉ. Thường ngày bố chỉ quanh quẩn ở nhà làm những việc linh tinh.

Bà đã già và yếu rồi, căn nhà thiếu bàn tay của người phụ nữ nên hai bố con tôi rất lộn xộn, góc nhà có chiếc tất, dọc hai thành giường quần áo sạch và bẩn vắt đầy hết cả, sàn nhà đi vào chân cứ dính nham nháp. Nếu muốn tìm thứ gì là phải lùng sục tìm nửa ngày trong cái đống lộn xộn mà bố con tôi gom các thứ thập cẩm vào đó. Bố tôi lại không được minh mẫn, gương mặt ông lúc nào nhìn cũng ngơ ngác như đứa trẻ, ai bảo gì cũng chỉ gật với lắc.

Bố giờ đã vậy, gánh nặng lại đổ dồn lên vai bà. Bà gom hết tiền dành dụm bao năm qua để mua một sạp nhỏ để bán rau cỏ đem bán ngoài chợ kiếm chút tiền rau mắm qua ngày. Cứ sáng ra bố chở bà ra chợ trên chiếc xe đạp mini đã hoen rỉ trầy hết sơn. Rồi ở luôn đó phụ bà bán hàng đến chiều tối mới về, bà còn có ý tưởng bán rau đưa tận nhà cho khách hàng nữa. Và tất nhiên người đi giao không ai khác ngoài bố tôi. Trong những địa chỉ cần đến thì có một quán cắt tóc ở đầu thị trấn mà cô chủ quán lại bị câm điếc. Vì bận việc nên cô hay đặt mua rau và nhờ bố tôi đem tới. Thi thoảng có gì nặng nhọc thì bố lại làm hộ cô ấy, vì thế mà mỗi khi hai bố con tôi đến cắt tóc thì chẳng bao giờ cô lấy tiền. Thấy bố hiền lành dễ mến, lâu dần cô thương rồi nảy sinh tình cảm. Sự dịu dàng ân cần của cô cũng khiến bố động lòng, dù họ chẳng nói được gì nhưng qua ánh mắt cùng những cử chỉ quan tâm dành cho nhau thì mọi người đều biết và lấy làm mừng cho hai con người kém may mắn ấy, nhưng ngoại trừ tôi.

Có một người bố bất ổn về tinh thần nên tôi cũng trở nên dễ cáu gắt. Càng lớn càng khó tính và khó ưa. Giờ lại thêm việc bố đang có tình cảm với một người phụ nữ bị câm và có một đứa con gái kém tôi ba tuổi, còn chồng của cô đã mất từ lâu. Thật sự là tôi không thích. Có một ông bố không bình thường là quá đủ với tôi rồi, giờ lại thêm bà mẹ kế bị câm nữa thì tôi điên mất.

Lúc đầu bà tôi cũng không đồng ý nhưng do bố nằng nặc đòi cưới nên bà đành chấp thuận. Tôi phận làm con dù không thích nhưng cũng chẳng thể ngăn cản. Bố và cô ấy làm mâm cơm và chỉ có vài người thân quen tham dự. Hôm đó tôi nằm lì trong phòng, ai bảo thế nào cũng không chịu ra, tôi có cố chấp đến đâu thì chuyện đó vẫn cứ diễn ra...

Vậy là nhà tôi có thêm hai người, mẹ kế tôi-cô Trâm và đứa con gái của cô ấy nó tên Ngọc.

Từ ngày về nhà tôi, sáng nào cô ấy cũng chuẩn bị cơm trưa để tôi đem theo. Vì trường cấp ba ở xa nên trưa tôi ở lại trường tối mới về nhà. Như mọi ngày, cô ấy dậy từ sớm nấu bữa sáng cho cả nhà. Chạm mặt nhau ở bờ giếng, tôi không buồn chào mà cứ lẳng lặng đánh răng. Đã xong xuôi, khi tôi dắt xe ra cổng thì cô đã chạy theo ra hiệu cho tôi cầm theo cặp lồng cơm. Tôi từ chối:

- Cháu không ăn.

Cô vẫn cứ đẩy về phía tôi. Trong lúc vô ý tôi đã hất đổ nó rồi đạp xe đi mà để mặc cô ấy đang ngồi sụp bên chiếc cặp lồng cơm đổ kia. Suốt dọc đường tôi bực bội khó chịu mãi về việc mình làm khi nãy.

Đến bữa cơm tối, cô Trâm gắp miếng trứng vào bát tôi và bảo tôi mau ăn. Tôi tức mình vất miếng trứng ra cho con cún đang chầu chực ngoài hiên. Bà nội thấy thế liền mắng:

- Thằng hư đốn. - Tiện đôi đũa bà vụt vào tay tôi mấy cái.

Bố thì đơ người ra chẳng hiểu chuyện gì, cái Ngọc mặt hầm hầm nhìn tôi như muốn ăn tươi nhuốt sống vì hỗn với mẹ nó, còn cô Trâm mắt đỏ hoe. Thật không thể chịu nổi, tôi đứng phắt dậy bỏ vào học bài mà chẳng cần quan tâm xem ai đang nghĩ gì hay nhìn mình thế nào. Ngồi học nhưng tâm trí tôi không thể tập trung, tất cả là tại hai mẹ con họ đã làm đảo lộn cuộc sống của tôi. Tôi lẩm bẩm giống đang chửi thề bọn họ, sợ bà nghe thấy sẽ quở mắng nên tôi lén nhìn ra thì thấy cái Ngọc cứ thập thò ngoài cửa, tôi quát làm nó giật mình:

- Có chuyện gì?

Nó rúm ró như con cún đi đến gần chiếc bàn học của tôi.

- Anh ghét mẹ em vậy à?

- Thì sao?. - Tôi lạnh lùng.

Con bé nói lí nhí:

- Nhưng mẹ em có làm gì đâu.

Tôi mải mê ngắm chiếc đồng hồ đeo tay mà tôi mới được nhà trường tặng trong đợt thi học sinh giỏi tỉnh vừa qua, nên tôi chả thèm quan tâm lời nó nói. Thấy chiếc đồng hồ của tôi mắt nó sáng lên:

- Cái gì thế em xem với.

Tôi giả lờ đi:

- Không có gì.

Con bé cố chấp, nó đòi xem bằng được. Trong lúc giằng co với nó, chiếc đồng hồ văng mạnh vào tường rồi rơi xuống đất. Vỡ. Tôi hét lên và chỉ tay vào nó:

- Đi ra ngoài. Đồ phá hoại!

Tiếng quát của tôi làm kinh động cả nhà. Cô Trâm chạy vào. Thấy mẹ nó vào, con bé sợ sệt ôm chầm lấy. Cô Trâm không nói được nhưng cô tỏ vẻ hối hận thay cho con gái. Cô cầm tay tôi gia hiệu muốn xin lỗi. Tôi ghét cái thứ âm thanh ú ớ không thành lời đó của cô. Tôi hất mạnh tay làm cô ấy ngã đụng đầu vào chân bàn. Tôi nhìn không chút ân hận và bỏ ra ngoài.

Sau lần đó cô Trâm không hề giận mà vẫn quan tâm đến tôi, còn tôi thì chẳng ưa gì hai mẹ con cô. Càng ngày càng thấy chướng mắt.

Nhà thêm người, chi phí qua đó mà cũng tăng lên. Việc buôn bán của bà và bố trở nên ế ẩm chẳng được bao nhiêu. Rồi cái quán cô Trâm thuê để mở hiệu cắt tóc người chủ muốn lấy lại đem bán để chuyển nhà đi nơi khác. Vậy là việc của cô đành tạm dừng. Cộng tác mỗi thứ một chút, từ đó gia đình tôi lâm vào tình cảnh khó khăn. Vì thế mà cô Trâm đi xin việc làm, cô làm việc cho một công ty Giầy da. Cô đi từ sáng sớm đến tối muộn mới về nên tôi cũng ít chạm mặt.

Hôm nay lại tăng ca nên cô về muộn, tôi vì thế mà cũng thoải mái khi không phải nhìn mặt nhau. Lúc này là 23h đêm, cả phân xưởng đang làm việc thì tiếng còi báo cháy kêu lên inh ỏi:

- Keng keng! Tất cả sơ tán ra ngoài nhanh lên. Cô Trâm đang cùng mọi người gấp gáp chạy, đi gần đến cửa rồi thì cô nhớ ra thứ gì đó và quay lại tủ đồ cá nhân. Khi đã cầm được nó lên tay thì ngọn lửa đã lan đến chỗ cô đang đứng. Hốt hoảng chạy ra nhưng không thể, trước mặt cô là một biển lửa. Bất ngờ có một thanh gỗ đổ vào người cô, do mệt và bị sặc khói nên cô đã ngất lịm đi. Bên ngoài, quản đốc kiểm người. Thấy thiếu cô thế là mọi người cùng đội cứu hỏa vào cứu người.

Đêm yên tĩnh, tiếng điện thoại bàn kêu làm cả nhà thức giấc. Bà nội nhấc máy giọng ngái ngủ:

- Alô

Đầu dây bên kia là giọng người đàn ông:

- Tôi làm cùng cô Trâm, cô ấy đang cấp cứu trong bệnh viện!

Chiếc ống nghe tuột khỏi tay bà. Bà vội vàng gọi bố tôi dậy, khi ấy tôi vẫn đang học bài. Con bé Ngọc thấy thế cũng choàng tỉnh, nó cứ khóc lóc đòi đi theo. Chẳng biết vì tò mò hay vì điều gì mà tôi lại đi theo vào bệnh viện. Chúng tôi đến nơi nhưng phải chờ ở ngoài vì bác sĩ đang cấp cứu. Một lát sau cô y tá ra đưa cho bà tôi một chiếc túi nhỏ và nói:

- Cô ấy không sao, chỉ bị thương ở tay và gãy xương chân. Đây là đồ mà cô ấy vẫn nắm chặt trong lúc bất tỉnh.

Đó là một chiếc túi giấy màu cafè nhỏ nhắn bằng hai bàn tay, bà nhẹ nhàng mở chiếc túi ra, tôi đứng sững người khi nhìn thấy trong đó là chiếc đồng hồ đeo tay mới tinh. Bà đưa nó lại cho tôi:

- Chắc cô ấy mua cho cháu đấy.

Hai tay tôi run lên khi cầm nó trong tay. Tôi vẫn không thể tin được những gì đang diễn ra lúc này, vì lý do nào khiến cô ấy làm như vậy. Hai chân tôi khụy xuống, hai tay ôm lấy đầu, tâm can tôi rối bời không nghĩ ra điều gì...

Mấy hôm sau, tôi miễn cưỡng phải đem cháo vào bệnh viện cho cô vì cả bà và bố đều bận. Cô thấy tôi vào có vẻ ngạc nhiên. Tôi đặt cặp lồng xuống bàn rồi cứ thế ra về. "Tay chân cô như thế tự ăn sao được", tôi nghĩ thầm. Tôi không đành lòng nên ở lại. Tôi vẫn im lặng, vẫn lạnh lùng. Tôi đút cháo cho cô. Bất giác tôi thấy nước mắt cô lăn dài. Chẳng hiểu sao sống mũi tôi cay xè. Tôi ngẩng mặt lên cố không cho nước mắt chảy ra nhưng nó chẳng chịu nghe lời. Sao tôi thấy mình yếu đuối thế này, cái cảm giác đau lòng và ân hận cứ ùa vây lấy tôi. Tôi nhớ lại mình đã đối xử tệ bạc với cô thế nào, đã căm ghét cô ra sao. Nhưng chính sự quan tâm và tình cảm chân thành của cô đã lay động - làm ấm trái tim tôi bằng tình thương của mình.

Cô nhẹ nhàng ôm tôi vào lòng. Lần đầu tiên tôi cảm nhận được sự ấm áp, bình yên mà chưa bao giờ tôi được nhận từ mẹ. Từ nay tôi yêu thương và chăm sóc và xem cô như người mẹ thứ hai của mình.

Nguyễn Mai Dung

Ngày đăng: 17/09/2014
Người đăng: Nguyễn Mai Dung
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Magic Knight Rayearth
 

Tôi trân trọng bản thân mình nhất. Nếu tôi xảy ra chuyện gì bất trắc thì cha, mẹ, chị... những người yêu thương tôi sẽ rất đau khổ. Tôi chỉ là một đứa trẻ, chưa thể làm được gì cho những người mình yêu thương. Tất cả những gì tôi có thể làm bây giờ là cố gắng để mình đựơc hạnh phúc. Để họ không phải lo lắng.

Cho nên... tôi quí trọng bản thân mình nhất.

Houji Fuu (Magic Knight Rayearth)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage