Tấm ảnh
(truyenngan.com.vn - Tham gia viết bài cho tập truyện "Rồi sẽ qua hết, phải không?")
***
"Nó đi rồi..."
19:00, theo đúng lịch trình, đoàn tàu SNT1 được lệnh chuyển bánh, mang đi đứa con gái út của 2 vợ chồng. Hai dáng người nhỏ đứng cạnh nhau trong sân ga vắng, dõi trông theo đoàn tàu cho đến khi nó đi về một nơi rất xa, vượt khỏi tầm nhìn. Thế là, 3 đứa con lần lượt rời xa gia đình để vào Sài Gòn học tập và làm việc.
Lái xe trở về, hai vợ chồng cảm thấy một nỗi trống vắng bao phủ khắp căn nhà. Mặc dù đã bắt đầu quen cảm giác trống vắng khi thằng cả vào Sài Gòn học tập, tiếp theo là tới thằng thứ, nhưng, hai vợ chồng vẫn chưa hình dung nổi cảnh tượng khi gia đình nhỏ của mình mất đi 3 đứa con. Không còn tiếng cười đùa. Không còn tiếng trò chuyện rôm rả. Không còn tiếng la hét, cãi nhau chí chóe của 3 anh em. Giờ đây, trong ngôi nhà này, chỉ còn lại hai người lớn cô đơn.
Vào tầm khoảng 6h30, người chồng sẽ thức giấc nhờ vào tiếng báo hiệu đặc biệt từ mấy đứa con. Dù đã được nhắc nhở không biết bao nhiêu lần rồi, cả 3 đứa trong nhà đều không biết ý tứ, đi lại nhẹ nhàng một chút mà cứ lên xuống cầu thang, chạy nhảy ầm ầm lên, đóng mở cửa thât mạnh. Nhiều khi, quá bực mình, ông bố đã hét lên:
- Tụi mày im hết coi! Đi đứng bình thường khó lắm hả? Sao cứ đợi tao nhắc miết chuyện này hoài vậy hả!?
Tụi nhỏ vì sợ hãi nên lập tức nghe theo. Nhưng, chỉ được có mấy ngày đầu. Khoảng 1 tuần sau, đâu lại vào đấy. Thói quen lặp lại và, hai vợ chồng đành sống chung với tiếng động khó chịu từ mấy đứa con khó bảo.
Giờ đây, 1 ngày sau khi đứa cuối cùng rời khỏi nhà, nằm trên giường, người bố muốn nghe tiếng đứa con chạy thình thịch, mở và đóng cửa thật mạnh để rồi lại ra và nhắc nhở nó. Nằm chờ tận 10 phút, vẫn không có tiếng động gì ngoài sự im lặng, ông bố lặng lẽ bước ra khỏi phòng, đi ngang qua phòng con, nhìn ngắm vào khoảng không rồi xuống phòng khách, làm 1 tách cà phê như thường ngày.
Không có sự thay đổi gì đáng kể. Mọi chuyện vẫn tiếp diễn theo dòng chảy của nó. Hai vợ chồng đã chuẩn bị trước tinh thần vào những ngày đứa út còn nán lại nhà, nên khi nó đi rồi, cả hai đều không cảm thấy hụt hẫng gì mấy. Sáng thức giấc với một ly cà phê, làm việc quần quật từ sáng đến chiều; tối, cả hai xách xe máy đi dạo một vòng quanh phố, và cùng kết thúc môt ngày bằng ly cà phê sữa trong một quán cà phê quen thuộc dọc bờ biển. Đời cứ thế mà bình yên trôi qua.
Đau buồn nhất không nằm trong khoảnh khắc khi ta chia tay người thân yêu. Nó xuất hiện vào sau lúc ấy, khi chúng ta đang bình yên, hạnh phúc và bất chợt hồi tưởng lại. Vào một ngày, người chồng cần tìm một số giấy tờ để đi làm vài thủ tục hành chính. Khi đang lục tìm trong tủ đồ mà hầu như chẳng khi nào đụng tới, một album ảnh rời khỏi vị trí của nó, rơi xuống đất khi cánh tay của ông đụng mạnh vào nó. Nhặt lên, ông phủi sơ sơ lớp bụi bên ngoài rồi giở ra xem. Ngày xưa, trước khi chuyển nghề sang buôn bán, kinh doanh với vợ, ông có một niềm đam mê lớn với nhiếp ảnh. Ông đi nhiều nơi, gặp gỡ nhiều người, ghi lại mọi khoảnh khắc mà ông đã đến và qua. Khi kết hôn rồi, ông thôi không đi lông bông, nay đây mai đó nữa và ông bắt đầu chăm lo cho gia đình nhỏ của mình. Dù đã từ bỏ đam mê, nhưng không vì thế mà ông lại không ghi lại khoảnh khắc các đứa con của mình dần dần lớn lên. Trên tay ông là 1 album ảnh chụp vào năm 1995, cách đó gần 20 năm. Những tấm ảnh cũ này ghi lại khoảnh khắc sinh nhật của thằng cả và thằng thứ. Vì ngày sinh nhật của hai đứa cách nhau có năm ngày nên lúc ấy, hai vợ chồng gộp chung sinh nhật hai đứa lại làm một để tổ chức một lần cho tiện. Thằng thứ lúc ấy mới được có một tuổi, vẫn chưa biết đứng. Ông đã phì cười khi thấy một tấm do vợ ông chụp. Trong tấm ảnh ấy, có một cậu bé con đang đứng trên 1 cái ghế gỗ, giơ hai tay vẫy vẫy xung quanh và cười rất tươi. Cậu làm được điều ấy là nhờ đôi bàn tay bí ẩn nào đó từ phía dưới ghế vươn lên, tóm vào bụng của cậu và giữ chặt. Lật sang các tấm khác, ông thấy cảnh thằng cả đang mang khuôn mặt thật nghiêm túc, không nở một nụ cười. Bên phải là mẹ của nó đang bế đứa em trai của nó lại đang cười đùa tíu tít vì một đống quà mừng sinh nhật bên cạnh. Có một tấm chụp lại cảnh ông đang cho thằng con thứ chơi cầu tuột. Ông nằm lên nệm, đặt nó lên chân mình, giơ chân từ từ lên cao cho đứa bé con của ông trượt từ trên xuống rồi đổ sập vào ngực ông. Thường thì thằng bé sẽ cười giòn và đòi bố nó chơi lại lần nữa cho đến khi nó bị đau do dập mặt và khóc thét lên.
_Mày thấy ngu chưa, Tí? – Ông vừa cười vừa nói, cứ như thể thằng con ông đang ở ngay bên cạnh bố nó vậy.
Rồi đột nhiên, một giọt nước mắt ứa ra bên khóe mắt của ông. Ông hầu như không bao giờ khóc. Chưa bao giờ một ai trong gia đình ông khóc hay chỉ gần như muốn khóc. Cảm xúc gì ông cũng biểu lộ ra cho mọi người biết. Vui sướng thì cười hết cỡ, bực mình thì la hét hết mức; nhưng khi buồn, ông chỉ ngồi im, hút mấy điếu thuốc. Có thể ông sợ người khác thấy những giọt nước mắt của mình thì phải. Có những lúc, khi nước mắt sắp trực trào, ông liền giả bộ ngáp một cái. Thường thì khi ngáp, tuyến lệ sẽ tiết ra nước mắt như một phản xạ. Nhờ thế mà ông có thể kín đáo che giấu được những giọt nước mắt của mình. Đã bao lâu rồi kể từ khi ông được khóc một cách ngon lành khi bị mẹ ông đánh đòn ông lúc nhỏ? Nhiều lần, ông thèm được như trẻ con, thích thì khóc, khóc thật to, khóc thật lâu, khóc thật đã. Thế nhưng, do chịu những định kiến của xã hội và gia đình ông, là một nam nhi, ông không được phép khóc. Giờ đây, ngồi một mình trong căn phòng, không ai có thể nhìn thấy được mình, ông cho phép bản thân được khóc trong im lặng. "Ôi...Mình nhớ tụi nó quá..."
Cũng trong thời gian gần đây, hai vợ chồng ông bắt đầu ít nói chuyện với nhau hẳn đi. Tuy vẫn đi cùng nhau, ít khi nào cãi nhau vì chuyện gì quá nghiêm trọng, nhưng hai người đang càng ngày có vẻ càng xa cách nhau hơn. Dường như công nghệ đang mang mọi người rời xa nhau hơn là đến lại gần nhau. Mỗi buổi tối, vợ ông sẽ bật tivi lên, hai vợ chồng cùng xem, không trao đổi gì nhiều ngoài ba chuyện tầm phào liên quan đến những gì được chiếu trên màn ảnh. Những lúc đi uống cà phê cùng nhau, vợ ông sẽ mang theo cái smart phone do thằng cả mua về tặng mẹ nó. Ngồi trong quán hơn 2 tiếng đồng hồ, vợ ông chỉ mải lướt web, đọc bản tin thế giới đó đây mà bỏ quên ông. Nếu ông có hỏi câu gì, vợ ông chỉ trả lời sơ qua rồi lại im lặng lướt web tiếp. Không hẳn hai vợ chồng ông lãnh đạm với nhau vì hai người vẫn còn trò chuyện, trao đổi với nhau về công việc làm ăn chung của hai người. Nhưng, gần như đã không còn nữa những cuộc trò chuyện thật lâu và sâu sắc. Thật nghich lý khi những ngày mới quen nhau, cả hai đều trò chuyện với nhau rất nhiều. Cuộc nói chuyện có vẻ như không bao giờ chấm dứt. Rồi giờ đây, hơn 25 năm sau, hai người thôi không còn nói chuyện với nhau nhiều như ngày nào nữa. Cuộc sống đơn điệu, ngày hôm qua như ngày hôm nay rồi có thể sẽ như ngày mai đang âm thầm giết chết tình cảm của vợ chồng ông. Ông cũng như cảm thấy sự chán chường trong cuộc sống hiện tại của mình, muốn tìm một điều gì đó để làm mới cuộc sống nhưng bế tắc. Thỉnh thoảng, ông vẫn tự than thân rằng:" Rồi sẽ qua hết những điều chán nản này thôi mà..." Và, từ đó, ông bắt đầu tìm lại những tấm ảnh xưa cũ, nhớ lại những mảng ký ức nhỏ bé, mong manh mà tưởng chừng như đã bị quên lãng nếu không có những tấm ảnh ấy nhắc nhở cho ông.
Có một tấm ảnh chụp đen trắng căn nhà bé bé của hai vợ chồng ông khi hai người mới lấy nhau. Thời ấy còn khó khăn nên cả nhà 5 người cùng nhau ngủ trong một căn phòng. Thỉnh thoảng vài đêm, đứa con gái út khóc thét lên khi thấy con chuột bò ngang qua, thằng thứ thì sợ hãi đến độ tè ra quần khi thấy con gián đang bò về phía nó. Thời ấy rất khổ nhưng cũng rất vui. Kể từ khi hai vợ chồng dành dụm đủ tiền để mua đất, xây cất lên một căn nhà cao tầng, khang trang hơn , cuộc sống trở nên tiện nghi, thoải mái hơn, nhưng cũng đồng nghĩa xa cách hơn khi mỗi đứa con có một phòng riêng ở một lầu riêng.
Trong gia đình, thằng cả là đứa có nhiều sở thích chung với ông và cũng là đứa ngoan nhất, biết nghe lời nhất. Có vài tấm ảnh do vợ ông chụp lén ghi lại cảnh hai cha con đang nhảy cẫng lên khi đội M.U. yêu thích của 2 người đoạt cúp vô địch giải ngoại hạng Anh. Ông nhớ hồi đó, mỗi lần tới một mùa giải nào, thằng con của ông sẽ mang laptop xuống ngồi cạnh ông, vừa xem bóng đá, vừa cập nhập các thông tin tổng hợp từ các trang mạng nước ngoài để giúp bố nó cá độ thắng được vài trận. Vợ ông luôn cấm chuyện này. Mỗi lần phát hiện được ông đang cá độ bóng đá, vợ ông sẽ nổi giận, gây "chiến tranh lạnh", không thèm ăn cơm cùng cả nhà, băt ông hứa phải bỏ cá độ mới thôi. Vì thế, ông càng cảm thấy kích thích hơn khi cùng thằng con lén lút cá độ để vợ ông không phải biết. Ông thường hay nói với thằng con cả rằng:" Mẹ mày chẳng biết cái gì về bóng đá hết! Coi bóng đá mà không cá độ thì có hay không?"
Có hôm, thằng cả đi chơi về khuya mà trước đó không thèm nói tiếng nào cho cả nhà biết. Khi về nhà rồi, thằng cả bị ông la mắng, không cho phép nó đi chơi khuya nữa. Ông biết là, có cấm thì cấm vậy thôi chứ nếu nó muốn, nó vẫn sẽ cứ đi như thường. Nhưng, ai ngờ rằng, thằng cả lại nghe lời, không đi chơi khuya kể từ ngày đó nữa.
Trong gia đình, thằng cả cũng hay lo toan, phụ giúp việc nhà hết mực. Những khi rảnh rỗi, không còn bài vở nữa, thay vì chơi game hay đi chơi với đám bạn, thằng cả sẽ giành hết thời gian để giúp ông đi giao đồ cho các nhà hàng, giúp ông bưng bê hàng hóa, nấu cơm...dù cho những công việc này đã có người giúp việc cho gia đình lo liệu hết cả rồi.
Thằng cả còn là niềm tự hào của gia đình ông khi không những biết chăm lo cho gia đình hết mực, nó còn học rất giỏi. Nó đã cố gắng học tập và lấy thành công học bổng toàn phần du học sang Canada mà nó mong ước. Hiện tại, nó đã có được một công việc ổn định có thu nhập cao, và sắp tới sẽ sớm kết hôn với một người con gái mà hai vợ chồng ông cũng rất hài lòng, ưng thuận.
Ngược với thằng cả, thằng thứ lại là một đứa tuy cũng mang lại niềm tự hào cho gia đình ông nhưng nó cũng làm hai vợ chồng ông không biết bao lần phải phiền lòng. Có lẽ ngay từ nhỏ, do cười quá thường xuyên nên lớn lên, nó trở thành một đứa rất năng động, là con người của xã hội. Thằng thứ có cùng đam mê nhiếp ảnh với ông nên khá nhiều tấm do nó chụp các hoạt động xã hội mà nó tham gia. Gần như ở đâu có hoạt động gì, ở đó có mặt nó: hiến máu nhân đạo, đạp xe tuyên truyền, tình nguyện viên giờ Trái Đất, hướng dẫn viên... Bằng một cách nào đó, nó cũng đã lên được tivi không chỉ một lần: xuất hiện trong chương trình giao lưu với chiến sỹ biển đảo trên kênh KTV, được phỏng vấn trong 1 chương trình của HTV9, tham gia 1 game show trên VTV3... Hàng xóm xung quanh ông, khách hàng làm ăn của ông cũng ít nhiều biết tiếng về thằng con thứ của ông.
Như anh nó, thằng thứ học tập cũng khá giỏi. Nó đạt được nhiều thành tích đáng tự hào, mang về cho ông nhiều bằng khen để ông treo lên tường, cạnh các bằng khen của anh nó. Người khách nào vào nhà, nhìn lên tường, thấy nhiều bằng khen cũng đều tấm tắc khen gia đình ông có 2 đứa con học thật giỏi. Nhưng, họ không biết rằng, thằng em lại lỳ lợm, ít nghe lời hơn thằng anh. Do quá hào hứng tham gia các hoạt động xã hội, thằng thứ không đoái hoài gì về nhà cửa. Nhiều khi, rất hồn nhiên và vô tư, nó dắt xe đạp đi tham gia 1 sự kiện xã hội mà để trống nhà cửa không ai coi ngó, và do đó, nhà nó đã xảy ra vụ mất trộm đồ. Đánh đòn, nói nặng nhẹ rồi, nhưng nó vẫn bướng bỉnh không nghe. Mấy hôm sau nó vẫn tái diễn lại việc đó. Lắm lúc, thằng thứ hành động rất bốc đồng, ngẫu hứng. Nó đã thích gì thì làm đó, bất kể điều đó nguy hiểm ra sao. Có hôm, ông phát hiện được từ bạn nó rằng, nó đã lái xe máy chạy vù vù từ Nha Trang tới Cam Ranh hơn 30 cây số với tốc độ gần 80km/h chỉ để tiễn một người bạn ra nước ngoài du học. Điều đáng nói ở đây là ngày ấy đang có bão, mưa lớn, gió mạnh. Thế mà thằng con của ông vẫn chấp hết, không coi đó là trở ngại. Khi ông chất vấn, nó lại tỏ ra lỳ lợm, cứng đầu
_Thằng này! Tại sao mày lại làm vậy hả?! – Ông hét lên
_Thì bạn con nó đi du học. Con muốn ra tiễn nó thôi mà bố?
_Mày có biết ngoài kia đang mưa lớn thế nào không?! Rồi mày xảy ra chuyện gì thì sao?
_Thì con chết thôi. Con làm, con chịu – Nó tỉnh bơ đáp lại với ông.
Tuy lì lợm như vậy, nhưng thằng thứ cũng là đứa có nhiều ý tưởng thú vị. Trong ba anh em, nó là đứa thích đọc sách nhất. Nó đọc rất nhiều sách vở. Thêm vào đó, do giao tiếp, va chạm xã hội nhiều, nó khôn lanh hơn, biết trân trọng gia đình hơn. Nó thường hay bày ra các trò trông có vẻ nhảm nhí nhưng đó lại là chất keo mang mọi người trong nhà đến gần nhau hơn. Vào ngày sinh nhật của một trong hai vợ chồng ông, nó sẽ kêu anh em làm thiệp chúc, rủ bạn bè nó tới nhà cùng chung vui, trang trí bí mật một góc phòng để mừng sinh nhật bố hoặc mẹ nó... Không cần những dịp gì, nó tự đi mua một bông hồng tặng mẹ nó, chúc mẹ nó luôn vui vẻ. Thỉnh thoảng, để kéo cả nhà ra khỏi buổi tối buồn tẻ bên cái tivi, nó đòi cả nhà cùng đi bộ dọc bờ biển, đi xem nhạc sống...Nó thật sự là một đứa rất thú vị.
Đối với ông, trong 3 đứa con, đứa con gái út là ông cưng hết mực hơn cả. Từ trước khi kết hôn, ông đã muốn có cho mình một đứa con gái. Khi thằng cả, đứa con đầu lòng của hai vợ chồng ra đời, họ hàng hai bên đều vui vẻ vì có con trai nối dõi. Nhưng riêng ông, ông vẫn có chút buồn lòng vì thật sự, ông mong có đứa con gái hơn là có đứa con trai. Ông càng muốn đạt được ước muốn của mình hơn khi 4 năm sau, ông quyết định sinh thêm đứa tiếp theo. Đứa thứ hai ra đời không phải là con gái. Một năm sau, ông lại cùng vợ cho ra đời thêm một đứa nữa. Nếu đứa thứ ba này không phải là con gái, không biết chừng, ông sẽ tiếp tục bảo vợ sinh đẻ thêm cho đến khi có được một đứa con gái mới thôi.
Những tấm ảnh về đứa con gái út này đặc biệt hơn những tấm chụp hai ông anh của nó. Cái máy ảnh Novacam I của ông chụp không được đẹp cho lắm, với lại, ông không biết gì về photoshop, chỉnh sửa hình ảnh gì cả. Vì vậy, ông ưu ái dẫn đứa út vào tiệm, để các thợ chụp ảnh chụp con gái ông thật đẹp. Sau này, thỉnh thoảng hai ông anh của nó lại lôi chuyện này ra để giận dỗi ông:" Sao hồi đó bố chụp ảnh cho nó đẹp vậy mà ảnh của con thì lại xấu quắc thế?"
Đứa con gái út của ông thuộc dạng trầm tính, không học giỏi như hai ông anh của nó, ít giao du với nhiều người. Bù lại, nó tỏ rõ là một người nội trợ đảm đang. Hai con chó lông xù ở nhà luôn sạch sẽ, thơm tho và gần như không có một con ve nào vì đứa út thường xuyên tắm rửa, bắt ve cho nó. Nhà cửa thường quét dọn, lau chùi sạch sẽ. Những kẽ hốc ít ai đụng tay tới, đứa út đều lau qua hết, không bỏ sót chỗ nào. Dĩ nhiên, đứa út rất thích nấu ăn. Nhưng, giữa đam mê và năng lực là hai khái niệm không liên quan nhau. Không ít lần, cả nhà phải ráng ăn những món mà đứa út làm thất bại: cá cháy, cơm nhão/ khô, thịt quá chín/ còn sống... Thằng thứ là đứa bộc trực nên nhiều lần nó nói thẳng con em mà không kiêng nể gì:" Mày làm đồ ăn kiểu này mà bảo tao ăn được à?" Mỗi lần như thế, nó đều bị ông la mắng lại, bênh vực cho đứa út cưng của ông:" Mày giỏi thì mày tự làm tự ăn đi! Em mày nấu cho ăn cực nhọc, không biết ơn mà còn nói cái giọng đó à?!"
Ngoài những tấm ảnh chụp về ba đứa con của ông, không ít album ảnh chụp những lần gia đình đi du lịch cùng nhau. Theo truyền thống, năm nào cũng vậy, khoảng mùng 3, mùng 4 Tết, hai vợ chồng ông sẽ thuê xe hợp đồng, tống 3 đứa con cùng hành lý lên xe và bắt đầu vi vu đến các tỉnh thành khác. Gần như, chưa có nơi nào trên đất Việt Nam này là không có dấu chân của gia đình ông. Từ Sa Pa, Lào Cai, Hà Nội đến Cà Mau, Cần Thơ, Vũng Tàu, nơi nào cũng có những tấm ảnh chụp lại 5 thành viên trong gia đình ông. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông có lẽ là chuyến đi Phan Thiết. Khi ấy, đứa út còn rất nhỏ, vẫn còn bú mẹ. Thế nhưng, ông vẫn làm liều. Trên chiếc xe Dream Thái được họ hàng cho, hai vợ chồng cùng 3 đứa con nhỏ đi một mạch từ Nha Trang đến Phan Thiết rồi trở về lại. Ông không chụp hình trong chuyến đi mạo hiểm đó, nhưng đối với ông, hình ảnh về chuyến đi đó sẽ mãi khắc sâu trong tâm trí ông.
Những tháng ngày cả nhà cùng nhau rong ruổi trên những con đường có lẽ giờ đã không còn nữa khi công việc của thằng cả không cho phép nghỉ lễ Tết lâu. Không còn nơi nào trên đất Việt Nam này có thể khiến ông và vợ ông muốn đi nữa. Cuộc sống cứ lặp đi lặp lại theo cùng một kiểu hết ngày này qua ngày khác. Sự buồn tẻ đang giết dần tâm hồn ông. Mọi việc tiếp tục diễn ra như thế cho đến khi ông nhận được một bức thư tay của thằng thứ. Thường ngày, nó vẫn hay gọi về nhà để hỏi thăm ông về tình hình gia đình, sức khỏe. Ông không hiểu sao, bây giờ nó lại gửi về nhà một bức thư tay nữa. Biết nó là đứa lăm trò, tò mò, ông cẩn thận xé bì thư ra và bắt đầu đọc:
Bố mẹ thân mến,
Con có thể nói những điều này qua điện thoại cho nhanh và đỡ tốn 3000 đồng tiền mua con tem của con. Nhưng, có lẽ bố mẹ sẽ nghe lỗ tai này và lọt lỗ tai kia nên con muốn viết ra bức thư này để bố mẹ có thời gian, suy nghĩ cân nhắc hơn. Ba anh em tụi con giờ đã lớn cả rồi. Con út và con đã có thể tự lo liệu được bằng cách đi làm thêm rồi. Bố mẹ không cần lo lắng gì nhiều đâu. Lớn cả rồi mà chứ con có còn là con nít đâu. Ăn bám bố mẹ hoài, tụi con áy náy lắm!
Nhân dịp nghỉ học vừa rồi, về lại nhà, con tình cờ thấy một đống album ảnh bố mẹ cất trong tủ đồ. Cũng rảnh, con ngồi xem hết đống ảnh đó. Tình cờ, con xem được một tấm ảnh trắng đen từ thời bố mẹ còn quen nhau. Ồ! Khi đó bố ngầu phết! Lái xe máy chở mẹ đi phượt cùng nhau thật là lãng mạn. Trong tấm ảnh ấy, con thấy cả hai người đều cười rất vui vẻ, nhiệt huyết tuổi thanh xuân căng tràn. Mấy chục năm sau, con nhìn lại hai người, bố mẹ vẫn cười nói vui vẻ đó, mà sao con lại thấy sự mệt mỏi, chán nản ẩn bên trong đôi mắt của bố mẹ. Sao bố mẹ không thực hiện ước mơ từ thuở nào của mình đi? Không biết động lực nào khiến con lôi tấm ảnh đó ra khỏi cuốn album, và, bố mẹ đoán xem con đã thấy gì ở mặt đằng sau tấm ảnh nào? Một dòng chữ hơi lem mực nhưng vẫn còn đọc ra được:" Sau này, chúng ta sẽ cùng nhau đi du lịch vòng quanh thế giới?" Bố mẹ còn đợi gì nữa? Không bao giờ là quá trễ để thực hiện ước mơ đâu. Con đã âm thầm báo cho anh cả và đứa út biết tin này rồi. Ba anh em con ủng hộ bố mẹ hết mình. Bố mẹ hãy đi đi, khi còn có thể.
Thân,
Con của bố mẹ.
Gấp bức thư lại, chợt nhìn quyển sách mà thằng thứ gửi về gần đây dù nó biết rõ rằng bố mẹ nó sẽ không bao giờ đọc hết "Xách ba lô lên và đi", ông im lặng, lấy một điếu thuốc ra hút, thở dài rồi vứt đi khi nó mới cháy được một nửa. Ông nói một cách chắc chắn:" Những điều chán nản này sẽ qua đi khi mình thay đổi, phải không?"