Gửi bài:

Ngoại ơi!

Năm tháng các cháu ngoại đều lớn cả sao ngoại lại cứ nhỏ bé hơn vậy ngoại, vẫn lủi thủi ngoài vườn rau, vẫn chăm chút thanh long mùa hoa...

***

ngoai-oi

Lưng ngoại đã còng rồi. Vốn dĩ nó không còng như thế nhưng sự vất vả lam lũ đã làm lưng ông như thế. Khi mà mùa gặt lúa thôi thúc gõ cửa từng nhà, ngoại tuy đã già nhưng vẫn hăng hái lao động lắm. Ở quê không chỉ lấy từng hạt lúa mà còn tận dụng rơm rạ để chăn nuôi, chính vì thế trong một lần chất rơm rạ thành cây dự trữ ngoại đã bị té và biến chứng lưng ngoại còng thêm.

Tóc ngoại bạc lắm rồi, lại còn thưa nhìn thấy cả da đầu như bị hói. Lưng ngoại còng lại càng thấy người nhỏ hơn ai hết, cái hình dáng ấy khắc sâu vào tâm trí các con, các cháu. Tuổi trẻ ngoại lao động nhiều, về già lại càng không chịu nghỉ ngơi, ngoại nói: " lao động như tập thể dục cháu à!". Có lẽ không làm một ngày thôi ngoại sẽ buồn lắm, dạo quanh vườn trồng rau, cây trái là chủ yếu. Mỗi lần về quê, tôi thích lắm cái vườn toàn trái cây của ngoại lắm, mỗi mùa mỗi thứ: nào bưởi, hồng xim, ổi, mận và cả thanh long nữa. Tôi khâm phục ngoại lắm, đã hơn 70 nhưng ngoại mài mò tìm tòi cách trồng thanh long rồi tự mình làm tất cả mặc dù các con cháu đã khuyên ngoại nghỉ ngơi tuổi già.

Nhớ lắm khi học xa nhà lâu lâu về quê thể nào ngoại cũng gói gém vài ba món quà quê vườn trồng cho cháu mang đi, ngoại cười nheo: "sinh viên cái gì cũng quý, mang ra làm quà cho mọi người cho vui". Ngoại vẫn như vậy, theo năm tháng tình cảm ngoại dành cho con cháu sao mà nhiều thêm, vẫn nhớ khi nhỏ dù trời mưa to trắng xóa, đường quê mà mưa xuống thì con đường đất đỏ nhão nhẹt, ai đi qua cũng phải quần cao quần thấp nếu không cũng bị lút mất dép,sống mới hiểu hết cái cực khổ thôn quê là thế nào. Ấy thế mà, ngoại vẫn che cái ô bé xíu, lội qua đoạn đường đất đỏ trước nhà tôi để vào trước sân gọi cháu ra ngoại cho bánh. Tôi không thể quên cái khoảnh khắc ấy, ngoại không kịp vào nhà vì chân dính sánh đất đỏ, lôi từ trong áo ẩm ra nửa phong bánh in đưa cho tôi. Thời đấy bánh in cũng là món quà ăn quý lắm đối với bọn trẻ chúng tôi, tôi tưởng chừng như vừa nhận phong bánh từ trong bếp lò ra, vì sao nó ấm quá giữa mùa đông lạnh lẽo ấy hay tại nó được ủ ấm bởi trái tim, tình thương yêu ông dành cho cháu. Vừa mừng, vừa nghẹn ngào thấy sống mũi cay xè khi ngoại quay lưng đi: "Ngoại ơi! Chiếc áo ấm đen đỏ thân thương ước hết rồi, không đủ ấm cho chiếc lưng còng của ngoại nữa rồi".

Ngoại tôi vẫn đi trên chiếc xe đạp cũ kỹ, ngay cả chiếc giỏ xe không còn nguyên vẹn, đã rách hết cả rồi, con cháu luôn nói ngoại có xe máy nên thôi đi xe đạp cũ ấy nhưng ngoại bảo thỉnh thoảng đạp xe để khỏe người và không nỡ xa nó bởi nhiều kỉ niệm thời còn khó khăn. Tôi thường đùa ngoại: "Xe có giỏ cũng như không ngoại ơi, cũng như xe không có kính vậy đó". Ngoại cười khà khà thấy rõ vết nhăn lớn: "Vậy mới hay đó cháu, chỉ cần bỏ cái bao lót vào trong khung là có giỏ xe tiện lợi ngay". Ôi! Tôi thấy ngoại nói đúng thật, nhưng luôn thắc mắc trong lòng tại sao ngoại không thay giỏ xe đi mặc dù không khó khăn gì, chiếc xe theo năm tháng giống như chiến binh đã nhiều vết thương lắm rồi ngoại à. Sau này tôi mới biết rằng ngoại không muốn thay bất cứ cái gì trên xe cả như chính con người ngoại vẫn không thay đổi theo thời gian.

Năm tháng các cháu ngoại đều lớn cả sao ngoại lại cứ nhỏ bé hơn vậy ngoại, vẫn lủi thủi ngoài vườn rau, vẫn chăm chút thanh long mùa hoa, vẫn hăng hái trong hoạt động văn hóa thôn, đêm đêm dạo thăm nhà các con một lượt để nói chuyện và cũng để hết thời gian cho một đêm theo ngoại là dài lắm vì ngoại đã khó ngủ hơn rồi.

Cháu lớn rồi, sao ngoại vẫn thế, vẫn mang lên cho cháu những món ăn của tuổi thơ ấy. Khi thì cái bánh, lúc lại trái bưởi, trái ổi bất kể trưa nắng hay trời mưa dầm dề. Bây giờ khi đã làm xa cách nhà cả ngàn cây số, cuộc sống đô thị không thiếu thốn thứ gì nhưng vẫn nhớ mùi vị khó quên mà ngoại mang đến cho cháu cả tuổi thơ ấy. Bây giờ, mỗi lúc về thăm quê, ngoại không thể rước cháu như hồi còn sinh viên nữa rồi, vì ngoại không còn đi xe được nữa nhưng ngoại luôn đợi cháu ở nhà để đưa ngay món đậu phộng ngoại trồng thu hoạch đã lâu nhưng vẫn để dành phần cháu về ăn.

Tôi vẫn luôn vuốt ve cái lưng còng, đôi bàn tay gân xanh nhăng nheo của ngoại, để biết rằng tôi thật hạnh phúc biết bao. Mỗi năm về thăm quê một lần vậy tôi sẽ gặp ngoại bao nhiều lần nữa đây? Tôi không dám nghĩ nữa và sẽ không bao giờ nghĩ về điều này bởi ngoại vẫn đang mang quà quê cho tôi ăn đấy thôi. Ngoại ơi!

 

Ngày đăng: 17/11/2014
Người đăng: kimoanh nguyen
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Gia vị người Thái Tây Bắc
Nhận khâu vá những con tim rách nat
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage