Gửi bài:

Lòng mẹ

"A ru hời ơ hời ru

Mẹ thương con có hay chăng

Thương từ khi thai nghén trong lòng

Mấy nắng sớm chiều mưa ròng

Chín tháng so chín năm, gian khó tính khôn cùng

A ru hời ơ hời ru"

Tôi bế trên tay đứa con của người bạn cũ, ầu ơ ru bé ngủ trong lòng mình. Lời ru đưa tôi về với miền ký ức thân yêu.

***

long-me

Khi tôi còn rất bé, tôi rất thích nghe mẹ tôi hát. Mẹ chỉ hát mỗi lần mẹ ru em tôi ngủ, hay những lúc mẹ ngồi sàng gạo. Khi mẹ sàng gạo, dáng vẻ của mẹ in đậm trong tâm trí tôi có sự nhàn nhã, ung dung, tự hào và hưởng thụ, bởi vì mẹ đang ngồi sàng lọc những hạt gạo do chính mình vất vả làm ra. Tôi hay ngồi cạnh mẹ xốc thẳng tay mình vào thúng gạo trắng ngần để những lớp cám gạo dính vào đôi tay mình rồi áp đôi tay vào má thật mịn màng, và tôi ngân nga hát nhẩm theo lời mẹ. Ngày đó tôi thuộc những đoạn nhạc không có tựa đề đến giờ tôi vẫn nhớ: "...em viết cho anh lá thư quê nhà, gửi tới tay anh, anh lính cộng hòa, thư em sẽ vượt qua sông núi tới tay người vẫn nhớ vẫn thương, từ ngày rời bỏ quê hương bước đi theo Mĩ, lơ duyên vợ chồng...". Tôi say sưa hát, đùa nghịch những hạt gạo rơi từ chiếc sàng xuống cái mẹt tròn và lắng nghe mẹ hát. Với tôi quang cảnh đó trong tuổi thơ rất êm đềm và hạnh phúc, đó là những giây phút ngọt ngào trong cuộc sống của tôi. Những đêm em gái tôi quấy khóc, tôi lại nằm trên chiếc tràng kỷ ngoài hiên, và lẩm nhẩm theo tiếng mẹ ru em da diết, thiết tha:"...ạ a ạ ạ ời!... ơ ơi...! Ru con! Con ngủ ơ...cho... ngoan, để mẹ đi cấy ơ... đồng xa... chưa về, ạ a ạ ạ ời! ơ ơi!..." Tiếng ru của mẹ khiến cho tôi trong giấy phút đó cũng mong muốn được bế trên tay đứa con của mình, tôi sẽ ru con như cách mẹ đã ru tôi ngủ mênh mang và nồng ấm: " ạ a ạ a ơi!..".Tôi thích mẹ tôi hát còn hơn những bài hát trên loa truyền thanh của xã. Mỗi lần đi theo mẹ đến các cuộc họp phụ nữ và nghe người ta biểu diễn văn nghệ, tôi luôn tự hỏi vì sao mẹ tôi không bước lên sân khấu và hát những bài mẹ vẫn hát cho tôi nghe. Mẹ tôi hát hay hơn tất cả những cô dì ở đó, mẹ là ca sĩ của gia đình. Tôi không hề biết lúc đó tôi đang được hưởng thụ những tiếng hát tuyệt vời, những tiếng hát mà sau này khi lớn lên tôi không bao giờ được nghe mẹ tôi hát lần nữa.

Mẹ tôi lấy cha và cùng xây dựng nên một gia đình năm thành viên chung sống. Gia đình tôi là gia đình nông dân khó khăn. Cha tôi không phải là người đàn ông hoàn hảo, ông bị câm điếc từ khi còn nhỏ. Vì vậy mà cha chỉ có thể phụ giúp mẹ việc đồng áng và khi không vào vụ mùa ông đi làm thuê tất cả mọi việc trên đời mà người ta thuê ông để kiếm tiền nuôi gia đình. Mẹ lấy cha, mẹ chấp nhận một mình gánh vác, chèo chống, trở thành trụ cột một gia đình. Mọi việc lớn nhỏ trong nhà tôi đều do mẹ quyết định. Tôi nhớ có một buổi chiều tối mùa hè, cả nhà sắp mâm cơm nhưng mẹ vẫn chưa về, bữa cơm in đậm trong tâm trí tôi, một nồi cơm bốc mùi thơm nghi ngút và trên mâm vỏn vẹn một bát canh rau khoai lang nấu với mắm tôm, món canh ưa thích ở vùng quê chúng tôi. Khi chuẩn bị ăn cơm, tôi thấy mẹ đi vào từ con ngõ dài, hình ảnh đó trở thành động lực giúp tôi trong cuộc sống sau này. Mẹ mặc chiếc quần đen rộng thùng thình, chiếc áo bà bà màu hồng nhạt đã phai thành màu trắng - áo cưới của mẹ. Mẹ bước vào nhà, đến ngồi bên mâm cơm và cởi bỏ chiếc nón tả tơi với bao lần mưa nắng, ánh mắt mẹ đỏ hoe, mẹ thở dài nhìn cả gia đình quây quần sum họp, rồi giọt nước mắt lăn trên khuôn mặt mẹ. Mẹ nói với chúng tôi, lúc đó vẫn còn là những đứa trẻ những uất nghẹn trong lòng.

- Mẹ vừa đi vay vốn xóa đói giảm nghèo, mẹ định vay 200 ngàn về mua lợn để nuôi. Nhưng người ta nói nhà mình nghèo vay rồi lấy gì mà trả, nên họ không cho vay.

Mẹ nói những điều này với mấy đứa trẻ con thậm chí còn chưa đi học như chúng tôi, vì mẹ không biết phải tâm sự và san sẻ nỗi lòng này cùng ai. Mẹ không thể chia sẻ cùng cha – người không thể nghe và không thể nói được. Mẹ đã không biết rằng những lời mẹ nói chúng tôi chưa từng quên, nó trở thành động lực cho sự trưởng thành của chúng tôi.

Mẹ tôi không biết đi xe đạp. Ngày đó gia đình tôi có một chiếc xe đạp dành cho nam giới, là kiểu xe có một thanh ngang nối từ yên xe đến cổ xe rất khó cho những người mới tập đi xe có thể ngồi lên đó. Tôi không nhớ mẹ đã từng tập xe lần nào chưa. Để có thể sắm được một chiếc xe đạp mới cho phái nữ với điều kiện gia đình tôi phải đến năm chị tôi bước vào học cấp ba mới thực hiện được. Không thể đi xe đạp là điểm yếu duy nhất của mẹ, nhưng nó cũng khiến tôi nhìn thấy ở mẹ một người phụ nữ đầy nghị lực. Vì gia cảnh khó khăn, nên khi rảnh rỗi mẹ tôi cũng đi buôn như người ta. Nói là như người ta nhưng người ta đi bằng xe đạp, còn mẹ tôi đi bộ. Để đón những chuyến hàng sớm người ta dậy lúc 5 giờ, nhưng mẹ với đôi chân của mình đã đi buôn từ 2 giờ sáng. Mẹ tôi kể, có những hôm mẹ đi trên đường vắng lạnh, qua những khu nhà hoang hay nhà tập thể từng cơn ớn lạnh chạy dọc sống lưng, cũng có nhưng khi mẹ bất chợt gặp trên đường những bóng người hối hả, mẹ đuổi theo gọi họ - nhưng họ không trả lời và tan vào màn đêm u mịch, mẹ giật mình tỉnh khỏi cơn mê hóa ra mình đang bị những linh hồn lang thang đùa giỡn. Nhưng nỗi sợ hãi không làm chùn bước chân của mẹ trên đường, bởi có một gia đình ở phía sau nhìn vào đôi chân mẹ, mẹ tôi vẫn đi buôn khi người ta vừa chìm sâu vào giấc ngủ hàng đêm – một mình – tất bật – hứng khởi. Bàn chân mẹ to và thô kệch, gót chân chai sạn và nứt nẻ, những ngón chân xòe như rẻ quạt, móng chân phồng lên dày cộp màu nâu đất. Đôi bàn chân đó đã đạp nhẵn những đường mòn đi đón hàng vào sáng sớm, đôi bàn chân đó đã bấm nát cả bùn đất dưới ruộng trong mùa đông lạnh giá. Đôi bàn chân mang vẻ đẹp của lao động vinh quang – đôi bàn chân của mẹ. Mỗi khi nhìn xuống đôi tông mòn gót được chắp vá đầy dây rợ, tôi mơ đến một ngày tự mình dẫn mẹ đến một hiệu giày sang trọng, đặt riêng cho mẹ một đôi giày vừa với bàn chân. Liệu tôi có tìm được một nơi đủ sang trọng để xứng đáng với đôi bàn chân của mẹ tôi không?

Khi tôi còn thơ bé, tôi là đứa trẻ ốm yếu nhất trong nhà. Mẹ kể mẹ sinh tôi vào một tối mưa bão tháng mười, để sinh được tôi mẹ đã rất đau, vì tôi có cái đầu to hơn những người bình thường, khi tôi đi học bọn bạn đã gọi tôi bằng biệt danh "trốc bom" ( đầu bom). Tôi sinh ra vào năm lũ nhấn chìm cánh đồng làng, nước mặn tràn vào khiến mùa màng thất bát, một năm đói kém. Gia đình nghèo lại càng thêm khốn đốn, mẹ và cha mải miết bận mưu sinh chỉ mong kiếm đủ khoai cháo nuôi gia đình qua những ngày cơ cực. Tôi lúc đó là đứa trẻ sơ sinh không có cha mẹ bên cạnh mình, tôi có một thân hình không cân xứng vì cái đầu quá khổ, mất mùa thiếu ăn lấy đâu ra sữa dồi dào để bú. Tôi trở thành đứa trẻ chỉ nằm mê man bất động mà không thể bước đi. Mẹ kể tôi nghe về những lo lắng của mẹ trong năm tháng đó, mẹ đã sợ đứa con này thành đứa trẻ tật nguyền, tất cả nỗi lo đã vỡ òa khi tôi chập chững những bước đầu tiên vào năm tôi hai tuổi. Tôi đã đi chậm hơn tất cả những đứa trẻ khác, nhưng bước đi đó chắc chắn hơn tất cả mọi đứa trẻ - mẹ tôi biết thế, vì mẹ đã không ngừng nuôi hi vọng con của mẹ sẽ tự mình bước đi. Tuổi thơ, tôi bị bệnh thận, để nuôi được một đứa con khó khăn như tôi mẹ đã rất vất vả. Tôi nhớ như in từng kí ức, những ngày tháng mà mẹ đã tìm cách chạy chữa cho tôi. Gia đình nghèo không có cái ăn nên thức ăn chính của nhà tôi lúc là canh rau muống, lúc mẹ lại muối cà dừa hay đôi khi muối cả dưa non để ăn dần. Nhưng tôi luôn được mẹ dành cho một thực đơn đặc biệt, chỉ riêng mình tôi được ăn cơm trắng với thịt nạc kho nhạt, để có thức ăn cho tôi, mẹ thường hay đi cấy thuê, đi gặt thuê, hay đi làm vườn hộ kiếm lấy tiền. Tôi nhớ một buổi sáng đẹp trời mẹ dắt tay tôi đi bốc thuốc nam của một thầy lang nổi tiếng. Tôi tung tăng bước cùng mẹ trên đường quốc lộ, bóng hai mẹ con lững thững đi bộ trải dài trên đường nhựa, nắng dần lên cao, cái nóng của miền trung phả lên con đường và phả vào chúng tôi. Dù là đi bốc thuốc, nhưng tâm trạng của tôi và mẹ đều rất vui, như chúng tôi đang trẩy hội. Mẹ vui vì mẹ có cơ hội và có đủ tiền đưa con mình đến bốc thuốc thầy lang nổi tiếng, tôi vui vì được đi bộ cùng mẹ trên cả con đường dài xa lạ, háo hức. Trên con đường dài sáu cây số đó, mẹ cùng tôi bước đi lặng lẽ trong tiếng còi tàu xe inh ỏi – chúng tôi ở một khung trời khác – khung trời chỉ có mẹ và con êm đềm, yên bình và thanh thản. Những khi tôi mỏi mẹ lại cõng tôi trên lưng, rồi khi mẹ mỏi tôi tung tăng bước đi cùng mẹ... Tôi nhớ có một đêm, tôi lên lên cơn đau bụng quằn quại. Mẹ lo lắng bế tôi đi trong đêm khuya vắng vẻ, bước chân mẹ hối hả, tôi ở trong vòng tay mẹ - nước mắt ngắn dài rên rỉ vì cơn đau âm ỉ cuộn lên mỗi lúc một dồn dập. Mẹ gõ cửa nhà bác sĩ Thành, người duy nhất mẹ biết, gõ cửa – gọi tên – chờ đợi trong im lặng – màn đêm tĩnh mịch đáp lại lời của mẹ. Mẹ bế tôi ra về khi cơn đau không còn nữa, tôi hớn hở nô đùa trong vòng tay mẹ. Bước đi của mẹ lặng lẽ, mẹ đang trải nghiệm về cuộc đời, cuộc đời của mẹ - ngày hôm nay mẹ đã không thể tìm cho con gái của mình một bác sĩ. Khi còn bé, tôi còn là một đứa bé bị lở loét, người ta nói tôi bị "mụn mạch lươn". Tôi không hiểu rõ sao lại là "mụn mạch lươn", chỉ là hai bên đầu tôi chỗ gần với thái dương bị mụn nhọt kinh khủng, nó mưng mủ và nhầy nhụa, giống hệt với trẻ con để kiểu tóc trái đào, chỉ khác là những đứa trẻ đó người ta cạo hết tóc chỉ để lại ba chỏm như ba quả đào, thì tôi cả đầu toàn là tóc chỉ để lại hai chỏm tóc không mọc được thay vào đó toàn mụn nhọt và mưng mủ. Mẹ nhìn tôi, đứa trẻ lắm bệnh tật không khỏi thở dài lo lắng. Người ta lại mách với mẹ, bị "mụn mạch lươn" thì phải dùng lươn để chữa, phải dùng một con lươn đem nướng chin rồi đắp vào chỗ bị lở loét. Một người mẹ thương con mù quáng, đã nướng chín một con lươn mà cả nhà chưa được ăn bao giờ, rồi đem đắp vào vết thương của con mình. Vì cách chữa đấy tôi bị nhiễm trùng nặng, một thầy lang trong làng đã chữa hết bệnh cho tôi. Nhưng cuối cùng trên đầu tôi hình thành một vết sẹo to bằng ngón chân cái, chỗ vết sẹo tóc không mọc lên được nữa. Bây giờ tôi đã thành một thiếu nữ tóc dài, mái tóc dài che đi vết sẹo. Vì vết sẹo tôi không thể thắt bím giống người ta, vì vết sẹo tôi không thể cột tóc đuôi gà, vì vết sẹo mà những khi búi tóc tôi luôn đưa tay lên thái dương của mình kiểm tra có để người ta trông thấy sẹo hay không? Nhưng nhờ vết sẹo hiện diện mỗi ngày làm cho tôi luôn nhớ, mẹ đã vất vả cơ cực đến mức nào để nuôi tôi khôn lớn – vết sẹo là dấu ấn của tình thương yêu vô bờ bến.

Mẹ tôi biết làm tính các phép nhân chia, mẹ tôi biết đọc nhưng tôi chưa từng thấy mẹ cầm cuốn sách, mẹ tôi biết viết – chữ của mẹ rất đẹp. Khi còn đi học cấp một, tôi thích được mẹ viết nhãn vở cho mình. Mẹ kể cho tôi, mẹ rất thích đi học, mẹ học cũng rất giỏi, lớp học của mẹ ngày xưa là những lớp bình dân học vụ để xóa mù chữ. Mẹ học hết lớp bốn thì nghỉ vì phải làm việc nuôi em trai của mình. Vì tiếc nuối một con đường học hành đang dang dở, mẹ cố gắng để chúng tôi đến trường dù hoàn cảnh khó khăn. Ngày đầu tiên tôi vào lớp một, đứng xếp một hàng để điểm danh vào lớp, tôi nhìn ra phía cổng trường và mẹ tôi ở đó, mẹ không phải đến để đưa tôi đi học như những phụ huynh khác. Trên vai mẹ là một đôi quang gánh, mẹ đang thu nhặt những bãi phân của trâu bò dọc con đường trước cổng trường về làm phân bón ruộng. Mẹ ngoái nhìn vào hàng tôi đang đứng trao cho tôi niềm an ủi vỗ về, tôi nhìn mẹ cảm thấy vững niềm tin. Tôi đi học lần đầu tiên như thế. Mẹ để chúng tôi đi học để tương lai cháu ngoại mẹ không phải nhìn thấy mẹ nó đi gom phân trên những con đường. Mẹ tôi mong chúng tôi được đến trường học đọc và học viết, học cả những con số và cộng trừ nhân chia để sau này ra cuộc đời không bị ai bắt nạt, mẹ mong những đứa con sau này có mỗi đứa một phương cũng có thể viết và đọc cho nhau những bức thư của chính mình. Chúng tôi đi học trở thành một gánh nặng. Vì gánh nặng đó, mà tuổi thơ tôi chứng kiến những lần thu hoạch lúa về mẹ lại gọi người đến bán, sau mùa lạc vất vả thương lái lại mang đi tất cả, hay những lần bán lợn được cả một cọc tiền mà cha muốn gia đình có một bữa ăn ngon nhưng cuối cùng không hề có. Tất cả những đồng tiền ấy mẹ đã đưa đi học cùng các con. Mẹ cứ cố cho chúng tôi thêm một lớp rồi lên một lớp nữa...Cái cảnh túng quẩn khó khăn mà tất cả tiền bạc lại dồn hết vào việc đến trường của chúng tôi cũng khiến người ta không vừa ý. Tôi nhớ người ta đã tụ tập trước sân nhà chúng tôi vào một buổi chiều và gọi mẹ cùng chúng tôi ra hội ý. Người ta nói chúng tôi con gái học làm gì, con gái học nhiều cũng chỉ để lấy chồng rồi sinh con, học nhiều sau rồi cãi chồng lại giỏi, chúng tôi đã đến tuổi có thể làm công nhân và đi học việc kiếm tiền, nhà nghèo thì nên dừng cái việc đua đòi này lại. Mẹ tôi đã không nghe nhưng lời "chân thành" đó, bà cứ "ngoan cố" tiếp tục giữ con gái trong vòng tay của mình và cho chúng được "đua đòi" đi học cùng xã hội. Tôi mãi biết ơn sự quyết tâm này của mẹ.

Khi còn chưa đi học, tôi thường được nghe mẹ kể chuyện mỗi khi đi ngủ. Ngày đó tôi hay lên nhà trên ngủ cùng mẹ trong lúc đợi cha đi làm về, vì tôi ngủ cùng cha ở nhà dưới. Mỗi khi chờ đợi tôi không ngủ mà bắt mẹ kể chuyện. Mẹ kể mãi cho tôi nghe chuyện Sọ Dừa, chuyện Tấm Cám và cả chuyện Lọ Nước Thần. Mỗi đêm vẫn ba câu chuyện đấy tôi nghe đến thuộc lòng nhưng không biết chán. Lúc tôi đi học, ngày tôi còn chưa mua nổi sách truyện đọc cho riêng mình, tôi ghi nhớ những câu chuyện được đọc trên lớp và trở về kể lại vào mỗi đếm. Câu chuyện " Chú gà trống chân chì" được tôi kể nhiều lần cho mẹ là câu chuyện đầu tiên tôi nhớ khi bước vào lớp một. Rồi tôi biết đọc, biết viết, ở xã tôi mở ra một trung tâm bưu điện nơi có những cuốn truyện cổ tích được đọc miễn phí. Tôi mượn chúng về và đọc vang vang những chuyện cổ tích từ trong sách vở cho mẹ nghe, mẹ đã nghe tôi đọc truyện và chìm vào giấc ngủ. Kể từ lúc ấy mẹ đã không còn là người kể chuyện. Khi lớn lên tôi luôn tự hỏi, nếu ngày xưa tôi không quá nhiệt tình và say mê đọc truyện đến như thế có phải tôi sẽ vẫn còn nghe mẹ kể chuyện mỗi đêm? Tuy vậy tôi cũng thấy vui mừng, vì ít ra tôi chưa từng làm được những việc lớn lao hay cao cả, nhưng tôi đã từng một thời thơ ấu đọc rất nhiều truyện cổ cho mẹ của tôi nghe.

Mẹ tôi chưa từng một lần ngồi bên cạnh chúng tôi hàn huyên và tâm sự, mẹ chưa từng cố gắng tìm hiểu tâm tư con gái của mình. Mẹ chưa từng chê tôi bất cứ điều gì mà tôi làm không tốt, mẹ cũng không khen tôi một lời trước những thành quả của bản thân tôi. Mẹ không động viên, cũng không đặt vào chúng tôi niềm kỳ vọng, mẹ không hắt hủi cũng chẳng dè bỉu chúng tôi. Nhưng chúng tôi trưởng thành không hư hỏng bằng những lời nói và câu chuyện của chính mẹ mà mẹ kể tôi nghe. Mẹ đã kể ngày xưa, mẹ phải đi ở chăn trâu cắt cỏ khi còn rất nhỏ để được người ta nuôi. Mẹ kể mùa đông lạnh giá mẹ đi chăn trâu về và gặm những củ khoai người ta để phần mình trong khi bên cạnh có một đống xương chất cao ngất vì bữa tối mà họ đã ăn. Mẹ kể người ta muốn có uống chè xanh miễn phí, nên ép buộc một đứa trẻ đi ở như mẹ chui hàng rào vào đồn điền trồng chè ăn trộm, lúc đó mẹ đã sợ bị bắn chết đến thế nào. Mẹ kể những tháng ngày đôi bàn chân trần bị thiêu đốt vì bước đi trên cát giữa trưa hè để bán cá. Mẹ kể đi buôn và bị người ta lừa gạt mất sạch tiền. Mẹ kể để mượn được con trâu cày một thửa ruộng, mẹ đã phải dành hai buổi đi làm không công vất vả...mẹ cứ kể những chuyện đã trải qua mà không cần một lời răn dạy hay chỉ bảo, chúng tôi hiểu và cứ thế lớn lên hoàn hảo. Tôi xông pha giữa cuộc đời đầy tự lập và lạc quan nhờ câu chuyện mẹ kể, mẹ kể rằng một người đàn ông nọ đi xem bói và biết mình sẽ bị trâu bò húc chết, ngày hôm đó người đàn ông đã ở hẳn trong nhà không bước ra ngoài, cuối cùng ông ta cũng bị đôi sừng trâu gác trên chạn bếp rơi xuống đâm thủng bụng mà chết. Mẹ muốn nói với tôi hãy cứ sống hiên ngang kiêu hãnh đừng bận tâm về tương lai mà bỏ quên hiện tại. Mẹ dạy tôi phải sống hết mình ngay khi mình còn được sống. Mẹ đã nói chúng tôi chỉ một câu thôi "khôn thì sống, vống thì chết", đó là cách mẹ dạy chúng tôi tự chịu trách nhiệm với cuộc sống của bản thân mình.

Chúng tôi ngày càng khôn lớn, mái tóc mẹ lại trắng nhiều hơn, đôi tay mẹ ngày càng chai sạn, và trên khuôn mặt ấy đầy nếp nhăn của những muộn phiền lo lắng, làn da ấy đã xuất hiện vết đồi mồi. Mẹ ngày càng già đi và già hơn rất nhiều số tuổi mà bà có, người ta bắt đầu gọi mẹ bằng chức danh "bà" trong khi các con mẹ đều đang đi học chưa hề lập gia đình. Tôi rời xa gia đình và ngày trở về nhìn mẹ tóc trắng bạc phơ, không còn minh mẫn nữa. Bao nhiêu mưa nắng từ những ngày xưa ngấm trong người mẹ, bao nhiêu khó nhọc và những tủi hờn mà mẹ chất chứa trong lòng, bao nhiêu lo toan và suy nghĩ cho tương lai của gia đình và con cái, tất cả giờ đã trỗi dậy nhấn chìm người mẹ của tôi, cướp đi dáng vẻ yêu đời và thần thái cương nghị, cướp đi sự quyết đoán, vẻ lạnh lùng và những cử chỉ yêu thương trìu mến. Tôi không còn được nhìn thấy mẹ ngồi sàng gạo, không còn nghe tiếng hát yêu đời của mẹ, không được nghe mẹ kể những câu chuyện ngày xưa. Mẹ giờ đã trở nên già yếu, đã đến lúc mẹ ngừng tranh đấu. Mẹ không còn là tiếng nói, không còn trụ cột, không còn là thuyền trưởng chèo chống gia đình qua những bão giông. Nhưng sự hiện diện của mẹ đã trở thành chỗ dựa vững chắc của chúng tôi, có mẹ bên cạnh mình khiến chúng tôi không ngừng nỗ lực đê vươn lên, có mẹ bên cạnh luôn cho tôi biết lúc mệt mỏi có một nơi tôi có thể tìm về, có những đứa con luôn muốn từng ngày trở thành niềm tự hào của mẹ. Cảm ơn mẹ vì mẹ vẫn bên con!

Tôi đã trưởng thành, đã bắt đầu lăn xả vào cuộc đời để mưu sinh kiếm sống, mỗi ngày nơi phương xa tôi luôn cầu nguyện về quê hương, cầu mong cha mẹ sẽ vẫn chờ đến ngày tôi trở về báo hiếu.Mẹ ở trong tôi mãi là người thông minh sống đầy nghị lực và kiêu hãnh, là người vợ đảm đang chỉ biết lo nghĩ cho gia đình, là người mẹ đầy những hi sinh cho tương lai con cái, là người thầy dạy tôi cách sống trong cuộc đời, là người phụ nữ tần tảo chịu thương và chịu khó. Mẹ hãy luôn sống khỏe mạnh chờ con trở về mẹ nhé!

"...Ngày xưa ấy con còn nhỏ bé
Chưa bao giờ xa mẹ tấc gang
Nay con cách trở quan san
Hướng về quê mẹ đôi hàng lệ rơi.

Con xa mẹ một đời thương nhớ
Bóng mẹ già, mình hạc xương mai
Ngày qua tháng rộng, năm dài
Mong con mẹ, những u hoài.

Quê hương đợi ngày về chưa thấy
Để mẹ buồn lau sậy xót xa
Mẹ ơi nước mắt chan hòa
Lời ru của mẹ ngân nga một đời

Con buồn nhớ mẹ, mẹ ơi!"

( Trích " Bài thơ dâng mẹ" – Tác giả: Sương Mai)

Thiên Bình.

Ngày đăng: 24/12/2014
Người đăng: Thiên Bình
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Future
 

Hãy để quá khứ trôi qua, tận hưởng hiện tại và đối mặt với tương lai

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage