Kẻ cắp giấc mơ
Mấy bữa nó mon men lại gần mẹ, muốn ỉ ôi xin mẹ cho nó thi, rồi lại chùn chân ôm bộ hồ sơ về phòng. Chị nó bảo, bớt mơ mộng đi em, ngày xưa chị cũng như mày, chị biết.
***
Tan học, nó về nhà với cái bụng đói meo. Nó lao vào bếp. May quá, còn hai miếng giò từ buổi trưa.
Nhà vắng teo vắng ngắt. Con Miu già nằm phơi bụng trên hiên, uể oải cựa mình, khẽ nghiêng cái đầu hé mắt nhìn cô chủ. "Mẹ đi đâu mà để cửa nẻo thế này". Chợt nghe có tiếng lạch cạch phát ra từ phòng nó, mẹ ở trong đấy chăng?
Nó nhún nhẩy vài bước chân, vặn nắm cửa kêu kèn kẹt. Trời, mẹ đang đứng bên bàn học của nó, môi mím cả lại. Dáng vẻ cau có và nghiêm nghị hệt như cô giám thị khi phát hiện ra mấy cái "phao chìm" trong ngăn bàn của thí sinh. Phải rồi, hẳn là cái dáng vẻ ấy, mẹ chỉ thiếu một cây thước gỗ nữa thôi. Tập giấy A4 dưới tay mẹ kêu roàn roạt, bày ra lần lượt những phác thảo người mẫu, nào là váy ngắn, nào là váy dài, nào là quần bò, nào là áo yếm...
Nó run run gọi: "Mẹ...mẹ..."
Mẹ cau mắt nhìn lên. Thôi rồi, giờ thì trước mặt nó là cô tổng phụ trách, mà nó là học sinh mắc lỗi đang bị đứng làm gương trước toàn trường trong giờ chào cờ.
"Con ơi là con, học không lo học, suốt ngày vẽ với vời. Năm nay thi đại học rồi đấy".
Nó mở to đôi mắt long lanh. Nhìn mẹ kìa, cặp lông mày cong cả xuống. Nó còn định tranh thủ lúc bố vắng nhà để nói với mẹ cơ mà.
"Vâng, con vẫn học đấy chứ. Nhưng...con thích vẽ lắm...". Nó hít một hơi đầy quyết tâm: "Mẹ cho con làm hồ sơ thi ngành thiết kế thời trang nhé", rồi nó toét miệng xum xoe, cái cổ hơi rụt rụt, cái mũi khẽ nhăn, hệt như mọi lần nó làm mầu vòi vĩnh. "Mẹ, đi mà mẹ".
"Cái gì?". Ảo tưởng của nó vỡ đánh ùm. "Trang với chiếc gì hả con. Học ngành đó rồi về xin việc ở đâu?".
Nó bịu môi, niu níu tay mẹ: "Con sẽ làm nhà thiết kế, mẹ vẫn thấy mấy cô người mẫu trên tivi đó, họ sẽ mặc đồ của con".
Mẹ nhìn nó như thể sinh vật vừa đáp xuống từ sao Hỏa: "Gớm, con xem cái Hà nhà ông Bẩy ấy, tốn một đống tiền cho nó đi học may, giờ về làm ruộng kia kìa".
Nó giẫy nẩy lên: "Mẹ so sánh lạ thế, học may khác, học thiết kế khác mà".
"Khác ở đâu?. Cũng là may may vá vá cả thôi. Các con cứ mơ mộng hão huyền", chợt nhận ra cái mặt ỉu xìu của nó, mẹ nắm lấy tay nó, nhẹ giọng: "Mẹ bảo này, con gái ấy, học một cái nghề ổn định, rồi lấy một tấm chồng, thế là bố mẹ mừng rồi".
Nó nghe lòng mình thở dài đánh thượt. Ôi, lịch sử lặp lại, lịch sử lặp lại. Cái ngày chị nó ôm gối rầu rĩ: "Bố mẹ bảo chị thi tài chính ngân hàng, ngành đó đang "hot", chứ học du lịch, khó xin việc", rồi mẹ nó làm hồ sơ, bố nó dẫn chị đi thi, cũng năm năm rồi đấy. Nó cố gắng học chăm hơn chị, nhiều thành tích hơn chị, để bố mẹ yên tâm về nó, cho nó tự do chọn lựa những thứ nó thích. Ngọn lửa hi vọng mới nhen nhúm thành hình đã bị một câu nói của mẹ làm cho tắt ngúm.
Nó xịu mặt, lại nghe mẹ nhấn nhá: "Chị con đấy, giờ làm văn phòng, lương cao, nhàn nhã, thế mới có thời gian chăm sóc gia đình, con cái chứ. Con còn nhỏ nên cứ nghĩ thích cái này thích cái kia thì sẽ làm được". Tiếng mẹ kéo ra đến tận cửa "Cuộc sống không đơn giản thế đâu con ơi", giăng giăng trước mắt nó một lớp sương mù.
Đến khi có tiếng còi xe tu tu ầm ĩ nó mới biết mình đã co chân ngồi trên lan can ngoài ban công. Mặt trời đang nhuốm đỏ cả một vùng, vô duyên vô cớ bị vắt ngang bởi một vài đụm mây xám. Nắng nấn ná chưa chịu về nhà, chừng như lại sượng sùng trước đôi mắt mênh mang của nó, chỉ dám lởn vởn rình rình trên bậu cửa, ẩn ẩn núp núp trong những vòm lá.
Con đường liên xã vào giờ tan tầm tấp nập người ngược xuôi. Lũ trẻ con tan học bám nhau đi thành hàng, í ới hồn nhiên, ngây thơ khúc khích. Mấy đứa nhỏ được bố mẹ đến đón, ngoan ngoãn ngồi sau xe, cái miệng cong cong ríu rít như con chim non, nào biết cuộc đời đơn giản hay phức tạp ra sao.
Gió nghịch chán chê trên tóc nó rối bù, bất thình lình kéo nhau xộc vào trong nhà. Nó nghe tiếng giấy rơi loạt xoạt, nhổm dậy, nhặt vội nhặt vàng những bản vẽ bay chấp chới bởi trò đùa của gió. Nó mơ về một cửa hiệu thời trang có tên "Ngọc Bích". Nó tưởng tượng ra viễn cảnh bố mẹ mặc những bộ đồ nó thiết kế, hãnh diện khoe: "Con gái tôi may đấy". Nó đã quyết tâm. Và nó đã hạnh phúc biết nhường nào.
Thời gian làm hồ sơ thi đại học đã đến. Giờ ra chơi, lớp nó nhốn nháo như cái chợ. Game, truyện, cờ ca rô bị quên bẵng, chúng nó túm năm tụm bẩy hỏi nhau: "Mày thi ngành gì, trường gì, làm bao nhiêu bộ hồ sơ". Chúng nó cười ha hả chuyện thằng Bình thi ngoại giao. Ôi trời, cái thằng suốt ngày cắm mặt vào sách, cạy răng không nói nửa lời. Chúng nó mắt chữ A, mồm chữ O nghe bí thư kể chuyện có ông anh họ đang làm kĩ sư phần mềm, mới ra trường mà đâu lương hơn chục triệu. Chúng nó vò đầu bứt tai, trời ơi, làm đến ba bộ hồ sơ rồi vẫn sai, tiếc tiền quá.
Nó vểnh tai nghe tụi bạn to nhỏ. Oài, sao chẳng đứa nào thi thiết kế thời trang cả. Mấy bữa nó mon men lại gần mẹ, muốn ỉ ôi xin mẹ cho nó thi, rồi lại chùn chân ôm bộ hồ sơ về phòng. Chị nó bảo, bớt mơ mộng đi em, ngày xưa chị cũng như mày, chị biết.
Con bạn cùng bàn đột nhiên vỗ vai nó bồm bộp: "Tao làm bốn bộ hồ sơ lận, còn mày?".
Nó tròn mắt: "Làm gì mà nhiều dữ?"
Nhỏ bạn cười khanh khách: "Mẹ tao bảo cứ làm đi rồi chọn dần".
"Mày chưa quyết định được hả?"
"Ừ, mẹ tao bảo thi sư phạm, bố tao lại bảo thi tài chính kế toán, anh tao thì bảo thi ngoại ngữ, nên tao cứ làm đại vài bộ".
"Mẹ tao bảo", "Bố tao bảo". Hừ, nó nghe mà phát cáu. Sau này bố mẹ bảo mày lấy một anh chàng chơi bời, lêu lổng, chỉ vì nhà anh ta mặt phố, bố làm to, mày cũng gật đầu à. Nó ngán ngẩm, rồi lại nghĩ mỗi đứa có một con đường, nó bây giờ cũng đâu có biết nên thi gì. Mà hôm nay bố về rồi. Bố về rồi.
Bố về. Mẹ làm một bàn đầy ụ thức ăn. Mực chiên, tôm hấp, toàn những món nó thích. Bố kể chuyện vào hoàng thành Huế, thăm lăng vua Khải Định, rồi đi Phong Nha – Kẻ Bàng, gặp mấy bác ngày xưa cùng đi bộ đội, cả chuyện chú Quý nào đó nó không biết mặt.
"Mấy chục năm không gặp, thằng lớn nhà nó ai dè lại bằng tuổi cái Bích nhà mình. Năm nay sẽ ra Bắc thi đại học đó".
Nó nghe tim mình đập nhanh một nhịp.
"Thế khi nào bố con chú ấy ra thì mời qua nhà mình chơi". Mẹ lúc nào cũng hiếu khách. "Mà thằng nhỏ thi trường gì thế ông?".
"Nó nói muốn học ngành quản trị kinh doanh, sau này về giúp bố quản lý cơ nghiệp".
Mẹ khen nức khen nở: "Ồ, thằng bé nghĩ thực tế quá, chả bù cho hai chị em nhà này, chỉ thích mơ mơ mộng mộng".
Nó đang vươn tay gắp con mực, nheo mắt cười. Mẹ khẽ lườm nó một cái, rồi quay sang bố kể tội: "Ông xem, hết chị lại đến em, giờ con bé này nó đòi thi thiết kế thời trang".
Con mực rơi tõm vào bát nước chấm. Trời đánh tránh miếng ăn, cơm đang ngon như thế mà mẹ đã cho nó lên đoạn đầu đài rồi sao.
Bố chắc cùng ý với mẹ. Nó hi vọng một phép màu.
Phép màu tránh nó. Giọng bố còn nghiêm hơn cả mọi ngày.
"Ăn cơm xong bố con mình nói chuyện".
"Dạ", nó nhai cơm mà như gắp rơm bỏ vào miệng.
Giờ G đã điểm. Bố con nó ngồi ở cái bàn ngoài hiên. Mẹ cùng mấy bà trong xóm đi họp chi hội.
Đèn ngoài hiên yếu quá, thỉnh thoảng lại lập lòe như con đom đóm. Bố chậm rãi uống trà, vừa đặt chén xuống bàn, nó đã sốt sắng: "Bố để con rót thêm cho nhé", rồi nhanh nhẩu cầm lấy cái chuyên. Bố nhìn nó tủm tà tủm tỉm, có lẽ giờ bố mới nhận ra đứa con út vụng thối vụng nát nhà mình cũng đã có chút người lớn.
"Con không biết chú Quý nhỉ?"
Hazz, bố nhắc đến chú Quý, chắc là muốn lấy đứa con trai chú ấy làm gương cho nó đây. Nó lúc lắc cái đầu: "Con chỉ biết chú ấy là bạn thuở nhỏ của bố thôi".
"Ừ, ngày xưa bố với chú ấy như hình với bóng".
Bạn nối khố của bố, bảo sao bố nhắc chú ấy hoài. Mà lạ, không phải chuyện về con trai chú Quý: "Chú ấy mồ côi bố mẹ từ nhỏ, ở với ông bà nội. Ông của chú Quý là thầy giáo Cảnh dạy Văn, bố hay lân la sang nhà nghe thầy ngâm thơ, kể chuyện. Thi thoảng bố cũng ngẫu hứng làm vài bài. Thầy bảo bố rất có tố chất trở thành nhà thơ".
Nó xuýt xoa, quên béng cả nỗi canh cánh trong lòng: "Vậy hả bố, thế mà con chưa bao giờ được đọc thơ của bố cả".
Bố cầm chén trà, mắt nhìn xa xăm, sao nó thấy giống mấy bậc thi sĩ trên phim thế, giá mà có thêm ánh trăng. Nhưng không phải, bố đang hồi tưởng: "Nhà ông bà con nghèo lắm, có khi ba ngày liền bố chỉ biết đến rau lang nấu lèo tèo vài hạt cơm. Lớn rồi bố đi bộ đội, ra quân thì lao mình đi làm, cầm lấy cây bút là chữ nghĩa nó bay đi đâu hết".
Nó thấy tiếc hùi hụi. Ngày xưa mà bố quyết tâm, thì giờ có phải nó là con của nhà thơ rồi không?. Ồ mà nói dại, bố thành nhà thơ nổi tiếng, làm sao gặp được mẹ, lấy đâu ra nó.
"Chú Quý thì chả thích văn thơ gì hết, chú ấy chỉ suốt ngày tháo tháo lắp lắp máy móc. Thầy Cảnh hiền như thế mà nhiều lần phải dùng roi mây để trị chú ấy cái tội làm hỏng quạt điện, máy bơm nhà hàng xóm".
Thời đó mấy thứ ấy quý giá thế nào, chú ấy cũng nghịch ghê. Tai nó lại dỏng lên nghe bố kể tiếp.
"Có lần, chú Quý được ông nội đưa lên phố chơi. Lúc về chú ấy hào hứng lắm, kể biết bao chuyện. Rồi chú ấy hùng hổ tuyên bố : "Sau này tao sẽ mở một cửa hàng bán xe máy, con xe nào đẹp là tao có con xe ấy". Bọn trẻ trong làng cười rộ lên, nghe như chuyện viễn tưởng. Chúng nó bảo: "Nhìn lại mày đi, cơm ăn còn chẳng đủ, bụng với lưng dính cả vào nhau mà còn bày đặt". Rồi cứ hễ thấy chú ấy dắt trâu ra đồng là bọn nó hùa vào trêu: "Ê, ông chủ, xe máy đâu mà lại đi sau đít con trâu thế này". Chú ấy nóng tính nhưng bộc trực, vỗ vỗ ngực: "Sẽ có ngày tao cho chúng mày biết"".
Nó bị câu chuyện của bố cuốn đi một cách say sưa, đột nhiên bố dừng lại làm nó sốt ruột: "Thế rồi sao hả bố?".
Bố lại nhấp một ngụm trà: "Ừ, chuyến đi vừa rồi đấy, qua mấy người bạn đồng hương, bố mới gặp lại chú ấy. Con biết không, giờ chú ấy không phải chỉ có một cửa hàng, mà là một chuỗi cửa hàng bán xe máy, ô tô, đồ điện tử các loại".
Nó reo lên thán phục: "Thật hả bố, chú ấy giỏi quá".
Bố đặt chén trà xuống, đôi mắt nhìn nó vừa nghiêm khắc, vừa bao dung: "Tại sao bố kể chuyện này cho con, con có hiểu không?".
Nó ngẫm nghĩ, gật gật rồi lại lắc lắc, nó hiểu, mà hình như cũng không hiểu lắm.
"Ngày xưa, chị con đòi thi ngành du lịch, bố không cho là bởi vì bố thấy chị con giống như bố ngày xưa, không có một mục đích rõ ràng, chỉ là adua mà thôi. Người làm cha làm mẹ, thì phải có nghĩa vụ định hướng cho con cái những bước đi đúng đắn. Nhưng con thì khác, bố thấy trong con cả một sự quyết tâm và phấn đấu".
Tâm trí nó bắt đầu quay cuồng nhảy múa. Nó có nằm mơ không?. Bố đang nói gì vậy?.
"Kẻ cắp giấc mơ của con ở khắp mọi nơi, có thể là người thân, bạn bè của con. Nhưng kẻ cắp nguy hiểm nhất lại chính là bản thân con. Một khi con đã có đam mê, có ước mơ, thì hãy giữ vững niềm tin mà theo đuổi nó".
Nó ngồi ngẩn ra. Vậy là sao?.
Niềm vui quá đỗi khiến nó mụ mị cả đi. Phải mất một lúc nó mới lấy lại tinh thần. Lòng nở đầy hoa, nó thầm thốt lên.
Bố ơi, con hiểu rồi.
Con hiểu rồi.
Nhung Phạm -150721