Gửi bài:

Hai chiếc bánh chưng ngày Tết

Xóm tôi trước nay cũng là một xóm nghèo trong làng. Làng tôi lại là làng nghèo nhất huyện. Huyện cũng lại là huyện nghèo nhất tỉnh. Và nhà tôi, thuộc diện nghèo nhất trong vô vạn những ngôi nhà nghèo ấy.

Không phải bố mẹ tôi không chịu làm. Mà làm mãi cũng không đủ ăn. Vẫn đói. Mỗi lần xin tiền đóng học, bố đều nói an ủi tôi, do cái số. Lúc ấy, tôi chẳng hiểu nổi số má là gì. Chỉ thấy thương bố quá chừng.

***

hai-chiec-banh-chung-ngay-tet

Mẹ tôi mất sớm. Khi em trai tôi mới năm tuổi. Giờ nó đã mười hai rồi. Tôi hơn nó có một tuổi. "Hơn một tuổi chỉ gọi mầy – tao thôi". Nó bảo tôi thế. Nhà đã nghèo, còn mình bố, bố chật vật với hai anh em tôi. Tài sản cả gia đình chỉ có con trâu "lớn". Tôi gọi nó thế vì nó to lắm, bụng béo lắm. Hàng ngày, bố lôi nó đi cầy thuê. Cứ từ sáng đến tối mịt, bố mới về. Cũng sẽ không đến nỗi khổ sở lắm nếu như tôi không đi học. Nhưng bố nhất quyết bắt tôi học. Tâm nguyện cuối cùng của mẹ trước lúc mất là nuôi tôi học nên người, có tiền trả nợ thay bố. Vì tôi học rất giỏi. Nên mẹ đặt cả hi vọng vào tôi. Còn thằng Tí, nó không thích học. Dù vậy, nó vẫn luôn vỗ ngực tự hào. Nó bảo: "Nhà mình nghèo, chỉ được một đứa học. Tao nhường mầy đó. Liệu mà học nghen". Nghe oai như cóc vậy.

Học hết năm lớp 6, tôi bỏ. Cô giáo tiếc tôi học giỏi, đến tận nhà xin bố tôi cho tôi đi học. Cô xin giảm hết mức có thể học phí cho tôi. Tôi không chịu. Một mực đòi bỏ. Cô về, bố đánh tôi. Tội lì lợm. Rồi ông ngồi thụp xuống, hai hàng nước mắt chảy dài trên gương mặt sạm đen đầy chi chít những nếp nhăn rám nắng. Bố nói bố có lỗi với mẹ. Có lỗi cả với tôi. Thằng Tí thì chạy vào góc buồng, hình như cũng sụt sịt. Rồi bố đi, nó xông ra đấm tôi: "Thằng ngu. Ai cho mầy bỏ học. Tao méc mẹ mày bỏ học. Huhu". Tôi đứng chết chân giữa nhà. Cái chổi lúa trên tay đã bị rụng đi tầm mấy chục sợi rơm. Vẫn không thay đổi quyết định.

Từ ngày bỏ học, tôi đi phụ hồ cho anh con nhà bác. Bác tôi làm thợ xây. Cũng cực lắm. Nhưng bác bảo: "Mầy không học thì mày theo tao". Thằng Tí thì vẫn công việc đi chăn trâu thuê cho mấy nhà nhiều trâu trong xóm. Cũng chả được bao nhiêu. Nhưng ít nhất, nó không bắt bố phải nuôi nó. Nó ăn cơm luôn ở nhà người ta. Hoặc được đồ nấu sẵn mang về ăn cơm nhà. Rồi thỉnh thoảng còn mang cả tiền về cho bố. Bố cười, nếp nhăn ở khóe mắt và trên trán, hằn rõ sự vui sướng đến khắc khổ.

Không phải nuôi tôi học nữa, bố cũng nhẹ gánh. Tôi đi phụ hồ, chắt chiu cũng giúp được bố thêm phần nào. "Bây giờ thì chỉ còn trả một cục nợ nữa là khỏi nghèo". Bố hay bảo tôi vậy. "Cục nợ" ấy có từ ngày ông còn chịu chân nợ địa chủ cơ. Lại cộng thêm cả thời gian mẹ ốm, thuốc men cho mẹ hoài nhưng không khỏi. Nợ cũ chưa trả xong. Lãi đẻ lãi. Lại cộng cả nợ mới. Càng đẻ thêm lãi. Bố con tôi làm mãi, chỉ trả được lãi, không đủ trả gốc, cũng không hết nghèo.

Dạo gần đây, thằng Tí có quen một con bé trong làng, tên Nhi. Nhà con Nhi cũng nghèo. Nhưng vẫn khá hơn nhà tôi. Con Nhi hay đi chăn trâu cùng thằng Tí. Nhà nó có ba con trâu liền cơ. Thằng Tí hay giúp nó chăn một con nên có vẻ con bé cũng mến thằng Tí. Thằng Tí còn biết thổi sáo nữa. Con Nhi cứ nghe tiếng sáo là tít hết mắt vào. Thằng Tí rủ con Nhi qua nhà tôi ăn cơm chung. Con Nhi cũng khoái, đi liền. Con Nhi từ đó dần thành khách quen của nhà tôi luôn. Thỉnh thoảng có con tép, con tôm, con nhộng rang, nó lại bắt mẹ nó gói vào tờ giấy mang sang nhà tôi ăn chung cho vui. Hồi đầu mới đến nhà tôi, con Nhi chỉ quấn riết lấy thằng Tí, xem nó chơi quay, chơi bi, chơi đáo. Rồi sau nó cũng lân la sang nói chuyện với tôi. Thấy bảo tôi học giỏi, con Nhi thích lắm. Nó cũng thích đọc chữ. Thích viết nữa. Nhà nó có ba chị em gái, lại nhiều trâu, bận, rồi cũng chẳng có tiền, chẳng được đi học. Tôi kêu nó mua vở sang tôi, rảnh tôi kèm nó học. Tôi sẽ dạy nó tập đọc, tập viết. Kể ra, tôi cũng thấy vui vui. Cứ như mình được làm thầy nó. Ôi! Nghề thầy giáo! Cá nghề cao quý nhất mà tôi cũng hằng mơ ước!

Con Nhi mua hai quyển vở bìa hồng. Rồi hàng ngày, nó đều mang vở qua nhà tôi học. Con Nhi học nhanh lắm. Càng học nhanh nó lại càng mê học biết chừng nào. Rồi nó thưa dần đi cùng thằng Tí. Mỗi lúc buộc trâu ngoài đồng, nó lại ù té chạy về nhà để hỏi tôi những chữ nó lỡ quên. Có lúc, tôi đang xách vữa, nó cũng vù vù chạy lại gọi tôi ầm ĩ, làm tôi có lúc còn tưởng có chuyện gì xảy ra. Ai dè, nó quên mất chữ ấy phát âm thế nào.

Tôi với con Nhi từ đó, ngày càng thân hơn. Thằng Tí hình như có vẻ buồn. Nó giận tôi ra mặt. Về nhà, nó lẳng lặng ăn cơm, không nói năng gì với tôi. Tôi hỏi nó, nó đều đáp lại cho có. Tối ngủ, nó cũng nằm cách tôi một góc rộng, để chừa ra nửa cái giường ở giữa, hai đứa hai góc. Tôi hiểu ý, tìm cách xa xa con Nhi. Tôi kêu nó học quen rồi thì tự học đi. Tôi không dạy nó nữa. Con Nhi buồn trông thấy. Nó vẫn đến tìm tôi. Tôi lấy lý do bận không gặp nó. Rồi có bữa, chiều đi làm về, tôi thấy nó ngủ gật cạnh đống rơm trước cửa nhà tôi, tay vẫn cầm cuốn vở viết. Bố nói nó bỏ chăn trâu, đến từ sáng đợi tôi, nhưng không chịu vào nhà. Nó đòi chờ tôi về. Tự nhiên, tôi thấy thương nó quá chừng. Kể ra, tôi cũng thích thích nó. Tính con Nhi dễ thương lắm. Chỉ có điều, tôi biết thằng Tí thích nó, tôi lại là anh, nên tôi nhường nó. Chẳng lẽ anh lại đi tranh với em. Mà con Nhi quen thằng Tí trước. Tôi được đi học nên cũng hiểu đạo lí trước sau lắm. Nghĩ thương nó, tôi dìu con Nhi vào nhà. Nó mếu máo: "Sao anh Tường không thích chơi với Nhi nữa. Anh Tường không dạy Nhi nữa sao sau này Nhi trở thành cô giáo được. Huhu. Huhu". Nghĩ đến cái ước mơ bé nhỏ xa vời của nó. Nghĩ đến cả ước mơ bị chôm vùi của mình trước đây, tôi không nỡ từ chối nó nữa. Tôi lại dạy học nó như trước. Đến đây thì thằng Tí ghét tôi ra mặt. Nó không cho con Nhi vào nhà tôi nữa. Vậy là mỗi lần học, con Nhi với tôi lại phải ngồi cạnh đống rơm trước nhà đọc bài. Không thì phải trốn ra đồng, vừa chăn trâu vừa học. Có lần, tôi với con Nhi đang học. Tôi cười vì nó đọc sai: nó cứ nhớ "chữ ơ có mũ chữ ô có râu" thì thằng Tí ném quả ối cắn dở từ trong nhà ra trúng phóc đầu tôi. Đầu tôi sưng u như trái ổi. Con Nhi lườm thằng Tí rách mắt. Nó chính thức tuyên bố ghét thằng Tí từ đấy. Bố về lại mắng thằng Tí. Nó đâm ra thù hằn tôi nặng hơn. Đến lúc này thì tôi chẳng biết làm cách nào để nó khỏi ghét tôi nữa.

Gần dịp Tết, tự nhiên người tôi nổi lên một số nốt mụn. "Có lẽ tôi bị dị ứng". Bố nhìn những nốt đỏ rồi bảo tôi. Bố bảo để bố đi hỏi người ta xem chữa như thế nào bố đi lấy lá thuốc về đắp cho. Con Nhi thì cứ nhìn tôi thương thương. Nó cứ luôn miệng hỏi tôi có ngứa hay đau không. Nó mang cho nhà tôi hai cái bánh chưng – hai cái bánh đầu tiên nhà nó gói. Sau một trận mắng, cuối cùng nó cũng bắt được mẹ nó cho luộc trước hai cái mang cho tôi. Nó biết tôi và thằng Tí đều thích ăn bánh chưng. Nó bảo tôi: "Ráng ăn là hết mụn". Nó còn bảo quý nhất nó mới mang cho đấy. Dù rất thích bánh chưng, tôi vẫn để dành, chờ thằng Tí ăn cùng nữa.

Không hiểu sao, càng ngày mấy nốt mụn của tôi càng to, mẩn đỏ và ngứa hơn. Đợt này gần tết, bố bận cày bừa cho nhà người ta nên kêu thằng Tí đưa tôi sang nhà bác Hậu – thầy thuốc trong làng khám. Tôi nằm trong buồng, người khó chịu vì mẩn. Thằng Tí ở ngoài chăm chú nghe bác Hậu nói về bệnh tình của tôi. Nó đưa tôi về rồi bảo: "Bác ấy bảo không sao đâu. Mày ăn bánh chưng là khỏi". "Thật hả? Ăn bánh chưng là khỏi sao?". "Ừ. Tao nhường mày cả hai bánh con Nhi cho đó. Mày ăn cho mau khỏi còn dạy con Nhi học bài. Tao không ghét mầy với nó nữa rồi". Tự nhiên, mắt tôi ậng ậng nước. Nó tốt với tôi quá. Thế mà có lúc, tôi định giành con Nhi của nó. Tôi là một thằng anh tồi.

Về nhà, nó bóc bánh, bắt tôi cố ăn bằng hết. Trưa với tối, nó khoán tôi phải ăn xong thì nó cho tôi thêm cả chục viên bi xanh của nó nữa. Tôi đồng ý. Ăn cho bằng hết. Nghĩ không phần nó miếng nào cũng tội tội. Nhưng tôi lỡ ăn hết rồi biết sao. Tối hôm ấy, tôi với nó chơi bi thật vui. Như chưa hề có lúc nó ghét tôi.

Sáng hôm sau, tự nhiên người tôi nổi đỏ khắp người. Mụn chi chit chì chịt. Toàn những mụn to. Đỏ, ngứa, rát và đau. Kèm cả theo sốt. Tôi nằm li bì, người đau đớn đến khó tả. Con Nhi thấy tôi sợ quá, chạy đi gọi bố tôi. Bố đang cày dở, vội dắt trâu về xem tôi thế nào. Sờ trán tôi, sờ người tôi, đều nóng như lửa đốt. Con Nhi, thằng Tí đều hốt hoảng, lo lắng. Bố trườm khăn lên trán, lên người tôi. Rồi mời bác Hậu đến khám. Bác hỏi kĩ càng tình trạng của tôi rồi nói cơ thể tôi nóng, dễ nổi mụn, phải kiêng đồ nếp. Vậy mà tôi còn ăn hẳn hai cái bánh chưng, nóng bộc phát thành mụn khắp người kèm theo nóng quá phát sốt. Nếu không tiêm, không đỡ được. Tôi phải tiêm mất ba ngày thì mới đỡ.

Thằng Tí, tối hôm ấy, bị bố đánh cho một trận. Biết tôi phải kiêng mà còn cho tôi ăn hẳn hai cái bánh chưng. Còn tôi bị mắng. Tham ăn nên mới đến nông nỗi như này. Tôi nhìn thằng Tí, ghét nó vô cùng, muốn mau khỏe lại mà đấm cho nó một trận. Con Nhi thì cảm thấy áy náy vì cho tôi bánh, mà thực ra thì nó không có lỗi gì cả.

Sau khi tôi khỏe lại, thằng Tí lôi tay tôi với con Nhi ra góc đống rơm. Nó xin lỗi rồi bảo tôi đấm nó một trận đi. Vẫn cái vẻ giả anh hùng oai như cóc của nó làm tôi lộn ruột. Tôi giơ tay định đấm nó mấy quả cho bõ ghét. Thì từ bên trái, con Nhi kéo cánh tay tôi lại. "Không ai có lỗi, tại bánh của em, bánh của em thôi. Anh Tường đừng đánh anh Tí mà. Anh Tí không cố ý đâu" rồi quay sang bảo thằng Tí: "Em vẫn thích chơi với anh Tí mà. Anh Tí lần sau đừng làm vậy với anh Tường nữa. Anh ấy đau lắm đấy". Không biết nó học ở đâu ra cái giọng điệu người lớn ấy mà nói dõng dạc lại ngọt như mía lùi, khiến tôi và thằng Tí "đứng hình". Nó cầm tay hai anh em tôi: "Em thích anh Tường dạy em học. Em thích anh Tí dạy em chơi bi, thổi sáo. Nói chung, Nhi thích cả hai anh. Hai anh đừng giận nhau nữa. Lát em mang tép rang với châu chấu rang sang nhà hai anh ăn cơm nghen". Tôi và thằng Tí trợn mắt nhìn nhau rồi như chợt hiểu ra: "Anh em dù có chuyện gì cũng không nên tranh giành nhau. Mà phải cùng nhau đoàn kết, chia sẻ".

Kể cả con Nhi. Nó cũng là của hai chúng tôi.

Ngày đăng: 17/02/2016
Người đăng: Quỳnh Quỳnh
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Romeo&Juliet
 

Các nhà văn viết chuyện ái tình chứ đâu có viết chuyện hôn nhân. Do đó tôi vẫn tin rằng mối tình Romeo và Juliet sở dĩ trở nên tuyệt đẹp bởi cả hai đã chết trước khi họ kịp lấy nhau và nàng Juliet chưa có dịp nấu mì gói cho Romeo

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ - Nguyễn Nhật Ánh

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage