Đổi ngôi
Còn nói về các bà xã thì bà nào cũng vậy thôi, mình là đàn ông cũng phải sống quảng đại, vị tha với họ, họ là phụ nữ mà!
***
Đêm đã khuya, Hải nằm bên vợ trằn trọc không sao ngủ được. Anh lay Hiền dậy nói khẽ:
- Anh có chuyện muốn nói với em bây giờ.
- Nhưng chuyện gì? Để mai nói có được không, em buồn ngủ quá.
- Chuyện tinh giảm biên chế ở cơ quan anh! Anh bị cho thôi việc đợt này!
- Anh nói sao? Anh phải nghỉ việc ! – Hiền sửng sốt ngồi bật dậy.
- Ừ trưởng phòng vừa báo cho anh chiều nay.
- Ôi ! Thế thì mình biết xoay sở ra sao đây anh? Cái Minh cũng sắp vào cấp 3 rồi, chi tiêu ngày một nhiều, chợ búa của em dạo này cũng ế ẩm quá! Anh có cách gì, có ai thân quen nhờ họ chạy cho liệu được không anh?
- Anh cũng nghĩ nát nước từ chiều đến giờ, mình thân cô, thế cô, vả lại cũng đi làm mới được vài năm, tiền vợ chồng mình lo để chạy việc mãi năm ngoái mới trả hết được cho ông bà ngoại, tất cả em biết rồi đấy, chạy bây giờ là phải tiền, mà tiền rồi một thời gian họ lại sa thải thì liệu có ổn không?
- Ừ em biết lắm chứ, nhưng mình cũng phải cố nghĩ cách anh ạ!
- Thôi để rồi anh cố tính xem thế nào, hiện em đừng cho hàng xóm biết là anh bị nghỉ việc nghe chưa? Anh sẽ cố tìm việc mới.
- Em biết rồi, nhưng liệu giấu được bao lâu?Thế có cho con Minh biết không?
- Tuyệt nhiên là không, nó còn bé, niềm tự hào của nó với bạn bè chòm xóm là có bố làm trên huyện, giờ bảo bố bị cho nghỉ việc chắc nó sẽ rất buồn, rồi bạn bè chúng nó trêu trọc, khích bác sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của nó em ạ! Hãy giữ kín chuyện này, sau dần dà anh sẽ tìm cơ hội nói chuyện với con.
Đã một năm trôi qua kể từ ngày Hải nghỉ việc, anh đã đi xin việc ở khắp nơi mà vẫn không có nơi nào nhận. Những đồng tiền được cơ quan cũ thanh toán một lần anh cũng đã tiêu hết. Hàng ngày anh vẫn dậy sớm dắt xe ra khỏi nhà, giả như anh vẫn đi làm bình thường. Anh dành hết thời gian chạy khắp nơi để tìm kiếm việc làm. Rồi chuyện anh mất việc cũng đến tai hàng xóm, người ta xì xầm bàn tán sau lưng anh, có người tỏ ra thương xót cho anh, cũng có người chê bai này nọ, khiến cho Hải càng thấy buồn chán vô cùng. Anh quyết định phải công khai việc bị nghỉ việc cho mọi người biết. Và người đầu tiên anh cho biết đó chính là Minh – Cô con gái của anh, năm nay Minh đã học lớp 8. Sáng nay chủ nhật, lựa lúc vợ đã đi chợ, Hải chủ động gọi con đến bàn uống nước nói chuyện. Thoạt tiên Minh tỏ ra bối rối và lo lắng khi thấy bố gọi ra hỏi chuyện. Nhìn nét mặt con, Hải đoán biết sự lo lắng của con, anh khẽ khàng gợi mở câu chuyện để trấn an cho con:
- Minh này, hôm nay bố muốn nói chuyện này với con, đó là chuyện của bố chứ không phải chuyện về con.
Minh ngước đôi mắt thơ ngây nhìn bố vẻ hoài nghi, nét mặt vẫn rất căng thẳng:
- Dạ là chuyện gì vậy bố?
- Bố nói giả thử thế này nhé – Hải lựa lời – Giả thử như bây giờ bố bị nghỉ việc không đi làm ở cơ quan nữa thì con nghĩ sao?
- Dạ! Con nghĩ như thế bố và cả mẹ nữa sẽ rất buồn đúng không ạ? Nhưng mà sao bố lại hỏi thế, con không hiểu ý bố.
Hải ôm lấy con, xoa đầu nó nói:
- Ừ, tất nhiên là bố mẹ rất buồn, nhưng có những việc nó nằm ngoài ý muốn của chúng ta con ạ! Hôm nay bố phải nói thật với con về chuyện này, thứ nhất là giờ con cũng đã lớn, có thể cùng chung tay chia sẻ trách nhiệm với bố mẹ được rồi, thứ hai là bố không muốn kéo dài việc phải nói dối con mãi nữa. Sự thật là bố đã phải nghỉ việc năm trời nay rồi con ạ!
Minh nghe vậy nó xoay người lại nhìn thẳng vào bố, mặt nó tái đi, nó ấp úng:
- Trời ơi! Thì ra cô Hân và thằng Nhã nói đúng! Bố bị mất việc thật ạ!
- Thật con ạ! Thế cô Hân và thằng Nhã nói gì hả con?
- Cô Hân và thằng Nhã nói với con từ lâu rồi, là bố bị cho thôi việc ở huyện nhưng con không tin, vì con không thích cô Hân, cô ấy hay thóc mách mọi chuyện, còn thằng Nhã nhà nó sát vách nhà mình, con tưởng nó ghét con nên nó nói thế. Vậy mà lại là thật! Con thương bố quá! – Con bé đã bật khóc sụt sịt.
- Con ạ! Sự thật thường là chua xót thế đấy, bố cũng không ngờ cơ quan giảm biên chế nhiều đến vậy, con tha thứ cho bố vì lâu nay bố đã dối con. Bố nghĩ mình cố gắng chạy vạy, chờ xin được việc rồi sẽ nói cho con rõ, không ngờ một năm rồi bố không xin được việc. Bố thật là vô dụng!
- Không con không trách bố đâu, con thương bố rất nhiều. Khi nghe cô Hân nói thế, con không tin nhưng vẫn ngầm để ý chuyện của bố mẹ. Thảo nào mà lâu nay con không thấy bố đưa tiền lương cho mẹ. Trước ngày thi thoảng lĩnh lương về bố thường tiện đường mua thức ăn, thi thoảng bố còn tìm mua những quyển truyện cho con, nhưng lâu rồi con cũng không thấy bố làm như thế nữa, rồi sáng nào bố cũng đi sớm không ăn sáng ở nhà, thì ra là bố đã nhịn cả ăn sáng. Với mẹ, con cũng thấy mẹ khác xưa, khi vắng bố, mẹ hay thở dài, nhiều tối ngồi thẫn thờ bên bàn học của con. Rồi mẹ hay ca thán về giá cả chợ búa đắt đỏ, buôn bán ế ẩm. Đến bữa ăn mẹ mắng con chỉ vì những việc đâu đâu bố ạ! Hóa ra là bố bị mất việc!
- Thì ra con cũng đã mơ hồ nhận biết những chuyện của bố mẹ? Bố ngàn lần xin lỗi con! Thôi giờ bố sẽ ở hẳn nhà giúp mẹ con lo cơm nước, giặt rũ để mẹ rảnh tay lo chuyện chợ búa con ạ! Không còn cách nào khác. Con có thất vọng vì bố đã không thể là người bố hoàn hảo như lâu nay con hằng tưởng không?
- Không con đã lớn rồi, bố đâu có lỗi gì. Từ nay con cũng sẽ cố gắng hơn để giúp bố mẹ, bố đừng buồn nữa nhé!
Hải ôm chặt con vào lòng, những giọt nước mắt của con gái thấm qua làn áo mỏng làm ấm nóng khuôn ngực anh. Anh âu yếm, vỗ về con.
Từ ngày Hải công khai phải nghỉ việc, ở nhà phụ giúp vợ, nhà anh thường có thêm mấy ông hàng xóm cùng cảnh sang chơi. Thường cứ tầm 8 – 9 giờ khi mọi người lo xong các công việc buổi sáng họ lại kéo nhau sang nhà Hải để tán gẫu, khi thì chuyện thằng Tàu láo toét ngang nhiên đưa tàu chiến vào biển Đông của ta, khi thì chuyện bọn IS bị Nga không kích thật đã đời...lúc thì lại xoay ra chuyện thực phẩm bị ô nhiễm chất độc...cứ thế câu chuyện mỗi ngày một chủ đề, nghe ra mấy ông dân quèn ở thị trấn này ấy thế mà cũng rành rẽ thời sự đáo để. Hôm nay, ông Nhân mang theo chai rượu cùng bát lạc đã rang sẵn theo.Vừa đến cổng ông Nhân đã oang oang:
- Chú Hải xong việc chưa? Giặt rũ rồi chứ, rau cỏ sắp sẵn chưa? Còn việc gì chưa xong để tôi giúp một tay rồi gọi lão Lý, lão Biều sang cả đây, hôm nay tôi có cái này khao cả hội đây!
- Vâng! Bác lấy chè pha giúp em với, nước em vừa đun đầy phích đấy, em bận tước rau bí, cái món bà xã em thích, lát là xong thôi.
Ông Nhân nghe vậy liền ra ngõ gọi to ông Lý và ông Biều. Chỉ ít phút sau bốn người đã có mặt đông đủ, họ khoanh chân ngồi ngay trên mê chiếu giữa nhà. Ông Nhân cất tiếng trịnh trọng:
- Kể từ khi chú Hải về anh em ta chưa có dịp nào uống với nhau chén rượu, hôm qua, thằng con rể vừa đi công tác Hà Giang về mua tặng bố vợ mấy chai rượu, nay mang sang để anh em mình uống với nhau cho vui.
Nói rồi ông Nhân tự tay rót rượu ra 4 chiếc chén và đưa từng chén mời mọi người. Hết chén thứ nhất ông Biều nói:
- Chú Hải về anh em tôi rất vui. Tuy tôi biết chú rất buồn, nhưng "mỗi cây mỗi hoa", chả làm sao phải buồn cả, không làm việc này ta làm việc khác lo gì!
- Ngặt một nỗi chú Hải còn trẻ mà không có việc làm thì cũng bí lắm, mình cô Hiền xoay xỏa chợ búa cũng vất lắm, các ông biết không, khi tôi mới về nghỉ hưu cũng thế, chẳng khác gì chú Hải bây giờ. Lon đại úy chuyên nghiệp, lúc đi làm được 8 – 9 triệu đồng một tháng, giờ về còn được 6 triệu bạc, trong khi con cái đang tuổi ăn, tuổi học tốn kém. Mình mới 55 tuổi đầu làm gì đã già mà cứ quẩn quanh xó nhà sao mà thấy bí bó quá. Phải mất hàng năm mới quen được đấy. Bà vợ ngày chợ búa, tối về ca cẩm đủ thứ về giá cả. Nghe sốt hết cả ruột. Ấy là tháng tháng tôi vẫn có mấy triệu đưa bà ấy đấy. – Ông Lý nói.
- Ai thì cũng chung tâm trạng ấy cả, tôi thiếu tá công an, năm tôi về hưu cũng 55 tuổi. Cũng chán vô cùng...nhưng được cái lương tôi về sau bác Lý nên cũng cao, tháng giờ cũng được 8 triệu. Cũng không phải lo gì. Giờ nhớ lại ngày mới về mới thấy thương chú Hải nhà mình bây giờ. – Ông Nhân vừa rót rượu vừa tiếp câu chuyện – Nhưng thôi, cô chú có cần gì cứ ới chúng tôi sẽ giúp. Còn nói về các bà xã thì bà nào cũng vậy thôi, mình là đàn ông cũng phải sống quảng đại, vị tha với họ, họ là phụ nữ mà!
Rượu vào lời ra, rồi câu chuyện lại quay về chủ đề thực phẩm, giá cả các loại...họ chỉ chia tay nhau khi chai rượu đã cạn và đồng hồ cũng đã chỉ 10 rưỡi. Những ông chồng lại ngật ngưỡng như những con ngỗng, ngoan ngoãn trở về nhà lo tiếp phần việc buổi sáng của mình. Họ đã đổi ngôi thành những người nội trợ thành thục mọi công việc trong gia đình, rất quy củ và đúng giờ. Hải cũng vội vã đi vo gạo nấu cơm. Khi quay ra thì đã thấy Hiền đi xe vào sân. Thấy vậy Hải vội chạy ra đỡ xe hộ vợ. Anh ngạc nhiên vì Hiền đã về, anh liền hỏi:
- Hôm nay em về sớm thế? Hàng bán hết rồi hả em?
- Hết gì, có mà mất sạch rồi thì có! Khốn nạn thân tôi thế này đây, cả đống tiền chứ có ít đâu?
- Sao ? Đầu đuôi thế nào?
- Trời ạ! Mấy chục cân chè, sào sáo thế mà không ngờ ma đưa lối quỷ dẫn đường thế nào em lại bán cho mấy đứa ấy, bị nó lừa, nó tráo tiền, mất hết rồi, hơn 6 triệu bạc chứ ít gì, tháng này biết lấy gì mà ăn đây?
Vừa bước vào nhà nhìn thấy mấy chiếc chén trên mê chiếu cùng vỏ lạc bay vương vãi trên nền đất, Hiền gào lên:
- Thế này đây, lại đàn đúm rượu chè, đã không kiếm được một xu, mà ngày nào cũng đàn đúm, rượu chè, ba hoa chuyện tây, chuyện tầu, chồng với con thế này đây. Vợ thì suốt ngày đầu tắt mặt tối! Anh nhìn xem thiên hạ có ai vô tích sự như anh không? Tôi không thể nuôi báo cô bố con anh mãi thế này được!
Hải im lặng, vội vã chạy vào quét dọn mọi thứ rồi xuống bếp lo cơm nước. Anh thấy thương vợ vô cùng và thấy mình là gánh nặng của vợ. Trong anh đang nung nấu một ý định, một quyết tâm....
Bữa cơm dọn ra vẻn vẹn trên mâm chỉ có đĩa rau bí sào, hai bìa đậu với bát tương. Con Minh nhìn nét mặt mẹ, nó lí nhí cầt tiếng mời bố mẹ và lặng lẽ và cơm, nó lấy thìa chan tương vào bát của mình. Không khí bữa ăn thật nặng nề. Chợt Hiền quát con:
- Sao? Không nuốt nổi cơm của mẹ phải không? Học hành nhanh lên rồi kiếm tiền nhiều vào, khi đó thích ăn gì cũng được.
Nhìn con phúng phính cố và miếng cơm, Hải thương con vô cùng, anh khẽ nói:
- Thôi để con nó ăn cho xong bữa nào. – Nói rồi anh gắp miếng đậu cho con.
- Con đủ rồi, bố mẹ ăn cơm đi ạ!
Nói rồi nó đứng dậy chạy vụt vào buồng. Từ trong buồng vọng ra tiếng nức nở của Minh. Hải nhìn vợ khẽ khàng:
- Lần sau có nói gì thì cũng để con nó ăn xong đã, con nó có tội gì!
- Phải nhà này chẳng ai có tội gì cả chỉ tôi là lắm tội, nhiều nợ thôi! Nhìn nó tôi biết ngay, bố con anh khó nuốt cơm của tôi đúng rồi! Vì đâu có thịt cá như xưa!
- Không phải thế, mà con nó cũng dám kêu ca gì đâu, lâu nay bố con anh có gì ăn nấy, ai dám trách gì mà em đổ oan cho bố con anh? Anh cũng biết em đã rất cô gắng mà.
- Ừ không kêu ca, nhưng nhìn điệu bộ là tôi đoán ra ngay, tôi đâu có ngu đến nỗi phải chờ bố con anh nói ra.
Biết không thể tiếp tục nói chuyện được với vợ. Hải cũng buông bát đứng dậy đi ra cổng.
Mùa đông năm ấy đến muộn, sang tháng 10 mà nhiều hôm trời nắng nóng không kém gì mùa hè. Tưởng là không có rét, vậy mà sang tháng 12 trời đổi rét đậm, rét hại, các tỉnh phía bắc có tuyết rơi. Gia đình Hải cũng trải qua những ngày cơ cực nhất. Không khí gia đình trước mỗi bữa cơm căng như dây đàn, mà hầu như ngày nào cũng thế chỉ có mình vợ anh nói, mình vợ anh nghe. Hai bố con Hải biết vậy nên mỗi khi ngồi vào mâm đều cố gắng ăn thật nhanh để rời khỏi mâm sớm nhất có thể. Hải càng dịu dàng, nhẹ nhàng, Hiền càng được thể. Hải không còn nhận ra hình ảnh của Hiền những năm tháng xưa nữa. Những lời cay độc không hiểu Hiền tìm đâu ra mà ngày càng nhiều. Anh cay đắng nhận thấy sự lệ thuộc của người chồng vào vợ nó nhục nhã thế nào! Miếng ăn chan nước mắt, thấm đẫm sự tủi hờn!
Rồi cơ may cũng đến với anh, người chú họ có công ty phần mềm riêng ở tỉnh mời anh đến làm phó giám đốc công ty, phụ trách phần kỹ thuật, quản lý trang web của công ty. Là một kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành lập trình, đây là cơ hội để anh phát huy khả năng của mình. Có việc làm Hải vô cùng phấn khởi, anh dành hết thời gian cho công việc mà anh yêu thích này và kết quả thật mỹ mãn khi mà công ty của anh nhanh chóng lọt vào tốp 10 doanh nghiệp có mức tăng trưởng cao nhất của tỉnh. Mức lương bình quân của nhân viên đều đạt 15 triệu đồng. Lương thưởng tết hàng trăm triệu.
Trong ngôi nhà mới đầy đủ tiện nghi, hôm nay ngày nghỉ, Hải đang ngồi bên con gái, anh bảo con:
- Thế năm nay con có đạt học sinh giỏi không? Bố sẽ thưởng cho con?
- Bố sẽ thưởng gì nào? Con chắc chắn là đạt bố ạ!
- Tùy con thích gì?
- Một laptop xịn bố đồng ý không?
- Ồ đơn giản! Bố sẽ mua cho con. Còn giờ con giúp bố, vào phòng ăn, lau chùi bàn ghế, tý nữa bố con mình có khách.
Bữa tiệc linh đình với những món ăn mà Hải đặt tại nhà hàng đã được đưa đến. Khách mời chính là ông Lý, ông Biều, ông Nhân. Lại những câu chuyện thời sự như mọi khi nào là việc Quốc hội họp và bầu ra các nhân vật chủ chốt của Nhà nước, rồi chuyện ông Đinh La Thăng được người dân ca ngợi, ủng hộ, mới nhất là vụ khởi kiện quán ăn "Xin chào", chính quyền phải xin lỗi người dân... bữa tiệc kết thúc cũng đúng vào lúc kim đồng hồ chỉ 10 rưỡi, ông Biều, ông Nhân, ông Lý đứng dậy giống như những con ngỗng lật đật ra về. Họ về làm nốt những việc buổi sáng để những bà vợ yên tâm chạy chợ.
Từ ngày Hải đi làm trở lại. Hiền không phải đi chợ nữa, hằng ngày cô ở nhà lo cơm nước, giặt rũ cho hai bố con Hải. Cô trẻ lại. Chiều chiều sau khi nấu nướng xong, Hiền thường ra ngồi trước thềm chờ Hải về. Trong những bữa ăn giờ đây Hải không còn phải nghe Hiền nói nữa, tiềng cười đã trở lại. Hiền trở lại nết na, hiền thục như ngày nào. Đêm nay nằm bên chồng Hiền thì thầm:
- Anh à! Em thành thật xin lỗi anh vì sự hành xử của em trong suốt thời gian anh nghỉ việc. Em thật có tội với anh và con!
- Thôi việc đã qua, đó cũng là tại anh hèn kém, làm mẹ con em khổ. Em không phải nghĩ ngợi gì. Cũng nhờ có sự "đổi ngôi" hơn một năm ấy mà anh hiểu được nỗi vất vả của phụ nữ các em nên giờ đây anh thấy mọi chuyện rất bình thường, vì có ai vui được khi mình cứ nghèo đói, cứ kém cỏi đâu?
- Vậy anh tha thứ cho em nhé! – Cô thút thít sau vai chồng.
- Thôi mà em, mình là vợ chồng mà!
- Em có chuyện này muốn báo với anh. – Hiền ngập ngừng.
- Thế có chuyện gì nữa nào?
- Anh ơi! Con Minh sắp có em rồi!
- Thật sao? Nhà ta sắp có thêm thành viên mới! Thế con biết chưa?
- Để mai anh ạ!
Họ ôm nhau trong mềm chăn ấm áp. Ngoài kia tiếng mưa rơi rả rích, đợt rét nghe báo còn kéo dài.
Bùi Nhật Lai