Gửi bài:

Gia trưởng

Bố tôi mỗi khi chán ngán bữa cơm gia đình thì đến với chị D. Chị cùng bố, điên cuồng trong cơn sóng tình. Họ qua lại hơn một năm trời thì buông nhau ra.

***

Bố tôi gầy gùa, nằm trong cỗ áo quan, mặc kệ những tiếng than khóc, vẫn ngủ say. Em trai tôi khóc. Nó còn quá nhỏ để chịu đựng nỗi mất mát lớn lao này. Tôi trơ mắt nhìn những con người đến chia buồn với gia đình chúng tôi, lưa thưa và lạnh nhạt.

Đêm qua, trong lúc em tôi ngủ say, mẹ tôi thì thầm với tôi, chen ngang vào mỗi câu là những tiếng thở dài:

- Tao biết cái ngày này rồi sẽ đến. Bố mày đi mà chẳng để lại gì. Thậm chí lúc sống, ông ấy cũng không xây nổi một cái nhà đường hoàng, để lúc cuối đời, vẫn chui rúc trong một xó xỉnh. Không biết mai đây, cái quan tài có ra khỏi con hẻm này không?

Tôi hiểu rất rõ những lời mẹ tôi nói. Vì tôi, và cả em tôi nữa, đã nghe những điều này suốt mười năm rồi.

gia-truong

Gia đình tôi thuộc hạng trung lưu. Từ nhỏ, tôi chẳng thiếu thốn thứ gì. Tôi lớn lên trong sự giáo dưỡng của mẹ và sự nghiêm khắc của bố. Trong mắt tôi, mẹ là một người tần tảo, bố là một người chịu khó.

Thời thơ ấu, tôi đã nghe mẹ tôi nhiều lần nói với bố tôi về chuyện xây nhà. Nhà chúng tôi nằm trong một con hẻm nhỏ, dáng dấp ọp ẹp. Thời đó, bố tôi làm ăn khấm khá, nên mua được một mảnh đất tốt, nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ. Nhưng dù mẹ có thuyết phục xây nhà cỡ nào, bố vẫn trung thành với luận điệu:

- Chờ khi nào đất được giá, tôi sẽ bán lại, kiếm lời. Đất vẫn ở đấy, có mất đâu mà sợ?

Mẹ tôi không thích đôi co nhiều vì dẫu sao bố đã có những dự tính, phận đàn bà sao dám vượt mặt chồng. Qua lời mẹ, tôi còn biết rằng, sau khi mua đất, bố tôi còn dư dả ngót hai chục cây vàng. Mẹ tôi muốn bố sửa lại căn nhà chúng tôi đang ở được khang trang hơn nhưng bố chỉ đáp lại bằng cái cau mày và đôi lời lạnh nhạt:

- Tôi đưa số ấy cho bà nội tụi nó giữ hộ rồi. Giờ chưa phải lúc sửa nhà, vẫn còn ở được!

Mẹ tôi, mười năm trời, kể đi kể lại những mẩu chuyện ấy. Và anh em chúng tôi phải tự xâu chuỗi lại và biết rằng: bố không chăm lo cho cái gia đình này!

Nhưng tại sao? Tuổi thơ tôi là những suy nghĩ về người cha của mình. Bố nghiêm khắc lắm, mỗi lần trong vở có điểm kém, về nhà thể nào tôi cũng bị ăn đòn. Bố nói:

- Tao nuôi mày vất vả, cho mày ăn học mà mày trả ơn tao như thế à?

Tôi nhìn bố và rưng rưng. Tôi biết mình sai. Trong mắt tôi, thuở ấy, bố là người đàn ông vĩ đại.

***

Hôm nay là ngày cuối cùng để khách đến viếng. Em tôi đã hết sụt sùi. Nó bần thần vì đã thức hai đêm liền. Tôi kêu nó ngủ một chốc nhưng nó quyết không ngủ. Đêm qua là đêm nó chợp mắt được mấy tiếng đồng hồ. Nó ngủ, trông đáng thương đến lạ. Trong mắt tôi, nó mãi là đứa bé lên ba. Tôi thương nó vì nó cũng phải chịu những nỗi khổ thời thơ ấu như tôi.

Từ ngày em tôi ra đời, bố mẹ tôi bắt đầu cãi nhau. Bố tôi vắng nhà nhiều hơn, chè chén nhiều hơn. Khi ấy, tôi chỉ vừa lên chín tuổi, đọng lại trong tôi là nỗi sợ những bữa cơm tối. Tôi sợ phải ngồi cùng mâm cơm với bố vì tôi luôn phải chịu những lời mắng nhiếc. Bố mắng tôi vì học tập kém.

Cho đến sau này, lên lớp chín, học lực của tôi vẫn không thay đổi. Bố tôi quát tháo suốt vì thái độ "bình chân như vại" của tôi mặc dù sắp chuyển cấp. Đã từ lâu, rôi mang trong mình nỗi mặc cảm học kém.

Tôi càng ngày càng ít giao tiếp với bạn bè, rụt rè khi trao đổi với thầy giáo và nhục nhã mỗi khi bị bêu rếu. Người bêu rếu tôi không ai khác ngoài bố tôi. Đó là vào những bữa giỗ kỵ phía nhà nội. Những lần ấy, chú bác tôi tề tựu ở nhà ông bà nội. Ai nấy đều khoe con họ có thành tích học xuất sắc:

- Từ ngày nó nghỉ chăn trâu, vào Nam, năm nào nó cũng được học sinh giỏi.

- Con bé nhà tôi năm nay sửa soạn thi đại học. Nó tính thi vào Ngân hàng đấy!

- ...

Tôi và mẹ lẳng lặng gắp những mẩu thức ăn. Khi ấy, bố tôi lại dõng dạc "khoe khoang" đứa con trai mình với cái thành tích dốt nát trong học tập. Chú bác ai nấy đều lắc đầu rồi buông vào đôi lời dè bỉu:

- Học như thế thì sau này sao mà lên đại học nổi?

- Nói mãi mà nó chẳng chịu khá lên – bố tôi chen vào – sức khỏe đã không có, sau này có muốn làm thợ hồ, bốc vác cũng không nổi!

Thế là ai nấy bên phía nhà nội cũng mặc định tôi là đứa dốt, tương lai chỉ đi làm thợ hồ, có khi cũng không làm nổi.

Tôi đã sống những năm tiểu học và cấp hai trong buồn tủi. Tôi nhìn ngôi nhà ọp ẹp, nhà bếp bị dột mưa, những bức tường nứt nẻ rồi tự hỏi: Nhà mình nghèo lắm sao? Tôi đâm ra mặc cảm về thân phận, học kém và nhà nghèo. Tôi vừa thù oán đồng tiền, vừa thèm khát nó. Thế là năm lớp mười, tôi quyết tâm học.

Bố tôi thuê một cô gia sư đến dạy học cho tôi. Đó là một chị sinh viên gầy gầy, chị D. Chị D dịu dàng chỉ dạy cho tôi những bài toán khó. Tôi quý mến chị như người thân của mình.

***

Ngày cuối, chị D có đến chia buồn với gia đình tôi. Mẹ tôi không tiếp chị nhưng không ra điều gì cả, chỉ không nói lời nào với chị. Chị ngồi và nói với tôi vài lời an ủi. Chị D bây giờ đã khác xưa, trông già giặn, trải đời nhiều hơn xưa.

Chị trải lòng với tôi về cuộc sống hiện tại của chị. Chị vừa sinh con trai đầu lòng và đứa bé cũng sắp đến ngày thôi nôi. Chị hài lòng về cuộc sống tuy có lúc túng thiếu nhưng không mất đi không khí bình yên:

- Chị và anh luôn lạc quan em ạ. Chị không trách anh chuyện tiền bạc thiếu hụt vì chị biết cuộc đời đang bắt chị trả giá những lầm lỡ ngày xưa.

Có lẽ, chị quá nóng vội với suy nghĩ ấy vì tôi chưa thấy gia đình nào túng thiếu mà bình yên cả. Hoặc cũng có thể là chị không muốn cho tôi thấu rõ chuyện gia đình của chị. Tôi cũng từ tốn ôn lại những chuyện đã qua, cùng chị.

Ngày chị đi lấy chồng, bố tôi khó chịu ra mặt. Thế là từ nay, ông không còn ôm ấp cái thân hình tươi trẻ của chị. Bố không còn rượu chè bê tha nữa. Bố ở nhà và chịu đựng những lời đay nghiến của mẹ tôi. Mẹ tôi lúc thì trách, lúc thì mắng bố là "đồ ngu". Có lúc chịu đựng không nổi, bố phải cự lại nhưng rồi phần thắng vẫn nghiêng về phía mẹ.

Anh em chúng tôi sống trong những ngày tháng nhàm chán. Khi ngôi nhà vừa trải qua trận bão dữ dội, không khí trong gia đình thay đổi hẳn. Bố ít nói hơn, em tôi chăm chỉ học. Còn tôi, niềm tin về một người cha nghiêm khắc, một người cha vĩ đại đã tan tành. Tôi chỉ còn biết đau khổ mà hờn trách cuộc đời.

Năm tháng trôi qua, bố tôi yếu dần rồi sinh bệnh. Bố nằm liệt giường suốt một năm trời mới chịu ra đi. Ngày bố trút hơi thở sau cùng, mẹ tôi thở ra và nói:

- Thế là bố mày cũng chịu ra đi. Ổng làm khổ mẹ con mình một đời, lúc sắp mất, vẫn phải nán lại làm khổ một năm hơn.

Bố tôi ra đi, nhưng tôi biết ông không hề thanh thản. Sở dĩ ông nán lại một năm vì vẫn còn những trăn trở. Ông hối hận về những lỗi lầm ngày trước. Ông khóc với em tôi:

- Bố có lỗi với các con. Bố không làm trọn trách nhiệm một người cha. Một ngôi nhà khang trang cho con mình nở mặt với bạn bè cũng không làm được...

Em tôi mếu máo. Nó nắm chặt tay ông như là níu giữ ông ở lại. Nhưng đó là lời trăng trối sau cùng. Ông buộc phải ra đi vì đời không cho phép ở lại.

***

Tôi tiễn chị D ra ngoài cửa ngõ. Chị bước chậm rãi, xa tôi dần. Dẫu sao, trông chị hãy còn lạc quan khi nói chuyện với tôi. Và tôi phần nào ghen tị với chị; qua bao sóng gió, chị vẫn có một bến đỗ bình yên. Còn gia đình tôi thì đâu còn lại gì sau cơn bão khủng khiếp ấy!

Tôi thẫn người ra một lúc rồi nhận ra trời đã tối hẳn, dáng chị D mất hút tự bao giờ. Tôi trở vào nhà phụ mẹ tiếp vài người đi đám cuối cùng trong ngày. Mai đây, chúng tôi đưa bố về nơi an nghỉ sau cùng.

Đêm ấy, mẹ và em tôi thiếp đi. Tôi và N chong đèn tâm sự. Tôi nhìn N ái ngại:

- Cảm ơn mày luôn bên cạnh tao lúc khó khăn!

Nó mỉm cười vì nghĩ rằng tôi chỉ miễn cưỡng nói cho có. Nó nào biết, tôi xem nó là đứa bạn, một đứa bạn đúng nghĩa, duy nhất của tôi. Thời trung học, tôi thụ động nên không có bạn. Đến khi lên đại học, tôi đã tìm được người bạn tri kỷ của mình. N và tôi đến với nhau trong sự chân tình.

Đêm nay, ngồi cạnh N, tôi chợt nhớ lại câu nói của N cách đây hai năm về trước, lúc hai đứa mới biết nhau. Đó là vào một buổi trưa, chúng tôi dùng bữa tại nhà ăn của trường. Khi ấy, tôi chỉ vừa thoát khỏi cái bóng to lớn thời trung học nên hãy còn khép mình. N hỏi tôi một cách tự nhiên:

- Sao tao ít khi nghe mày kể về gia đình mày vậy?

Tôi cười xòa vì chưa biết sẽ đáp lại như thế nào. Rồi sau vài giây suy ngẫm, tôi đáp:

- Thế mày nghĩ gia đình tao như thế nào?

- Tao nghĩ – N đáp vẫn rất ung dung – mày là một đứa trầm lặng nên gia đình mày có lẽ sẽ không có tiếng ồn bao giờ!

Ôi, ngôi nhà của tôi là ngôi nhà luôn có tiếng ồn! Bố mẹ tôi cãi nhau suốt, khi anh em tôi đã lớn. Những cuộc cãi nhau xuất phát từ vấn đề tiền bạc. Đỉnh điểm là những năm tôi lên lớp chín, sắp thi chuyển cấp, mẹ tôi không dè dặt nữa mà quát thẳng mặt bố tôi:

- Tiền bạc cứ thế này thì sao mà đủ sống? Ông định ép chết mẹ con tôi à?

- Lương tôi chỉ có bấy nhiêu đó thôi!

Thực ra bố tôi không phải là dân lao động tay chân. Ông là một kỹ sư xây dựng, có bằng cấp chính quy đường hoàng. Đồng lương của bố không phải là "ba cọc một đồng", mà những chục triệu, thời ấy. Nhưng thu chi trong gia đình tôi đã phải thu hẹp, không còn những bữa cơm ngon lành như xưa.

Bố tôi chỉ đưa cho mẹ tôi một phần ba số tiền lương. Còn lại, ông giữ để tiêu vặt. Ông rải tiền vào những quán nhậu, hộp đêm. Và đó cùng là lý do ông hay về nhà muộn. Không phải bây giờ chúng tôi mới biết những chuyện đó. Mẹ tôi đã nói về chuyện này cả ngày lẫn đêm bên tai chúng tôi. Những khi bố tôi không về nhà ăn cơm tối, mẹ tôi lại lên giọng:

- Tụi mày thấy cha tụi mày có dối trá không? Miệng thì nói là không có nhiều tiền cho gia đình, nhưng nhậu nhẹt thì vẫn đi như thường.

Khi ấy, tôi chỉ quay sang, khẽ làm hiệu với em tôi, kêu nó đừng quan tâm những lời ấy, lo học bài đi. Mẹ tôi nói về bố tôi vô cùng tệ hại. Tôi phải nghe suốt mười năm trời và tôi thầm nghĩ: "nghe rác cả tai!".

Nhưng người cha vĩ đại trong tôi, người cha mà tôi luôn nghĩ dù có tệ bạc cỡ nào cũng không bao giờ phản bội mẹ tôi đã chết. Ông chết khi tôi biết ra cái sự thật ấy, không chỉ một lần mà đến cả hai lần.

Lần đầu tiên là vào một buổi chiều tan tầm, tôi đi học vừa về đến nhà là đã nghe tiếng cãi cọ. Tôi không ngạc nhiên lắm, chỉ lủi thủi đi vào nhà, không dám ngó nhìn hàng xóm xung quanh, nhục lắm!

Mẹ tôi mắng bố tôi là "đồ tồi tệ", "khốn nạn". Bà chỉ thẳng mặt chồng và quát:

- Còn dám bảo tôi quàng xiên, bóng gió nữa không?

- Im đi!

Thế là sau một hồi cãi vã, bố tôi bỏ đi. Trước khi ra khỏi cửa, ông nán lại, nghiêm mặt và nói với tôi:

- Rồi sau này con sẽ hiểu bố...

Mẹ tôi quát to:

- Cút đi, theo con đĩ ấy luôn đi!

Bố tôi quay người và bỏ đi. Ông dập mạnh cánh cửa kính rồi phóng xe mất hút. Tôi ngồi xuống dọn hàng triệu mảnh pha lê vỡ vụn, vụn như cuộc đời của tôi, của em tôi. Mẹ tôi đau đớn kể tôi hay; bà đã bắt tại trận cuộc vui của bố tôi và người đàn bà ấy. Tôi đau đớn mà chấp nhận sự thật ấy: bố tôi ngoại tình với chị D.

Sáng hôm sau, tôi mở mắt, bừng tỉnh và nhìn quanh, căn nhà trống vắng đến lạ. Bố tôi không về suốt đêm qua. Ông đã ở đâu?

Tôi ngồi vào bàn học và chờ đợi. Tôi đợi chị D đến giúp tôi giải đề thi Toán. Không hiểu sao khi ấy, tôi có niềm tin rằng chị sẽ đến và những gì diễn ra ngày hôm trước chỉ là ác mộng. Nhưng chị không đến để phá tan cơn ác mộng của tôi. Tôi run run gọi điện thoại cho chị.

Chuông đổ rất lâu, chị mới nghe máy. Sau câu chất vấn của tôi, giọng chị ngái ngủ nhưng vẫn cố gắng quát tôi:

- Bây giờ tao mệt vì tao đã ngủ với bố mày đêm qua!

Tim tôi như vỡ vụn, vụn như những mảnh pha lê chiều hôm trước, hàng triệu triệu mảnh. Tất cả đã sụp đổ trong tôi. Hình tượng một người cha nghiêm khắc, đàng hoàng đã không còn...

***

Bố tôi đã nằm yên dưới lòng đất, nằm cạnh bà nội tôi. Đưa bố đến huyệt, mắt mẹ tôi ráo hoảnh. Có lẽ đã hết tình nghĩa rồi. Tôi thở dài, thắp hương cho bố rồi ba mẹ con ra về. Đám tang của bố không có nhiều người viếng; chú bác tôi chỉ đến đứng cho có mặt. Họ lạnh lùng nhìn cảnh mẹ con tôi ngược xuôi lo tang sự.

Ngày bố tôi còn sống; tiền bạc làm ra, ông không đưa mẹ tôi giữ. Ông đưa cho bà nội cầm. Bà nội tha hồ chi tiêu, nào là phụ tiền với người bác tôi; lúc bác xây nhà, nào là cho chú tôi mượn vì thím vừa trở dạ sinh thêm một quý tử. Họ bòn rút tiền của bố tôi một cách thỏa thích.

Từ ngày bố tôi nằm liệt giường, chẳng một ai trong dòng họ đến thăm. Chả bù với lúc bố khỏe mạnh; lúc hay tin bà nội tiêu xài gần hết hai chục cây vàng, bố vẫn thản nhiên xem như đó là cách đền đáp công dưỡng dục của bà nội. Trong khi mẹ tôi muốn hai anh em tôi phải được sống trong một căn nhà khang trang hơn thì bố tôi quát:

- Tôi phải giúp anh em tôi chứ! Anh em như thể tay chân, họ túng thiếu, tôi không thể làm ngơ. Hơn nữa, tiền tôi làm ra, tôi muốn chi vào việc gì là quyền của tôi!

Luận điệu của bố tôi lúc nào cũng thế! Gia trưởng! Thế rồi số tiền còn dư lại, bố tôi dùng để xây một căn nhà riêng. Bố tôi đã sống chung với chị D suốt mấy tháng trời mà chúng tôi nào có hay. Chị D không phải sống trong căn phòng trọ tồi tàn mà trở thành chủ nhân của một căn nhà sạch đẹp. Chị từng gằn giọng với tôi:

- Bố mày lấy mất đời con gái của tao thì phải đền bù xứng đáng cho tao!

Bố tôi mỗi khi chán ngán bữa cơm gia đình thì đến với chị D. Chị cùng bố, điên cuồng trong cơn sóng tình. Họ qua lại hơn một năm trời thì buông nhau ra. Tôi không biết rõ lý do nhưng tôi chỉ hay tin chị lên xe hoa với một anh nhân viên bình thường nào đó.

Cuộc đời là những chuỗi dài những đổi thay. Năm tháng trôi qua, thì mọi điều rồi sẽ thay đổi. Không có gì là vĩnh viễn, tình cảm của bố mẹ tôi suốt hai mươi mấy năm trời, mối tình vụng trộm, kim tiền, đời người,... tất cả đều thay đổi. Có lẽ, tro bụi là cái kết của tất cả.

Cho đến bây giờ, tôi vẫn không hiểu những suy nghĩ của bố tôi. Tại sao lúc còn trẻ khỏe, ông lại không minh mẫn trong suy nghĩ, chăm lo cho gia đình mà phải đợi đến lúc sắp lìa trần, gia đình mới là mối bận tâm của ông?

Bố tôi ra đi. Đêm đầu tiên, ngôi nhà của tôi trống vắng đến lạ. Ngày trước, tôi quen với nhịu điệu trầm lắng của căn nhà mỗi khi bố đi vắng. Giờ đây, tôi bỗng dưng sợ hãi lạ thường.

Phải rồi, tôi bắt đầu sợ một ngôi nhà không có tiếng ồn, không có người gia trưởng. Lối thoát nào cho tôi, cho em trai tôi và mẹ tôi?

Chúng tôi thở dài ngao ngán, nhìn nhau. Chợt, tôi nhận ra em trai tôi đã không còn khóc nữa, từ chiều đến bây giờ. Có lẽ nó đã mạnh mẽ lên rồi, nước mắt rơi mãi cũng phải cạn thôi. Ba người lặng lẽ trở về với công việc thường nhật. Em tôi không còn đợi mẹ tôi, thay vì bố, nhắc nhở. Nó tự giác ngồi vào bàn học. Tôi nhìn nó và nở một nụ cười hạnh phúc.

- Lý Minh Kỳ -

 

Ngày đăng: 15/08/2016
Người đăng: Thi Phú Nguyễn
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Nếu dễ dàng
 

Nếu dễ dàng thì chẳng ai gọi đó là ước mơ nữa...

Yaiba

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage