Bốn ngọn nến
Tin anh Nhất, con trai bà Mỹ chuẩn bị cưới một cô "cave" nhanh chóng lan khắp ngõ nhỏ. Hầu hết mọi người ở khu phố mỗi ngày đều lấy cớ gặp bà Mỹ để hỏi han. Người muốn chia sẻ với bà thì ít mà tò mò thì nhiều. Rồi những khi túm năm tụm ba, họ lại đưa vấn đề ấy ra tranh luận. Có bà bảo, bà Mỹ sao có thể đồng ý, chẳng gì thì ông nhà nguyên là công an hình sự, còn bà là giảng viên đại học nghỉ hưu, sao chấp nhận được con dâu là "cave". Người lại một mực cho rằng, trước sau bà Mỹ cũng phải đồng ý, cô ta đang mang trong mình con của anh Nhất, mà đã là máu mủ ruột già thì bỏ sao được.
***
Nghe những lời ong, tiếng ve ấy, bà Mỹ chỉ biết thở dài. Dạo này, hầu như đêm nào bà cũng mất ngủ. Mỗi lần chợp mắt, bà lại thấy chiếc cửa cuốn màu xanh đổ ập xuống mình. Cố hết sức nâng nó lên để rút chân ra nhưng bà không nhấc nổi. Tay bà càng kéo, máu chảy ra càng nhiều, màu đỏ loang lổ khắp sàn, tanh tưởi khiến bà buồn nôn. Bà cố gắng gọi người đến cứu mà sao gào khản giọng vẫn không ai nghe thấy. Có lần, bà trông rõ ông nhà chờ mình phía bên kia bờ sông. Để sang đó, bà phải đi trên một cây cầu treo, nhiều thanh gỗ của cầu bị gãy, tạo lỗ hổng sâu hoắm. Bà cứ đi, đi mãi, người chòng chành, cảm giác chóng mặt như sắp ngã xuống dòng sông đỏ ngầu, cuộn chảy đầy xoáy nước mà chưa đến được bờ. Tỉnh dậy, người bà vã mồ hôi. Mới qua mấy đêm, tóc bà trắng cả đầu. Đã vậy, hôm nào đi chợ hay có việc gì rời khỏi nhà, y như rằng bà phải dừng lại trong ngõ đến chục lần để trả lời hàng xóm rằng quyết định của bà thế nào, có định tác hợp cho chúng không? Hôm nay, khi bà tổ trưởng dân phố đến nhà thu tiền rác và điện đường cũng dò ý việc ấy. Bà Mỹ nén tiếng thở dài: Tôi sao quyết định được hạnh phúc của chúng.
Nói thì nói thế thôi chứ bà Mỹ giận anh Nhất lắm. Bà sẽ không bao giờ đồng ý một cô gái như vậy làm dâu con trong nhà. Tuần trước, anh đưa cô gái tên Loan về và nói rõ sự tình, xin bà tổ chức đám cưới nho nhỏ cho họ. Tối đó, trước khi đi ngủ, bà đã lên phòng, nói chuyện rất lâu với con trai. Nhẹ nhàng cầm tay con, bà phân tích:
- Có phúc được vợ, vô phúc được nợ, chuyện vợ chồng là chuyện cả đời, con phải rút kinh nghiệm, đừng để...
- Mẹ ơi! Lần này con đã tìm hiểu kỹ rồi. Loan là người tốt mẹ ạ. Mong mẹ tác hợp cho chúng con!- anh Nhất thong thả.
Bà Mỹ vẫn nhẹ nhàng:
- Các cụ đã dạy, mua trâu xem vó, lấy vợ xem nòi, mẹ thấy nhà cô ta bố chết trong tù, mẹ bỏ đi biệt xứ, cô ta lại làm cái nghề chẳng trong sạch gì. Lấy cô ta làm vợ, con chẳng mang tiếng với bạn bè, làng xóm sao?
- Cô ấy làm tiếp viên trong vũ trường thì có gì xấu hả mẹ? Với lại người ta vẫn nói, lấy đĩ về làm vợ chứ ai lấy vợ về làm đĩ- anh Nhất hạ giọng nói nhỏ- Mong mẹ đồng ý, chúng con sớm chọn ngày cưới, Loan còn ổn định sinh cháu. Con con cũng là cháu của mẹ...
Thấy thái độ anh Nhất không có vẻ gì là tiếp thu lời mẹ, bà Mỹ chuyển giọng:
- Cô ta làm ở đó mỗi ngày gặp gỡ, quan hệ với hàng trăm đàn ông, biết có phải cháu tôi không?. Đừng để người ăn ốc, người đổ vỏ!
- Con đã quyết lấy Loan. Mẹ đừng cản con nữa. Thôi mẹ xuống nhà nghỉ đi không muộn rồi!
Nghe anh Nhất trả lời với thái độ kiên quyết, bà Mỹ tím mặt, giận đùng đùng, tay đang cầm cốc nước quăng mạnh xuống nhà:
- Đi, đi ngay với đồ con gái hư hỏng đó đi, coi như tôi không có người con bất hiếu như anh!
... Bà Tổ trưởng dân phố về rồi, bà Mỹ với cây bật lửa, đốt nén hương thắp lên bàn thờ cho chồng:
- Ông ơi! Tôi và ông có làm điều thất đức đâu mà sao vận hạn cứ ập vào nhà mình thế này. Ông sống khôn, chết thiêng về phù hộ độ trì cho tôi và con, chỉ bảo nó thoát khỏi u mê và suy nghĩ minh mẫn, tỉnh táo. Trước nay, thằng Nhất nó luôn nghe lời tôi, sao giờ lại trở nên ngang bướng, cố chấp như vậy.
Khói hương nghi ngút tỏa khắp gian nhà. Bà Mỹ bước vào gian phòng riêng, mở sách, bắt đầu gõ mõ. Từ ngày ông mất, bà có thói quen tụng kinh mỗi tối cho tâm hồn nhẹ nhàng, thanh thản. Nhưng sao lần này, bà càng tụng lại càng thấy lòng mình như có hàng ngàn, hàng vạn tảng đá đè nặng...
***
Lấy nhau gần 5 năm, chạy chữa khắp nơi mà ông bà Mỹ vẫn chưa sinh được con. Cứ có người mách ở đâu có thầy thuốc chữa được bệnh là vợ chồng ông bà đôn đáo đi ngay. Rồi lần lên Hà Giang công tác, bà được anh cán bộ trên đó giới thiệu một ông thầy lang chuyên bốc thuốc chữa bệnh vô sinh. Sau hơn 1 năm thuốc thang, ông bà đã sinh được mụn con trai. Mừng rỡ, ông bà đặt luôn tên con là Văn Nhất. Nhất lớn lên trong tình yêu thương vô bờ bến của cha mẹ.
Khi anh Nhất đang đi du học thì tai họa ập xuống gia đình bà Mỹ. Ông nhà trên đường cùng đồng đội truy đuổi toán tội phạm nguy hiểm buôn ma túy đã bị trúng đạn và hy sinh. Những ngày tháng sau đó, bà Mỹ nén lại nỗi đau mất chồng, tiếp tục sống và dồn tất cả niềm hy vọng vào anh Nhất. Tốt nghiệp về nước, anh Nhất từ chối nhiều lời mời hấp dẫn từ các công ty kinh doanh có tiếng ở Hà Nội, quyết định làm việc ở một công ty gần nhà để được ở gần mẹ. Hai năm sau, anh giới thiệu với bà Mỹ người yêu và xin phép cưới. Cô gái xinh xắn, đang làm phiên dịch cho một nhà thầu người nước ngoài. Nghe nói, bố mẹ của cô gái cũng đều là cán bộ hưu trí. Mấy lần người yêu anh Nhất đến nhà, ngắm nghía kỹ, con gái mông to, hông nở như các cụ nói sẽ sinh dễ và nuôi con khéo, bà Mỹ gật gật đầu hài lòng. Dù chưa mấy ưng cô ấy chẳng hề biết công việc nội trợ nhưng bà cũng thông cảm cho qua khi anh Nhất phân bua: thời buổi này mẹ bảo, tụi con bận rộn suốt ngày, lấy đâu thì giờ bếp núc.
Đám cưới của anh Nhất được tổ chức linh đình không lâu sau đó. Bà Mỹ hãnh diện lắm khi bạn bè, hàng xóm ai đến dự cũng chúc mừng, số bà đúng là sướng, có cậu con trai giỏi giang, con dâu lại xinh đẹp, gia đình tử tế, công việc đàng hoàng. Nhưng hai năm, ba năm, bà Mỹ sốt ruột vì mãi chưa thấy chúng sinh con. Bà nhiều lần nói gần nói xa rằng bà nghỉ hưu rồi, kể có đứa cháu để bế thì vui biết mấy. Cô con dâu nghe mẹ chồng nói cười khanh khách:
- Mẹ ơi, vài năm nữa bọn con mới sinh cháu. Với lại, có con bìu díu, con sợ không làm tốt việc, sếp người nước ngoài khó tính và nguyên tắc lắm, lại bị "quạt" và đuổi việc như chơi.
- Chúng con đang "kế hoạch" để còn làm kinh tế đã.- Anh Nhất thì giải thích với mẹ như thế.
Bà Mỹ nén nhịn vì các con nên ngoài mặt làm vui chứ kỳ thực, mỗi ngày bà cảm thấy vô cùng cô đơn. Căn nhà rộng rãi, đầy đủ tiện nghi nhưng lúc nào cũng vắng vẻ. Rồi con dâu bà cũng sinh hạ được một quý tử. Ôi chao! Thằng bé mới kháu khỉnh làm sao, giống hệt anh Nhất lúc còn nhỏ. Bà Mỹ ngập tràn hạnh phúc khi đón cháu nội từ viện trở về. Suốt ngày bà quấn lấy cháu, cảm thấy cuộc sống chưa lúc nào vui đến thế này.
Nhưng không được bao lâu, bà Mỹ lại rơi vào một tình cảnh hết sức trớ trêu. Con dâu bà chỉ cho con bú đúng 1 tháng, rồi cai sữa để vú không bị chảy sệ và ăn kiêng giữ dáng. Bà Mỹ khuyên nhẹ con dâu chẳng được, nói nặng với anh Nhất nhưng anh cũng chẳng thuyết phục được vợ. Con dâu bà còn cho thằng bé ngủ riêng phòng theo cách giáo dục cô ấy học của nước ngoài để trẻ sớm tự lập. Lo cho cháu, bà Mỹ đêm đêm lại phải qua trông, tình cảnh bà chả khác gì con mọn. 2 tháng sau khi sinh con, con dâu bắt đầu đi làm với lý do dự án mới của công ty rất quan trọng không thể vắng mặt. Bà Mỹ không nói gì nhưng lòng thì nặng trĩu. Hôm mẹ đi công tác nước ngoài, ngày, thằng bé con chơi với bà còn ngoan, nhưng đêm đến, nó khóc ngằn ngặt như có vía nhập, bà dỗ kiểu gì cũng không được. Cu cậu kiên quyết "đình công" bú bình khiến bà Mỹ vô cùng vất vả. Mỗi lần nhìn cháu khóc chán rồi mệt quá lăn ra ngủ, bà Mỹ thấy tim mình như bị ai chích. Có lần thương cháu tóp tép miệng thèm sữa, bà hòa nước đường rồi bôi lên vú mình cho thằng bé mút. Ôi, cái cảnh con đỏ ấp vú bà lão, bà đã giảng, cắt nghĩa câu thành ngữ này cho bao thế hệ sinh viên mà giờ sao bà mới thấy thấm thía. Chuyện ấy kéo dài khiến bà Mỹ không nín nhịn được và đã có lời nói nặng nề với con dâu.
Chán ngán cảnh bị mẹ chồng phàn nàn, trách móc và lên lớp về trách nhiệm của một người mẹ, con dâu bà bàn với anh Nhất mua nhà, dọn ra ở riêng. Cô ấy giải thích, để mẹ đỡ vất vả, cô sẽ thuê người trông con. Anh Nhất thương mẹ nhưng vì chiều vợ nên đã đồng ý. Chẳng may, khi cháu nội bà Mỹ được gần 2 tuổi, trong khi chơi đùa đã bị cửa cuốn sập xuống đè chết. Sau chuyện buồn đó, vợ chồng anh Nhất cãi nhau to. Vụ việc càng căng thẳng hơn khi anh Nhất phát hiện vợ mình có quan hệ mờ ám với tay người nước ngoài ở công ty. Cuộc ly hôn nhanh chóng diễn ra. Anh Nhất dọn về sống với bà Mỹ. Suốt ngày, anh "bầu bạn" với rượu chè. Bà Mỹ khuyên con hết lời nhưng dường như anh Nhất bỏ mặc ngoài tai. Bà còn nghe người ta bàn tán, anh hay vào các vũ trường, quán bar và cặp với không ít cô gái chẳng ra gì. Nhưng mấy tháng gần đây, anh Nhất có vẻ tu tỉnh, đi làm đều đặn, hôm nào cũng về sớm và người không có mùi rượu bia. Bà Mỹ mừng lắm, chắc anh đã suy nghĩ thấu đáo. Rồi bà mong, bà ngóng anh dẫn bạn gái về ra mắt.
Và giờ thì bà Mỹ sốc nặng khi anh Nhất tuyên bố sẽ cưới cô tiếp viên vũ trường làm vợ. Cứ nghĩ đến việc một cô gái từng "làm đĩ" bước vào nhà, cùng ăn ở, sinh hoạt và gọi bà là mẹ, bà Mỹ cảm giác nghẹt thở. Dù cho anh Nhất năn nỉ bao lần, mặt bà vẫn lạnh tanh: Anh cứ suy nghĩ đi rồi lựa chọn, một là mẹ, hai là cô gái đó! Anh 35 tuổi rồi, đủ trưởng thành và tỉnh táo để đưa ra quyết định chính xác.
Nhưng dù bà Mỹ có nhịn ăn hay chiến tranh lạnh cũng không thay đổi được lựa chọn của anh Nhất. Hôm con trai tổ chức đám cưới ở một nhà hàng nho nhỏ bên sông Cầu, bà Mỹ quyết không đến dự. Cả ngày, bà đóng kín cửa, khép mình trong kinh phật. Hiểu bà Mỹ không ưa gì cô con dâu mới nên anh Nhất mỗi khi về thăm chỉ đi một mình. Lần nào anh đến bà cũng lặng thinh, không tỏ bất cứ thái độ gì. Chỉ khi anh đi rồi, những giọt nước mắt bà mới rơi xuống, ướt cả trang kinh về tình mẫu tử.
***
Nhận được tin bà Mỹ bị tai nạn giao thông, anh Nhất vội vàng lao đến bệnh viện. Không lâu sau, Loan cùng con gái xách theo lỉnh kỉnh đồ đạc vào thăm bà. Thoáng nhìn thấy con bé, bà Mỹ đã nhận ra nét giống anh Nhất ở cái miệng rộng và đôi lông mày đen, rậm. Loan nhanh nhảu giục con:
- Bảo Ngân chào bà nội đi con.
Con bé có hai bím tóc xinh xắn chạy đến cạnh giường bà Mỹ:
- Con chào bà nội!
Bà định cười chào lại nhưng thấy Loan liền trở mình, quay mặt vào phía trong tường, không nói một câu. Loan dỗ con:
- Thôi bà đang mệt, con ra ngoài với bố để bà nghỉ. Lúc khác vào chơi với bà.
Khi mẹ con Loan về rồi, bà Mỹ mông lung nghĩ: Gớm, cô ta cũng ghê thật, định dùng kế mang cháu ra để ta tha thứ và chấp nhận cho ư? Không dễ dàng thế đâu!
Mấy hôm sau đó, dù bà Mỹ vẫn lạnh lùng không chuyện trò, cũng chẳng thể hiện tình cảm yêu quý hay ghét bỏ gì, kệ, suốt cả tuần bà nằm viện, Loan đều nấu nướng chu đáo, lựa những món ăn mà chị được chồng mách mẹ thích mang vào. Bà Mỹ lần nào cũng không ăn, nhưng Loan chẳng buồn vì điều đó. Sự tần tảo, cố gắng của chị vẫn không làm trái tim bằng "thép" của bà Mỹ động lòng.
Ngày bà Mỹ ra viện, anh Nhất đón mẹ về ở cùng vợ chồng mình để tiện chăm sóc. Không còn lựa chọn nào khác nên bà Mỹ đành gượng gạo chấp nhận. Mỗi ngày, ngồi xe lăn đẩy khắp nhà, bà quan sát thấy Loan quả là người phụ nữ biết vun vén cho gia đình. Đồ đạc bày biện chỗ nào cũng gọn gàng, ngăn nắp, nhất là gian bếp. Bận rộn với công việc nhưng từ khi bà Mỹ đến ở, hôm nào anh chị cũng về sớm. Anh Nhất còn vui vẻ cùng vợ vào bếp nấu nướng- việc mà trước đây bà Mỹ chưa từng thấy. Trong lúc hai vợ chồng anh Nhất nấu cơm, Bảo Ngân cứ sán vào bà, bắt chơi cùng. Đúng là một giọt máu đào hơn ao nước lã, bà Mỹ chẳng thể lạnh lùng với cháu. Hôm nay, hai bà cháu cùng mở tập vẽ để tô màu. Bảo Ngân giơ bức tranh ra khoe:
- Bà nội ơi, hôm nay trên lớp cô giáo dạy cháu vẽ ngọn nến như trong bài hát "Ba ngọn nến lung linh".
Bà Mỹ nhìn vào bức tranh thắc mắc:
- Cháu vẽ đẹp quá. Mà cháu bảo vẽ ba ngọn nến sao bà thấy trong bức tranh có tới bốn?
- Ba ngọn nến này, cháu sẽ tô màu vàng là ba Nhất, màu xanh là mẹ Loan, màu hồng là cháu, còn ngọn nến to nhất là cháu vẽ bà đấy ạ! – Bảo Ngân cười giòn tan, những ngón tay mũm mĩm chỉ theo từng hình vẽ.
Bà Mỹ xúc động:
- Thế cháu định tô ngọn nến của bà màu gì?
Bảo Ngân nói, giọng hớn hở:
- Dạ màu đỏ ạ! Vì màu đỏ ấm áp như ngọn lửa vậy. Bà có đồng ý không? Cháu mong bà ở mãi với cháu, để bốn ngọn nến gia đình mình luôn lung linh tỏa sáng bên nhau!
Nghe cháu gái nói, bà Mỹ rơm rớm nước mắt, quàng tay ôm chặt cháu vào lòng.
***
Hôm nay là ngày Loan khai trương quán cơm văn phòng. Bà Mỹ lựa từ sáng sớm bộ trang phục phù hợp. Trước khi đi, bà lại ban thờ, thắp một nén nhang cho chồng:
- Ông ơi! Ông có đồng tình với quyết định của tôi không? Xấu đẹp gì thì chúng nó cũng đã là vợ chồng và có con với nhau. Mấy năm qua giận chúng nó, tôi cũng có vui được đâu. Thôi thì sướng, khổ là do chúng chọn. Tôi thì vài năm nữa cũng xuống gặp ông rồi.
Hương trầm thoang thoảng bay, bà Mỹ khép cửa, nhẹ nhàng bước ra cổng. Bà giục lái xe:
- Sắp đến giờ rồi, anh đi nhanh lên không con cháu tôi đang chờ...
Linh Lan