Gửi bài:

Bữa cơm

Ai ôi! Giữa tôi và bạn, biết bao lần đã bỏ quên điều quý giá ấy. Vì sự thờ ơ, vì sự bận rộn.

***

bua-com

Lúc sinh nó ra, cũng là lúc mẹ nó từ giã cõi đời này. Ba nó thương nó nhiều lắm, thương vì nó là con một, thương vì từ bé nó đã thiếu vắng tình mẫu tử. Nó vốn thiếu thốn nhiều, nên ông chỉ biết bù đắp cho nó bằng tất cả tình thương mà ông có. Ông vừa là ba, vừa là mẹ. Ông vừa đi làm, vừa nấu nướng cho nó ăn. Tình thương ông đổ hết vào từng bát cháo, nó lớn dần từ những muỗng thấm giọt mồ hôi.

Bữa cơm lúc lên ba. Trong nhà ngập tràn hình ảnh một bé con tung tăng quanh sân, một người đàn ông cầm tô cháo chạy theo bóng hình bé xíu đó. Con bé ăn khỏe, nhưng nó lại không chịu ngồi yên một chỗ. Không đi là không chịu ăn, khiến ông phải chiều theo nó. Một bàn chân bé xíu luôn miệng nói "ba ơi ba đi chậm quá", một bàn chân chai sạn thường trầm giọng "chậm chậm lại ba đút nè con". Tháng ngày đó, bữa cơm con bé đầy đủ thịt cá, bữa cơm ông chỉ toàn muối và rau. Nhưng tuy khổ, ông vẫn hay cười.

Bữa cơm ngày vào cấp một, con bé đã tự biết ăn, không cần phải đút. Nhưng ông vẫn không thôi quan tâm nó. Ông phẻ từng miếng cá, vì sợ tự làm nó sẽ hóc xương. Ông làm rởi cơm, vì sợ lúc ăn nó sẽ bị nghẹn. Con bé hiếu động lắm, mỗi lần ăn cơm là lại kể với ba bao nhiêu chuyện. Nào là hôm nay con được điểm mười, bạn bè con ai cũng dễ thương. Bé con vụng về, vừa ăn vừa nhốn nháo nói. Nên mỗi lần ăn xong là y như rằng cơm canh rơi khắp sàn. Ông hiền hậu nhìn, không mắng, chỉ cười. Coi những hình ảnh đó như báu vật của riêng mình. Ngày tháng đó, bữa cơm lúc nào cũng tràn ngập hạnh phúc.

Cho đến lúc lên cấp hai, bữa cơm đã không còn trọn vẹn. Con bé thay đổi, nó không phải là một con bé tròn trịa nữa, giờ nó cao và gầy lại ra dáng thiếu nữ hơn. Và nó cũng trầm lặng lại, ít nói huyên thuyên đủ điều với ông. Tất cả chỉ bởi vì bận rộn bài vở. Thấy con bé chăm chỉ học. Ông cũng vui, nhưng vừa vui vừa buồn. Vì ông thấy hình như giữa ông và nó đã bắt đầu có khoảng cách. Ngồi giữa bàn ăn, ông hỏi nó trả lời. Dần dần hết chuyện hỏi, ông chỉ buồn nhìn con bé. Nó không để ý đến cái nhìn khổ tâm của người cha già, đầu óc cứ mãi nghĩa đến bài toán hôm nay. Khiến tháng ngày đó, bữa cơm lúc nào cũng chứa tiếng thở dài.

Lên cấp ba, bữa cơm ngày nào giờ đã biến thành hai chữ "chờ đợi". Bé con cứ cuốn theo dòng chảy của sự bận rộn. Nó cứ cắm đầu vào học, học từ sáng đến tối, học từ tối đến khuya. Nó học đến nỗi quên nói "thưa ba con đi học" mỗi sáng, nó làm bài tập đến mức quên hỏi "hôm nay công việc ba thế nào?". Nó ôn tập chăm chỉ đến độ quên cả bữa cơm gia đình. Nó dùng cơm trước, không còn đợi ba mình về. Nó ăn vội ăn vàng, vì còn cả đống công thức chưa học thược. Nó vội nhiều, nó càng quên. Nhưng dù nó quên, ông vẫn luôn nhớ. Ông đợi con bé đi học thêm về, có lúc đợi đến tận mười giờ tối. Mặc cho bụng đói meo, mặc cho sương đêm lạnh buốt. Ông vẫn cứ chờ, chỉ để được cùng dùng bữa với nó, hai cha con sẽ lại có thời gian trò chuyện tâm sự. Nhưng nó không cho ông cơ hội. Con bé là người mang lại niềm vui cho ông, vậy mà giờ cũng là người cướp đi thứ hạnh phúc đó.

Học hành chăm chỉ những bảy năm, cuối cùng nó cũng đậu đại học. Ngày tiễn nó lên đường, ông chuẩn bị một bữa sáng thật thịnh soạn. Mong muốn một bữa trọn vẹn cuối cùng trước khi nó đi xa.Nhưng chưa kịp ăn, con bé đã xách ba lô đi. Bảo rằng "trễ giờ rồi ba ạ". Ông buồn dõi theo bóng dáng nhỏ nhắn khuất dần, vẫy tay nói lớn "nhớ gọi điện về thường xuyên nghe con". Nó cười, chỉ để lại một câu "con sẽ gọi", rồi xe lăn bánh. Chẳng ngờ đâu, cái câu nói đó, đã để lại luôn chốn thôn quê này...tới tận bốn năm. Bốn năm đại học, cứ mỗi lần gọi là nó lại bảo con bận lắm, con phải học, con không có thời gian. Khiến những năm tháng đó, bữa cơm ông chan đầy nước mắt

Khiến ông nhớ một bé con hiếu động ngày nào.

Nó học, rồi ra trường, rồi có việc làm. Những ngày nghỉ tết, con bé cũng về. Nhưng khoảng thời gian ba ngày tết chẳng đủ để thỏa lấp nỗi nhớ mong của người cha già. Con bé làm trong một công ty, có lương ổn định. Mỗi tháng đều gửi tiền về cho ba. Thấy đứa con bé nhỏ ngày nào giờ đã thành đạt, lòng ông mừng lắm. Nhưng nhìn nó cứ bận rộn, hết việc này đến việc khác, niềm vui liền dập tắt. Ông lại mong muốn một bữa cơm trọn vẹn, một bữa cơm gia đình thật sự.

Ông chờ, ông chờ, cho đến ngày ông không thể chờ nữa. Giữa cơn đau bệnh tật và giữa cơn đau nhớ con. Ông đã lìa trần. Con bé nghe tin, giật mình, sửng sốt và hoảng loạn. Nó lái xe liền về nhà. Băng qua từng cánh đồng, nhìn ngôi nhà xiêu vẹo quen thuộc, tim nó bất giác nhói lên. Dân làng đang làm đám tang giúp ba, cô bước vào. Bỗng thấy hình ảnh ba và cô thường chạy quanh sân, bỗng thấy bóng hình gầy guộc đang lụi hụi nấu cơm sau bếp, bỗng thấy cô lạnh lùng trên bàn ăn ba chờ. Cô đã làm gì thế này? Cô học là vì ba, nhưng cuối cùng lại mất tất cả. Thời gian ở bên ba, thời gian quan tâm ba. Quỳ xuống trước quan tài, cô gào khóc, khóc cho một bữa cơm gia đình chưa trọn vẹn. Những giọt nước mắt muộn màng.

Ai ôi! Giữa tôi và bạn, biết bao lần đã bỏ quên điều quý giá ấy. Vì sự thờ ơ, vì sự bận rộn. Nhiều người chẳng quan tâm đến một bữa cơm. Nhưng thật ra, bạn à! Bữa cơm chính là khoảng thời gian kết nối mọi người trong gia đình lại với nhau, là để trò chuyện, là để yêu thương nhau nhiều hơn. Đừng để sau này ba mẹ mất, không thể ăn cùng họ nữa. Mới giật mình nuối tiếc, bạn nhé!

 

Ngày đăng: 28/08/2016
Người đăng: Mắt Hím
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Tất cả mọi thứ chỉ quý giá khi
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage