Ký ức bứt dứt
Người lớn thì dễ quên nhưng trẻ con thì luôn nhớ.
***
1.
Một bà mẹ đi công tác xa. Khi trở về nhà, bà ngạc nhiên thấy bất cứ ngóc ngách nào trong nhà cũng đầy tóc rụng. Và trên gối của con gái, những sợi tóc la liệt nằm buồn nhưng nhức.
Lo sợ con bị chứng bệnh nào đó, mẹ cho con đi khám. Nhưng xoa rồi xức đủ kiểu, tóc vẫn rụng từng mảng.
Tóc rụng nhiều quá đến nỗi con phải đội khăn đi học.
Cả mẹ và con đều buồn.
Sau nhiều đêm bất lực khóc theo con, bà mẹ, dù không tin, cầu viện đến khoa tâm lí. Ở đó, bác sĩ hỏi cả ngàn câu hỏi liên quan đến chuyện gia đình. Xong rồi bác sĩ kết luận: Con rụng tóc vì... nhớ mẹ.
Bà mẹ muốn nổi quạu. Trời ơi, tuy đi vắng nhưng ngày nào hai mẹ con chẳng nói chuyện với nhau. Tôi chẳng thấy con tôi khóc lóc đòi mẹ hay giục mẹ nhanh về...
Bác sĩ mỉm cười độ lượng. Rồi mẹ đem con về, gần gũi con hơn. Một thời gian sau, triệu chứng rụng tóc của con chấm dứt nhưng mỗi lần nhìn sợi tóc trên gối, mẹ lại giật mình.
2.
Đứa trẻ bị ho. Ho kiểu khọt khẹt khụt khịt như mèo. Mẹ cho con uống thuốc đủ kiểu mà không đỡ. Nghe ai bày gì cũng làm theo. Con vẫn thế, cứ đêm về vừa thiêm thiếp vào giấc ngủ là tiếng ho lại nổi lên khọt khẹt.
Ho khan mà như cứa vào lòng mẹ.
Rồi một hôm, đến bác sĩ có lẽ là 101, bác sĩ hỏi mẹ toàn những câu hỏi về chuyện gia đình. Và câu hỏi gần nhất là: Con ho từ bao giờ? Vào thời điểm đó, hai vợ chồng có mâu thuẫn gì không?
Bố mẹ nghe thấy thế giật thót: Thôi đúng rồi, trước đó 3 tháng, hai vợ chồng có mâu thuẫn dữ dội vì một chuyện hiểu lầm.
Bố mẹ im lặng đưa con về. Vào đến cầu thang máy, bố nháy mắt với mẹ và hỏi: Mẹ có thương bố không. Mẹ gật đầu nhìn bố: Thương chứ, thương chứ. Rồi đặt tay mình vào tay chồng. Nắm thêm cả bàn tay nhỏ xíu của con. Cử chỉ đó, đã lâu rồi cả nhà không làm.
Kì lạ, đêm đó, tiếng khọt khẹt biến mất sạch trơn.
Hai câu chuyện trên mình đọc lâu rồi nhưng mình cứ nghĩ mãi.
Luôn vang trong mình lời nhắc:
Người lớn thì dễ quên nhưng trẻ con thì luôn nhớ.
Và không phải lúc nào đứa trẻ cũng biết cách nói ra hoặc có cơ hội được nói ra những điều chúng nghĩ.
Người lớn ơi, thương trẻ nhé!
Fb Phan Hồ Điệp