Gửi bài:

Cuộc đời ông nội tôi

Về già, ông bà nội tôi sống tình cảm lắm, tôi chưa thấy cặp vợ chồng nào hạnh phúc như thế. Dường như ông bà đang sống bù cho những năm tháng chiến tranh khổ cực. Làm gì cũng có nhau, không rời nhau nửa bước.

***

cuoc-doi-ong-noi-toi

Sinh ra trong thời chiến tranh loạn lạc, ông nội tôi không may mất cả cha lẫn mẹ cùng với hai người em. Năm tuổi ông về ở với chú ruột. Gia tài cha mẹ để lại gồm mảnh vườn và hai con bò, chú nói trông hộ khi nào ông lớn thì giao lại. Ông nghe người ta nói vậy chứ còn nhỏ quá ông có nhớ gì đâu.

Sống với chú thím cực khổ trăm bề chẳng khác gì đứa ở. Tí tuổi đầu mà mờ sáng phải lo dậy đánh trâu ra đồng cho chú cày ruộng, xong về trông em. Buổi chiều chăn trâu, chăn bò. Đôi chân bé tí ấy làm sao theo kịp nên hôm nào trâu bò đi lạc là ông lại no đòn, còn bị phạt không được ăn cơm. Đến bữa ăn thì đợi chú thím ăn xong bưng mâm xuống bếp rồi mới được ăn, có bữa hết cơm thì đành kiếm củ nướng ăn.

Đến 15 tuổi, sau nhiều buổi chăn trâu bò nghe ngóng được, ông trốn nhà đi thoát ly. Biết được hoàn cảnh, lại thấy ông thông minh, chịu khó nên cấp trên cho ông đi học chữ. Sau lại đưa ông về quê cũ làm cơ sở. Ông xin chú thím dựng túp lều tranh ở góc vườn. Ngày ngày làm thuê làm mướn, tối thì hội họp, vận động thanh niên.

Những ngày tháng đó, ông đã gặp C – cô con gái đẹp nhất, giỏi giang nhất của ông bà phú hộ trước kia. Tuy sa sút nhưng vẫn khá giả nhất vùng. Lòng thì thương nhưng ông mặc cảm nghèo hèn lại mồ côi nên luôn né tránh. Bà chủ động gặp gỡ, thề sống thề chết ông mới đồng ý qua lại. Đến khi cha mẹ bà phát hiện thì bà bị nhốt trong nhà, bị đánh đập. Ông nằm ngoài bờ rào thương bà quá nên chạy vào đỡ đòn roi cho bà.

Cấm cản không được, cha mẹ bà vội nhận trầu cau của một đám môn đăng hộ đối trong vùng. Tưởng thế là xong, ai dè nhân lúc cha mẹ không có nhà, bà lục tìm trong mấy chục ghè lúa chai rượu lễ và lập tức mang đi trả. Bà lại chịu trận đòn thừa sống thiếu chết. Lúc này cấp trên của ông ra mặt giải quyết. Họ mang trầu cau đến nhà và nói với cha mẹ bà: "Anh H (ông nội tôi) nay là người của cách mạng, cách mạng đi hỏi vợ cho anh H, ông bà có gả không?". Bấy giờ sắp Tổng khởi nghĩa, cha mẹ bà C không dám phản đối nhưng cũng không ủng hộ.

Vậy là không có đám cưới, cô gái xinh đẹp nổi tiếng nhất vùng theo anh trai nghèo mồ côi về sống trong túp lều tranh nhỏ. Lúc bà sinh đứa con đầu lòng ông đem về gửi cha mẹ vợ, ông còn gánh theo một gánh lúa cho bà ăn lúc sinh con. Sau Tổng khởi nghĩa, ông bà lại về sống trong túp lều nhỏ. Ông đi làm cách mạng, bà cày cấy nuôi con. Hết Pháp rồi đến Mỹ, ông đi chiến đấu, bà làm cơ sở nuôi giấu cán bộ cách mạng. Bà thông minh sắc sảo lắm nên nhiều phen qua mặt kẻ thù để ông đưa đoàn cán bộ an toàn rời đi...

Ông bà nội tôi có tám người con nhưng chỉ ba và chú tôi còn sống. Cô Hai mất khi làm liên lạc dịp Tết Mậu Thân 1968, lúc ấy cô 16 tuổi. Các cô chú khác đều mất lúc nhỏ. Tôi nghe nhiều người kể lại, ông bà tôi chưa bao giờ to tiếng với nhau, ông yêu thương bà hết mực. Có lẽ ông mồ côi từ nhỏ, sống thiếu tình thương nên bà chính là gia đình, là hạnh phúc của ông.

Hòa bình lập lại, ông bà lại chăm chỉ làm ăn, bao bọc cho vợ con của hai người em trai mất sớm của bà. Chú tôi hiếm muộn nên ba chị em tôi là cháu cưng của ông bà. Tôi là gái nên gần gũi ông bà hơn, được ông bà chiều chuộng và kể cho nghe nhiều chuyện xưa của ông bà. Tôi hay nói chuyện của nội còn hay hơn tiểu thuyết.

Về già, ông bà nội tôi sống tình cảm lắm, tôi chưa thấy cặp vợ chồng nào hạnh phúc như thế. Dường như ông bà đang sống bù cho những năm tháng chiến tranh khổ cực. Làm gì cũng có nhau, không rời nhau nửa bước. Cho đến khi bà yếu không đi lại nhiều được ông mới ra đồng một mình. Từ đó, ông thay bà giặt giũ, đi chợ, nấu ăn...Ông làm rất vui vẻ. Ông hay nói chỉ cần khi về nhà thấy bà ngồi chờ trước cửa là ông mãn nguyện lắm rồi. Còn bà chỉ ăn cơm ông nấu, cá ông kho, bà kén ăn lắm, ai nấu bà cũng không ăn được. Có thời gian bà nằm viện cả tháng, ông giành tất cả việc chăm sóc bà không cho con cái động tay vào. Ông rất vui vẻ đọc thơ cho bà nghe rồi ông bà đố Kiều, cả phòng bệnh ai cũng ngưỡng mộ. Chỉ những lúc bà ngủ ông mới rơi nước mắt, ông sợ bà không còn ở bên ông nữa.

Bà ốm như thế 10 năm thì mất. Tôi hay bắt gặp ông khóc khi lau dọn bàn thờ cho bà hay chiều chiều ra thăm mộ. Ông trồng nhiều hoa quanh mộ bà, ông còn nói khi nào ông mất thì chôn ông gần mộ bà để ông bà mãi bên nhau.

Bà mất được mấy năm thì ba tôi bệnh nặng qua đời. Ông yếu đi thấy rõ, ông càng thương chị em tôi. Sao cuộc đời ông chịu nhiều đắng cay khổ cực thế. Mỗi lần tôi nói thế nội lại bảo tôi nói không đúng, ông có được bà nội trong cuộc đời là hạnh phúc không gì bằng.

Những năm cuối đời ông vẫn rất minh mẫn, sáng sáng đạp xe ra chợ ăn sáng, mua đồ ăn vặt cho chị em tôi, cho cả mẹ tôi nữa. Mẹ tôi cứ nói ông đừng mua vậy nữa để dành tiền khi đau ốm nhưng ông không chịu, ông giận mà vẫn mua. Thôi thì ông khổ quá rồi cứ để ông làm gì ông thích. Ông hay đạp xe đi thăm bà con, bạn bè. Lúc ở nhà, ông hay đọc thơ, Truyện Kiều, Lục Vân Tiên Kiều Nguyệt Nga, Thơ Tố Hữu ông thuộc làu làu. Tôi tặng ông mấy tập thơ ông thích lắm. Ông đọc rồi ghi lại, hơn 80 mà mắt vẫn sáng, chữ vẫn đẹp, giọng ngâm thơ vẫn sang sảng. Bạn bè tôi đến chơi đứa nào cũng ngạc nhiên, thán phục.

Tiếc rằng ông thương con cháu mà giấu bệnh, đến lúc phát hiện thì không kịp nữa. Sáng đó ông vẫn rất tỉnh táo trò chuyện khi tôi cắt móng tay, cạo râu cho ông, ông nói mấy hôm nay bà cứ về nằm bên ông hoài. Vậy mà chiều hôm đó, ông đã thực sự về bên bà rồi....

Ngày đăng: 12/10/2016
Người đăng: Hà Trần
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Thứ ta kiếm tìm
 

Những thứ ta vốn khổ sở kiếm tìm, khi không nhìn thấy cũng đành chịu nhưng nhiều lúc vô tình phát hiện ra mà lại phải bất lực nhìn nó rơi tuột qua kẽ tay

Ánh trăng không hiểu lòng tôi - Tân Di Ổ

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage