Gửi bài:

Bố mẹ nuôi

Tôi cũng được sinh ra và nuôi nấng trong tình yêu thương của cả bố và mẹ giống như bao nhiêu đứa trẻ khác, cho tới khi bố tôi qua đời.

***

Bố tôi ra đi bất ngờ ở tuổi 49. Đó là một cú sốc lớn đối hai anh em tôi, với mẹ và với tất cả những người thân trong gia đình. Thế là từ nay tôi không còn được sống cùng bố nữa, không được bố ôm vào lòng, không được cưng chiều như một đứa trẻ, không được bố hôn lên má và thì thầm vào tai những lời dịu ngọt nữa rồi... Tôi nghĩ rằng mình đã mãi mãi mất đi một thứ gọi là "tình yêu của bố", tôi nghĩ mình đã không còn cơ hội nào để cảm nhận tình yêu đó nữa. Thế nhưng, hạnh phúc lại mỉm cười với tôi khi mang tới cho tôi một người bố khác, người mà tôi rất tự hào mỗi khi khoe với mọi người và hay gọi là bố Ba. Đồng thời, tôi cũng có thêm một người mẹ nữa, đó là mẹ Lam. Bố Ba và mẹ Lam là bố mẹ nuôi của tôi, nhưng với tôi, tôi yêu quý và biết ơn hai người như bố mẹ đẻ của mình.

bo-me-nuoi

Sau đám tang của bố, người ta khuyên mẹ tôi nên đi nhờ thầy xem bói, vì bố tôi đã mất một cách rất không bình thường. Bố tôi mất theo cái cách mà người ta gọi là tự tử. Chính vì lí do đó mà mẹ đã đưa hai anh em chúng tôi đi xem thầy. Tôi không phải là người mê tín hoặc dễ tin người nhưng ông thầy này đã thuyết phục tôi tin rằng ông ta không hề lừa bịp trong từng lời nói. Vì từ đầu buổi cho tới khi kết thúc, gia đình tôi không hề nói một câu nào, mẹ con tôi chỉ ngồi xuống và ông thầy bắt đầu nói tất cả những chuyện liên quan đến việc đất đai, thờ phụng và cả về cái chết của bố tôi như thể ông ta biết rất rõ ràng từng chi tiết nhỏ vậy. Ông thầy có khả năng tâm linh thực sự. Ông nói nhiều, cho đến khi bất chợt ông nói một câu làm mẹ con tôi hốt hoảng: "Tôi không xem nữa, xem nữa thì sẽ thấy ngày chết của hai đứa con chị. Vong linh chồng chị quá quyến luyến hai đứa con trai và sẽ về bắt hồn chúng nó bất cứ lúc nào". Thông thường, những ông thầy bói khác sẽ tiến thêm một bước nữa là hù dọa và làm người ta sợ hãi đến phát khùng lên, rồi giở chiêu trò để moi móc thêm tiền của khách. Nhưng ông thầy này rất có tâm, ông không hề nhắc tới tiền bạc mà động viên, trấn an tinh thần mẹ con tôi và bày cách cứu hai anh em chúng tôi. Tôi và em tôi phải được cho đi làm con nuôi, thay tên đổi họ để tránh khỏi nạn bị bắt mất hồn. Đó là lí do vì sao tôi có bố Ba và mẹ Lam.

Tôi khi ấy là chàng thanh niên 24 tuổi đã trải nghiệm cuộc sống khá nhiều nhưng tôi không thể hình dung ra có một ngày tôi mất bố và lại có thêm bố mẹ nuôi. Thật là buồn cười khi tôi được mẹ kể rành rõ về kế hoạch mình sẽ bị bỏ rơi và phải sắm vai một đứa trẻ mất mẹ ra sao, rồi được nhận nuôi như thế nào. Theo kế hoạch thì tôi sẽ được mẹ đưa đi chợ và sau đó bỏ lại tôi bơ vơ một mình như một đứa trẻ lạc mất mẹ thật sự, sau đó bố nuôi tôi sẽ xuất hiện và đưa tôi về nhà mới. Tôi vẫn còn nhớ rất rõ những cảm xúc khi ấy. Mẹ đưa tôi ra chợ, đi qua những quầy hàng, rẽ sang chỗ này, ngoặt sang chỗ kia, rất ngoằn ngoèo và lắt léo, như thể mẹ thực sự muốn tôi bị lạc và không tìm được đường về nhà vậy. Và rồi, tại một gánh hàng rau của một bà cụ nào đó, mẹ bảo tôi dừng lại còn mẹ thì đi mất tích. Thực tình thì tôi không có cảm giác bị bỏ rơi, bị lạc mất mẹ như nhiều đứa trẻ khác khi đứng chơ vơ, lạc lõng giữa cái chợ ồn ào này nhưng tôi thực sự có cảm giác mong ngóng, hồi hộp khi đợi chờ bố nuôi tới đón. Tôi băn khoăn không biết bố mặc quần áo màu gì? Liệu bố có tìm thấy tôi không? Bố mẹ nuôi liệu có yêu thương tôi như con đẻ của họ? Những ngày tháng tiếp theo tôi sẽ sống như thế nào? Tôi đang hỗn loạn trong những suy nghĩ phức tạp đan xen thì một người đàn ông có nước da ngăm ngăm đen với đôi mắt và nụ cười hiền từ xuất hiện trên chiếc xe máy cũ và dừng lại trước mặt tôi. Ánh mắt hai chúng tôi giao nhau và tôi biết đó chính là bố. Bố nuôi của tôi, bố Ba của tôi. Không có cái ôm hôn thắm thiết nào được trao, không có tiếng reo nào kiểu như "A, bố đây rồi!" hay "A, con đây rồi!" được thốt lên. Bố chỉ đơn giản nhìn tôi, nheo mắt, mỉm cười và ra hiệu cho tôi ngồi lên xe. Bỗng nhiên, tôi có cảm giác hoàn cảnh này giống như tôi thực sự là một đứa trẻ bị lạc, tôi thực sự được bố tôi tìm thấy và đưa về nhà như những đứa trẻ con bị lạc khác mà không phải là một đứa trẻ được nhận nuôi bởi một người đàn ông xa lạ. Cử chỉ của bố, ánh mắt của bố thật nhẹ nhàng, thật tình cảm và ấm áp, cả nụ cười kia nữa, như thể bố đang thầm nói với tôi rằng: "Về nhà thôi con!". Đơn giản và lặng lẽ thế thôi nhưng khiến tôi cảm thấy tôi và bố như đã là bố con từ rất lâu, rất lâu rồi chứ không phải mới vừa nhận nhau. Và rồi tôi bẽn lẽn leo lên xe như một đứa trẻ, sụt sùi và rưng rưng nước mắt. Suốt quãng đường về nhà tôi chỉ trực khóc. Tôi muốn khóc thật to, thật to. Tôi muốn khóc để cho những giọt nước mắt hạnh phúc rơi xuống, rửa trôi đi nỗi đau đớn khi tôi mất bố, xua tan những ngày tháng u ám sau đám tang của bố. Giờ đây, tôi đã có một người bố mới, một người mà tôi chắc chắn rằng sẽ yêu thương tôi không kém gì bố tôi trước đây. Tôi lại có được cái hạnh phúc ấy, hạnh phúc được sống cùng bố, được yêu thương bởi tình yêu của bố, được cảm nhận từng ánh mắt, từng nụ cười, từng lời nói dịu ngọt của bố. Hạnh phúc đã một lần nữa lại mỉm cười với tôi. Tôi ngồi sau xe mà vừa khóc vừa muốn ôm chặt lấy bố vào lòng, tôi muốn ôm chặt lấy bố mãi không buông, như thể tôi sợ sẽ lại mất đi một người bố nữa, tôi sợ khoảnh khắc hạnh phúc này chỉ là trong mơ thôi. Khi ấy là tháng 12, đang trong những ngày cuối năm nhưng tôi không cảm thấy không khí lạnh giá của mùa đông hiu quạnh mà chỉ thấy ấm lòng bởi tình yêu thương, sự chở che của bố.

Sau đó, bố và tôi trở về nhà và ở đấy tôi đã gặp mẹ, mẹ Lam của tôi. Mẹ và hai em gái cùng với ông bà nội đã đón tôi từ ngoài cổng. Không khí nhộn nhịp cùng ánh mắt và nụ cười của mọi người dành cho tôi khiến tôi cảm thấy thật gần gũi và thân thuộc giống như đã lâu lắm tôi không trở về nhà dù đây là lần đầu tiên tôi bước vào ngôi nhà xa lạ này. Ai cũng mong ngóng, chào đón tôi, ai cũng yêu thương tôi, tôi cảm nhận được điều đó rất rõ ràng. Bước vào nhà, ông bà thắp hương làm lễ khấn tổ tiên, báo cho các cụ biết có thêm thằng cháu mới. Sau đó là màn đặt tên mới cho tôi. Mẹ nhìn tôi, cười thật tươi và kể chuyện: "Bố mẹ chỉ có hai đứa con gái, con nào thì cũng là con nhưng mẹ biết bố vẫn mong có một thằng cu lắm. Ngày xưa bố thường hay nói rằng nếu có con trai bố sẽ đặt tên nó là Long". Mẹ dịu dàng quay sang nhìn bố, còn bố thì cười phá lên thật sảng khoái. Thế là tôi có tên mới, Nguyễn Bá Long. Một cái tên mới, bố mẹ mới, hai em gái mới, ông bà nội mới, ngôi nhà mới, một cuộc sống mới... tất cả mọi thứ đều mới mẻ nhưng với tôi thì lại thật gần gũi và thân thuộc. Tôi như hòa mình vào cuộc sống ấy, gia đình ấy ngay từ giây phút đầu tiên mà không có chút cảm giác lạ lẫm nào. Tôi thật là một người may mắn vì đã gặp được những con người thật tốt bụng và tử tế. Tôi thầm biết ơn bố mẹ vì đã trao cho tôi một cuộc đời mới, nếu không có họ có lẽ tôi đã chết và không còn trên cuộc đời này nữa rồi. Bố mẹ không thực sự sinh ra tôi nhưng đã cho tôi một sinh mạng mới để tôi lại được sống một lần nữa, để yêu thương và được yêu thương. Tôi tự nhủ với lòng mình tôi sẽ yêu quý và biết ơn bố mẹ giống như bố mẹ đẻ của tôi.

Sau những ngày khóc lóc hết nước mắt vì sự ra đi của bố, tôi lại được cảm nhận cuộc sống gia đình giản dị và ấm cúng bên bố mẹ nuôi, hai em gái và ông bà nội. Tôi khi ấy đã phát tâm ăn chay để hồi hướng công đức cho bố nên bữa cơm đầu tiên trong gia đình mới với bố mẹ nuôi là những món chay giản dị: đĩa đậu phụ rán, rau cải luộc, bát chấm xì dầu, lạc rang muối... Những món chay đơn giản nhưng chan chứa tình yêu và sự quan tâm của bố mẹ dành cho tôi vì đây là bữa cơm chay đầu tiên trong gia đình nhỏ này, bố mẹ đã chiều chuộng tôi hết mức khi để ý đến từng chi tiết nhỏ như tôi không ăn hành tỏi, không ăn nước mắm, không ăn ớt... Bố mẹ còn chủ động bắt chuyện và gắp đồ ăn cho tôi vì sợ tôi ngại ngùng chưa quen. Sau bữa ăn, hàng xóm sang chơi và chúc mừng bố mẹ tôi có thêm thằng con mới. Mẹ ngồi nói chuyện với các bác, các cô và kể chuyện tôi ngoan ngoãn, hiền lành như thế nào, tôi loáng thoáng nghe thấy một câu: "Nó là thằng bé ngoan nhất cái xã này luôn!", còn bố thì ngồi hút thuốc lào, uống cà phê với các bác, các chú và luôn miệng giải thích rằng: "Nó không phải là thằng bé tôi mới nhận nuôi đâu, nó là con trai tôi "đánh giậm" được hồi tôi đi bộ đội, bây giờ mới đón về đấy!". Cả bố và mẹ, hai em gái, ông bà nội cùng hàng xóm láng giềng đều có những tràng cười thật sảng khoái, giúp tôi cảm thấy thật thoải mái khi ở cùng mọi người. Tối hôm ấy tôi ngủ cùng với bố. Tôi không ngủ được vì mải ngắm nhìn bố ngủ, lắng nghe tiếng bố ngáy khò khò và đắm mình trong hạnh phúc ngọt ngào. Tôi cảm nhận được niềm tự hào trong từng ánh mắt, nụ cười và lời nói của bố mẹ khi có đứa con trai mới là tôi. Tôi hạnh phúc và bố mẹ tôi cũng thật sự hạnh phúc. Hạnh phúc đến từ những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Hạnh phúc là được yêu thương và trao đi yêu thương.

Sau buổi nhận nuôi ngày hôm ấy, tôi lại trở về với ngôi nhà cũ của mình. Tôi bắt đầu đi làm trở lại nhưng không phải ngồi trong văn phòng làm nhân viên bàn giấy của một công ty nào đó mà làm công nhân ở công trường xây dựng cùng với bố mẹ nuôi. Bố mẹ tôi là công nhân tạm thời cho một công ty làm đường đô thị nên chỗ nào nắng nhất thì chúng tôi đứng làm. Ba tháng làm việc ở công trường xây dựng là quãng thời gian lần đầu tiên tôi động vào các loại máy móc: máy cắt, máy đầm, máy cưa, máy đục... Tôi làm tất cả những gì mà quản lý công trường sai bảo: đổ bê tông, xúc cát, xúc đá, đào đất, quét đường, chui ống cống, xây chát, trồng cỏ, lát vỉa hè... Đó là tất cả những việc mà tôi chưa từng làm bao giờ, bởi tôi tốt nghiệp trường đại học ngoại ngữ và trước đó tôi làm phiên dịch viên văn phòng. Dưới cái nóng mùa hè mà nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40 độ C, làn da của tôi đen sạm đi nhanh chóng. Bố mẹ thường nhìn tôi mà lắc đầu, xót xa. Mẹ thường nấu những món ăn thật ngon và bắt tôi phải ăn hết cho bằng được, còn bố thì thường nhắc tôi kiếm việc làm khác phù hợp với trình độ đại học và chuyên ngành của tôi. Bố mẹ thường nói không muốn tôi phải làm những việc cực nhọc như bố mẹ, tôi là đứa được ăn học đầy đủ, tôi xứng đáng có một công việc ổn định, lương cao, ngồi trong văn phòng máy lạnh... Về phần tôi thì nghĩ rằng cứ mãi được sống ở bên bố mẹ như thế này thì tốt biết mấy. Tôi chỉ muốn một cuộc sống đơn giản, có một mái ấm gia đình hạnh phúc, được sống những ngày tháng bình yên, có cơm ăn no có mái nhà che mưa che nắng, có bố mẹ yêu thương, như vậy là đủ rồi. Tôi không quan tâm tôi đang làm việc gì và lương cao hay thấp, tôi chỉ cần có bố mẹ thôi.

Rồi một ngày, nhân duyên đầy đủ, tôi lên chùa và ở lại phát tâm xuất gia không trở về nữa. Ngày ra đi, tôi biết rằng nếu nói với bố mẹ thì không bao giờ bố mẹ đồng ý nên tôi đã đi trong sự im lặng mà không có một lời nhắn để lại. Tôi biết bố mẹ tôi cũng đã buồn và khóc rất nhiều, thậm chí là mất ăn mất ngủ. Khác hẳn với mẹ đẻ của tôi, bố mẹ nuôi không hiểu biết nhiều về Phật pháp. Ba năm xuất gia, tôi không liên lạc và gọi điện thoại cho bố mẹ nhiều. Thỉnh thoảng mỗi lần có đại lễ tôi gọi điện mời bố mẹ lên tham dự, có lần bố lên, có lần mẹ lên hoặc có lần không ai trong hai người lên cả. Ba năm, tôi không thường xuyên gặp và nói chuyện với bố mẹ nhưng tôi biết bố mẹ vẫn yêu thương tôi như ngày xưa, bố mẹ vẫn mong ngóng, đợi chờ tin tức của tôi từng ngày. Tôi buồn vì bố mẹ chưa hiểu biết nhiều về Phật pháp, chưa biết tu tập, chưa biết niệm Phật cầu vãng sinh. Tôi muốn báo hiếu với bố mẹ nhưng không phải là hiếu đạo thường tình của người con ở thế gian là chăm lo cho bố mẹ hàng ngày mà tôi muốn báo cái đại hiếu của người xuất gia đó là hướng dẫn bố mẹ đi theo con đường ngập tràn ánh sáng Phật pháp để bố mẹ sớm ngày được về với Phật, hoàn toàn thoát khỏi cuộc sống sinh tử luân hồi ở thế giới Sa Bà khổ đau này.

Hôm nay, tôi thầm cảm ơn bố mẹ đã cho tôi được sống một lần nữa, để tôi gặp được thầy hiền, bạn tốt, để tôi vững tin đi trên con đường Phật pháp mà mình đã lựa chọn. Hôm nay, tôi lại được tri ân bố mẹ đã yêu thương, che chở, nuôi dạy tôi nên người.

 

Ngày đăng: 20/10/2016
Người đăng: Mỗ Nhân
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

  • Chấp nhận cha mẹ mình Chấp nhận cha mẹ mình - Chị đã nói rồi mà! Em không được đi! Hãy cứ để ông ta chịu đau khổ thì ông ta mới tỉnh ngộ. Tôi tức giận quát to còn tay thì ghì chặt...
Gia vị người Thái Tây Bắc
Ở đây bán cà phê ngon hơn người yêu cũ của bạn
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage