Gửi bài:

Áo mưa hoàng tử

Cuộc sống mà, nếu cứ giữ mãi hận thù trong lòng, nghĩa là ta đang mãi sống trong cơn ác mộng không lối thoát. Bài học cuộc đời về sự tha thứ hồi mẹ hay dạy vẫn còn chạy dài trong ký ức tôi. Câu nói vẫn văng vẳng mãi trong tâm trí tôi mà tôi không tài nào quên được: Không được hỗn với bố, dù thế nào đi chăng nữa bố cũng là bố của các con... Câu nói ấy mẹ nói lúc tôi bực mình bảo vệ mẹ, rồi buông lời to tiếng với bố...

***

Bố vội lấy những khúc gỗ và những tấm ngói còn dư chằng lên mái chuồng gà, miệng vẫn hét lớn: Gió về rồi đấy! Mấy đứa lấy củi vào bếp mau!

Thằng út vô tư ngồi chỏng trên cái xe honda đời cũ được dữ lại từ thời ông nội, nó ngây ngô hỏi:

- Bố ơi! Gió đến hả bố!

- ừ!

- Gió gì vậy bố....?

- Gió.....Eahleo....!

- Sao lại gọi là gió Eahleo ạ?

- Thì....nó thổi qua Eahleo chúng ta, nên bố gọi thế!

Mỗi khi những chiếc lá ở bìa rừng cao su thi nhau rơi rụng ngay trước mặt, đàn chim trời kéo nhau bay về phía sau cánh núi là tôi biết rằng tôi sẽ chuẩn bị đón chào một mùa đông lạnh. Bên cạnh những rừng cao su bạt ngàn đương đứng chắc nịch trước nắng mưa, ngôi làng của chúng tôi bé nhỏ với những căn nhà tranh siêu vẹo, hoang tàn. Gió sắp đến, chả biết nó đến từ đâu, chỉ biết là mỗi khi nó đến mang theo cái lạnh, nó kéo mưa về, trời sẽ lập đông, và những con người nhỏ bé đen đủi ở khu xóm đón chờ thời khắc lạnh kinh khủng nhất năm. Và bố tôi cứ bảo với chúng tôi rằng, đó là gió Eahleo...

ao-mua-hoang-tu

Mùa đông lạnh lắm, hai cánh tay của bố choàng lấy chúng tôi khi chúng tôi đang hơ lửa bên bếp lò bố nhóm. Bàn tay của bố có to bự như thế nào đi chăng nữa cũng không thể làm chúng tôi đủ ấm áp vào những ngày đông, đặc biệt là kể từ ngày mẹ chúng tôi không còn sống trên đời này nữa.

Bếp lửa ấm áp mang tôi trở về những hình ảnh quá khứ kinh hoàng. Ngày mẹ còn sống, ba thường hay nhậu nhẹt với mấy ông chú trong xóm. Cái thời cuộc gì lạ, đàn ông cứ ham nhậu, nhậu xỉn về đánh đập vợ con không thương tiếc. Tôi cứ mắc cười, ông Mười nhà bên mỗi tối ổng nhậu say ông lại đập phá bức tường gỗ nhà ổng, rồi ngày mai ông lại mồ hôi mồ kê hì hục đóng lại...Chú Tâm, bác Hùng cũng suốt ngày lớn tiếng với vợ con. Chú Năm mới cưới vợ được mấy bữa lại đánh vợ như đánh kẻ ngoài đường ngoài chợ. Chúng tôi còn quá may mắn, bố chả bao giờ đánh tôi, như Ông Sáu sẹo đánh thằng Rôn như con ghẻ...

Thằng út nhà tôi cứ hay hỏi tôi rằng: Anh hai à, sao ông Mười ông rảnh vậy anh hai? Tôi chỉ biết nhìn nó rồi cười phì ra: ổng bị trời đày đó mà...

Ngọn lửa càng cháy mạnh, cái nóng của nó vồ lấy bàn chân của tôi khiến tôi rùng mình. Không nhớ rõ nữa...nhưng chỉ nhớ rằng ngày hôm ấy trong quá khứ, bố say. Bố giận mẹ! Thay vì đập đổ tường như ông Mười cạnh xóm, bố cầm cây đèn dầu dọa sẽ châm đốt mái nhà. Tao đốt, tao đốt hết! Và sự việc dọa đốt nhà của bố tôi đã xảy ra trên dưới chục lần. Nhưng lần này....lửa cháy thật! Nhà cháy lớn lắm, cháy trụi nhanh đến nỗi không ai kịp dập lửa, và...... mẹ cũng không thấy đi ra từ đám cháy. Chỉ nhớ rằng, lúc người ta kéo mẹ ra từ dưới mấy khúc gỗ cháy đen, trên tay mẹ vẫn ôm chặt di ảnh của bà cố... Đấy, mùa đông vốn dĩ rất lạnh... , với tôi nó càng càng lạnh hơn. Và những ngọn lửa đôi khi với tôi là một nỗi ám ảnh lạ thường. Tôi đẩy củi vào lò, rồi nhắm mắt lại, phớt lờ những ngọn lửa đang cháy rực...

Từ ngày đó, bố thay mẹ nuôi chúng tôi. Bố không còn uống rượu nữa, bố chỉ âm thầm cặm cụi làm việc và chăm sóc anh em chúng tôi. Những ngày tiếp theo chan chứa nước mắt. Tôi đứa anh cả đã đủ cái tuổi để biết thương biết giận. Tôi không thèm nhìn mặt bố, chả quan tâm đến mọi thứ trên cuộc đời này. Đâu đó trong tâm trí tôi mang nặng từ Hận đối với bố. Tôi lặng lẽ. Bọn trong xóm cứ bảo tôi là thằng tự kỷ.

Thời gian trôi nhanh, bố đã thay đổi. Bố vẫn mãi đau cho sự mất mát của mẹ, bố dằn vặt cho chính mình, bố thương anh em chúng tôi. Nhiều lúc cảm xúc về, thôi lại giận đời, giận bố rồi lôi chuyện cũ ra nói. Và mỗi lần như thế, bố chả nói nên lời. Nhìn vào đôi mắt bố, tôi cảm nhận được sự đau đớn, dằn vặt đến tột cùng. Nhưng tôi vẫn cố tình để bố phải nếm trả những gì mà ngày xưa mẹ con tôi phải gánh chịu những ngày bố say xỉn.

Một ngày trôi đi là một ngày tôi âm thầm cảm nhận. Nhưng rồi thời gian cũng đủ bào mòn đi nỗi hận bố trong lòng tôi. Tôi thấy mình thương bố hơn bao giờ hết. Có lẽ với mẹ, đó là mệnh trời! Và đúng ra ngày ấy bố chỉ dọa đốt nhà, chứ bố không có cố tình để lấy đi sinh mạng của mẹ. Nhưng họa đến rồi, biết phải làm sao...

Cuộc sống mà, nếu cứ giữ mãi hận thù trong lòng, nghĩa là ta đang mãi sống trong cơn ác mộng không lối thoát. Bài học cuộc đời về sự tha thứ hồi mẹ hay dạy vẫn còn chạy dài trong ký ức tôi. Câu nói vẫn văng vẳng mãi trong tâm trí tôi mà tôi không tài nào quên được: Không được hỗn với bố, dù thế nào đi chăng nữa bố cũng là bố của các con... Câu nói ấy mẹ nói lúc tôi bực mình bảo vệ mẹ, rồi buông lời to tiếng với bố...

Tình yêu gia đình, sức mạnh thiêng liêng kết nối con tim chai sạn của tôi với tình thương hiện tại của bố. Đó là lý do, tôi không thể nào ghét bố, hận bố nữa.

Khi đông về mẹ có thể đan chiếc áo len, mẹ có thể cắt sửa những chiếc áo cũ thành những mẫu áo, quần ngộ nghĩnh. Chuyện may vá, đan len với bố, đó là một sự khó khăn lớn. Nhưng bố cũng làm được rất nhiều thứ cho anh em chúng tôi. Những thứ đồ chơi mà bọn trẻ trong xóm phải ngắm nghía thèm thuồng. Đơn giản, bố mẹ chúng không làm được, hoặc là bố mẹ chúng chả chịu làm.

Một buổi sáng mưa tầm tả. Cơn mưa dài từ lúc trước khi tôi kê đầu lên gối đi ngủ đêm hôm qua vẫn còn kéo dài đến tận sáng. Bố trên tay cầm chiếc áo mưa màu xanh đặt vào tay và xoa đầu tôi. Bố cười trong hạnh phúc.

- Bố cho cái này nè hoàng tử của bố!

- Cái gì vậy bố?

- Áo mưa hoàng tử đấy con, con mặc vào thử đi. Bố tự làm đấy!

Lướt nhìn bàn tay của bố đang băng vải, một chút máu còn ươm ra từ vết thương bố băng lại. Chắc rằng lại bị thương lúc bố làm áo mưa đêm quá đó mà. Tôi thở dài một cái nhẹ nhàng, rồi nở một nụ cười với bố.

Tôi cầm lấy chiếc áo mưa, rồi mở ra. Một chiếc áo mưa dù màu xanh. Đúng như bố nói, chiếc áo mưa bố làm giống cái áo choàng của các vị hoàng tử. Tôi cảm thấy vô cùng thích thú. Vội ăn nhanh bữa sáng để được đi học, và đương nhiên được mặc chiếc áo mưa hoàng tử rồi.

Mặc chiếc áo mưa tôi thích lắm, được khoắc trên mình chiếc áo mưa rất độc mà không thể đứa bạn nào có được. Cái cảm giác vừa vui, vừa tự hào về bố. Tôi thấy lòng mình thật ấm áp. Ấm bởi lớp nilông dày bảo vệ toàn thân tôi và cảm nhận được tình yêu thương bố dành cho tôi.

Tôi đứng làm một vài động tác oai hùng. Tôi nhớ về những ngày còn có mẹ. Lúc ấy anh em chúng tôi ai cũng mê phim kiếm hiệp, ai cũng mong ước được trở thành chàng hoàng tử như trong phim. Và mẹ tôi, mẹ lúc nào cũng bày trò cho chúng tôi được hòa mình vào thế giới cổ tích đẹp ấy.Mẹ từng hứa, trước khi mùa đông năm ấy đến, mẹ sẽ may cho anh em tôi những chiếc áo mưa thật đẹp, nó là áo mưa có hình như chiếc áo choàng của hoàng tử. Có lẽ bố thay mẹ thực hiện tâm niệm ấy!

Và từ lúc được bố trao cho cái áo mưa hoàng tử. Tôi biết rằng ước mơ trở thành hoàng tử đã đến hiện thực.

-Bố! Nhìn con nè! Giống hoàng tử không?

- Woa! Hoàng tử của bố, đẹp trai lắm!

Với nụ cười ngây ngô ấy, tôi, chàng hoàng tử nhỏ của bố mang chiếc áo mưa ấm cúng đến trường, tôi có thể hình dung ra cái cảnh lũ bạn nhìn tôi rồi trầm trồ khen ngợi. Tôi, lúc ấy sẽ trở thành chàng hoàng tử mùa đông. Những cô bé xinh đẹp ở trường sẽ thích tôi! Tôi ôm miệng cười...

Nhưng khi,

Tôi mặc áo mưa đến lớp, mọi người trố mắt nhìn tôi và chúng cười, coi tôi như một thằng hề. Từng ánh mắt, cái nhìn, bàn tay chỉ chỏ và lời to nhỏ của bọn chúng khiến tôi điên tiếc.

- Áo mưa hoàng tử kìa! Bày đặc chưa kìa!

- Làm như là phim kiếm hiệp không bằng!

Tôi bắt đầu cảm thấy xấu hổ! Tôi bắt đầu ghét cái áo mưa Hoàng Tử ấy một cách lạ lùng! Không muốn mặc nó nữa.....

Về nhà tôi cộc cằn với bố. Không thèm nhìn mặt bố nữa. Thậm chí tôi còn lớn tiếng với bố mà không cần nói ra bất cứ lý do gì. Bố đương nhiên không biết chuyện gì đang xảy ra.

Ngày tiếp theo đi học, tôi vẫn tiếp tục mang cái áo mưa ấy một lần nữa. Mới ra khỏi nhà chừng được vài trăm bước, bọn học trò đi cùng đường lại trêu đùa tôi thêm lần nữa. Tôi bực mình, điên tiếc để chúng đi trước rồi vội cởi chiếc áo mưa ra và dội mưa trên con đường dài đến trường. Mưa lạnh lắm! Tôi vẫn lì như chưa bao giờ lì như thế! Tôi đâu phải con nít đâu, tại sao bố lại may cho tôi cái áo mưa trẻ con như vậy chứ!

Ngày tiếp theo, tôi vẫn chiếc áo mưa ấy ra khỏi nhà, nhưng đi một đoạn tôi lại cởi ra. Nhưng nghĩ về bàn tay dính máu của bố, và sợ mưa ướt lạnh, tôi lại mặc vào. Nhưng khi mặc vào thì hình ảnh lũ bạn trêu chọc cứ xuất hiện trong tâm trí tôi. Tôi lại cởi nó ra. Tôi ngại với bạn bè. Ngại với những cái nhìn rất quái của bọn nó.

Một chiều mưa trên đường về nhà. Tôi dừng chân dưới cây phi lao đầu xóm. Cơn giận dồn nén, tôi quyết định xé tan cái áo mưa ấy, tôi xé trong cơn tức giận, xé tất cả tình yêu thương mà bố tôi đã dành cho tôi. Tôi khóc lớn trong cơn mưa, rồi bỏ chạy!

Hôm ấy tôi không muốn về nhà, tôi cứ đi lang thang trong mưa. Nỗi hờn tủi giăng khắp nẻo đường. Càng nghĩ về bọn bạn, tôi càng buồn. Hình ảnh cái áo mưa càng làm tôi giận bố hơn.

Tôi cứ chạy, chạy mãi trên con đường quanh co trơn trượt. Tôi chạy trong sự tủi hờn, tức giận. Tôi thương cho chính mình, thương mẹ, và giận cả ba. Cơn mưa tầm tả cứ đập vào mặt tôi, đôi lúc tôi thấy rát ở mặt.

Cả chiều hôm ấy bố đi tìm tôi dưới cơn mưa lớn. Bố rơi nước mắt khi nghe bọn nhỏ trong xóm bịa chuyện

- Cháu thấy anh Bin bị người ta bắt cóc, ngay chỗ cái áo mưa rách ở dưới cây phi lao đầu làng đấy!

Nhìn những mảnh áo mưa rách nát nằm trên bãi cỏ, bố tôi hoang mang lo sợ. Bố cứ chạy, chạy trong mưa, chạy đi tìm tôi trong nỗi sợ hãi.

Đêm hôm ấy, tôi mặc kệ đời, mặc kệ bố, mặc kệ mấy đứa trẻ hách dịch, mặc kệ căn nhà nhỏ của bố con tôi, tôi tựa đầu trong căn nhà hoang cuối xóm. Căn nhà hoang nơi mà người trong xóm tôi đồn thổi biết bao câu chuyện ma kinh dị về bà lão điên hay ra nghĩa trang lấy nhang về nhà đốt...Tôi bắt đầu cảm thấy sợ. Muốn bỏ chạy, nhưng nhìn ra bên ngoài cũng tối mịt, đom đóm bay lập lòe. Tôi chợt rùng mình khi nghe con tắt kè hoang kêu lên ba tiếng. Một đêm âm u tĩnh mịch, là đêm tôi không thể nào ngủ được và ngồi suy nghĩ biết bao nhiêu câu chuyện về mẹ, về bố. Tôi chợt cười, có chăng sau giấc ngủ đêm nay, ngày mai khi trời rạng đông, người ta bắt gặp tôi nằm chết, và mãi không bao giờ tỉnh dậy giống hệt câu chuyện cô bé bán diêm không nhỉ?

Và đêm hôm ấy hình như tôi đã chết, để lại cho bố tôi một nỗi đau khôn tả. bố tôi đã khóc rất nhiều và cầu xin tôi tha thứ. Bố cầu xin tất cả, bố cầu xin tôi tha thứ cho những gì bố đã gây ra. Bố gọi tên tôi trong vô vọng...Tôi vẫn cứ chạy trốn, và bố vẫn đuổi theo cầu xin tôi tha thứ. Rồi bố vấp té từ trên đỉnh đồi xuống vực. Người bố toàn là máu...Một cơn ác mộng kinh hoàng, giữa căn nhà hoang đầy nỗi sợ hãi.

Sáng sớm khi tỉnh dậy, tôi chạy nhanh ra chỗ cây phi lao đầu làng, nhưng không còn thấy một mãnh vụn nào của tấm áo mưa hoàng tử.Trái lại tôi chỉ thấy một chiếc dép lào cũ của bố tôi nằm trơ trọi bên một góc đường. Tôi lập tức chạy về nhà trong hốt hoảng. Vừa chạy tôi vừa nghe thấy tiếng bố gọi tên tôi như trong cơn ác mộng đêm qua... Về tới nhà ông Tư cạnh nhà phóng nguyên cây chổi vào người tôi:

- Bà nội bay, hôm qua bay đi đâu, để thằng Tuấn đi tìm bay cả đêm, nó trúng gió, té xỉu ngoài đường, bây giờ còn nằm trên bệnh xá kìa.

Mới nghe ông tư nói xong, tôi vụt chạy nhanh tới bệnh xá, lao vào đúng ngay phòng bố tôi nằm ở đó. Mới gặp tôi, bố đã buông câu: Bố xin lỗi, tôi thấy bố quay lưng và vội lau dòng nước mắt. Tôi ôm lấy bố, tôi đã khóc, muốn nói lời xin lỗi bố nhưng tôi không nói thành lời. Hơn bao giờ hết tôi cảm thấy yêu bố vô cùng.

Mấy mươi mùa đông trôi qua, tôi lại nhớ đến chiếc áo mưa ấy! Chiếc áo mưa huyền thoại, chiếc áo mưa của tình yêu con trẻ của một người cha. Những gì bố làm, những gì bố nói đều khắc sâu trong tâm trí tôi.

Tôi thèm khát một mùa đông, mùa đông của năm ấy! Tôi xin được trở về để được một lần tận hưởng niềm yêu thương, tận hưởng tình yêu thiêng liêng cao quý mà bố tôi đã dành trong chiếc áo mưa hoàng tử. Tôi xin được về để tạ lỗi, để trân quý chiếc áo mưa rất" quái" trong mắt bạn bè nó, nhưng hết sức tuyệt vời đối với tôi.

Tôi muốn trở về mùa đông năm ấy, để chiếc áo mưa hoàng tử ôm choàng lấy tôi như chính bàn tay bố ôm lấy tôi sưởi ấm những ngày đông, và trọn cuộc đời.

Khi càng lớn lên, giá trị từ những thứ nhỏ nhặt giản đơn nhất lại hết sức mang ý nghĩa sâu sắc trong trong cuộc đời. Tôi trân quý những đều giản dị ấy, trân quý cái tình sâu nặng của những người mình yêu thương trao tặng.

Hồ Viết Tiên

Ngày đăng: 13/02/2017
Người đăng: Hồ Viết Tiên
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Gia vị người Thái Tây Bắc
Henry Ford - face issues quote
 

Đa số mọi người tiêu phí thời gian và sức lực vào việc đi đường vòng để tránh các vấn đề hơn là tìm cách giải quyết chúng

by Henry Ford

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage