Gửi bài:

Lão Lừa

Thì ra vợ lão đang nói chuyện với con gái, thì ra lão đang ở viện, lão đang thập tử nhất sinh... nước mắt lão ứa ra. Không biết những ngày cuối đời của lão rồi sẽ ra sao! Cái tên bố mẹ đặt cho lão, than ôi đúng là thân Lừa! Nghĩ đến đây lão lại lịm đi.

***

lao-lua

- Này hộ nhau nâng mạnh lên nào...ấy, ấy... nặng quá! Thằng Ngọ đỡ vai vào nào, nặng thế này mà mày để mỗi mình tao sao ?

Tiếng lão Lừa vừa thở vừa quát đám người bốc gỗ, hai tay cố ghì khúc gỗ trên vai. Đã hơn 6 giờ tối. Cả ngày đám thợ sơn tràng vật lộn với cưa, với búa, với vác, với khiêng, với kéo... từ sáng sớm... đến lúc này ai nấy đều đã mệt nhừ, chân tay rã rời không còn muốn cựa quậy nữa. Nhưng tiếng con mụ chủ vẫn diết dóng:

- Mau lên chứ, trời tối tới nơi rồi, các người làm gì mà ì ạch thế, mau xếp cho đầy xe để còn về chứ. Mất mẹ nó cả ngày rồi mà vẫn chưa được xe nào chở về cả, thợ ở xưởng thì ngồi chơi. Làm ăn thế này thì khác gì giết người.

- Bà nói in ít thôi được không? Bà xem từ sáng đến giờ 4 thằng này đốn hạ được bao nhiêu cây rồi, cả một bãi keo như thế này, có thằng nào được rảnh tay lúc nào không? Trời nóng như thiêu, làm thế chứ còn làm thế nào nữa. Thôi mình nghỉ thôi các ông, hết hơi rồi không chịu nổi nữa. Làm lấy sống hay làm lấy chết mà cố kiết thế này? Chả biết điều thì thôi lại còn lắm mồm. – Thằng Ngọ bực dọc xổ ra một tràng.

Tưởng nói thế là yên, nào ngờ mụ Lụa lại càng điên tiết, mụ quát:

- Này thằng kia! Mày không muốn làm thì xéo ngay về. Bà không cần cái loại mày, loại đàn ông gì mà lười thối thây, thối xác ra như vậy, chỉ được cái khôn lỏi, lúc ăn thì hùng hục, sục những miếng ngon, khi làm thì thấy việc nặng là lảng, lúc đ... nào cũng chỉ vòi vĩnh ăn, uống, tiền nong là không ai bằng. Tao đã bảo, tao không mướn cái mặt mày kia mà. Muốn nhàn thì ở nhà bốc cứt mà ăn nhé. Mai mày biến ngay, khỏi ngứa mắt bà. Có tiền bà thuê đ...éo đâu không được người.

Bị bắt đúng "thóp" thằng Ngọ im de. Lão Lừa đang cố kiết đẩy khúc gỗ vào thùng xe, xong lão quay ra, mặt vẫn đỏ lựng vì cố sức. Lão vừa thở, vừa nói như dàn hòa:

- Thôi cãi vã nhau... mà làm gì, mệt ai... chẳng mệt... xe đã lên rồi ... mình cố bốc cho xong rồi cùng về. Già như tao không kêu ... thì thôi chứ trẻ khỏe như trâu thế kia mà lúc nào cũng kêu ca chán quá đấy. Thôi xúm nhau vào... hơn tiếng nữa là xong.

Thấy lão Lừa nói vậy, cả đám đều im lặng, ai lại việc ấy. Thằng Ngọ tuy vẫn còn hậm hực nhưng cũng không dám nói gì, nó miễn cưỡng sốc khúc gỗ lên vai cùng mọi người đưa lên xe. 8 giờ tối mới xong, lão Lừa cùng đám thợ lục tục thu dọn đồ nghề, dắt xe, nổ máy ra về.

Đời người chẳng ai lường trước được điều gì. Lão Lừa vừa xoay nghiêng người vào phía trong tường để tránh cọ vào vết xước bên sườn, toàn thân lão đau ê ẩm, lão vừa nghĩ... Đã ba tháng trời nay lão đi làm thuê cho mụ Lụa với mức tiền công là 130 nghìn đồng một ngày công.

Thực tình, cực chẳng đã lão mới phải đi làm cái nghề này. Các cụ xưa thường nói "nhất thổ nhì mộc" đó là hai nghề cực nhọc "ráo mồ hôi" là hết tiền. Tuổi giờ lão đã 57, cái tuổi mà sức lực không còn dư dả gì, cái tuổi mà đáng ra với những người có điều kiện họ đã nghỉ ngơi dưỡng sức, có chăng cũng chỉ làm những công việc nhẹ nhàng, nhà nông thì cày bừa cấy gặt đã là vất lắm rồi. Vậy mà giờ đây lão lại đi làm nghề chặt cây, vác gỗ trên rừng cho con mụ Lụa.

Đời thật chớ trêu, thời trai trẻ sau mấy năm quân ngũ, lão về xin vào công ty thương nghiệp huyện. Thời bao cấp hàng hóa khan hiếm, nhân viên thương nghiệp được coi như những "ông hoàng", "bà chúa", cái gì ngon, cái gì đẹp cánh thương nghiệp "lĩnh" hết. Lão cũng được một thời "vàng son" "oanh liệt" như thế. Thời đó kéo dài chừng chục năm. Cuối những năm 80 của thế kỷ trước, cơn gió "đổi mới" "mở cửa" cùng với cơ chế kinh tế thị trường ào đến bất ngờ cuốn trôi và làm tan nát chế độ bao cấp. Ngành thương nghiệp xã hội chủ nghĩa đi vào hồi cáo chung! Những "ông hoàng", "bà chúa" bỗng trở thành "con sên, cái kiến". Tất tật đều tự thấm nhuần một câu cửa miệng "khách hàng là thượng đế" những cặp mắt khinh khi, những cái lườm, cái nguýt tự nhiên đổi chiều 180o...

Nghĩ đến đây lão Lừa chợt thở dài, lão lẩm bẩm: "Thế gian biến cải vũng nên đồi", "lên voi, xuống chó" thật khó ai biết mà lường trước! Lão là cán bộ thu mua của công ty thương nghiệp huyện, một thời "quyền sinh, quyền sát" trong tay. Nông sản bà con mang đến trạm bán, lão toàn quyền quyết định phân loại. Từ loại 1 lão đánh xuống loại 2, từ loại 2 lão hạ xuống loại 3... số tiền chêch lệch đó lão đút túi gom về, rồi khi thanh toán, ai muốn lấy tiền nhanh lại phải thúi cho lão dăm bảy nghìn... cứ vậy việc làm nhàn tênh mà tiền lại nhiều, mọi người đều nể trọng lão. Mấy em bên phòng văn hóa lúc nào cũng vây quanh, mắt long lanh, luôn miệng réo: "Anh Lừa ơi tối sang bên em chơi nhé!" "Anh Lừa ơi mua hộ em thứ này... ", "Anh Lừa ơi hôm nay anh đi xã nào đấy?"... Cô nào, cô nấy cứ véo von, sẵn sàng "xin chết"với Lừa... Chỉ qua có mấy mùa thu mua lão đã có tiền cưới được một cô vợ là giáo viên người thành phố hẳn hoi. Đánh dấu chấm hết cho mấy cô gái bám theo lão lâu nay! Rồi thoắt cái lão mua đất, làm nhà, mua máy khâu cho vợ mở hàng làm thêm bởi nghề giáo "đói rách" quá. Mọi thứ vợ con, của nả đến với lão cứ nhẹ tênh, khiến không ít người ghen tị.

Đời lão tưởng cứ thế lên tiên. Đâu ngờ đùng một cái, cơ quan giảm biên chế, mấy chục cán bộ bị tinh giảm, biết lão có tiền, tay cán bộ tổ chức đến bảo lão muốn ở lại thì lo tiền để lão chạy cho. Lúc ấy, lão nghĩ mình có tiền về làm gì chả sống, hơi đâu "gà nhà thả ra mà đuổi" tiền đang trong túi mình, đưa cho chúng nó, lần này có thể được ở lại, lần sau thì thế nào? Lão băn khoăn chưa quyết, lão về nói chuyện với vợ, vừa nghe, vợ lão đã giương hai con mắt ốc nhồi trắng dã lên quát lão: "Anh có thần kinh không đấy? Mất tiền để ở lại cái cơ quan đang giãy chết ấy làm gì, khác nào anh cầm b...cho người ta đái. Bao nhiêu người họ còn bỏ cơ quan về nhà xin ruộng cày. Có ngu thì mới ở lại cái công ty chết đói ấy, tiền đấy để mình làm ăn, tôi cấm anh đưa tiền cho họ đấy. Không làm ở đấy thì về, chết làm sao được, sức dài, vai rộng lại có tiền còn lo gì !"

Thế là lão nghe vợ bỏ về, chả thèm cả chuyển giấy tờ, lão về ngay tắt lự... Mất việc về nhà, thời gian ấy lão chẳng làm gì, lão ngủ suốt ngày. Sáng sớm vợ đi dạy học, lão ngủ đến tầm 10 giờ trưa mới dậy rửa nồi, nấu cơm, chờ vợ về, cơm nước xong lão lại ngủ. Cuộc đời của lão lúc ấy quả thật là thảnh thơi, nhàn hạ vô cùng. Giao thời giữa "đổi mới" và "bao cấp" người người thi nhau "nhào" ra phố, "lăn" ra chợ lo làm giàu, thấy vậy vợ con lão cũng eo xèo giục rã lão nghĩ cách làm ăn nhưng lão bỏ ngoài tai. Lão chỉ ngủ. Người xưa nói "miệng ăn núi lở" tiền nong lão kiếm được trước đây, tiêu mãi vài năm cũng hết. Vợ chồng lão lâm vào cảnh túng thiếu, trong khi con cái lớn dần. Những bữa "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" xảy ra trong nhà lão ngày một nhiều. Nhưng cái sức ì trong con người lão quá lớn, lão cam chịu sống trong nghèo khó mà không muốn động chân, động tay đến việc gì. Cái đầu lão cũng mụ mị đi và ngày càng thêm lười nhác, mọi sự lão phó mặc cho vợ...

Đời người thoáng chốc như bóng câu qua cửa. Lão đã bước vào cái tuổi 50. Khi đứa con gái lớn của lão chuẩn bị đi lấy chồng, lão bỗng nhận thấy mình đúng là kẻ vô tích sự trong nhà. Trong khi đứa con gái ngày nào cũng gọi điện thoại về thúc mẹ mua sắm, nào áo, nào váy, nào nữ trang... để nhà trai khỏi xem thường thì lão không hề có lấy một xu. Mụ vợ với mấy đồng lương dạy học phải chi đủ thứ, nào nuôi con ăn học, nuôi chồng ở nhà, lo đối nội, đối ngoại...vậy nên có tiền đâu mà mua sắm thứ gì. Khổ nỗi con gái lão là kẻ đua đòi, nó không biết thương gì bố mẹ, nó cứ muốn cái gì cũng phải sang, cũng phải hơn người. Vậy là vợ chồng lão lại những ngày đêm cãi vã đánh chửi nhau thậm tệ. Vợ lão cậy có đồng lương nên khinh lão ra mặt. Mụ chửi lão không tiếc lời. Mình mụ tự chạy vạy, vay tiền ngân hàng sắm sửa mọi thứ theo ý con gái.

Gả xong con gái, vợ chồng lão tưởng như vừa cắt được khối thịt u trên mình tưởng đã nhẹ nào ngờ lại khoác vào cổ một khối nợ lên đến 5 chục triệu. Lại những trận cãi vã giữa hai vợ chồng. Trong khi ấy đứa con gái vài ngày lại thấy gọi về đòi mẹ mua "gà đồi" "rau sạch", làm sẵn gửi xe ca xuống cho nó. Vậy là vợ chồng lão lại cắn xé nhau. Nhà nuôi được chục con gà, con gái lão về nhận 5 con và bắt mẹ phải thịt dần gửi xuống cho tươi để vợ chồng nó ăn. Lão cay đắng nhưng đành bất lực, bởi lão không làm gì ra tiền. Còn vợ lão thì đêm ngày chì chiết lão không biết dạy con, lại còn ăn bám vợ. Đã hàng chục năm nay lão không có được chiếc quần áo mới nào. Ngày cưới con, thằng em cậu đem bộ comle lên cho lão mượn, lão ngượng nghịu, lúng túng khi mặc nó. Trong khi con gái lão đầy mấy hòm quần áo, nhiều cái nó chỉ mặc mỗi lần đã bỏ... Đúng là đứa con vô phúc! Nó là con quỷ được sinh ra để hành hạ vợ chồng lão chứ đâu phải là con !Lão thầm rủa con như thế. Hễ nói với bố nó lại gắt: "Bố làm được cái gì nào?" Lão cay đắng thấy mình bất lực trước vợ con. Cho đến 3 tháng trước đây, vợ lão mắng chửi quá, lão không thể ngồi yên được nữa, nhân mụ Lụa béo mở xưởng cưa, lão bèn nhận đi chặt gỗ thuê cho mụ.

Từ ngày lão đi làm, bữa ăn nhà lão cũng đầm ấm hơn, vợ con lão cũng ít điều qua, tiếng lại với lão. Lão ngẫm thấy không có tiền tủi cực vô cùng. Không có tiền bị vợ con coi thường, nói không ai nghe. Lão nghiện chè, thuốc nhưng không có tiền mua cũng đành phải cai, phải nhịn.

Trời về sáng, nằm trong nhà lão Lừa đã nghe tiếng mụ Tuất chủ quán thịt chó đang léo nhéo gọi con dậy làm hàng. Xương vai, xương sống đau như dần, lão cố xoay người, chân tay nặng chịch, lão nghĩ có lẽ hôm nay phải nghỉ. Bỗng có tiếng mụ Lụa bô bô gọi cửa:

- Ông Lừa ơi ! Thức chưa đấy? Dậy đi, sáng nay ông cùng thẳng Quản và thằng Tỵ dẫn thêm 3 thằng nữa vào bãi keo tối qua cắt nốt số gỗ đã ngả, rồi khuân xuống đồi, chiều tôi cho xe lên chở nhé. Ông phải đốc chúng nó làm cho nhanh hộ tôi không thì nhỡ hết việc đấy! – Mụ Lụa nói vậy rồi ngúng nguẩy đánh cặp mông to đùng đi về, mụ không cần biết lão có nghe rõ hay không.

Đã 11 giờ trưa, lão Lừa cùng cánh thợ đang cố khuân nốt mấy khúc gỗ cuối cùng từ trên đồi xuống đường để chiều bốc lên xe. Thằng Tỵ ghé vai nâng khúc gỗ lên cho lão Lừa và thằng Ngọ, khúc gỗ nặng đẩy lão Lừa xiêu sang một bên, thằng Tỵ vội sốc vai vào đỡ, ba người siêu vẹo bước thấp bước cao cố lê xuống chân đồi. Còn chừng trăm mét nữa thì đến nơi, bỗng lão Lừa trượt chân khụy xuống, theo đà thằng Tỵ và thằng Ngọ bị kéo tuột theo, khúc gỗ nặng rơi ập xuống. Lão Lừa khiêng ở giữa không kịp tránh bị gỗ đè trúng chân phải, lão rú lên một tiếng man dại. Cánh thợ hốt hoảng xúm lại khiêng lão xuống đồi rồi lấy xe chở lão đi viện...

Lão Lừa tỉnh dậy sau 3 ngày nằm bất tỉnh tại bệnh viện. Toàn thân đau buốt, lão cố hé mắt xác định xem mình đang ở đâu. Lão bỗng nghe tiếng mụ vợ eo éo nói chuyện qua điện thoại, lão dỏng tai cố nghe:

- Tao đang ở viện với bố mày. Bố bị thế mà không thấy mày vác mặt về, ba ngày nay mình tao coi bố mày, giờ vẫn chưa tỉnh, không khéo phải tháo khớp đấy.

- Chúng con chuẩn bị đi nghỉ mát, về thì cũng làm gì, đã có mẹ rồi. À mẹ xem có bán đất khẩn trương đi cho con 100 triệu để con nhập hộ khẩu mẹ nhé, bán rẻ một tí cũng được, chứ không nhập hộ khẩu được, càng ngày càng khó ra mà tiền lại nhiều thêm đấy.

Thì ra vợ lão đang nói chuyện với con gái, thì ra lão đang ở viện, lão đang thập tử nhất sinh... nước mắt lão ứa ra. Không biết những ngày cuối đời của lão rồi sẽ ra sao! Cái tên bố mẹ đặt cho lão, than ôi đúng là thân Lừa! Nghĩ đến đây lão lại lịm đi.

Cuối cùng thì lão Lừa cũng được ra viện, may mắn cái chân đã được bó bột và đang lành, bác sỹ bảo phải 6 tháng mới được tháo bột. Trời nóng như rang, lão ở trần, thân hình gầy rộc. Lại những đêm mất ngủ, lại những lời chì chiết của vợ...Thần kinh lão căng như dây đàn, lão đã suy nghĩ và lão đã quyết...

8 giờ sáng hôm ấy thấy phòng vắng lặng, vợ lão mở cửa vào thấy lão nằm bất động, mụ lay gọi và nhận ra lão đã chết. trên đầu giường lão để sẵn tờ giấy trên đó ghi mấy chữ nguệch ngoạc: "Tôi tự thấy mình sống chả còn ích gì với vợ con, nay tôi ra đi để lòng được thanh thản, vợ con cũng đỡ phần vất vả. Vĩnh biệt!". Đám ma của lão được tổ chức vội vã, qua quýt, lèo tèo vài chục người hàng xóm và hơn chục người họ hàng thân thích ở quê ra. Con gái lão cũng không về, nghe nói nó đang theo bạn bè du lịch sang Thái Lan.

Ngày đăng: 04/05/2017
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Chè Tuyết San Tủa Chùa Điện Biên
Thế giới không công bằng
 

Thế giới vốn không công bằng. Bạn biết điều này chứ? Dù bạn có nhận thấy sự bất công trong xã hội hay không thì cũng đừng hy vọng làm thay đổi được nó. Việc cần làm là hãy thích nghi với nó.

BillGates

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage