Vợ hổ
Tôi quyết định nghỉ việc. Lần này là lần thứ tám trong đời tôi nghỉ việc. Tôi đã biết là ở nhà con vợ tôi sẽ làm ầm ĩ lên khi tôi lại thông báo nghỉ việc trong lúc đập tay xuống bàn ông sếp. Con vợ hẳn sẽ càu nhàu và dằn vặt tôi, nhưng tôi bất cần rồi, càng nhân nhượng chúng nó càng lấn tới nên tôi quyết định cho chúng nó lấn tới hẳn luôn. Tôi bỏ việc dù để sếp nói ra việc cho tôi nghỉ trước nhưng tôi vẫn nghĩ mình là người từ bỏ vì đã không ít lần tôi nghĩ đến chuyện bỏ việc rồi.
***
Cởi phăng cái áo đồng phục màu xanh lá mà tôi vốn rất ghét, trả lại cho công ty cùng máy tính, điện thoại và những văn phòng phẩm đang sử dụng dở dang. Tưởng được về luôn và ngay mà ông sếp bắt tôi gọi điện, gửi email để thông báo với các khách hàng quan trọng về việc tôi nghỉ. Mụ kế toán, à nên gọi là chị Phương kế toán kêu tôi đến bàn chị ta ký hàng tá giấy tờ, nào là biên bản bàn giao tài sản, quyết định thôi việc. Phương cau có ra mặt, khi phải đợi tôi bàn giao hết công việc đến tận hơn sáu giờ tối. Đến lúc đó chị ta mới được giao lương cho tôi và tôi hoàn toàn có thể ra về. Cuối cùng tôi nhận được sáu triệu đồng, đó là mức lương tính đến thời điểm nghỉ việc của tôi. Tính ra còn hơn một tuần nữa mới đến ngày nhận lương chính thức, nhưng vì tôi không muốn dính dáng gì nữa đến cái công ty này, không muốn trở lại đây nữa và sếp cũng không muốn gặp lại tôi nữa nên tôi được thanh toán luôn.
Tầm tám giờ vợ tôi gọi điện, lúc đó tôi đang đứng trước cửa một quán nhậu, tôi định đi làm vài cốc bia và đĩa thịt khô nướng cho quên sầu, nhưng con vợ gọi nhìn vào máy đã thấy có mười cuộc gọi nhỡ của nó rồi, tôi bật nút nghe chưa kịp nói gì nó đã quát om tỏi.
"Anh đang chết dí ở đâu mà giờ này còn chưa về hả, đã dặn hôm nay đón thằng Chun rồi mà không đi đón nó là sao hả?"
"Chun à? Chun đâu? Thằng bé sao rồi, chết rồi anh quên, hôm nay công ty anh nhiều việc."
- Nhiiiiii ều việc? - vợ tôi kéo dài từ ấy ra với một giọng đầy mỉa mai, vì mọi ngày nhiều việc tới đâu, tám giờ tôi cũng phải có mặt ở nhà rồi- anh ở đâu thì về nhanh, về rồi anh biết tay tôi."
Tôi cảm thấy như đêm hôm nay bầu trời sẽ sụp đổ vậy. Chắc thằng Chun có chuyện gì rồi, và con vợ tôi sẽ ăn thịt tôi. Trước khi biết vợ tôi mới nhảy việc có ba lần, từ ngày quen nó và lấy nó về tốc độ nhảy việc của tôi tăng lên trông thấy. Tôi không thể giấu nó về chuyện tôi nghỉ việc hôm nay, mà có giấu thì cũng chẳng được lâu. Nó có số điện thoại công ty, nó sẽ gọi vào đó và kiểu gì sớm muộn nó cũng biết. Dù hôm nay trước khi bàn giao cái điện thoại di động công ty tôi đã cẩn thận chặn số nó. Phải đi hai chặng xe buýt chật chội, đứng mỏi chân vào những giờ cao điểm tôi mới về được đến nhà. Vợ chồng tôi thuê được một căn nhà giá rẻ ở ngoại thành. Nó cách xa chỗ làm của tôi 21 ki lô mét, cách xa chỗ làm của vợ 12 ki lô mét, và chỗ thằng Chun học năm ki lô mét. Mỗi ngày hành trình trở về nhà đối với mỗi thành viên trong gia đình tôi đều là một cuộc đấu tranh kinh khủng khiếp với nạn kẹt xe, sự mệt mỏi sau một ngày dài làm việc và học tập. Ngoại trừ thằng Pê- con chó mực của chúng tôi, nó quanh quẩn trông nhà suốt ngày nên chẳng mệt nhọc gì cả.
"Bia đi em, bia em! Em đi mấy người, vào ngồi đi."
Một bà mắt xanh mỏ đỏ từ quán nhậu đi ra mời gọi tôi. Tôi mới giật mình nhìn quanh, hóa ra mình đã đứng ngẩn ngơ nãy giờ trước cửa quán nhà người ta. Tôi liền cười trừ từ chối bà chủ quán rồi rời khỏi đó, đi về phía trạm dừng xe buýt. Bà chủ quán lườm nguýt, chửi với theo.
"Không uống mà cứ đừng ì trước cửa quán nhà người ta, rõ dở người"
Bực lắm, nhưng so với mấy lời vợ tôi thường nhiếc tôi thì chưa thấm vào đâu cả nên tôi quên nó đi nhanh như không nghe thấy gì cả. Tôi cứ đi lững thững, trôi miên man trong những dòng suy nghĩ. Tôi đang nghĩ cách để đối phó với con vợ. Cứ thế tôi về đến trước cửa nhà từ lúc nào mà không hề hay biết. Đứng trước cửa mà tim tôi cứ đập thình thịch. Tôi toan tính đi đâu đó làm một chầu bia thật say cho đủ can đảm mới về thì con Pê đánh hơi thấy mùi tôi, nó sủa. Tức thì con vợ tôi đâm ra cửa. Tôi cố gắng nở một nụ cười thân thiện chào vợ. Nó không thèm nhìn, quay luôn vào trong nhà. Trái tim tôi đập nhanh hơn, loạn hơn. Thà rằng nó nói gì đó, chứ nó im lặng là dấu hiệu của điềm rất xấu. Tôi sợ cứ đứng chôn chân ngoài cửa. Năm phút sau, nó hét ra:
"Anh đứng đấy làm cái gì hả? Giỏi thì đứng cả đêm luôn đi nhá."
Cố gắng hít thở thật sâu để lấy thêm sự can đảm, nhưng hình như tôi đã hít phải một làn hơi bụi, cách chỗ chúng tôi ở không xa là một tòa nhà đang xây dở dang. Tôi ho lụ khụ để tống hết khói bụi trong cổ họng ra. Lệnh khệnh bước vào nhà như thằng say rượu, nhà thằng Chun đang ăn cơm thì chạy ra ôm chân, nó nói cái gì tưởng chừng như là "a bố về".
- AAAA ô ố ê ê
Trán thằng Chun hôm nay băng một miếng gạc to, nó sờ tay lên và mếu mếu cố diễn đạt cho tôi hiểu là nó bị đau ở trán. Vợ tôi đứng cạnh chống tay lên cái eo bánh mì.
- Đấy anh mà đến đón nó ở lớp sớm thì có phải nó không bị ngã không, ngồi chơi một mình cả tiếng không ai để ý...
- Chết Chun có làm sao không? Người có sao không? Cởi quần áo ra chú xem nào?
Lập tức con vợ túm lấy tai tôi xách tôi từ chỗ cửa lôi xồng xộc vào hẳn trong nhà, nó gằn vào mặt tôi nhỏ nhưng nghe rất ghê rát:
"Tôi bảo anh không được xưng chú với Chun bao nhiêu lần rồi cơ mà, nó gọi anh bằng bố thì anh phải xưng bố chứ."
Tôi đau đến vẹo cả người, cái véo tai của con vợ rất ghê gớm. Đấy là tôi còn chưa kể đến chuyện tôi thất nghiệp từ hôm nay, nhưng chỉ cần tôi nói ra cái chuyện to này thì tôi biết con vợ sẽ tập trung vào tổng sỉ vả chuyện này mà quên đi những lỗi lầm nhỏ nhặt kia. Trước khi vợ bắt đầu cơn thịnh nộ tiếp theo, tôi khai luôn chuyện nghỉ việc.
"Hôm nay anh chính thức rời khỏi công ty rồi!"
"Cái gì? Anh lại bỏ việc, trời! Anh có biết là còn bốn tháng nữa là tới Tết, còn hai tuần nữa là đóng tiền nhà, tiền học cho Chun không hả? Sao anh cứ chọn nghỉ việc vào lúc nước sôi lửa bỏng, lúc nhà đang cần tiền như thế hả? Rồi anh định làm gì tiếp theo, cái nhà này sẽ đi về đâu hả? Anh muốn ra gầm cầu ở hả?"
"Anh không biết, anh có được lựa chọn đâu, anh không có sự lựa chọn nào khác cả."
"Ý anh là sao, có nghĩa là anh bị đuổi việc phải không?"
Tôi ngồi xuống sàn nhà, vừa xoa cái tai cho bớt đau vừa kể cho vợ nghe về chuyện vì sao tôi nghỉ việc, dù không biết là nó có kiên nhẫn nghe hết không."
"Anh không bị đuổi. Anh tự nghỉ, anh muốn bỏ việc từ lúc vào làm rồi nhưng anh đã cố chịu đến hôm nay. Từ thứ hai đến thứ bảy đi hơn hai mươi cây số mỗi ngày đến chỗ làm. Cố gắng hoàn thành hết mọi công việc vậy mà người ta cứ không coi trọng công sức của anh. Không thông cảm cho khó khăn của anh, tám giờ sáng phải có mặt đóng đồng phục đầy đủ. Đi muộn hai ba phút là bị mắng nhiếc bắt làm bù giờ, năm phút trở đi là dọa trừ lương, rồi trừ thật. Tính anh vốn chậm nhưng cũng chỉ vì anh muốn làm việc nào thì cho xong việc đó, thì những người làm cùng, rồi sếp anh lại mắng nhiếc anh là không được việc gì thế này thế kia. Làm mỗi cái việc cỏn con cũng không xong. Cỏn con thì họ sao không đi mà làm đi. Lúc nào anh cũng tự nhủ mình phải cố gắng, nhưng anh thấy người ta đã ghét mình rồi thì có cố nữa cũng thế thôi. Hôm nay họp công ty hàng tháng, chỉ vì báo cáo của anh sơ xài nên ông ta đã chỉ trích anh, nói anh vô trách nhiệm rồi vô dụng. Trong khi trong giai đoạn làm báo cáo thì họ bắt anh đi giao hàng hộ thằng Cường vì nó đau xin nghỉ một tuần. Anh tức quá, anh chửi luôn sếp ngay tại cuộc họp rồi nghỉ việc luôn rồi."
"Anh chửi ông ta như thế nào?"
"Anh không chỉ chửi ông ta, anh chửi luôn cả mụ Phương kế toán, lúc nào cũng săm soi chấm công lấy lòng sếp. Mụ ta cũng đi muộn, nghỉ đầy ra. Anh chửi con bé Linh, thằng Quốc chúng nó có phải lúc nào cũng niềm nở với khách hàng đâu, đầy lần chúng nó chửi nhau tay đôi với khách, rồi khách phàn nàn thì ông sếp lại quay sang nói anh bảo anh không biết chăm sóc khách hàng, đếch đâu phải lỗi tại anh."
"Tốt lắm, phải thế chứ!"- vợ tôi vỗ tay đét một cái và thốt lên.
Tôi ngạc nhiên với câu nói và thái độ của vợ.
"Anh như thế là có bản lĩnh"
"Em... em nói thật... thật à?"
Tôi như không tin vào tai mình. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi được vợ khen. Lại còn trong hoàn cảnh của một thằng đàn ông vô công rồi nghề nữa mà vợ bảo tôi là bản lĩnh. Thật thấy tim mình như vỡ òa vì sung sướng, thật trên đời ngoài vợ ra chưa ai khen tôi là có bản lĩnh cả. Tôi như muốn ôm chầm lấy vợ, ba mươi mấy năm, lần đầu tiên tôi cảm thấy được an ủi đến thế ngay sau khi vừa thất bại. Vợ cho tôi chìm ngập trong cảm giác phúc ấy gần ba mươi giây liền.
"Thế tiền họ trả anh đâu?"
Tôi moi tiền trong túi ra đưa cho vợ ngay tắp lự, nó đếm đếm rồi cho luôn vào túi quần nó. Lúc này tôi mới lòng mề mình đau nhoi nhói. Chỉ biết nhìn vào túi quần của con vợ trong thèm khát vô vọng.
"Từ mai anh đưa Chun đi học rồi đón Chun về, rửa bát, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, ra bãi đất trống gần đây mà đào đất về mang lên sân thượng mà trồng rau, cứ làm như vậy cho đến khi tìm được việc mới nghe chưa?"
Rồi vợ đưa tay vào trong túi quần, rút đấy một ít tiền đưa cho tôi hai trăm năm mươi ngàn, bảo là tiền đi chợ và tiêu vặt của tôi, nhắc tôi phải chi tiêu tiết kiệm trong một tuần. Như kiểu thách thức người ta lập kỷ lục "gi nét" về chi tiêu vậy. Tôi tuy lề mề nhưng được cái làm phép tính nhân chia cộng trừ rất nhanh. Tôi nhẩm ngay ra vậy là mỗi ngày tôi được phép tiêu khoảng ba mươi lăm nghìn năm trăm đồng. Không chật đi đi đâu được. Tôi, con vợ, thằng Chun và con Pê ngày ăn ở nhà hai bữa với ba mươi lăm nghìn năm trăm đồng, ở trên phố một bát phở lòng và một cốc bia lạnh cho một người ăn là bốn mươi nghìn đồng rồi. Hàng tháng tôi vẫn đôi ba lần tự thưởng cho mình như thế. Giờ đây tôi phải học cách dùng số tiền ít hơn thế cho cả gia đình, tôi cảm thấy lo lắng vô tận.
"Vợ ơi, chừng này cho cả nhà mình trong một tuần sao mà đủ được?"
"Sao không đủ, lâu nay tôi vẫn chi tiêu có vậy đó thôi, không thì cái nhà đã tan tành rồi. Anh xem lương của tôi và anh như thế, còn nuôi thêm hai cái miệng ăn nữa, nhà thì thuê, không tiết kiệm làm sao mà đủ sống?"
Vợ nói thế rồi tôi cũng đành nín. Cả đêm hôm đó tôi chẳng tài nào ngủ được. Dù vợ không trách móc nặng lời, không cấu véo, đánh đuổi như tôi đã tưởng tượng nhưng tôi vẫn thấy trong lòng đầy nỗi lo sợ. Người ta đi tìm việc còn tôi phải đi xin việc. Tôi lo sợ giờ không có chỗ nào nhận một người đàn ông ngoài ba mươi tuổi, kém ngoại ngữ, không có kinh nghiệm chuyên môn về một lĩnh vực cụ thể gì, không có ngoại hình ưa nhìn, không có bằng đại học chính quy như tôi vào làm việc. Tôi hơi vẩu và gầy còm, quen vợ hồi còn làm phụ bếp ở nhà hàng hải sản. Vợ tôi thì hơi đậm người, mặt mũi cũng sáng sủa với đôi lông mày cũng đậm, bờ môi cũng hơi đậm nốt, khuôn miệng rộng nên các cụ ở quê vẫn hay trêu là tướng miệng... tan hoang cửa nhà. Nó sinh năm Dần, tuổi Hổ, cái tuổi mà các cụ xưa hay phán là khó lấy chồng. Hồi bố mẹ tôi xem tuổi kết hôn cho tôi và nó cũng ái ngại lắm, nhưng vì lúc ấy tôi cũng là trai già rồi, lại còn mãi không có bạn gái nên các cụ cũng chẳng dám phán đối. Giờ nó làm kiểm kho ở một siêu thị trong trung tâm thành phố, lương tháng cũng ba cọc ba đồng nhưng được cái chỗ làm người ta hỗ trợ ăn trưa, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội cho một cách đầy đủ, có thêm lương thưởng doanh thu hàng tháng. Một điều đặc biệt nữa là, nó được quyền tiêu thụ những mặt hàng gần hết hạn, vì thế nhà tôi luôn được dùng những mặt hàng gần hết hạn do vợ mang về, cũng đỡ được phần nào.
Cuộc sống của chúng tôi tuy không khá giả nhưng nhờ con vợ biết chắt chiu nên mỗi năm vài bận chúng tôi cũng sắm sửa được ít quà cáp biếu hai bên nội ngoại ở quê, thỉnh thoảng cũng rủ nhau đi ăn KFC và uống trà sữa như bọn trẻ trâu, và sau mỗi dịp Tết chưa bao giờ phải chật vật kiếm tiền trả nợ. Thế nhưng kể từ ngày có thằng Chun, mọi thứ cứ chao đảo hết cả lên, thỉnh thoảng phải đi vay tiền đỡ mỗi cuối tháng. Tôi chưa bao giờ nghĩ nuôi một đứa trẻ lại tốn kém đến thế. Chúng tôi gặp Chun hồi cuối năm ngoái, kể đến đây cũng đã gần một năm rồi mà tôi vẫn chưa quen cách xưng bố với nó. Nó là con của chị Bền, một người họ hàng xa của vợ tôi. Chị Bền chẳng biết có chửa với ai, tính chị thì lơ ngơ, năm nay cũng đã ngoài băm. Thằng Chun được chửa đẻ trong sự hắt hủi của gia đình và xóm giềng, hai tuổi mà còn chưa biết nói, gầy còm ốm yếu. Ông bà ngoại nó thì cũng đều già yếu cả, mẹ nó rồi cũng hắt hủi nó. Nhìn nó xấu, họ hàng chẳng ai muốn nhận về nuôi. Thế mà lần đầu tiền thấy nó, con vợ tôi đã mủi lòng, nó bảo thằng bé giống tôi quá, sự so sánh đó làm tôi giật mình. Rồi ông bà ngoại Chun cũng van lơn nhờ chúng tôi nuôi hộ đứa bé. Tôi không thích nhưng con vợ không chịu, nó đánh vào đầu tôi một cái đau điếng khi chúng tôi đang ở sau nhà ông bà ngoại thằng Chun để bàn bạc chuyện nhận nó về nuôi.
"Mẹ kiếp anh, anh không thấy mình khốn nạn quá sao khi bỏ mặc một đứa trẻ đáng thương như thế. Tôi và anh ba năm chung sống không có nổi mụn con trong khi anh và tôi không ai yếu sinh lý cả. Chỉ là vì lòng dạ anh hẹp hòi, ích kỷ nên trời không thương đấy".
Nói tóm lại là tôi không có quyền quyết định gì trong vụ đó cả. Sau vài thủ tục giấy tờ cho hợp pháp và phải mất hơn một tháng, thằng Chun xuống thành phố ở với chúng tôi. Có Chun, vợ chồng tôi phải cố tìm mọi cách xin nghỉ phép để có thời gian chăm lo cho nó. Số tiền tiết kiệm có được dùng hết vào việc mua sắm quần áo, đồ chơi, sữa thịt và học phí của nó ở trường. Nó là một thằng bé thông minh dù chậm nói. Sau vài tháng ở với chúng tôi nó tăng cân và bắt đầu ô ê nhiều hơn. Nó đã gọi được con vợ tôi là mẹ. Nó cũng hay ốm vặt và mỗi lần ốm rất chi là tốn kém. Tuy vậy từ ngày có nó tôi đã biết đến công viên sở thú, được ngồi tàu hỏa đồ chơi và đu quay ở các công viên những trò mà hồi mà nếu không đi với một đứa trẻ tôi sẽ không bao giờ được sờ đến. Vợ tôi cưng thằng Chun lắm, sau đó đến con Pê, còn tôi hình như chẳng là cái thá gì trong mắt nó. Chiều cao, cân nặng và niềm vui của Chun là tất cả với con vợ, nó đã quen với việc làm mẹ, còn tôi thi thoảng vẫn ngờ ngợ vai trò làm bố của mình.
Tôi cứ mải suy nghĩ về cuộc đời mình hôm ấy đến gần ba giờ sáng mới chợp mắt. Thế mà năm giờ đồng hồ đã leng keng, tôi choàng dậy nấu bát mì tôm cho vợ. Mười lăm phút sau, con vợ tôi nó ra ăn, vừa ăn vừa mắng tôi là để mì trương, nấu mì mà không biết bỏ thêm cọng rau muống hay cọng hành vào để cho nó... thơm. Rồi nghe nó căn vặn đủ thứ nữa. Nó rời khỏi nhà thì tôi lại rang cơm, phần cơm không để tôi ăn, rang phần có hành và trứng để thằng Chun rồi lại trích một phần cơm không với một phần cơm có trứng trộn với nhau cho con Pê. Thay quần áo xong, hai bố con ra bến xe buýt cách nhà khoảng hơn một cây số, vợ tôi có xe máy nhưng tôi thì phải đi làm bằng xe buýt. Chun vào lớp xong tôi lại ra về, tôi đến chợ lúc hơn tám giờ sáng.
Đầu tiên tôi đi một vòng quanh chợ nghiên cứu tình hình giá cả. Sau đó quyết định mua một lạng giá đỗ, hai quả trứng, một mớ rau muống, chừng đó đã đủ cho tôi và con Pê ăn bữa trưa, một nửa mớ rau muống còn có thể dùng cho bữa tối. Thế mà tôi vẫn còn dư hai mươi mốt nghìn bảy trăm đồng để mua thịt lợn cho bữa tối, chính xác là tôi còn dư hai mươi mốt nghìn vì bảy trăm đồng đâu có xuất hiện, tôi dự là nó sẽ dôi ra khi đến hết tuần và chắc non đủ một cốc trà đá cho tôi. Tự dưng tôi thấy chi tiêu tiết kiệm cũng không đến mức là khó khăn. Tôi hào hứng về nhà và đi tìm đất trồng rau. Chỗ nhà vợ chồng tôi thuê có một cái sân thượng nhỏ chủ yếu là để phơi quần áo, thực ra đó là cái mái nhà, chủ nhà làm cái mái bằng như vậy với mục đích là sau này có điều kiện sẽ chồng thêm một vài tầng nữa, nhưng sau khi mua được nhà trong thành phố họ đã từ bỏ ý định đó. Tôi đã muốn làm vườn ở trên mái nhà lâu lắm rồi, mang cuốc xẻng từ quê lên nhưng bỏ xó đã lâu vì không có thời gian. Vốn xuất phát con nhà nông nên việc trồng trọt với tôi chẳng có gì khó khăn, nhà thuê ở ngoại thành nên chẳng khan hiếm đất cát. Khó khăn ở chỗ là tìm hạt giống. Không muốn thâm hụt vào số tiền vợ cho, tôi đi ngó nghiêng khắp xóm xin cây giống về trồng, tôi đem hết mấy củ tỏi, củ hành còn sót lại trong bếp lên gieo dù biết con vợ hay cứ vào bếp là đo lọ nước mắm, đếm củ dưa hành. Phát hiện mấy củ tỏi biến mất kiểu gì nó cũng hỏi. Càng chăm chỉ làm vườn, tôi lại càng cảm thấy mình rất hợp với nghề nông dân. Tôi lại nhớ đến những mảnh vườn, mảnh ruộng của bố mẹ tôi ở quê. Ngày xưa tôi hết học trung cấp rồi lại cao đẳng nghề, làm hết nghề này đến nghề khác để trụ lại thành phố, bố mẹ bảo về quê không biết bao nhiêu lần mà cứ nằng nặc đòi ở lại. Bây giờ lại chỉ ao ước trở về làm một người nông dân hiền lành.
Sau một tháng nhà tôi đã có rau sạch trên mái nhà để ăn, con vợ tôi cũng mừng ra mặt mỗi lần trèo lên xem vườn. Tuy vậy, lúc nào nó cũng hỏi han tôi về vụ đã tìm được việc làm mới chưa. Tôi thì chẳng biết trả lời nó ra sao, thực ra từ lúc nghỉ việc tôi chưa bao giờ tìm kiếm việc mới. Tôi chán nản, lo lắng và sợ hãi khi nghĩ đến tìm việc mới. Vì đã hết một tháng nên vợ càng giục tới tấp hơn, tôi cũng không biết mình đã nghĩ gì nhưng tôi thấy việc cần thiết phải cho con vợ một câu trả lời.
"Anh không đi tìm việc nữa, anh không muốn làm thuê cho người ta nữa, anh sẽ làm chủ, anh muốn làm chủ."
Tôi nói với cái giọng yếu dần, sợ nhưng nghĩ vợ sẽ khen mình bản lĩnh một lần nữa. Vì lần đầu tiên tôi bày tỏ một ước mơ lớn lao như vậy. Thế mà con vợ lại táng vào đầu tôi ba phát liên tiếp.
"Anh tỉnh lại đi, anh nghĩ cuộc đời này là một bộ phim Hàn Quốc và cái mái nhà này là khu vườn gác mái, là thiên đường hả? Làm chủ cái gì, làm chủ cái nhà này còn không xong, anh định làm chủ cái gì hả?"
Lời con vợ sao mà quá cay nghiệt, khiến tôi tức nghẹn, và hôm ấy lần đầu tiên tôi to tiếng cãi lại nó.
"Cô im đi. Rồi tôi sẽ để cô sáng mắt ra. Tôi sẽ làm vườn sẽ bán rau sạch cho dân cái thành phố này cô hiểu chưa?" – vừa nói tôi vừa chỉ tay vào mấy cây cải – tôi sẽ làm vườn, tôi chỉ là một thằng nhà quê vô dụng, nên tôi sẽ sống như một thằng nhà quê được chưa?"
Thế là từ hôm đấy con vợ mặc kệ tôi muốn làm gì thì làm. Nó không còn đưa tiền cho tôi đi chợ nữa. Mà điều đó cũng không còn cần thiết nữa. Nó vẫn lên mái nhà vặt rau của tôi cho các bữa ăn như thường. Nó mua thịt. trứng về tích trong tủ lạnh, cứ đến bữa là tôi lôi ra nấu. Mỗi ngày sau khi đưa thằng Chun đi học về tôi lại ra bãi rác, đi đến càng thùng rác nhặt nhạnh vỏ chai nhựa, lon bia. Tôi mang về rửa phơi rồi chế tạo thành chậu cây. Để có giống hoa cỏ và rau củ tôi gọi điện về quê, cả quê vợ lẫn quê tôi...xin. Điều ấy còn dễ hơn xin tiền vợ. Tiện tôi còn xin luôn cả mấy cân gạo và chục quả trứng, nói là cần đem biếu sếp. Vợ tôi thì nghĩ do người nhà ở quê biếu nên cũng chẳng nói gì. Sau hai tháng, tôi bắt đầu mang sản phẩm đầu tay đi tiếp thị quanh xóm và ở chỗ mấy bà bán rau ngoài cái chợ gần nhà. Vì ở ngoại thành nên rau cỏ không khan hiếm, tôi chỉ bán được vài cây xà lách và mấy lạng rau dền xanh.
Tuy vậy tôi lại cảm thấy vô cùng sung sướng, vì ít nhất cũng bán được. Rồi tôi học cách bán online, đi đâu, gặp ai cũng hỏi xin người ta ních phây búc, za lô. Con vợ tôi là một người cực kỳ nghiện mạng xã hội. Mới đầu chẳng quan tâm tôi làm gì, nhưng khi phát hiện ra tôi đang học cách bán hàng trên mạng nó liền xấn sổ vào. Khi bắt đầu có người hỏi han đến nó lại càng thích, cuối cùng nó giành luôn công việc đó của tôi. Rồi nó sai tôi đi kiếm các loại rau quê, rau dại về mà trồng, vì rau muống, rau cải, cà rốt ở thành phố quá phổ biến rồi. Tôi còn trồng thêm hoa, toàn là những giống hoa quê mà ở nhà bố mẹ tôi người ta vứt cho mọc bờ rào và được gọi bằng mấy cái tên dân dã như hoa năm giờ, hoa mười giờ, hoa ba giờ, hoa hồng dại, hoa loa kèn lá tỏi, hoa lá hẹ, hoa lá me dại... Trồng được, bán được dù chẳng được bao nhiêu, nhưng con vợ tôi cũng chẳng càu nhàu tôi nhiều nữa. Nó lại còn góp ý cho tôi nhiều cái hay ho nữa nhất là cái khoản bán hàng online, nó còn cho tôi tiền đầu tư làm giàn cây, mua nguyên vật liệu làm chậu hoa, lọ hoa các kiểu.
Sau khoảng một năm tôi mở được cửa hàng tạp hóa dưới nhà, khách đến mua hoa và rau tận đều đều, tự thấy như vậy mình cũng là một người nông dân thành công rồi. Chẳng bao giờ phải lo dậy sớm chạy đến chỗ làm cho kịp giờ, hay chẳng sợ bị sếp dọa trừ lương nữa. Con vợ tôi lúc này tự dưng mang bầu, và tự dưng nó dịu dàng kỳ lạ, nó không đánh vào đầu tôi nữa, có thể nó sợ động thai hoặc tôi đã khôn ra nhiều. Nó cũng không quát tháo tôi như trước nữa, mà nhẹ nhàng khuyên bảo tôi làm ăn lắm. Tôi không quen với thái độ thay đổi ba trăm sáu mươi độ của nó lắm, lúc nào cũng thấp thỏm cái tính hổ nét báo của nó bật ra lúc nào không hay. Nhưng mà thôi kệ nó, kể từ ngày ở nhà làm ăn tôi đã nhận ra không có con vợ thì cái nhà này chắc chẳng còn và cuộc đời tôi cũng sẽ chẳng nên cơm cháo gì thật. Nghĩ đến đó tôi lại thèm nghe nó quát tháo và đập vào đầu một cách kỳ lạ.
Đa Thị