Gửi bài:

Bà ngoại

Bà Na địu con Bớp trên lưng đi vòng quanh bàn uống nước để ru nó ngủ, chờ cho nó ngủ say, bà cởi địu, nhẹ nhàng đặt nó nằm xuống giường rồi bà trở ra ngoài. Bà mở tủ lấy chiếc ví và lục tung các ngăn, bà bỏ những đồng tiền ra mặt bàn, rồi bà cầm những đồng tiền lên đếm. Mặt bà bỗng ngẩn ra, miệng lẩm bẩm:

- Chết hôm nay mới là 23 còn nửa tháng mới đến kỳ lương mà giờ chỉ còn hơn 4 trăm bạc biết chi tiêu thế nào đây? – Bà thở dài ngao ngán.

Bà Na năm nay đã 60, trước bà là phó phòng tài chính huyện về nghỉ hưu cũng đã được 5 năm. Khi còn công tác người ta vẫn bảo bà là người "Nói có kẻ nghe, đe có kẻ sợ, nợ không ai dám đòi" - thuở ấy trong mơ bà cũng không thể ngờ lại có ngày bà lâm vào cảnh túng quẫn như lúc này.

***

ba-ngoai

Tất cả cái họa cũng bắt nguồn từ chồng và con bà mà ra cả. Chồng bà là một gã đàn ông cù lần, lười nhác. Thời trẻ vì lo cho sự nghiệp của mình mà bà lỡ bỏ qua thời xuân sắc, khi sự nghiệp công danh của mình tạm ổn thì cũng là lúc bà Na bước vào tuổi 30, cái tuổi ở làng quê gọi là ế! Rồi trước sức ép của bố mẹ, bà chấp nhận lấy Hợi - một thanh niên làng đi nghĩa vụ quân sự vừa về phục viên.

Hợi nhà nghèo, bố mẹ Hợi có những 11 người con, Hợi là thứ 3 do nhà nghèo nên cũng khó lấy vợ, được gia đình hai bên mai mối thúc ép cuối cùng Hợi lấy được Na, cả làng Rô đều nói số Hợi đào hoa chỉ học hết cấp 2 vậy mà lấy được vợ có bằng đại học lại đang là phó phòng tài chính huyện hẳn hoi, đúng là "chuột sa chĩnh gạo", "mèo mù vớ cá rán"! Còn mỗi khi thấy Na, bà con lại nhìn Na với ánh mắt đầy thương cảm và thì thầm với nhau: "Đúng là hoa nhài cắm bãi cứt trâu!"

Vốn thông minh, sắc sảo, Na cảm nhận được từng ánh mắt, nụ cười của xóm làng dành cho mình. Nhiều đêm Na khóc thầm, than cho duyên phận hẩm hưu của mình, nhưng rồi bố mẹ và mọi người thúc ép quá không còn cách nào khác Na đánh liều nhắm mắt đưa chân, kệ cho số phận đưa đẩy. Thực tình về hình thức thì Hợi cũng dễ coi, nói năng hoạt bát điều này cũng khiến Na cảm thấy yên tâm phần nào. Mẹ Na thì bảo:

- Cô còn "kén cá chọn canh" gì nữa, nó ít học thì sao chứ? Vợ chồng là cái duyên, cái số chứ so bì bằng cấp, chữ nghĩa làm gì? Như tôi và bố cô đấy có hợp nhau mấy đâu? Lấy nhau rồi "tòi" ra vài đứa con là đâu vào đấy cả cô lo nghĩ làm gì, nhà nó nghèo nhưng chất phác vả lại lấy nhau rồi thì ra ở riêng, "đầu ai chấy nấy" lo gì.

Vậy là đám cưới của Na diễn ra chóng vánh. Hợi là bộ đội mới về phục viên do Na quen biết rộng nên sau khi cưới Na xin cho chồng vào công ty thương nghiệp của huyện làm thủ khó. Vợ chồng Na dọn lên ở nhà tập thể của cơ quan. Ngày đó ngành thương nghiệp, tài chính phất lên như diều, với cương vị của mình Na được cơ quan phân đất, Na xây nhà trên phố huyện, vợ chồng Na có cuộc sống sung túc vì lương và bổng lộc của cả hai đều khá. Rồi Na lần lượt sinh hai cô con gái. Na nuôi con nhàn vô kể, vì Hợi làm thủ kho thương nghiệp nên hàng hóa phân phối đều qua tay, có gì tốt rẻ, Hợi đều có phần nên vợ con cũng thoải mái, cái ăn, cái mặc chả thiếu thứ gì, có tiền vợ chồng Na sắm giường model, tủ búp phê, bàn ghế salon toàn bằng gỗ lát và mua được chiếc xe 81 "kim vàng, giọt lệ", cả đài casete hát "thành phố buồn" ỉ ỉ suốt ngày.

Mẹ Na lên chơi, thấy cơ ngơi và đồ đạc của vợ chồng Na như thế bà cười bảo con gái:

- Đấy chị chả chê nó mãi, giờ được như thế này thử hỏi cả làng Rô đã ai theo kịp nhà chị chưa? Mẹ bảo rồi, vợ chồng nó là duyên số, chứ cần gì bằng cấp hả con. Thằng Hợi ngoan hiền, củ mỉ, cù mì làm chân thủ kho hóa lại hay đúng các cụ dạy chớ có sai "giàu thủ kho, no nhà bếp" giờ chị còn oán trách thầy, u gì nữa không?

Nghe mẹ nói vậy Na cười và ôm lấy mẹ bảo:

- Đúng là duyên số mẹ nhỉ? Mẹ ở đây chơi với cháu hết tuần, chủ nhật con đưa mẹ đi may mấy bộ quần áo, sẵn có vài mảnh vải người ta biếu, con may cho mẹ.

Phải nói trong chục năm trời vợ chồng Na sống rất sung sướng. Nhưng sau năm 1986 cả nước bước vào thời kỳ đổi mới, xóa bỏ chế độ bao cấp, các cơ quan nhà máy, công ty... đâu đâu cũng tiến hành tinh giảm biên chế. Đối tượng bị tinh giảm là nhân lực dư dôi, người không có bằng cấp chuyên môn, vậy là Hợi nằm trong danh sách tinh giảm của công ty.

Hợi về nghỉ việc. Gia đình Na bước sang một khúc cua mới. Thật là "sông có khúc, người có lúc" người xưa nói quá đúng! Mình Na đi làm, một suất lương nuôi 4 nhân khẩu, trong khi nhu cầu ăn học của hai cô con gái ngày một tăng. Các cụ thường nói: "Miệng ăn núi lở" thật chả sai. Tuy nhiên, với cương vị phó phòng tài chính Na vẫn đủ khả năng cung ứng mọi nhu cầu cho gia đình, dù không còn thoải mái như khi Hợi còn làm thủ kho.

Hợi không có việc làm, sinh ra lười biếng, không chịu động chân, động tay việc gì cả, mặc dù đất đai rộng rãi có thể trồng rau, hay nuôi gà lợn như bao gia đình lúc đó. Sẵn có chút tiền cơ quan trả Hợi chi tiêu vô tội vạ, chỉ vài tháng đã hết. Hằng ngày Hợi đắm mình trong giấc ngủ triền miên từ 8 giờ tối hôm trước tới 10 giờ sáng hôm sau Hợi mới dậy, đánh răng, rửa mặt qua loa rồi pha chè, hút thuốc vặt một mình, 11 giờ nấu cơm chờ vợ con về, ăn trưa xong Hợi lại ngủ một lèo đến tầm 4 – 5 giờ chiều mới dậy nấu ăn tối, xong lại ngủ! Hợi vô tư với mọi đổi thay của thời thế, thế cuộc, phó mặc mọi sự cho mình Na xoay sở. Một xu không kiếm ra, Hợi thành mụ mẫm, chai lỳ, lười nhác...Và xung đột giữa hai vợ chồng thường xuyên nổ ra.

Na không có thời gian chăm lo cho hai con vì bận công việc của cơ quan. Vào những tháng cuối quý, cuối năm công việc cơ quan rất bận Na đi suốt có hôm về đến nhà đã 10 giờ đêm, sáng lại đi sớm. Hai con gái ngày một lớn, không ai quản nên chúng mặc sức ăn chơi, đua đòi cùng chúng bạn. Học hành vì thế mà ngày một sa sút...Rồi con lớn học dở lớp 12 thì bỏ nhà theo trai đi bụi. Đứa bé cũng chỉ học đến lớp 11 cũng bỏ nhà đi nốt. Và con Bớp là "sản phẩm" của đứa con lớn với thằng chồng hờ Đài Loan. Nghe nói nó đã có vợ nhưng đẻ toàn con gái nó cặp với con bà hy vọng đẻ cho nó thằng con trai nhưng khi chửa biết là con gái nó cho mấy chục triệu rồi đuổi con bà ra khỏi nhà. Đẻ con được hơn tháng nó mang về bắt bà nuôi và nó lại đi lang chạ khắp các hộp đêm, vũ trường ở Hà Nội, đắm mình trong bia rượu và hoan lạc. Lâu lâu nó lại kéo bạn về nhà báo hại bố mẹ hàng tuần rồi lại đi. Nó không hề ỏ ê gì đến con Bớp. Nhưng vì phải giữ thể diện với họ hàng, làng xóm bà vẫn bảo con bà lấy chồng là giám đốc dưới Hà Nội.

Vậy mà bà đâu đã hết khổ. Bổng lộc đến lúc về hưu bà cũng tích cóp được hơn 700 triệu đồng. Bà giấu chồng con định bụng đem số tiền đó gửi ngân hàng phòng khi vợ chồng già yếu, không ngờ đứa thứ hai lừa lúc vợ chồng bà đi vắng nó đưa bạn trai về phá két cuỗm sạch tiền và bỏ đi.

Hơn năm sau nó trở về với những hình xăm kỳ dị kín cả hai đùi, hai tay, "mắt xanh, mỏ đỏ, tóc vàng". Nó mặc chiếc quần đùi rách te tua bó sát bẹn, chiếc áo thì ngắn cũn cỡn hở cả khoang rốn lộ hình săm hai con rết xanh lét, nó đi đứng, nói năng bặm trợn. Bà muốn giết nó mà rồi đành cắn răng cam chịu cũng vì lo giữ thể diện...chúng đi chán thi thoảng lại bò về nằm ườn tại nhà bắt bố mẹ cơm nước, giặt rũ, hầu hạ...hễ có về, suốt ngày chúng chỉ cắm mặt vào điện thoại, lúc thì cười hô hố, khi lại chửi bậy, văng tục ầm ĩ như kẻ dồ! Dăm ba ngày lại bỏ đi... cứ thế bà lâm vào túng bí sống trong đau khổ và dằn vặt.Trong khi ông Hợi lười nhác suốt ngày đắm mình trong làn khói thuốc và chìm vào những giấc ngủ mụ mị, ông trút cả gánh nặng gia đình lên đầu vợ...

***

Bà Na tỉnh dậy, bà ngơ ngác khi nhận ra bà đang nằm trong phòng hồi sức của phòng khám tư "Hạnh phúc" - một phòng khám của nhóm bác sỹ người Tàu. Bà thấy đầu vảng vất, muốn ngồi dậy mà lại thấy chóng mặt. Bà xoay người nằm nghiêng ra ngoài, cô y tá thấy bà đã tỉnh liền cất tiếng hỏi:

- Bác đã tỉnh rồi à? Hôm nay bọn này tham đã lấy những hai đơn vị máu nhiều hơn mọi lần ... thành ra bác bị ngất đi đấy. Đáng ra họ phải kiểm tra kỹ, nhưng bọn Tàu này nó làm ẩu quá.

- Tôi nằm đây bao lâu rồi?

- Dạ hơn ba tiếng rồi ạ!

Nghe đến đây bà Na ngồi phắt dậy:

- Chết tôi phải về cô ạ!

- Bác còn mệt, không thể về ngay thế này được.

- Không! Tôi phải về vì tôi gửi cháu cho hàng xóm trông giúp không thể nằm lâu được cô thông cảm lo thủ tục giúp tôi.

Biết không thể giữ được bà Na, cô y tá liền bảo:

- Vậy bác cứ nằm nghỉ đi lúc nữa, chờ cháu xuống tài vụ lấy tiền cho bác ạ.

... Bà Na đón xe về đến nhà đã muộn bà vội sang hàng xóm đón con Bớp về, bà tắm rửa và cho nó ăn rồi ru nó ngủ. Hơn 8 giờ tối mẹ con Bớp về, nó bảo bà:

- Dạo này bí quá chả kiếm được đồng nào, bà có tiền đưa tôi vài trăm tiêu tạm.

- Tiền! Một thân mày còn không kiếm nổi hễ về là xin tiền là sao? Tao đào đâu ra cho mày?

- Bà lại "ky" cả với con gái rồi!

Nó cười khẩy rồi xộc ngay đến tủ mở cửa, nó cầm chiếc ví của bà, mở ra thấy tờ 5 trăm và tờ hai trăm nó rút lấy và nói:

- Bà bảo hết tiền! Vậy đây không phải tiền chắc? Sao bà keo kiệt với tôi thế?

Nó nhét tiền vào túi quần, vứt chiếc ví trên bàn và rảo bước ra cửa. Bà Na nhào theo đòi lại số tiền mà bà vừa bán máu chiều nay bà định để mai mua sữa và bỉm cho con Bớp nhưng không kịp, nó đã ra khỏi cổng, ngoài đó đã có một gã đàn ông ngồi trên xe máy chờ sẵn. Chiếc xe vọt đi. Bà Na lảo đảo, đầu óc quay cuồng, bà ngã vật đầu xuống sân.

Mặc dù được cấp cứu nhưng do cú ngã quá mạnh làm đứt động mạch não, cộng với sự suy kiệt thể lực do hơn năm trời nay bà Na giấu mọi người thường xuyên đi bán máu, tuổi đã cao nên bà không qua khỏi.

Đám ma bà Na diễn ra trong buổi chiều cuối năm mưa rơi rầu rĩ. Hai đứa con gái cũng không thấy về. Ông Hợi ủ rũ bế con Bớp theo sau linh cữu, con Bớp ngằn ngặt khóc miệng ú ớ đòi:

- Bớp ...v...ìa...vìa ...bà... ngo...ại... cơ!

Chiều đầu thu 6/9/2018

Bùi Nhật Lai

 

 

Ngày đăng: 24/10/2018
Người đăng: Lai Bui Nhat
Đăng bài
Bạn thích truyện này?
Nấm Linh Chi khô Điện Biên
ĐIệu Valse giã từ
 

Quyến rũ một người phụ nữ là ở trong tầm tay một kẻ ngu ngốc vớ vẩn nào đó. Nhưng còn phải biết thoát khỏi cô ta nữa, điều này đòi hỏi phải là một người đàn ông chín chắn

Điệu Valse giã từ (Milan Kundera)

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage