Gửi bài:

Thương quá nhãn lồng

Đêm, lại là một đêm tháng bảy với những cơn mưa rả rích, phủ từng đợt xuống mái lá nghèo. Những giọt mưa như cố tình xóa nhòa vạn vật, để rồi tạo nên một bản nhạt trầm buồn. Thỉnh thoảng, giữa tiếng mưa rơi là tiếng thở dài của má tôi. Đêm nay, má lại không ngủ.

***

Chị em tôi lớn lên trong cái nghèo. Thiếu ăn và thiếu mặc là hai điều luôn tồn tại trong cuộc sống của nhà tôi, thế nhưng, chúng tôi chưa bao giờ bị thiếu tình thương. Hồi còn ba, ba hay vắng nhà để đi tìm việc làm xa, và mỗi lần về thăm, ba đều mua cho chị em chúng tôi quần áo và bánh trái, đưa má ít tiền rồi lại đi. Tuy cực nhọc, nhưng với sự cần cù của ba, tánh vén khéo của má, gia đình tôi vẫn sống đủ. Nhưng sự bình yên đó chẳng kéo dài được bao lâu. Lúc thằng út lên 5 tuổi, ba bị tai nạn ở công trình xây dựng nơi ba làm phụ hồ. Kể từ đó, má phải thay ba làm trụ cột gia đình và chăm sóc chị em tôi. Bao nhiêu nỗi buồn lo cứ dồn vào tấm thân gầy yếu của má. Mỗi đêm, má thường trằn trọc để nghĩ về nợ nần, về gánh mưu sinh, và việc học hành của chị em tôi. Đến những thứ nhỏ nhặt như khạp gạo cạn dần, tiền lãi sắp đến hạn đóng... cũng làm cho má mất ngủ. Những đêm mưa, má lại lui cui đi hứng mấy chỗ dột, loay hoay che cho chị em tôi khỏi bị mưa tạt. Rồi mùa nắng, má than nực, lại lặng lẽ ra đưa võng bên hiên, nhìn sao, hứng gió. Đêm này qua đêm nọ, tháng này qua tháng nọ, mắt má cứ sâu dần, tóc má thêm bạc và người má lại ốm đi rất nhiều. Tôi biết má bị bệnh rồi, bệnh mất ngủ. Mấy dì hàng xóm cũng nói thế, họ khuyên má đi bệnh viện khám rồi lấy thuốc về uống, nhưng má cứ nói: có sao đâu. Má phớt lờ tình trạng của mình, bởi lẽ má biết rằng, ngày nào nhà còn nợ, chị em tôi chưa được học dành đến nơi đến chốn, thì ngày đó má còn chưa được ngủ không yên. Chị em tôi thương má lắm, nhưng biết làm sao bây giờ. Thế là mỗi lần đi sang nhà hàng xóm chơi, tôi lại nghe ngóng các cô, các bác nói về những món ăn giúp ngủ ngon hơn. Trong số đó, nhãn lồng là thứ tôi có thể dễ dàng tìm được nhất.

thuong-qua-nhan-long

Nhà tôi ở quê, nhãn lồng cứ mọc đầy bên mé sông, trong rẫy, sau hè. Chỉ cần một chút nắng, rồi một chút mưa, và một chút phù sa của đất mẹ, là cây sẽ sinh sôi phát triển, đâm hoa, kết quả. Giống hệt bọn trẻ con nhà nông như chúng tôi. Suốt ngày chân đất, gian nắng lội sông, ăn rau vườn cá đồng, mà đứa nào cũng mạnh cùi cụi, rắn rỏi và mạnh dạn. Thằng út em tôi cũng thế. Tám tuổi, nó đã biết bắt ốc, cắm câu. Cứ mỗi mùa lúa, nó lại ra đồng bắt chuột, mót lúa, hay lượm hột vịt mà đám vịt chạy đồng vô ý đẻ rớt. Từ ngày má mất ngủ, nó có thêm công việc mới, đó là đi bứt nhãn lồng. Mấy bác hàng xóm nói:

– Nhãn lồng xứ này mọc không nổi với thằng Yên!

Cách chữa hôi miệng nhanh nhất không phải ai cũng biết
Cũng bởi, nghe ở đâu có nhãn lồng là nó đi gom về hết. Đọt non nó biểu tôi nấu canh cho má ăn, phần thân già thì nó rửa sạch, phơi khô, nấu nước cho má uống, còn trái chín vàng, nó dành riêng làm quà vặt ăn cho đỡ buồn. Mỗi tối sau khi má ăn xong, nó lại canh xem tối nay má có ngủ được không. Nhưng cái thằng, đúng là con nít, mới nói đó là đã ngáy khò khò. Sáng hôm sau, khi thằng út hí hửng hỏi:

– Hồi tối má ngủ được hôn má?

– Được, má ngủ ngon lắm! – má "biết ý" trả lời.

Nghe má nói, thằng út lại nhanh nhảu đi bứt nhãn lồng về cho má, má lại nhiệt tình ăn, và tối tối, má lại mất ngủ. Không phải vì nhãn lồng của thằng út không có hiệu quả, mà chỉ vì, má vẫn chưa thể bớt lo.

Tháng này quê tôi sắp vào vụ lúa, khắp nơi phủ vàng một màu lúa chín. Ngoài đồng, chuột kéo về từng đàn để ăn lúa của nông dân. Người ta phải làm mọi cách để diệt chuột cứu lúa. Mùa này, thằng út hay ra đồng lắm, nó theo mấy chú học cách đi bẫy chuột đồng. Hôm đó, sau khi đem về cho tôi một xâu chuột đồng, thằng út lại hối hả xách rổ đi, không quên nói với lại:

– Em đi hái nhãn lồng cho má nghe chị hai!

Nói rồi nó chạy mất hút ra đồng. Nhưng trời chạng vạng tối, nó vẫn chưa về. Tôi đoán chắc nó mê theo mấy bác coi bẫy chuột đêm, nên quên về, nhưng má vẫn không yên lòng. Linh tính của người mẹ làm má cứ bồn chồn, thấp thỏm. Khi má vừa lấy đèn pin để đi kiếm thằng út, thì chú Tám hàng xóm hớt hải chạy vào báo:

– Chị Tư ơi, thằng Yên nó dính bẫy điện sống, nằm ngoài đồng kìa chị!

Má sững sờ, tôi hốt hoảng, vội vàng chạy theo chú Tám. Con đường từ nhà ra ruộng hôm nay sao dài thế, chúng tôi cứ chạy mãi, chạy mãi, có cảm giác đôi chân bủn rủn này không phải là của mình nữa. Kìa, phía xa xa, thằng út nằm đó. Cháy xém, cứng đờ, lạnh ngắt. Cái rổ hồi chiều văng ra xa xa, nhãn lồng rơi tung tóe. Thằng út có ngờ đâu, trong lúc nó hối hả đem nhãn lồng về để tôi kịp nấu tô canh cho bữa cơm chiều, nó đã vô tình trở thành nạn nhân của những chiếc bẫy chuột giết người. Và má có ngờ đâu, tấm lòng hiếu thảo của con trai má lại được đáp trả bằng một kết thúc buồn đến thế. Má khóc, tôi khóc. Cơn mưa đầu mùa từ đâu đổ xuống như khóc cho câu chuyện đau lòng của một vùng quê.

Đêm nay, má lại không ngủ, má vẫn thức trắng kể từ ngày thằng út đi. Và tôi, ngày ngày vẫn thay em tôi đi hái đọt nhãn lòng về nấu canh cho má ăn, để má ngủ yên, để trong giấc mơ chập chờn, má có thể gặp lại thằng út.

Trần Hoàng Đang Thư

Ngày đăng: 22/03/2019
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
Thanks facebook
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage