Gửi bài:

Hóa thành mưa

Những người phụ nữ. Cuộc đời ai cũng như vậy.

Tất cả đều sẽ giống như những vòng tuần hoàn cứ thế tuần tự lặp lại, rồi gắn kết. Ở đó, chỉ có yêu thương được giữ lại, khổ cực sẽ tự động lãng quên.

Sứ mệnh đó...

***

Mưa rơi giòn giã trên mái tôn khiến tôi không nghe được tiếng chuông gọi đến.

Những ngày tháng tám này, bất kể sáng tối, trời cứ mưa liên tục. Quần áo chỉ vừa đem phơi đã phải vội vã mang vào. Hết cây sào này đến cây sào khác, đám quần áo đã xỉn màu, bạc thếch ngoan ngoãn nằm gọn trong tay tôi hết chạy ra rồi chạy vào.

hoa-thanh-mua

Người ngợm ướt nhẹp cả. Tôi vừa lấy khăn lau khô tóc vừa mở điện thoại theo thói quen. Máy hiển thị cuộc gọi nhỡ. Tất cả đều từ số máy của chị tôi.

Tôi gọi lại ngay.

Đầu dây bên kia lập tức vang lên một giọng trẻ con đang sắp sửa vỡ òa. Một dự cảm không hay chợt đến. Tôi hỏi: "Chuyện gì?"

Tiếng mưa gần như át đi tiếng nói. Tôi bật loa ngoài, cố gắng tiếp thu mọi chuyện một cách nhanh nhất từ những câu nấc nghẹn của Su, cháu gái tôi.

"Bình tĩnh..." Tôi vừa trấn an Su, vừa khẽ liếc về chiếc đồng hồ trên tường. Đã tám giờ mười lăm tối. Theo lời Su, tức là chị tôi đã nhập viện hơn một tiếng. Huyết áp tăng cao, khả năng lớn sẽ phải mổ lấy em bé. Anh rể và vài người họ hàng bên đó đã theo cùng. Vấn đề quan trọng hiện tại là tiền.

Viện phí.

Lần sinh này chị tôi dành dụm được hơn ba triệu. Đó là dự trù cho việc chị sinh thường. Còn giờ, nếu đẻ mổ, số tiền phải chi trả chắc chắn sẽ cao hơn rất nhiều. Rồi còn các chi phí phát sinh sau này nữa... Không thể trông cậy quá nhiều vào tình hình tài chính vốn bấp bênh của nhà anh rể. Với cả, chị tôi còn không có lấy bảo hiểm...

"Dì..."

Trong khi tôi cứ miên man nghĩ đến chuyện tiền bạc thì cháu tôi bỗng khóc òa lên khiến tâm trí người dì như tôi phút chốc vụn vỡ.

"Dì ơi! Mẹ con... sẽ không sao chứ?"

Con bé đang hoảng loạn vì lo cho mẹ nó. Còn tôi, em gái của chị... lúc này đây lại có thể tỉnh táo đến mức lạnh lùng.

Tôi cảm thấy cổ họng mình như bị ai đó bóp chặt lại.

Tôi không biết, cớ sao mình lại trở nên như thế.

"Đừng lo. Sẽ không sao đâu. Dì sẽ báo cho ngoại."

Những lời nói ra sáo rỗng thấy rõ. Nhưng với một kẻ chỉ hơn cháu mình có vài tuổi như tôi thì biết phải nói gì lúc này đây? Tôi không đủ năng lực để giải quyết. Ở vị thế này, tôi chỉ có thể nói những điều mà một người dì nên nói.

"Trước mắt, con lo dỗ em ngủ đi. Mai còn đi học. Có gì người lớn sẽ lo."

Dặn dò xong, tôi cúp máy. Năm ngón tay vẫn bấu chặt lấy chiếc điện thoại còn ấm nóng. Đầu óc sa sầm. Một cảm giác trống rỗng nặng nề bỗng dấy lên trong lồng ngực.

Tại sao? Tại sao cứ phải như thế?

Hết lần này đến lần khác...

Chị! Sao lúc nào chị cũng làm khổ mẹ thế!!!

Tôi muốn gào lên. Tôi muốn cho mọi người đều biết. Cảm xúc của tôi. Lúc này đây. Ích kỷ. Tức tối. Tồi tệ đến mức nào.

Nhưng đâu đó ở trong tim, tôi biết rõ, mình không thể.

Không thể gào thét. Cũng chẳng thể can ngăn.

Mọi chuyện vẫn cứ luôn như thế.

Không thay đổi được.

Tôi bỏ điện thoại lại trên bàn. Thu lấy những cảm xúc vừa bộc phát. Đi ra sau.

***

Mẹ đang tắm. Mùi sữa tắm rẻ tiền không nhãn mác bốc lên một thứ mùi kì cục quanh khe cửa. Tôi ghé vào đó, nhỏ giọng báo:

"Mẹ. Chị nhập viện rồi. Huyết áp tăng. Chắc mổ."

Tiếng vòi sen đang tuôn xối xả bỗng ngưng lại ngay lập tức. Mẹ đã nghe thấy, tôi biết. Thậm chí tôi còn có thể mường tượng ra được những điều mẹ đang nghĩ trong đầu lúc này. Thế nên, tôi đứng dậy, dựa vào bức tường bên cạnh, hắt ánh mắt lạnh lẽo về phía bầu trời đỏ ngầu, chờ đợi.

Me hỏi ngay sau đó.

"Khi nào? Ở đâu?"

"Khoảng bảy giờ. Ở bệnh viện tỉnh."

Tôi chậm rãi kể lại cho mẹ những điều mình biết. Một lát, cửa phòng tắm mở ra. Mẹ trầm lặng bước vào nhà. Tôi lặng lẽ theo sau như một cái bóng.

Tôi biết, mẹ nhất định sẽ đế chỗ chị.

Dù cho giờ là lúc nào hay xa đến đâu chăng nữa, mẹ vẫn sẽ đi. Vì chị là con của mẹ. Và, mặc cho tôi không muốn mẹ ra ngoài trong cái thời tiết mưa bão như thế này, tôi vẫn đứng trước cửa phòng mẹ mà lẳng lặng nói vào:

"Mẹ nhớ đem tiền. Chắc bên chị không đủ đâu."

Chín giờ kém mười. Mẹ và ba, hai con người đã trên sáu mươi vẫn chưa thể rủ bỏ nợ đời, oằn mình dưới chiếc áo mưa cũ, chậm chạp dắt xe lội bì bõm qua con ngõ nhỏ ngập nước. Tôi đứng ngay ngưỡng cửa, lặng lẽ nhìn theo ánh đèn xe đang mờ dần cho đến khi tấm màn mưa xóa nhòa tất cả.

Những tán keo rung lên. Gió bất chợt lùa qua cổ đến rợn người. Chẳng biết, ngoài đường lúc này có còn lạnh hơn thế này không. Tôi căng thẳng bấu chặt lấy mép áo, cố nhớ lại... ba mẹ mình khi nãy có mặc áo khoác hay không?

Hình như là không...

***

Chuông gió đã không còn kêu leng keng như nãy mà bắt đầu đập vào song cửa theo từng đợt. Tiếng cây khô rơi lộp độp trên mái nhà. Mưa đã ngớt. Thay vào đó gió lại cuồn cuộn lên. Bão đang về. Và tâm trí tôi như đang bị thổi bay đi.

Đã hơn mười giờ. Vẫn chưa có tin báo về.

Tôi nằm dài trên nền gạch men lạnh ngắt, ôm người, chờ đợi trong sự bức rức không yên.

Chỉ có đèn phòng khách sáng. Bà ngoại tôi vẫn đang ngủ say trên tầng. Tôi không báo cho bà biết chuyện chị sinh. Bởi nếu biết, bà chắc chắn sẽ không yên giấc mà lo sốt vó lên, còn hơn cả mẹ tôi.

Ông ngoại tôi mất vì chiến tranh, bỏ lại bà một mình chăm lo cho đàn con bảy đứa. Không ai được học hành đến nơi đến chốn. Nhưng ít ra khi hòa bình lập lại, gia đình tôi không ai phải chịu cảnh chia lìa.

Cực nhọc gần cả một đời. Ở cái tuổi này, tôi chỉ muốn bà được thảnh thơi nghe cải lương, xem hài kịch chứ không phải vẫn tiếp tục bận tâm vì những đứa con, đứa cháu của mình. Những chuyện như thế hãy để cho bọn trẻ chúng tôi tự giải quyết.

Tôi cũng muốn mẹ tôi được thảnh thơi về già...

Nhưng ở đời, có những chuyện không phải chỉ muốn là được.

***

Mười giờ ba mươi. Tôi ngồi dậy, bước đến bàn thờ lấy nhang, bật hộp quẹt, định bụng cầu khấn ông bà phù hộ cho ba mẹ và chị. Chợt nhớ về nửa năm trước, tôi cũng từng làm thế này, khi mẹ tôi bị vôi hóa khớp gối gần như phải nằm liệt giường.

Toàn bộ sinh hoạt của mẹ khi đó một mình tôi lo hết. Các anh chị tôi không hề biết. Mẹ dặn là không báo. Tôi không báo. Bởi dù có báo, bọn họ cũng không thể bỏ mặc gia đình bên đó để toàn tâm toàn ý về lo cho mẹ.

Trên vai các anh chị tôi cũng có những gánh nặng. Và gánh nặng của họ lại là một phần gánh nặng của mẹ tôi. Lúc ấy, và cả bây giờ, tôi thật sự muốn lớn thật nhanh, kiếm thật nhiều tiền để có thể san sẻ bớt nỗi lo cho mẹ, để có thể ôm lấy vai mẹ mà nói rằng: Mẹ à, gánh nặng này của mẹ từ giờ con sẽ gánh thay cho.

Thế nhưng,

... Tôi vẫn chưa thể lớn.

Gió lùa qua những lỗ hổng trên cửa, tràn vào nhà khiến lửa mất một lúc mới táp vào nhang. Khói bốc lên ngùn ngụt, ùa vào mặt khiến khóe mắt cay xè. Tôi cầm cây nhang, vừa sụt sịt vừa khấn. Cơ mà, lời chưa đến môi, miệng đã thấy sao đắng chát.

Rốt cuộc mẹ sẽ phải lo lắng như thế đến bao giờ?

Đây là lần thứ ba chị sinh.

Tôi nhớ rất rõ những lần trước, ngày chị xuất viện cũng là lúc cơ thể mẹ kiệt quệ nhất. Không ai hay biết. Mẹ còn chẳng thiết ăn. Chỉ lo. Lo cho chị về bên đó rồi thì thế nào? Ăn uống được không? Có sữa cho em bé bú không? Rồi ai sẽ chăm lo cho chị? Có tốt không?... Tình trạng đó cứ thế lặp lại. Ba lần. Không. Là bốn. Hồi chị dâu tôi sinh cũng thế.

Đến khi nào gánh nặng trên đôi vai mẹ mới có thể trút xuống đây?

Mẹ à, mẹ có mệt mỏi không?

Có chứ.

Lưng mẹ còng đi rõ ràng trước mắt tôi. Đôi mắt mẹ mờ dần theo năm tháng. Tuổi mẹ trôi. Cớ sao đôi vai mẹ lại chẳng thể vơi đi gánh nặng?

Tại sao chứ?

Tại sao mẹ lại không thể buông bỏ?

Tôi vẫn cố hỏi một cách ngu ngốc. Trong khi câu trả lời lại quá rõ ràng.

Còn thương thì còn lo lắng.

Bởi tình thương còn nên gánh nặng mới chẳng thể nào vơi.

Ngày đó đến, cũng chính là lúc mẹ hòa vào trong đất.

***

Mười một giờ năm. Ba tôi gọi về báo chị đã sinh. Em bé được hai ký chín. Mẹ con đều ổn. Một lát nữa, ba mới chở mẹ về được.

Tôi lẳng lặng bước ra mái hiên, mặc kệ những cơn gió đêm đang thô bạo quất vào người, đứng dựa tường chờ đợi.

Mưa lại rơi lất phất. Ngay trên đầu. Tôi ngẩng lên nhìn xoáy vào đó. Xuyên qua những giọt mưa. Đâu đó... Cuộc đời của bà. Của mẹ. Của chị. Và cả của tôi sau này như chợt lướt qua trước mắt.

Những người phụ nữ. Cuộc đời ai cũng như vậy.

Tất cả đều sẽ giống như những vòng tuần hoàn cứ thế tuần tự lặp lại, rồi gắn kết. Ở đó, chỉ có yêu thương được giữ lại, khổ cực sẽ tự động lãng quên.

Sứ mệnh đó...

Hệt như nước mắt của tôi lúc này.

Thấm vào đất, rồi lại quay về trời.

Hóa thành mưa...

Nguyễn Vũ An Hòa

Ngày đăng: 08/11/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Đừng tùy tiện khóc
 

"Thần Tử nhớ lấy, sau này đừng tùy tiện khóc với đàn ông. Khóc thì nhiều nhất cũng chỉ khiến đối phương khó xử, không thể thay đổi được gì cả. Người yêu thương con thật sự sẽ không dễ dàng khiến con khóc; người làm con khóc, hầu hết là sẽ không quan tâm đến nước mắt của con"

Con đường đưa tiễn đầy hoa - Thanh Sam Lạc Thác

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage