Gửi bài:

Những mùa cây gạo nở hoa

"Mẹ! Mẹ ba đâu rồi, ba đâu rồi. Ba con đâu, nói con biết đi"

Những tiếng thét vang vọng từ chiếc miệng nhỏ xinh kia, như cào xé, như đang trong tuyệt vọng. Con bé lại hét lên:

"Ba con.... có phải Ba không thương con nữa không hả mẹ? Ba hết thương mẹ con mình rồi nên mới bỏ đi như vậy, nên mới không chịu trở về". Vài giọt nước mắt cứ tuôn trào trên đôi mắt long lanh rồi trượt dài trên đôi má ửng hồng.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Người mẹ trẻ ôm đứa con bé bỏng vào lòng, đưa bàn tay ấm áp xoa lên gò má đứa trẻ, nhẹ lau hai hàng nước mắt đang tuôn. Mẹ dịu dàng:

"Con gái yêu của mẹ! Con không được nói như thế, ba con lúc nào cũng thương con. Ba đang bận đi làm xa, chưa kịp về thăm mẹ con mình được."

"Hay tại con chưa ngoan nên ba không về". Nó nói trong từng tiếng nấc nghẹn nghào. Đôi mắt đầy hồn nhiên ấy ngước lên nhìn mẹ: "Bao giờ ba sẽ về, con hứa con sẽ ngoan, sẽ đi ngủ sớm, sẽ nghe lời mẹ"

nhung-mua-cay-gao-no-hoa

Tiếng khóc vang lên ngay sau câu nói vừa dứt, đứa trẻ khóc òa trong vòng tay người mẹ thân thương. Còn bà thì ôm đứa con bé bỏng vào lồng ngực nóng, như để truyền cho chút hơi ấm còn thiếu vắng."

"Con gái mẹ ngoan lắm mà, ba sẽ về sớm, còn mua quà cho con nữa".

Người mẹ đặt lên trán nó một nụ hôn nhẹ vuốt mái tóc mềm bóng mượt. Còn con bé, rúc vào lòng mẹ như một chú mèo ngoan ngoãn đang cố tìm lấy sự hi vọng một ngày ba sẽ về.

Khi gà trống cất tiếng gáy cũng là lúc mặt trời lấp ló sau những dãy núi xa xa, như đang chơi trò trốn tìm cùng vạn vật. Mặt trời lên xua tan bóng đêm sâu thẳm và lạnh lẽo, mang đến cái ấm áp của bình minh rực rỡ. Đứa bé 7 tuổi nhanh nhẹn chạy đến trước cổng làng. Nơi có người bạn tri kỷ của nó- Cây Gạo. Có lẽ thói quen này đã có từ những ngày nó còn được ẵm trên tay. Cứ mỗi buổi bình minh và hoàng hôn, mẹ luôn ẵm nó ra chỗ cây gạo như đang ngóng đợi một người. Vừa hát ru con vừa ngóng về phía cổng làng với hi vọng sẽ thấy một bóng dáng quen thuộc. Giờ thì nó đã lớn, nó nói với mẹ nó muốn tự đi, nó muốn nó sẽ là người đầu tiên đón ba trở về. Từ ngày có nó, mẹ phải làm việc nhiều hơn, cứ quần quật từ sáng đến tối mịt để trang trải cuộc sống. Nên từ ấy mẹ nhường lại nhiệm vụ cao cả là đợi ba về cho nó. Nó vui lắm. Nó cười híp mắt để lộ chiếc răng khểnh đáng yêu. Nó cảm thấy mình đã trưởng thành, nó muốn chứng minh cho ba thấy, thấy con gái ba rất giỏi.

Màu đỏ của những bông hoa gạo đỏ rực, điểm xuyến trên nền trời xanh, lấp ló trước những áng mây trời, và mọi vật như đang lung linh hơn bởi màu vàng của những tia nắng.

"Cây ơi! Bao giờ ba về hả cây? Mẹ bảo, ba thương ta lắm nên ba sẽ về sớm chơi với ta, đúng không cây? "

Con bé hỏi cây gạo với một vẻ mặt đáng yêu và ngây thơ biết nhường nào. Nhưng có ai biết được rằng đằng sau câu hỏi có phần ngây ngô đó là một trái tim bé bỏng chán chứa niềm hy vọng. Mong muốn được gặp ba cháy bỏng. Nhìn bạn bè có ba chở đi học, đi chơi, được làm nũng với ba, theo ba đi khắp nơi... Nó thèm cảm giác được ba kề bên và bảo vệ như vậy. Đã từ lúc nào con bé chỉ biết làm bạn với cây gạo. Cây gạo không chê nó, cây gạo lắng nghe tâm sự của nó, cây gạo không xa lánh nó. Bạn bè nghỉ chơi với con bé chỉ vì nó " không có ba", nó là con hoang như lời đồn. Lò cò, ô ăn quan, nhảy dây, vẽ tranh trên mặt đất,... con bé chỉ chơi quanh quẩn bên cây gạo mà thôi. Dường như tuổi thơ của con bé chỉ biết tìm niềm vui bên mẹ và ở nơi đây.

Phải chăng là định mệnh? Khi mà ngày trước ba mẹ nó cũng gặp nhau và yêu nhau dưới gốc cây này. Mẹ nó kể, hồi ấy ba hay đọc thơ cho mẹ nó nghe:

"Tháng Ba năm trước mộng mơ
Màu hoa gạo đỏ tươi như máu hồng
Chiều buông vương sợi tơ lòng
Buộc chặt anh lại tình nồng duyên trao
........."

Và tình yêu của họ đã đơm hoa kết trái, để rồi Mộc Miên là kết quả của tình yêu đẹp tựa như cổ tích này. Mộc Miên là cái tên mà cả ba và mẹ đặt cho nó. Mộc Miên là hoa gạo ( hay còn gọi là hoa Pơ Lang, Ban Chi hoa), nở vào dịp tháng Ba, tháng Tư ( tháng Ba Mộc Miên chào đời), báo hiệu mùa hè sắp đến. Mộc miên là cái tên vừa gắn với kỷ niệm của ba mẹ con bé, vừa hướng tới một sự ấm no đầy đủ.

Năm tháng trôi qua, thoáng chốc cô bé đã 16 tuổi, cái tuổi đẹp như mơ. Người nó cũng đẹp như cái tên vậy. Dáng người thon thả, mái tóc dài đen kỳ diệu, làn da hơi ngăm ngăm vì cái nắng gió Tây Bắc, nhưng vẫn làm toát lên vẻ đẹp dịu dàng của cô bé. Khuôn mặt phúc hậu được thừa hưởng từ mẹ. Còn người mẹ nhìn có vẻ ốm hơn, nếp nhăn đã bắt đầu xuất hiện. Có lẽ bởi vì bao năm qua, mẹ đã phải làm lụng vất vả. May nhờ Mộc Miên hiểu chuyện nên đã giúp đỡ mẹ rất nhiều. Lúc nhỏ thì làm việc nhà, phụ mẹ dọn dẹp. Lớn lên thì theo mẹ ra đồng tát nước, cấy mạ, cắt lúa, chẻ củi, cắt cỏ, chăn bò,... Thế nhưng, những lúc Mộc Miên chìm vào giấc ngủ sâu, bên ngọn đèn dầu lập lòe ánh sáng, một người, một bóng, một vầng trăng lại bầu bạn cùng nhau. Người mẹ lại lấy giấy viết ra những lời câm nín, kèm theo đó là những phong thư chưa một lần gửi.

" Ngày.............Tháng...............Năm........
Anh ơi!
Hôm nay con chúng ta đi mẫu giáo đó anh. Nhìn con bé khóc thét không chịu rời mà lòng em chịu không nổi. Em phải dỗ mãi nó mới chịu vào lớp. Con cứ hỏi em: Bao giờ ba về hả mẹ? Câu nói đó như đang cào xé vào trái tim em. Giờ này anh đang ở đâu? Mẹ con em vẫn đợi anh về...."

" Ngày..........Tháng...............Năm........
Anh yêu dấu!
Vậy là Mộc Miên nó đã vào lớp một. Con bé có vẻ đã ngoan hơn trước, ít khóc nhè hơn. Hôm nay em thấy con bé đứng nói chuyện với cây gạo- nơi gắn bó với kỷ niệm tình yêu của chúng ta. Mộc Miên khoe về bộ đồ mới mua, khoe được cô giáo khen... Và bao giờ kết thúc nó cũng luôn quay về phía cổng làng bằng ánh mắt buồn rười rượi, giọng điệu nhỏ dần trong cuống họng: " Bao giờ ba về hả cây?"......

" Ngày........Tháng........Năm.........
Gửi anh yêu!
Bao năm qua em và con vẫn từng ngày đợi anh về. Con gái anh bây giờ đã bản lĩnh hơn nhiều, nó không còn tự ti, mặc cảm khi bị mọi người chê cười nó là không cha. Mộc Miên vẫn tin một ngày nào đó anh sẽ về. Con bé rất thông minh, nó làm thơ rất hay y hết anh ngày xưa. Không biết anh giờ này có nhớ đến em và con không?......"

Trong chiếc hộp cũ kỹ ấy không biết bao nhiêu lá thư chưa một lần gửi đi, với tất cả những lá thư tình trao tay của ba và mẹ Mộc Miên. Đặc biệt chú ý nhất là chiếc kẹp hình con bướm màu đỏ tươi như màu hoa gạo nở vào những ngày đẹp nhất. Đấy là kỷ vật hẹn ước giữa hai người. Mỗi lần nhìn thấy chiếc kẹp thì người mẹ lại rưng rưng nước mắt, cầm chặt chiếc kẹp trong tay ghì vào lồng ngực. Kỷ vật vẫn còn đây mà người giờ ở nơi nào. Đôi mắt người mẹ như cay hơn, đỏ hơn, nước mắt đã lăn dài trên gò má hốc hác. Mười sáu năm qua, người mẹ ấy đã không quản ngại khó khăn, dầm mưa dãi nắng để nuôi nấng Mộc Miên. Bà vẫn hy vọng một ngày không xa sẽ nhận được chút tin tức về chồng mình. Bà lấy tay che miệng để ngăn tiếng khóc của mình, sợ nó sẽ đánh thức giấc ngủ của con. Ban ngày bà không dám khóc vì sợ con thấy, sợ làm con bé lo lắng. Và cứ thế mỗi đêm người phụ nữ ấy lại gửi gắm tâm sự bằng những dòng thư không ghi địa chỉ nhận.

Bà khẽ đặt một nụ hôn nhẹ nhàng lên trán con, kéo chăn đắp cho nó: " Con gái yêu của mẹ đã lớn thật rồi. "

Chẳng qua là vì Mộc Miên không bao giờ biết được, mỗi lần con bé đến bên cây gạo để tâm sự luôn có một người nấp ở phía xa lắng nghe và thấu hiểu. Trái tim bé bỏng của Mộc Miên luôn khao khát tình cha. Ngày nó năm tuổi, có lần nó bị mẹ đánh vì tội cắn bạn. Con bé bị bạn trêu chọc là không cha. Tức quá nó chạy lại cắn bạn một cái. Bị đánh đau, con bé khóc thút thít, chạy ra với cây gạo như để tìm người bảo vệ nó:

"Ba ơi!...hic hic....Mẹ đánh con.... Đánh ở mông nè.... ba về với con đi"

Mặc dù chưa một lần nhìn thấy gương mặt ba ra sao nhưng trong lúc này nó biết tìm ai để bênh vực nó. Trong tiềm thức của con bé, chỉ có ba mới thương nó thôi. Nó vừa khóc vừa xoa xoa cái mông đỏ hỏn còn hằn mấy vết roi. Nhìn điệu bộ dễ thương với câu nói ngây ngô của nó thật không thương sao được. Con bé đâu biết được, mẹ nó đang đứng phía sau gốc xoan gần đó, để nghe những gì nó nói. Đau....Đau lắm. Nó khóc, mẹ nó cũng khóc. Nó đau thể xác nhưng mẹ nó đau trong lòng. Nó đau một chứ mẹ đau mười. Tim mẹ nó nó quằn quại lên từng cơn. Đánh con là để răn dạy con thành người tốt chứ người mẹ nào không thương con. Con là do mẹ đứt ruột đẻ đau mới có được, mẹ yêu con nên muốn con là đứa con ngoan ngoãn của mẹ. Mẹ Mộc Miên biết nỗi mất mát của con bé rất lớn. Nhìn gia đình người ta hạnh phúc có đầy đủ ba mẹ, được yêu thương bao bọc, mẹ nó biết nó thèm cảm giác ấy lắm. Nó chỉ có mẹ. Mẹ nó đóng cả hai vai trò. Mẹ nó thương nó nhưng không nuông chiều để hư con.

Hôm nay, là lần thứ hai nó bị mẹ đánh. Lần này bị đánh vì cái tội không nghe lời mẹ. Ngày con bé đậu Đại học, mẹ nó như vỡ òa trong hạnh phúc. Mẹ vui lắm. Không uổng công mẹ dãi nắng dầm sương ngày ngày cho con đi học. Ước mơ được đi học của ba mẹ Mộc Miên ngày ấy còn dang dở, giờ thì đã có Mộc Miên là niềm tự hào duy nhất. Ấy thế mà con bé lại buồn, nó cầm tờ giấy báo nhập học trên tay mà nước mắt rưng rưng. Đi học rồi ai sẽ phụ mẹ việc nhà, ai sẽ cắt cỏ, chăn bò, ai sẽ là người xoa bóp chân tay cho mẹ khi trời trở gió. Mẹ Mộc Miên hay bị nhức xương mỗi khi gió lạnh về. Nghĩ tới cảnh chỉ có mẹ sống cô đơn trong căn nhà vắng vẻ này, Mộc Miên thật không muốn đi nữa. Hơn nữa chi phí học Đại học không phải là số tiền nhỏ, nó không muốn mẹ khổ. Nó cãi lời mẹ. Nó nhất quyết không đi. Nó cứ lầm lỳ không nghe. Mẹ bất đắc dĩ lấy roi đánh vào mông nó. Trước giờ mẹ rất ít khi đánh nó, chỉ khi nào nó sai thật sai thì mẹ mới nổi giận như vậy. Mẹ nghẹn ngào:

"Con người ta đậu Đại học, người ta mừng háo hức đi học. Còn con mình lại không muốn đi. Con muốn nghèo khổ miết vậy sao? Có nghe lời mẹ hay không?

Giọng nói người mẹ như lạc hẳn trong dòng nước mắt. Mẹ cũng đâu muốn xa con nhưng vì muốn con ăn học cho được như con người ta. Mẹ muốn con bé có được cái chữ rồi cái nghề cho bớt khổ. Mẹ chấp nhận xa con để con được học hành đến nơi đến chốn. Nó hiểu mẹ. Nó chạy đến ôm chầm lấy mẹ. Nó không quan tâm vết roi có đau hay không. Nó chỉ biết nó sắp xa mẹ, nó muốn trân trọng từng phút giây bên mẹ. Mười tám năm qua, nó đã quen với hơi thở ấp áp của mẹ, quen có sự bao bọc của mẹ. Giờ bắt nó phải xa mẹ chẳng khác nào lấy dao cứa vào tim nó. Nó ôm mẹ rất chặt, vậy là đứa con gái bé bỏng của mẹ đã đến lúc phải rời xa vòng tay của mẹ để đến chân trời mới. Và một lúc nào đó sẽ có người thay thế mẹ chăm sóc cho nó đến trọn đời. Ẩn sâu trong đôi mắt của người mẹ là sự cô đơn. Hết chồng rồi bây giờ đến lượt đứa con gái yêu duy nhất cũng phải đi xa, lên tận Hà Nội, chờ đợi nối tiếp đợi chờ. Đối với Mộc Miên mẹ là tất cả. Nhưng đối với mẹ, Mộc Miên là món quà vô giá, là bảo bối mà mẹ luôn nâng niu cẩn thận. Mộc Miên muốn mẹ cùng lên thành phố sống với nó, nó vừa có thể học lại vừa có thể chăm sóc cho mẹ. Nhưng mẹ quyết định sẽ ở lại, ở lại để chở ba nó về. Và hơn nữa mẹ chỉ quen cuộc sống nơi đây, chốn thôn quê yên bình.

Vậy là ngày ngày, người mẹ ấy vẫn quần quật làm việc để nuôi con ăn học. Chiều chiều lại ngóng đợi hai hình bóng quen thuộc trở về. Mộc Miên rất chăm học, giành được học bổng nên cũng đỡ mẹ phần nào. Theo năm tháng, nếp nhăn trên mặt mẹ lại càng nhiều hơn. Mỗi nếp nhăn như vết khắc của thời gian. Mỗi tuần đều đặn Mộc Miên và mẹ đều gửi thư cho nhau. Người mẹ chỉ còn vỏn vẹn mỗi niềm vui ấy thôi. Hễ có dịp là Mộc Miên lại về thăm mẹ. Bà nhận thấy ở con bé có sự trưởng thành rất nhiều. Những khi trời trở lạnh, tay chân người mẹ đau nhức không chịu được, bị ốm cả tuần liền nhưng vẫn gắng gượng viết vài dòng cho con yên tâm. Mộc Miên là nguồn độc lực khiến bà không thể bỏ cuộc. Mộc Miên còn đang học đại học, mẹ không thể bỏ con lúc này. Mỗi lần xúc động nhớ đến chồng con, tim người mẹ như thắt lại, cơn đau giữ dội. Phải chăng là trái bom đã được hẹn giờ?

"........."

Mẹ ơi! Con về rồi. Mẹ ơi!!! Con bé réo gọi từ ngoài ngõ.

Mộc Miên về rồi đó hả con.

Dạ, con đã về..... Khoan. Hình như tiếng mẹ không giống bình thường, Mộc Miên chững lại vài giây rồi chạy vội vào trong nhà.

Mẹ......Mộc Miên như hoa mắt đi, chiếc vali cùng những túi quà rơi trong vô thức. Khuôn mặt nó tái nhợt đi, tay chân bủn rủn, như sắp ngã quỵ. Mẹ......Mẹ tiếng thét ứ nghẹn vào trong cuống họng, miệng nó rung rung không cất rõ thành tiếng. Nước mắt nó rơi một cách vô thức. Trên bàn thờ kia là hình ành người mẹ yêu quý của nó đang nở nụ cười hiền hòa. Còn người nói vọng ra là thím Tư hàng xóm. Thím cùng bác Kim qua dọn dẹp cho nhà cửa bớt không khí hoang lạnh. Sau một hồi nghe thím kể lại mọi việc, Mộc Miên không thể kiềm được nước mắt mình nữa. Con bé khóc, nó gào thét trong đau đớn. Tại sao nó không biết mẹ bị bệnh tim? Đến giây phút cuối cùng mẹ vẫn lo lắng cho nó. Nó tự giằn vặt bản thân sao không về sớm hơn. Nó vừa tốt nghiệp lại được nhận vào dạy một trường tiểu học ở thành phố, nó đang tính đón mẹ lên ở cùng. Ngày hôm đó, nó vừa bước ra khỏi phòng phỏng vấn, trời bỗng đổ mưa, những con gió rít qua nghe buốt lạnh. Nó chậm chuyến xe về nhà. Để rồi hôm sau, con bé bận đi gặp hiệu trưởng, các giáo viên. Cho đến cuối tuần nó mới kịp chuyến xe để trở về.

Buổi sáng tháng Ba, khi mặt trời vừa lóe lên những tia nắng đầu tiên, vạn vật vừa thức dậy sau cơn ngủ say. Phía cuối cổng làng cây gạo cũng kịp điểm tô cho mình một vài bông hoa rực đỏ. Những con chim ríu rít trên cành, như đang ca khúc ca đón mùa hạ. Mùa xuân chỉ kịp đi qua những chồi non xanh thẳm. Hạ đã về xua tan vài cơn gió còn mang hơi lạnh vùng núi tây bắc. Trên thủa ruộng bậc thang, màu vàng đã điểm tô cho vụ mùa bội thu. Mẹ Mộc Miên dựa mình vào khe cửa trông ra phía cổng làng. Bà vẫn chờ một người đàn ông của ngày xưa. Trước khung cảnh tường chừng đẹp đẽ ấy, mẹ lặng lẽ với ánh mắt u sầu. Hơn 20 năm chờ đợi, trái tim yếu đuối đã không còn đủ sức để vang lên những nhịp đập, cơn đau tim dữ dội đã lấy đi hơi thở cuối cùng của người mẹ. Nghe thím Tư kể về những ngày cuối cùng của mẹ, con bé đã nấc lên trong nghẹn ngào. Mấy lần nó thấy mẹ ôm ngực, nó hỏi, mẹ chỉ nói là hơi tức ngực. Nó không nghĩ mẹ lại bệnh nặng đến vậy. Mẹ vẫn cười với nó nhưng sao giờ đây mẹ và nó cách xa nhau quá. Mới hôm qua thôi con bé vẫn còn mẹ và nỗi hy vọng chờ ba sẽ về. Thì hôm nay chỉ phút chốc nó trở thành trẻ mồ côi. Cùng một lúc nó đánh mất niềm hy vọng mong manh từ mẹ, nó như sụp đổ, cả thế giới như không còn ý nghĩa với nó nữa. Ngay cả cơ hội gặp mẹ lần cuối nó cũng không có. Giờ Mộc Miên phải thật sự thay mẹ đợi ba về. Nó từng ấp ủ phải học thật giỏi, ra nghề kiếm thật nhiều tiền để nuôi mẹ và chờ ba . Bao nhiêu dự định, ước mơ tan thành mây khói. Chợt nó nhớ đến bức thư của mẹ. Đến giờ nó mới hiểu được vì sao bức thư cuối cùng nó nhận được từ mẹ không đề rõ ngày, tháng, năm. Mẹ nó viết:

"Con gái yêu quý của mẹ!
Mẹ không biết được ngày nào mẹ sẽ rời xa thế giới này. Có lẽ khi con đọc được lá thư này, là mẹ đã xa con thật rồi. Con gái yêu, con vẫn là Mộc Miên mà mẹ yêu thương nhất. Đối với mẹ, con là bảo bối. Mẹ thật diễm phúc khi ông trời ban cho mẹ một thiên thần là con. Con hiểu thảo, con rất ngoan. Mẹ xin lỗi con, mẹ không thể cho con một hạnh phúc trọn vẹn. Mẹ đã cố gắng bù đắp cho con nhưng mẹ biết nỗi khao khát tình cha trong con còn nhiều hơn thế. Mẹ đi, con đừng khóc nhé! Những năm con sống xa nhà, con đã trưởng thành rất nhiều. Con gái của mẹ hãy mạnh mẽ lên. Mẹ sẽ luôn dõi theo con. Mộc Miên của mẹ...."

Con bé lặng lẽ đứng bên ngôi mộ của mẹ. Nó đọc đi đọc lại lá thư rất nhiều lần. Nó ngước nhìn lên trời. Hình ảnh những bông hoa gạo đỏ tươi làm nó nhớ những ký ức ngày xưa. Nỗi buồn như lan tỏa trong không gian. Người mẹ được chôn ngay bên cây gạo kỷ niệm, đúng như mong ước của bà. Bà muốn sống với ký ức xưa, bà muốn ở đó chờ chồng dẫu biết bao mùa hoa gạo cứ qua, và hơn hết ở đó có hoa gạo như thể người mẹ được gặp Mộc Miên mỗi ngày. Cả cuộc đời mẹ đã hy sinh vì chồng con rất nhiều.

"Nếu có kiếp sau con vẫn muốn là con của mẹ".

Khẽ nhắm mắt, một dòng nước mắt ấm ấp, long lanh, trong veo như giọt sương lăn dài trên khóe mắt. Mộc Miên vừa mở mắt ra một bông hoa gạo rơi đúng ngay chân cô.

"Mẹ đang ở đây an ủi con phải không mẹ? Con sẽ sống đẹp như cái tên Mộc Miên mà ba mẹ đặt cho con. Con Yêu Mẹ."

Từ đó, Mộc Miên bỏ hết cả tương lại sáng lạng trên thành phố, không quay lại đó nữa. Cô ở lại thôn quê, dạy mấy đứa trẻ trong làng. Đóng góp sự khai sáng cho trẻ em miền cao. Ngày ngày cứ thế cùng lũ trẻ tìm tòi những con chữ, từng mùa hoa gạo lại đến rồi qua. Một buổi chiều cuối tháng ba, mặt trời tròn xoe đỏ chói lặn dần sau những dãy núi. Những cơn gió nhẹ lướt qua làn tóc dài và đen của Mộc Miên, trong chiếc áo dài trắng cô bước ra từ lớp học, đi về trên con đường thủa bé cô vẫn hay chạy qua. Hoàng hôn buông nhẹ nhàng sáng đỏ cả khung trời chiều, một vài đám mấy lượn lờ qua lại giữa không trung rộng lớn. Cô bước đi, vừa đến mấy gốc gạo đầu làng, Mộc Miên bỗng thấy, một anh chàng trong màu áo lính đang gom nhặt những cánh hoa đỏ vào chiếc mũ cối. Đôi tay nâng niu từng cánh hoa như nâng níu một tình yêu ấm áp. Một cơn gió thổi qua, nhành gạo rung rung đổ xuống màu đỏ rực, trông như lễ hội, anh quay đầu nhìn lại, hai ánh mắt chạm vào nhau, giữa ánh bình minh và cây gạo đỏ. Lại thêm một mối tình chớm nở nơi đây, dưới gốc hoa gạo. Họ yêu nhau, say đắm, họ viết tiếp câu chuyện tình của bố mẹ cô còn dang dở ngày xưa. Chắc hẳn mẹ Mộc Miên phải hạnh phúc lắm, trên thiên đàng mẹ đang dõi theo cô. Giờ họ có thể yên tâm vì đã có người chăm lo cho cô đến cuối cuộc đời. Cây gạo già vẫn đứng đó, ra hoa rồi tàn lại đến mùa đơm hoa, cây gạo cứ thế ươm thêm biết bao mỗi tình đẹp đẽ trên núi đồi Tây Bắc.

Nguyễn Ngọc Nhật

Ngày đăng: 22/11/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Mật ong rừng chuẩn thơm ngon sạch của Điện Biên
A guy who saves
 

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage