Gửi bài:

Anh tôi

Khi ta chưa làm cha làm mẹ, ta có thể cao giọng để khuyên những người mẹ khốn khổ chuyện này, chuyện nọ, chuyện gì cũng qua, ai cũng có số mệnh, lo nhiều, rầu nhiều có ích gì. Ai cũng có thể nói giỏi, nhưng khi làm cha, làm mẹ, khi đẻ con, chăm con, rồi nhìn nó lớn lên, nhìn nó từ từ đi vào con đường tăm tối, mới biết được, mọi lý luận trên đời này đều là mây khói.

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

Tôi có người anh đi làm xa, lâu lâu mới về nhà một lần. Dần dần 1 năm về một lần. Rồi có khi không về. Anh lên Bình Dương làm từ hồi 16, 17 tuổi cho đến bây giờ.

Anh tôi lớn hơn tôi 7 tuổi. Anh tuổi con trâu, nên mẹ thường hay nói, nó tuổi con trâu nên đời nó khổ và lận đận hoài. Lúc anh còn ở quê, tôi và anh hiếm khi nào nói chuyện với nhau một cách ngọt ngào. Có thể nói là như nước với lửa, nói được vài câu là cãi nhau, không chỉ ngày xưa, mà ngay cả bây giờ. Anh chỉ thể hiện một chút gần gũi khi hỏi thăm về việc học hành của tôi. Hay những lúc anh tỏ thái độ một cách thẳng thắn và tức giận, đi làm gì mà làm, lương giáo viên gì mà thua cả lương công nhân, đi làm với tao đi. Nghe anh nói vậy, lúc đầu tôi cố tranh luận và nói lên những hoài bảo của mình, rồi từ từ, tôi chỉ biết im lặng và đi ra chỗ khác.

anh-toi

Đôi lúc nghĩ lại, anh ấy nói rất đúng, bởi anh ấy còn lo cho tôi ăn học và đã lo chuyện nhà cửa, còn tôi, cứ mãi ôm cái lý tưởng mà giữa cái thời đại này, nó chỉ là một cái giẻ rách. Nhất là dưới con mắt của một số người, trong đó có những người bạn của tôi, mày phải kiếm tiền, kiếm tiền bằng mọi cách. Họ nói thật đúng đấy chứ. Khi mới ra trường, đi làm phục vụ, ăn phải những thức ăn thừa và bị thiu, lúc đó mới thấy cái đồng tiền có một vầng hào quang sáng chói. Tôi chẳng còn nhớ, lúc đó là nước mắt rưng lên hay là ánh sáng?

Thời đi làm bảo vệ, lúc đang ngồi ăn cơm với mọi người, đang nói cười vui vẻ vì hôm đó được một nồi cá lóc con kho từ những người chủ tốt bụng, ai ngờ có một đứa thét lên, con dòi kìa bây. Tôi tận mắt nhìn thấy, những con dòi đang bò lúc nhúc từ trong mấy con cá. Có đứa cười, có đứa nói đ. má, có đứa nhanh chóng phun ra, có đứa chửi búa xua nghe rất buồn cười. Nhưng rồi, ai nấy cũng im lặng, chẳng nói, chẳng phàn nàn gì hết.

Tôi thấy mình chả bằng một cái lai quần của anh về ý chí làm ăn. Tôi tưởng nhiều đó là đã khổ, nhưng anh tôi còn dữ dội hơn nhiều. Chắc tại từ nhỏ tôi đã được cưng chiều, nên khi mới lăn lộn một chút với đời đã than khổ, trách trời, trách đất.

Bản tính của anh vốn thông minh, sáng dạ. Lúc xưa, anh là người vẽ đẹp, viết chữ đẹp, giỏi việc nhà, giặt đồ, nấu cơm, bửa củi, xách nước. Tính tình lại hiền hòa và thương yêu mọi người. Nhưng gia đình khó khăn quá, học hết lớp 5 là anh nghỉ. Ai cũng tiếc, mẹ tôi cũng tiếc. Anh không còn dạy học cho tôi bên ánh đèn dầu nữa, mà anh chỉ lo việc kiếm tiền. Mùa nước nổi anh đi chăn vịt, đi suốt ngoài ruộng đồng, nước noi, nên chân tay anh lở loét hết. Tối nhớ có đêm, anh lội lủm chủm về nhà, anh đưa tiền cho mẹ rồi anh đi làm tiếp. Tới mùa thu hoạch lúa, anh với chị, với má đi cắt lúa. Có khi phải thức dậy lúc 3 giờ sáng để cắt lúa, ngoài đồng ánh trăng còn treo lơ lửng giữa bầu trời. Có lần anh bị một chiếc câu ếch đâm sâu vào bàn chân, vậy mà anh cũng đi làm không bỏ bữa nào. Đêm về anh ngâm chân vô nước muối. Rồi anh còn đi mót lúa, anh đi giũ rơm. Khi người ta suốt lúa, lúa sẽ bay ra theo những sợi rơm, nên mình có thể giũ ra để kiếm lúa. Có những đống rơm lâu ngày, phơi nắng, phơi sương nên nó rất nóng, khói sẽ bốc lên từ đống rơm. Thế nhưng bàn tay anh vẫn thoăn thoắt giũ cho hết đống rơm. Mỗi khi chiều về, anh trở về nhà, đầu đội lúa, dáng đi nghiêng ngã vì mớ lúa nặng so với tuổi 13, 14 của anh. Những bữa cơm từ những hạt lúa mà anh lượm từng bông, giũ từng nắm rơm nó mới ngon làm sao.

Trong đêm nọ, anh đi giữ vịt trở về, anh được nghỉ 2 ngày. Đêm đó, lúc mẹ tôi nằm trên giường ngủ, tôi nằm sát bên mẹ. Anh quỳ gối xuống đất, bên mái đầu của mẹ tôi. Anh gục xuống và khóc. Tôi chỉ nhớ hình ảnh, một âm vang mơ hồ thoáng qua trong trí nhớ về tiếng khóc, còn mẹ và anh đã nói gì, tôi chẳng nhớ. Bởi, tôi nằm xuống tí xíu là đã ngủ rồi.

Những ngày ấy, sao anh lại có thể hiền lành và hiếu thảo đến vậy. Nhưng những lúc tôi và anh chụm đầu vô cuốn sách, anh dạy tôi học, anh lại cú đầu tôi. Tôi nhớ như in cái bài học trong đêm đó, chỉ mấy câu thôi:

"Gạch vào lò

Lửa bùng to,

Khói ngùn ngụt

Than đỏ rực

Suốt đêm ngày"

Còn tên tác giả là gì, tên bài thơ là gì, tôi cũng chẳng nhớ. Chỉ còn nhớ ánh đèn dầu chiếu lên trang sách, có hai anh em đang ngồi bên nhau, ngoài kia là bóng tối và tiếng côn trùng kêu râm rang.

Anh không hút thuốc, không nói tục, chửi thề, không rượu chè cờ bạc, không tụ tập trộm cắp, không quậy phá xóm làng. Rồi cuộc sống quá khó khăn, anh lên Bình Dương làm cao su. Cũng từ đó, lúc trở về quê, anh đã thay đổi hoàn toàn. Anh nghiện cờ bạc và tính tình cũng cọc cằn hơn. Tôi sợ anh hơn. Anh về là cãi nhau với mẹ vì chuyện tiền, chuyện cờ bạc. Ai cũng khổ tâm, và mẹ là người khổ nhất. Khi ta chưa làm cha làm mẹ, ta có thể cao giọng để khuyên những người mẹ khốn khổ chuyện này, chuyện nọ, chuyện gì cũng qua, ai cũng có số mệnh, lo nhiều, rầu nhiều có ích gì. Ai cũng có thể nói giỏi, nhưng khi làm cha, làm mẹ, khi đẻ con, chăm con, rồi nhìn nó lớn lên, nhìn nó từ từ đi vào con đường tăm tối, mới biết được, mọi lý luận trên đời này đều là mây khói. Tôi cũng từng khuyên và an ủi mẹ, chính tôi lúc đó cũng nhận thấy sao mà mình vô dụng quá vậy.

Nhiều lúc nghĩ ngợi lung tung, ôi thời gian nó lướt qua mái đầu người ta như một điều gì quá tàn nhẫn. Khiến cho người ta phải xót xa và tiếc nuối dĩ vãng. Nhiều lúc, trở về nhà nằm võng, những kí ức ngày xưa sao mà lung linh, đến nổi, trong tâm tưởng, ta cũng không dám chạm vào vì sợ nó sẽ biến mất. Cứ nằm im lắng nghe và trôi về một thế giới xa xăm huyền diệu ấy. Phải chăng, những lúc đó, mọi khốn cùng của cuộc đời đang vây lấy ta, ta muốn chạy thật nhanh về quá khứ, để được ngu dại, để được lầm lỗi, để được khóc, để được thỏa thuê một điều gì đó, miễn sao, trốn chạy được hiện tại?

Dù anh hay cãi nhau với mẹ, nhưng anh rất sợ làm mẹ buồn. Con người anh là một mớ hỗn độn và mâu thuẫn. Khi không giữ được bình tĩnh, là anh biến thành một kẻ rất dữ tợn khi cơn nghiện bài ập đến. Rồi sau đó, anh lại sợ, anh sợ về nhà và đối diện với mẹ. Anh ít nói chuyện hơn, anh cứ âm thầm nằm, ngủ, đi qua, đi lại, ăn cơm rồi đi ra khỏi nhà. Đêm về nhà ngủ. Có khi anh đi đâu đó không về. Những lúc, anh ấy lâu lâu mới về quê, mẹ nấu nhiều món ngon, đợi anh về ăn, nhưng anh chẳng về.

Tôi ước gì, tôi chẳng phải hỏi, tại sao? tại sao lại như thế? đáng lí ra? không thể thế được? nguyên nhân nào? làm sao đây? tất cả cứ đeo bám, khiến mình như bị bóp nghẹt bởi những câu hỏi. Giống như ngày xưa phải tốt hơn không, đơn giản và không phải nghĩ ngợi nhiều, tự vấn như vậy. Nó cứ đến rồi đi như những đám mây ngoài ruộng đồng.

Có quá nhiều chuyện, nhưng có lẽ, tôi không thể nào quên được hình ảnh anh tôi quỳ bên mái đầu của mẹ tôi và khóc. Anh luôn tìm ra đồng tiền, tìm ra cái ăn, cái mặc bằng chính sức lực của mình, mà chẳng phải quỵ lụy trước ai bao giờ. Kể cả bây giờ, có thể việc nghiện cờ bạc đã ân sâu vào xương tủy của anh, nhưng anh vẫn làm từ chính bàn tay của mình, từ cái sức lực của mình. Không phải nịnh hót hay bè phái để hòng được chút bã lợi ích của kẻ khác bao giờ. Tôi cũng soi vào điều đó để tự nhắc nhở mình.

Tôi còn nhớ có người đã dạy tôi rằng: "Người có tài năng mà không có tự trọng thì cũng vứt bỏ nha em". Nghĩ lại tôi chỉ mỉm cười và thầm tạ ơn câu nói đó. Nhưng nghĩ lại, tôi tự nhận thấy mình chẳng có tài năng gì ngoài cái miệng ăn hại và sống như một kẻ bất hiếu.

Bây giờ, anh vẫn vậy, vẫn lâu lắm mới trở về.

Bây giờ, mỗi khi ngồi ăn cơm với mẹ, có lúc mẹ nói, tao bỏ luôn, kệ nó, nhưng rồi, mẹ khóc.

Lệ Trần

Ngày đăng: 23/11/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Địa điểm mua đặc sản Điện Biên uy tín
Tuổi trẻ giống cơn mưa
 

Tuổi trẻ giống như một cơn mưa, cho dù bị cảm, vẫn muốn quay lại để được ướt mưa thêm một lần nữa

Trích "You are apple of my eyes"

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage