Bà Sáu ở xóm nghèo
- Bà Sáu! Giờ bà ở đâu mà dạo rày không thấy bà đi chợ nữa hen?
Tiếng chị Nhạn hỏi vọng từ sau lưng bà Sáu tới. Bà vì già nên lãng tai nên cứ thế bước về phía trước. Chị Nhạn là hàng xóm của bà khi bà còn ở xóm trên. Chị Nhạn chạy nhanh tới đi cạnh bà rồi lặp lại câu hỏi thật to lần nữa.
- Tao giờ ở với con cháu con của ông anh tao ngoài kia.
Từ chỉ "ngoài kia" của bà là nơi xa hơn nơi bà từng sống, đó là gần nhà chị Nhạn. Hai người đứng nói chuyện ngay bên vệ đường. Cái nắng buổi sáng nhẹ nhẹ rót lên chiếc nón của bà Sáu, bà kéo nhẹ chiếc nón để che bớt ánh nắng đầu ngày chiếu thẳng vào mặt.
- Ủa rồi con cháu bà đâu mà giờ bà lại ở vậy?
- Tụi nó đi làm ăn ở xa rồi mày ơi, tao ở đây cũng được rồi có làm sao đâu.
- Còn gia đình anh Hai Xỉn đâu? Sao bà không ở chung với ảnh? Chứ thui thủi ở với cháu mà lại là con của anh trai thì cũng không bằng con ruột của mình bà ơi!
- Ừ thì... là... Mà mày đang đi chợ hả? - Bà Sáu đánh trống lảng qua chuyện khác để không phải trả lời câu hỏi của chị Nhạn.
- Dạ, bà Sáu lên xe con chở ra chợ luôn nè.
(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")
***
Bà có một người con trai, mọi người hay gọi là Hai Xỉn. Bởi trong ba mươi ngày của một tháng thì cái ngày hắn tỉnh táo chỉ tính trên đầu ngón tay thôi. Và một cô con gái, mọi người hay gọi là Út Lụa. Cả hai đều có gia đình và có con cái hết cả rồi. Hai Xỉn có tận năm đứa con gái. Đây trở thành lí do mà hắn hay uống rượu rồi la lối um sùm. Hắn muốn có con trai nhưng có cố gắng thế nào cũng lọt ra ngũ long công chúa như này.
Mỗi lần rượu vào, hắn lại nhớ đến cái mong muốn có đứa con trai của bản thân chưa đáp ứng được, thế Hai Xỉn lại lôi vợ ra đánh, đánh vợ chưa mệt hắn lại lôi mấy đứa con gái ra chửi. Ngày nào hắn cũng la lối, chửi bới tới tận khuya lắc khuya lơ khi người lả mệt mới chịu thôi mà đi ngủ. Xóm giềng biết tính hắn nên cũng chả ai còn can ngăn mỗi khi hắn đánh đập vợ con. Vì hó có qua can ngăn thì hắn chửi luôn cả gia đình họ. Thế nên đèn nhà ai nấy sáng. Mỗi lần hắn quậy, vợ con hắn chịu không nổi thì chạy qua nhà bà Sáu, rồi dẫn bà qua can ngăn. Cái cuộc sống rượu chè say xỉn của người con trai, làm bà Sáu chả ngày tháng nào được sống yên bình. Bà đã ngoài bảy mươi rồi. Giấc ngủ nào của bà cũng bị hắn làm dang dở. Khi men say làm chủ con người của hắn rồi, thì hắn chả còn xem ai ra gì. Hắn chửi vợ con mình xong lại quơ qua chửi cả bà Sáu. Hắn chửi càng chửi quấy.
Có lần hắn đang trong cơn thịnh nộ, vợ hắn không còn nhẫn nhịn được mà chửi lại hắn. Cô vợ to tiếng lắm. Như bao sự uất ức kìm nén bao lâu nay chực trào dâng từ đáy lòng làm cô thốt ra những lời mà trước giờ cô chưa từng nói. Rồi cô chạy cùng làng khắp xóm bêu rếu chồng mình. Như muốn giải tỏa sự uất hận bấy lâu. Cả xóm bị gia đình Hai Xỉn làm náo loạn. Bà Sáu vừa mới đóng cửa chuẩn bị tắt đèn đi ngủ thì hay được chuyện mà vơ chồng nhà hắn, vội cái đèn pin trên bàn để chạy qua xem thế nào. Bà Sáu vừa qua, khi nghe tiếng bước chân bước vào nhà. Hắn từ trong nhà chạy xộc ra. Không cần xem là ai mà thụi hẳn một nắm đấm rõ mạnh của sức đàn ông vào mặt bà Sáu. Vì hắn tưởng rằng cô vợ đã trở về sau khi ta lối khắp xóm khắp làng. Bà Sáu choáng váng mặt mày. Trời đã tối càng thêm tối hơn trước mắt bà. Mấy đứa cháu gái vội đưa bà về nhà...
Sáng hôm sau cái chỗ bị đánh đó sưng tấy và bầm tím lên, làm mắt của bà chả mở ra được nữa. Chuyện đêm đó, rồi cũng nhanh chóng lan khắp cả xóm đều biết, rồi lan ra tận cái chợ của cái xã này. Như một thói quen sáng nào bà Sáu cũng đi chợ. Sáng hôm nay, vừa tới chợ ai cũng vờ như không biết hỏi bà bị sao mà mặt mũi sưng hết thế kia. Bà cười trừ rồi nói:
- Tối tui đi vệ sinh không cẩn thận mà té đập cái mặt vào cái cửa nên sưng vậy chứ không có gì đâu.
Mọi người bức xúc thay cho bà thế mà bà lại bao che cho đứa con nghịch tánh trái nết của mình. Cô hàng thịt là người hay trò chuyện với bà Sáu nhất vì ở gần nhà bà. Cô hỏi nhỏ khi bà ghé qua hàng của cô:
- Sao bà không nói là thằng con trời đánh của bà làm bà bị như vậy chứ giấu giếm làm gì không biết nữa...
- Nói cô nghe, chuyện có hay ho gì đâu mà kể. Với thằng con của tôi nó say xỉn vào là vậy chứ tính nó lành lắm. Nó có cố tình làm tôi bị như này đâu - Bà Sáu lại cố giải thích để cô hàng thịt thông cảm cho cậu con trai của mình.
Người con trai qua ngày hôm sau biết mình đã làm mẹ mình như vậy cũng chả có lời hỏi thăm hay xin lỗi gì. Hắn có qua nhà bà nhưng tới ngồi chốc lát rồi lại đi. Hắn ngồi im lặng ngay cửa ra vào nhìn ra ngoài sân với ánh mặt xa xăm, vô thức. Chả nói năng gì. Một lát sau, hắn nhổm mông ngồi dậy rồi đi về. Hắn đi như một thói quen mỗi ngày. Đi tới nhà của những tay bợm nhậu trong xóm. Cái xóm bé tí, đa phần là dân cày cấy ban ngày đàn ông thanh niên ra ruộng cày bừa hết. Chỉ có mấy ông đàn ông nhà không có đất đai, ruộng vườn vì chưa tới mùa vụ nên rãnh mà ở nhà chè chén cùng thằng Hai con bà Sáu. Phần bà thì sợ đêm qua hắn vì say quá không ăn gì nên nấu bát cháo mang qua nhà nhưng hắn chưa về. Lúc nào cũng vậy, sau mỗi đêm làm mất trật tự xóm giềng thì sáng hôm sau hắn lại đi tìm men say. Và bà Sáu thì cứ nấu cháo mang qua nhà để hắn ăn. Bà lo hắn rượu chè quá mức rồi không chịu ăn lại đổ bệnh. Nên ngày nào cũng nấu cái này cái kia mang qua nhà cho hắn. Nhưng có lần nào hắn chịu ăn những món bà nấu đâu. Hôm nọ bà qua đúng lúc hắn vừa tỉnh dậy, bà trộm vui trong lòng:
- Má có nấu tô cháo thịt bằm, mày ăn cho nóng nè!
- Bà mang về đi tui không có ăn đâu, nấu làm gì không biết nữa. - Hai Xỉn trả lời gắt gỏng.
- Bậy, mày cả đêm có ăn gì đâu, cứ vậy đau bao tử có mà chết nghe con...
Bà nói mặc bà, Hai Xỉn bước chân xuống giường rồi đi ra sau nhà.
***
Bà Sáu thương Hai Xỉn nhất nhà vì anh Hai giống người chồng quá cố của bà lắm. Ngày đó, bà làm vợ ông vào những năm xuân thì mơn mởn. Năm đó, bà tròn hai mươi ba tuổi. Cái thời loạn lạc ông có mấy khi ở nhà lâu được với bà đâu. Khi Hai Xỉn ra đời thì ông lại phải đi làm nhiệm vụ. Vài tháng sau ông về thì Hai Xỉn đã biết đi chập chững. Rồi Hai Xỉn cũng có em là cô Út Lụa bây giờ. Khi Út Lụa được bốn tháng thì bà Sáu hay tin ông tử nạn. Lúc nghe tin sét đánh này, bà Sáu chả rơi một giọt nước mắt nào. Bà đứng lặng người một hồi, rồi hỏi người báo tin là hiện giờ xác của ông nhà đang ở đâu, làm ơn dẫn bà đi nhận xác chồng bà nhanh với. Lo chôn cất cho ông xong cũng là năm bà tròn hai mươi sáu tuổi. Mọi chuyện đâu vào đó rồi thì nỗi đâu mất chồng mới trỗi dậy mà dày vò bà mỗi đêm. Đêm nào bà Sáu cũng khóc rấm rứt một mình khi hai con đã say giấc. Người em của bà kể lại, thời gian đó bà mạnh mẽ lắm nhưng đêm nào cũng khóc.
Thời gian qua đi và bà cứ ở vậy nuôi Hai Xỉn và Út Lụa cho đến khi cả hai thành gia lập thất mà chưa hề có ý định đi bước nữa cho bản thân. Bà nghĩ, đời bà chỉ yêu mỗi ông. Khi ông mất, tình yêu của ông cũng mất dần theo thời gian nhưng tình yêu của bà dành cho ông thì mãi mãi. Khi nào bà mất thì tình yêu này bà cũng sẽ mang theo. Nếu bước thêm bước nữa, người sau không thương hai con của bà thì vô tình chính bà làm hai con khổ. Thì liệu rằng tình yêu của ông ngày ấy dành cho bà có còn xứng nữa chăng? Và bà cũng không muốn thấy cảnh con bà bị cha dượng vì không thương mà đánh đập. Từ dạo đó mà bà Sáu vừa làm mẹ vừa làm cha của Hai Xỉn và Út Lụa...
Bà Sáu có cái quán tạp hóa hằng ngày buôn bán đồng ra đồng vào cho vui. Nhà bà thì gần nhà cô Út Lụa hơn. Cô con gái hay chạy qua chạy lại khi bà đau ốm này kia. Còn nhà người con trai với nhà bà thì xa hơn cách cũng chục căn nhà. Trong hai đứa con, bà luôn dành tình cảm nhiều hơn cho Hai Xỉn. Do vậy mà bà thương luôn năm đứa con gái của hắn. Đi chợ mua cái bánh cái kẹo gì bà cũng để dành cho mấy đứa cháu nội. Nếu tụi nó không qua nhà bà thì tối bà sẽ mang sang nhà cho chúng nó. Hôm nào nấu chè bà cũng mang sang cho tụi nó. Mấy đứa cháu ngoại có xin để được ăn thì bà cũng cho nhưng phần ít hơn còn phần nhiều, phần ngon bà đã dành cho cháu nội yêu quý rồi. Mỗi khi mấy đứa cháu ngoại đòi quà bánh khi bà đi chợ về thì bà hay nói đùa rằng " Cháu nội không vội mà thương, cháu ngoại như chó chạy ngoài đường". Mấy đứa cháu ngoại hồi đó còn nhỏ nghe xong chả hiểu gì, rồi thì vẫn cứ vòi cho bằng được quà vặt thôi. Xin được thì chúng nó cười hề hề ngồi ăn ngon lành.
Nói về cô Út Lụa con bà Sáu, gia đình cô cũng chả mấy khá giả gì. Nhà cũng không có mảnh đất cắm dùi. Tới vụ mùa thì đi cắt lúa, hái đậu cho mấy nhà khác trong xóm. Cái xóm nông nghiệp, hễ nhà nào có ruộng vườn thì khỏi lo đói còn nhà nào không có thì cứ làm thuê ăn qua ngày. Mùa chưa tới thì đi làm chuyện lặt vặt này kia nên cũng không dư giả gì. Chồng của Út Lụa không biết bất mãn với bà Sáu chuyện gì mà có vẻ không hợp với bà. Nên chả mấy khi hai người nói chuyện. Anh này còn có cái tánh mê tín dị đoan. Cứ bảo với Út Lụa là tuổi của mấy đứa con không hợp với tuổi bà ngoại nên tụi nó cứ hay bệnh này kia. Rồi do vậy mà nhà không làm ăn gì được nốt. Anh chồng Út Lụa nào biết trẻ nhỏ sức đề kháng yếu thì hay bệnh vặt thôi. Chứ mỗi lần xấp nhỏ bệnh là anh lại đổ lỗi là do ở gần nhà bà Sáu nên vậy.
Chồng Út Lụa không chỉ mê tín mà còn rất cố chấp và cực đoan. Có lần anh với bà Sáu cãi nhau. Chuyện cũng xảy ra lâu rồi nên cũng không rõ là hai người cãi nhau vì chuyện gì nữa. Nhưng cả hai cãi dữ dội lắm. Sau đó anh còn cấm mấy đứa nhỏ không qua lại nhà bà Sáu. Mấy đứa nhỏ thì chả hiểu chuyện gì của người lớn. Anh cấm thì cấm còn tụi nó vẫn cứ lén chạy qua nhà bà chơi mỗi tối. Xóm có mấy cái nhà đâu, tụi nhỏ không qua nhà bà Sáu chơi thì chơi ở đâu nữa. Út Lụa thì cứ nhẫn nhịn chồng vì không muốn gia đình xào xáo làm chuyện bàn tán của xóm. Nên cứ im lặng chịu đựng. Và cô càng không muốn gia đình cô giống như gia đình anh cô - Hai Xỉn. Nhịn để được êm ấm ngày nào thì hay ngày đó và ba đứa con của cô không muốn ba mẹ nó cứ cãi ngày suốt ngày. Cô nhịn thì chỉ mình cô khổ nhưng nếu cô cãi lại chồng thì lúc đó gia đình cô khổ, có vui vẻ gì đâu.
***
Tính tới nay cũng đã hơn 6 năm, bà Sáu không gần con gần cháu thường xuyên. 6 năm trước, gia đình Út Lụa vì ở cái xóm này cứ bán mặt cho đất bán lưng cho trời mãi mà sức thì không còn nhiều còn tiền thì chả thấy đâu. Do vậy mà cả gia đình bán nhà khăn gói để lên thị thành sống. Cũng vì muốn ba đứa nhỏ có chỗ học tốt hơn, và tiếp thu cái mới nhanh hơn. Thế là cả gia đình bỏ xóm nghèo này mà đi. Năm đầu tiên vì chưa ổn định được cuộc sống ở chốn thị thành mà gia đình cô Út Lụa về thăm bà Sáu có dăm ba lần trong năm thôi. Năm thứ hai cuộc sống chật vật hơn nhiều, mấy đứa con thì tuổi ăn tuổi học chii tiêu phải tích góp nên số lần về thăm bà Sáu cũng giảm bớt. Đến năm thứ ba những lần về thăm bà Sáu, bàn tay năm ngón mà đếm không hết được. Rồi mấy năm nay cũng chả thấy gia đình cô Út Lụa về thăm bà nữa. Nghe đâu cô Út Lụa cũng cực khổ làm để đủ sống ở chốn thị thành nên đời sống tằn tiện mà mỗi lần về quê là mỗi lần tiền xe tiền này tiền kia chiếm nhiều quá...
Từ ngày gia đình cô Út Lụa đi, bà Sáu cũng bán nhà qua sống chung với gia đình Hai Xỉn vì bà tuổi đã lớn ở một mình lỡ có bề gì thì không ai hay. Nên ngày đi, cô Út Lụa nói bà cứ qua nhà anh Hai Xỉn mà ở. Bên đó dù gì cũng có mấy đứa cháu gái, rồi vợ anh Hai rồi có gì, thì gọi cho cô Út Lụa chạy về. Mọi chuyện đâu chỉ dừng lại ở đó. Thời gian đầu bà sống chung với gia đình Hai Xỉn có vẻ êm đềm nhưng số ngày bà ở chung, tính bằng tháng bằng năm thì con cháu cũng bắt đầu trái ý trái nết. Mấy đứa cháu nội yêu quý của bà bắt đầu có thái độ khó chịu với bà. Còn cô con dâu thì mặt nặng mày nhẹ mỗi khi đi làm về. Hai Xỉn thì vẫn cứ say xỉn đều đặn mỗi ngày. Có biết quan tâm gì tới ai thế nào đâu, ngay cả khi tỉnh Hai Xỉn cũng không coi mẹ mình ra gì thì khi men rượu vào còn nể nang ai được.
Bà Sáu sống với gia đình Hai Xỉn chả ngày nào được yên. Đêm thì Hai Xỉn la hét, ngày thì mấy đứa cháu tỏ thái độ bực dọc với bà. Nhà thì bà cũng bán mất, có còn chỗ nào nữa đâu mà đi. À bà Sáu nhớ ra là bà còn có ông anh trai ở xóm dưới. Hôm nọ, bà Sáu vì không muốn làm con cháu bực bội thêm mà quyết định khăn gói rời đi. Mấy hôm trước bà có nói chuyện này với Hai Xỉn lúc sang nhưng hắn chả quan tâm những gì bà nói. Hắn vùng dậy chải chuốt tóc tai rồi lại xách chiếc xe cup lượn quanh xóm. Thế là bà xuống nhà ông anh tá túc. Bà ở mấy ngày lại nghĩ, sợ bà con xóm giềng nói không tốt cho Hai Xỉn rằng " Sao bỏ mẹ đi ở tùm lum nhà người khác" rồi mang tiếng cho Hai Xỉn. Mà y như rằng cái điều bà nghĩ nó trở thành sự thật đấy thôi. Lời thiên hạ đồn đại lan nhanh như gió thổi. Lời đồn bay tới tai Hai Xỉn. Hôm đó mang trong người men say, Hai Xỉn tức tốc phi xe xuống nhà ông anh bà Sáu để tìm bà. Hắn chạy xe xộc vào sân nhà. Gạt cái chống, hắn lớn tiếng hỏi,
- Bà Sáu đâu rồi? - Bà từ trong nhà vội vàng chạy ra, tưởng là Hai Xỉn rước bà vể ở lại:
- Thằng Hai hả? Bây xuống hồi nào đó?
- Không có hai ba gì ở đây hết, bà ở đâu thì ở sao để thiên hạ đồn tui không nuôi nổi rồi đuổi bà đi, để bà ở nhà người khác hả? - Hai Xỉn sừng sộ đứng nói.
- Trời ơi, má có làm gì đâu... Bây từ từ... Họ nói gì kệ họ bây để bụng làm gì? Để mai má đi chợ nói cho họ biết là má tự đi chứ không phải bây đuổi gì tao. Bây yên tâm chưa? Về nhà nghỉ ngơi đi, xỉn rồi mà còn chạy xe hà. - Bà Sáu ân cần giải thích.
- Bà nói rồi đó, đừng để tui mang tiếng ác à. - Nói đoạn Hai Xỉn bước ra xe và phóng về.
Hai Xỉn nào biết được, từ ngày bà Sáu bỏ đi nhưng ngay nào bà cũng ghé lên nhà xem hắn thế nào rồi âm thầm đi. Bà lo hắn uống say nằm ngủ không chăn chiếu mà trúng gió. Nên bà dù không ở chung nhà nhưng ngày nào cũng ghé qua thì mới yên tâm được. Sau hôm đó, bà lại sợ lời thiên hạ đồn xấu cho Hai Xỉn nên bà lại dọn đi ra ở chung với đứa cháu gái - là con của ông anh bà. Nhà cô cháu khá xa nhà Hai Xỉn. Điều này làm bà yên tâm hơn. Hai Xỉn dù đối xử có tệ với bà ra sao thì bà cũng không để bụng. Bà cứ cho rằng đó là do men rượu làm con bà ra như vậy. Có trách thì trách rượu vào thôi.
Dạo trước, Út Lụa có đón bà vào thị thành chơi. Ở được dăm ba hôm bà lại nằng nặc đòi về cho bằng được. Bà bảo với cô Út Lụa:
- Mai mày đón xe cho má về, về xem anh mày mấy hôm nay ra sao rồi? Ăn uống gì được không, chứ tao ở trong này nóng ruột nóng gan quá!
Thế là qua ngay hôm sau bà về nhưng không về thẳng nhà cô cháu mà bà nói bác tài cho dừng ngay nhà Hai Xỉn. Xe dừng, bà bước vội vào nhà nhưng Hai Xỉn chả có ở nhà. Thế là bà thả bộ về...
Chuỗi ngày của bà Sáu vẫn cứ lặp đi lặp lại như vậy. Nhưng tình thương của bà dành cho đứa con trai nghịch tử này mỗi ngày một nhiều hơn. Bà còn lo khi bà không còn thì ai sẽ coi sóc hắn. Hắn cứ say xỉn không ăn uống thì đau bao tử rồi ai lo cho hắn đây... Bà cứ canh cánh nỗi lo mỗi ngày qua đi. Bà dành cả tuổi xuân để lo cho con cái và cả những ngày xế chiều để nhọc lòng bên con. Thế mà con bà nào hiểu, nào biết, nào hay...
Mỗi ngày qua đi, mặt trời rồi sẽ có mặt trăng thay thế nhưng Mẹ thì mãi mãi không một ai có thể thay thế được cả...
Lê Khanh