Gửi bài:

Ba là thợ hồ, mẹ là hộ lý

- Sao ba đã làm thợ hồ rồi mà còn hay nhậu vậy má?

Bà Hải khẽ cười:

- Thì chính vì ổng là thợ hồ nên mới hay nhậu. Ông thợ nào mà không nhậu mới lạ đó. Mấy đứa có nói gì thì kệ tụi nó. Nhà mình có nghèo, nhưng ba má không ăn cướp ăn trộm gì của ai mà mày phải sợ. Thôi lo mà học bài đi. Đừng có suy nghĩ gì hết, nghe không?.

Phương gật đầu, nhìn mẹ rời khỏi rồi chợt thừ người ra suy nghĩ điều mẹ vừa nói...

(truyenngan.com.vn - Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Những câu chuyện cuộc đời")

***

ba-la-tho-ho-me-la-ho-ly

- Ê! Con Phương! Bữa ba mày tới xây nhà cho nhà tao đó.

- Vậy hả? Còn tao thấy má nó quét rác bệnh viện đó nhen tụi mày.

- Hahaha!!! Lêu lêu lêu!!!... Ba mày là thợ hồ. Má mày là lao công.

- Hahaha!!

Mấy đứa bạn xúm lại trêu chọc Phương. Cô bé nhút nhát, hiền lành vừa uất ức, vừa tức giận. Mặt cô đỏ phừng lên vì xấu hổ, môi mím lại, mắt đỏ hoe vì khóc. Cô không biết phải cãi lại chúng nó thế nào cả, chỉ có thể đứng im đó, cố nén không khóc to lên mà thôi.

Về đến nhà, Phương thấy mẹ đang lui cui nấu đồ ăn ở căn bếp nhỏ quen thuộc. Ba vẫn chưa đi làm về. Mẹ trông thấy cô liền hỏi:

- Về rồi thì thay đồ rửa ráy đi còn ăn cơm.

- Ba chưa về hả má?

- Chưa. Chắc ba mày lại đi nhậu với mấy ông làm cùng chỗ với ba mày rồi.

Phương xụ mặt xuống không nói gì. Cảm thấy thật khó chịu bức bối trong người, Phương vùng vằng đi vào nhà tắm.

Một lát sau, hai mẹ con đang ăn cơm thì ba cô về. Gương mặt ông đỏ ửng như con gà chọi. Ông loạng choạng bước vào nhà. Mẹ cô liếc háy nhìn ba rồi không nói gì, tiếp tục gắp. Ông Vui cười cười, giọng lè nhè hỏi:

- Sao bữa nay ăn sớm vậy nàng? Nàng ơi nàng!...

Phương nhìn ba, rồi nhìn mẹ. Tự dưng, Phương cảm thấy buồn tủi. Sao con nhỏ Khuê cùng lớp vừa xinh, vừa trắng, lại học giỏi, có mẹ là giáo viên. Lúc nào cũng được mấy bạn học vây quanh, thầy cô khen ngợi. Bạn ấy luôn là một tấm gương mẫu cho các bạn ngưỡng mộ nhìn theo. Còn mình thì, nhà vừa nghèo, ba mẹ lại không phải là người học cao như người ta, ba lại còn say xỉn nữa. Phương tủi thân và khóc. Một giọt nước mắt chảy vội trên gương mặt trẻ con. Lúc mẹ ngẩng lên trông thấy, liền lo lắng hỏi:

- Sao vậy?

Phương hờn dỗi không muốn trả lời. Im lặng rồi chỉ đáp gọn lỏn:

- Không có gì đâu má.

Bà Hải chầm chậm bước lên bậc cầu thang. Lên đến nơi thấy con gái đang ngồi học, viết viết cái gì đó. Bà thở dài, gương mặt thoáng chút buồn.. nhẹ nhàng tới bên cạnh:

- Đang học bài hả con?

Phương ngẩng lên, thấy mẹ đang nhìn mình rồi cúi xuống tỏ vẻ né tránh.

- Dạ má.

- Hồi chiều ở trường có chuyện gì phải không?

Phương thoáng nhớ lại, im lặng chưa trả lời mẹ liền. Bà Hải không tỏ ra tức giận, ngồi xuống kế bên, vẫn chăm chú nhìn Phương và hỏi:

- Ở lớp có chuyện gì, nói má nghe.

Phương ngập ngừng rồi quyết định kể:

- Mấy đứa bạn chọc con, nói ba là thợ hồ, má là lao công.

- Vậy con nói gì?

Phương xấu hổ lắc đầu. Bà Hải thở dài rồi bảo:

- Lần sau tụi nó nói gì con cứ nói lại với cô giáo, để bả nghiêm khắc dạy lại tụi nó. Đừng đánh lộn, nghe không?

Cô bé gật đầu. Rồi chợt hỏi:

- Sao ba đã làm thợ hồ rồi mà còn hay nhậu vậy má?

Bà Hải khẽ cười:

- Thì chính vì ổng là thợ hồ nên mới hay nhậu. Ông thợ nào mà không nhậu mới lạ đó. Mấy đứa có nói gì thì kệ tụi nó. Nhà mình có nghèo, nhưng ba má không ăn cướp ăn trộm gì của ai mà mày phải sợ. Thôi lo mà học bài đi. Đừng có suy nghĩ gì hết, nghe không?.

Phương gật đầu, nhìn mẹ rời khỏi rồi chợt thừ người ra suy nghĩ điều mẹ vừa nói...

Ngày hôm sau, tụi nó lại trêu chọc Phương như không muốn tha. Cô bé cảm thấy sức chịu đựng của bản thân rất dở. Cô không thể tiếp tục nhịn được nữa, bèn cầm quyển sách trên tay đập mạnh xuống bàn cái "Rầm!!!" rồi đứng dậy hét:

- Rồi sao?!!! Ba tao là thợ hồ, má tao là lao công đó. Rồi sao?!!! Tụi bây muốn gì?!!!!.

Cả đám sững lại há hốc mồm nhìn Phương. Mấy đứa trong lớp cũng nhìn về phía bên này, hào hứng hóng chuyện.

Bà Hải đi làm về, thấy Phương ngồi co cụm trước cửa. Bà lục túi xách nhưng không thấy chìa khóa đâu. Nhăn nhó nghĩ có khi nào làm rớt hay bỏ quên chìa khóa ở đâu không. Nhưng bây giờ có tìm cũng không kịp nữa. Bà nói với con gái:

- Chịu khó ngồi chờ thêm tí nữa nhan, má tới chỗ ba mày lấy chìa khóa nhà cái đã.

Nói rồi bà quay xe lại định đạp đi thì Phương bất ngờ gọi theo:

- Má! Má!! Má chở con đi với. Cho con tới chỗ ba làm đi má.

Bà Hải nhìn cô không nói gì. Chỉ hất đầu ra sau bảo:

- Lên xe đi.

Cô bé cười mừng, vội vàng xách cặp chạy lại trèo lên ngồi yên sau. Bà thấy con ngồi vững rồi, bắt đầu cọc cạch đạp đi.

Tới chỗ ba, Phương đã thấy ngay người đàn ông gầy gầy xương xương ở trên cao đó. Khuôn mặt đỏ ửng không phải vì nhậu nhẹt, mà là vì mồ hôi nhễ nhại. Ba đang trét vữa vô hàng gạch vừa mới đắp. Cứ đặt hai viên ngay ngắn theo hàng rồi dùng chiếc bay nhỏ, đầu nhọn hoắt đưa hỗn hợp vữa nhanh nhẹn nhét vào khoảng trống. Rồi trám qua trám lại, trám lên trám xuống để vữa vừa khít, bằng phẳng không bị trồi ra cũng không bị dư thừa. Ba làm rất khéo léo, thành thạo. Mẹ gọi với lên:

- Anh Vui!

Ba giật mình nhìn xuống thấy hai mẹ con, nói lớn:

- Cái gì thế? Sao hai mẹ con bà lại tới đây chi?
- Tui quên chìa khóa nhà. Anh đưa chìa khóa của anh cho tui đi.
- Cha trời.

Ba thả bay xuống, bàn tay xám xịt lấm lem vì vôi vữa, ngón tay cong cong không duỗi thẳng ra được vì có lần ba bị điện giật – một tai nạn lao động, vội thọc vào trong túi áo công nhân màu xanh đã cũ, lấy chìa khóa rồi ném xuống cho mẹ.

Có một lần, Phương được nghỉ học nên bà Hải dẫn con gái nhỏ vô chỗ làm vì không có ai trông giúp. Bà cứ dặn dò liên tục rằng cô không được quậy phá, hay thò tay nghịch ngợm bất cứ thứ gì ở đây. Phương ngồi im trên ghế, nhìn mẹ thoăn thoắt chạy đi chạy lại. Chiếc áo blue màu xanh da trời dành cho hộ lý đã thấm ướt mồ hôi của mẹ. Gương mặt mẹ cũng giống ba khi đó, đỏ ửng và những giọt mồ hôi cứ lăn dài trên mặt. Khi thì mẹ đi đổ rác, quét dọn rồi lau sàn nhà. Khi thì bác sĩ gọi mẹ vô sai việc, khi thì thấy mẹ cặm cụi đẩy bệnh nhân trên chiếc xe lăn để đi xét nghiệm gì đó. Còn có lúc mẹ cùng với người nhà bệnh nhân còng lưng đẩy chiếc băng ca bằng sắt, trông như một chiếc giường di động, trên đó người bệnh đang nằm đau đớn. Phương còn thấy cả mấy cô y tá la mắng mẹ, trong khi mấy cô này toàn nhỏ tuổi hơn mẹ mà thôi. Phương cứ nhìn mãi, nhìn mẹ đã làm hộ lý như thế đó...

Cô giáo giao bài tập về nhà, là một bài văn cảm nghĩ về ba mẹ đã vất vả vì con như thế nào. Buổi tối, Phương nhìn thấy mẹ giặt đồ, thau này đến thay nọ. Rồi mẹ phơi đồ sơ ý bị trượt ngã. Cô bé lo lắng nhìn ra hỏi mẹ có làm sao không. Mẹ cười ha ha, bảo không sao hết. Phương nhớ lại những gì chúng bạn đã trêu, những gì đã chứng kiến rồi cầm bút viết một mạch.

Trong bài văn, cô bé đã viết rằng: "Trước đây, tôi đã từng xấu hổ vì cảm thấy bị thiệt thòi so với người khác. Tôi không dám đối diện với những bạn cùng trang lứa vì nghĩ rằng ba mẹ mình làm những công việc thấp kém. Tôi đã từng mặc cảm tự ti như vậy đó. Nhưng khi mẹ chở tôi tới chỗ ba làm, tôi thấy ba đang cần mẫn làm việc bằng đôi bàn tay khắc khổ như thế nào. Khi mẹ đưa tôi vô chỗ mẹ làm, tôi thấy mẹ đã mệt nhọc, vất vả ra sao. Nếu không có ba, tôi đã chẳng có được một căn nhà. Một mình ba xây nên căn nhà đó. Và những ngôi nhà khác cũng vậy. Không có những người thợ hồ như ba, người ta sẽ phải ở đâu khi không thể dựng nhà?. Nếu không có những người hộ lý như mẹ, bệnh viện đã không sạch đẹp đến thế, người bệnh cảm thấy thoải mái như thế. Bác sĩ, y tá chẳng bao giờ phải động tay động chân vô mấy chuyện này đâu. Họ chỉ có việc khám, rồi sai mẹ tôi đưa bệnh nhân đi xét nghiệm. Mẹ phải đưa bệnh nhân trở về, lui cui dọn dẹp rồi lại phải đi lấy kết quả xét nghiệm. Sau đó, họ chỉ có việc tiêm thuốc, kê thuốc cho bệnh nhân. Ba mẹ tôi đã vất vả vì xã hội như thế. Nhưng có một số kẻ không có đạo đức, đã lấy nghề nghiệp của ba mẹ tôi ra để sỉ nhục, phỉ bảng, cợt nhả với con của họ. Giờ tôi lại thấy xấu hổ vì đã nhút nhát, không dám bảo vệ ba mẹ trước bọn bạn sớm hơn. Tôi nhớ đã từng đọc một câu nói trong sách Giáo dục lớp 1, cô giáo bảo với cả lớp rằng: "Không có nghề nào là thấp kém. Chỉ có kẻ lười biếng không chịu lao động mới đáng xấu hổ". Vì vậy, tôi không việc gì phải cúi đầu trước những đứa trêu chọc tôi hết. Tôi phải ngẩng cao đầu hãnh diện vì những gì ba mẹ tôi đã làm."

Bài văn của Phương khi đó đã được cô giáo đọc mẫu và nghiêm khắc nhắc nhở những đứa đã xúm nhau chọc cô trước cả lớp. Còn cô bé thì được Mười điểm tròn.

Phương Thụ

Ngày đăng: 01/12/2018
Người đăng: Pipi Tất Màu
Đăng bài
Bạn thích truyện này?

Có thể bạn thích

Nấm Linh Chi khô Điện Biên
Tôi độc thân
 

Ở một mình không cô đơn, nhớ ai đó mới cô đơn!

Tôi độc thân

 

Truyện mới cùng mục

Fanpage